Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 18, 2019

NÔM NA LÀ CHA MÁCH QUÉ - Tuệ Chương Hoàng Long Hải


       
            Tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải



NÔM NA LÀ CHA MÁCH QUÉ

Nhân dịp “Viện Việt Học” vừa cho xuất bản “Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn”
                                                     
Lời nói đầu:

Khi còn ở trong nước, tôi có định kiến với những người trẻ lớn lên ở hải ngoại. Họ học ở nhà trường Âu Mỹ, nơi có bết bao nhiêu cái hay cái đẹp để tìm hiểu. Chỉ nói riêng các nhà văn Pháp trong “Thế Kỷ Ánh Sáng” cũng quá đủ cho những ai muốn tìm hiểu về dân chủ, tự do, nhân quyền, cũng như học thuật, tư tưởng hiện đại. Ở Mỹ, đọc Jack London, ai không say mê. Còn nói tới John Steinbeck hay William Faulkner, Hernest Hemingway, những nhà văn lớn được giải Nobel, với bao nhiêu tác phẩm của họ, chỉ mới đọc thôi, cũng đủ “mệt”, nói chi tới những công trình nghiên cứu về họ, bỏ thì giờ học và nghiên cứu về họ thì coi như mất hết cả một thời mê đọc sách, nói sao cho hết. Vậy mà khi tới trại tỵ nạn, tôi suýt giật mình vì một bản tin nhỏ đăng trên tời “Diễn Đàn Tự Do” xuất bản ở Virginia, về một cô sinh viên đang chuẩn bị luận án tiến sĩ . Cô ta dự tính về Việt Nam để nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm cho luận án ấy. Dưới con mắt của Công An [], có thể họ cho rằng cô nầy chẳng nghiên cứu gì hết, chỉ là nại cái cớ để về Việt Nam với sứ mạng nào đó do CIA giao phó.
Tôi không nghĩ như vậy. Văn học cổ Việt Nam, tuy chịu ảnh hưởng văn học Tầu khá đậm nhưng không phải là không có những cái đặc sắc của nó. Thậm chí còn hay hơn cái gốc mà nó chịu ảnh hưởng.
Người Việt Nam học cổ văn, ít ra, người ấy cũng có đọc truyện Kiều. Có người mê Kiều là đằng khác. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm chữ Nôm có nguồn gốc bên Tầu viết bằng chữ Hán, nhưng truyện Kiều của tay hay quá, hay hơn truyện Kiều của Tầu nhiều lắm, coi như một biểu tượng đặc sắc của văn học Việt Nam, có thể góp mặt với các tác phẩm nổi tiếng khắp năm châu bốn biển. Trong khi đó truyện Kiều của Dư Hoài bên Tầu thì chẳng ai đánh giá cao. Tỳ Bà Hành cũng vậy. Không thiếu người “mê” Tỳ Bà Hành. Theo nhiều nhà Nho thì Tỳ Bà Hành chữ Nôm của Phan Huy Vịnh hay hơn Tỳ Bà Hành chữ Hán của Bạch Cư Dị khá xa. Thế hệ ngày nay chịu ảnh hưởng văn học Âu Mỹ khá đậm,, nhứt là văn học Pháp, không thiếu người bắt chước, mô phỏng, dịch hay “chạy” theo, cũng “dịch hạch”, cũng “nôn mửa”, cũng “phi lý” nhưng xem ra các “đệ tử” bên ta thua “sư phụ” bên Tây nhiều lắm, không như người xưa, có theo đó mà vượt qua đó. Đủ biết chúng ta cần học tổ tiên ta thêm nhiều hơn nữa, làm sao để như người xưa, vượt qua những khuôn vàng thước ngọc do người đi trước đã bày ra.
Tôi từng có cái may mắn mười năm dạy cho học trò những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tôn, Đoàn Thị Điểm, Ôn Như Hầu ở các lớp Đệ Ngũ và Đệ Tam, nên vì chén cơm mà cố tìm hiểu các tác giả nầy.
Cái đặc sác bậc nhứt trong thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “vô vi” của Lão. “Vô vi” là không làm cái gì trái với đạo Trời, với thiên nhiên: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.” Về ăn thì, mùa nào, trời cho cái gì, ăn cái đó, không bày biện phức tạp, cầu kỳ. Về chơi “Xuân tắm hồ sen hạ tám ao” thì chính là điều tự nhiên theo thiên nhiên vậy. Nguyễn Bỉnh Khiên là bậc “đạt nhân quân tử”, khi gặp thời thì giúp vua trị nước, gặp lúc nịnh thần lông hành thì cáo quan về “ngao du sơn thủy”, không vì cái công danh mà ràng buộc thân mình. Chưa kể khi nói tới Trạng Trình mà không nói tới “Sấm Trạnh Trình” thì sự thú vị mất đi nhiều lắm.
Bản tin trên tờ “Diễn Đàn Tự Do” ám ảnh tôi 15 năm, nhất là bây giờ xuất hiện nhều bài viết bàn về chữ Nôm trên các trang Web. Chữ Nôm là chữ của người Việt Nam, nhưng từ khi có chữ Quốc ngữ, các tác phẩm chữ Nôm được viết lại bằng chữ Quốc ngữ, khiến có người quên mất, tưởng như không có sự xuất hiện của chữ Nôm một thời gian dài trong lịch sử văn học nước ta. Do vậy, tôi thấy việc nghiên cứu chữ Nôm là cần thiết. Văn học chữ Nôm là một nền văn học lớn của người Việt Nam, cần tìm hiểu lại từ đầu. Đọc nó, những bài thơ như “Vua dụ Vương Tường gả cho chúa Thuyền Vu”, “Vua Trần Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ” hay bài văn Nôm đầu tiên, bài “Văn Tế Cá Sấu của Nguyễn Thuyên”… sẽ thấy rằng, cách nay cả ngàn năm mà sao văn thơ chữ Nôm hồi ấy hay như thế!!!!

                                      Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Chữ Nôm bị coi khinh?

Thân phụ tôi là người sinh ra vào năm thứ ba của thế kỷ 20 nên từ khi còn trẻ ông đã được nội tổ tôi cho học chữ Nho. Khi tôi mới lớn, khoảng những năm đầu 1940, tôi thấy ba tôi rất kính trọng chữ Nho mà ông thường gọi là “chữ của thánh hiền”. Thấy một tờ giấy có chữ Nho, dù là giấy gói những bao hương (nhang) hay tờ giấy gói trà “Thiết Quan Âm” của mấy tiệm ba Tàu, ba tôi cũng lượm lên đốt chớ không cho vào hố rác bao giờ. Sau nầy, hiểu biết lịch sử về giòng họ tôi, tôi cho việc ấy là bình thường.
Thế thì chữ Nôm, trông qua cũng giống như chữ Nho là của ai, do ai sáng tạo ra, vậy mà tôi từng nghe người ta nói, có khi được ghi lại trong sách câu “Nôm na là cha mách qué”. Gọi mách qué là có ý chê, không tôn trọng nó như “chữ của thánh hiền”. Nó không là “chữ của thánh hiền” sao?
Trong cuốn “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng, có đoạn tả khi nhà Tây Sơn cai trị, vua Quang Trung ra lệnh bắt phải dùng chữ Nôm trong văn thư chiếu biểu thì có môt sĩ phu miền Bắc, khi đọc một bố cáo của chính quyền viết bằng chữ Nôm, nói rằng: “Dốt, dốt hết! Từ vua chí quan đều dốt hết.” Ý anh ta nói rằng vì dốt nên mới dùng chữ Nôm, không dám dùng chữ Hán.
Khái Hưng, nói cho đúng hơn là vị sĩ phu miền Bắc nói trên sai rồi. Vua Quang Trung, tức Hồ Huệ, khi còn nhỏ, được cha mẹn mời thầy về dạy chữ Nho cho cả ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đấy chứ! Ông ta đâu có không biết gì về chữ Nho đâu! Tuy nhiên, một điều khá rõ là vua Quang Trung rất có tinh thần độc lập dân tộc. Ông vừa đánh cho quân Thanh một trận chạy dài, nhưng trong lòng chưa hết tức giận “loài cẩu trệ”. Ông còn muốn đòi lại Quảng Đông, Quảng Tây thì việc ông bắt dùng chữ Nôm là một phương cách để người Việt biết và giữ tinh thần độc lập, không muốn cái gì cũng phải phụ thuộc vào thiên triều.
Từ những suy nghĩ từ thời thơ ấu đó, tôi viết bài nầy nói sơ về việc hình thành chữ Nôm, tại sao chữ Nôm bị cho là “mách qué” và tôi sẽ giới thiệu vài bài thơ Nôm đầu tiên trong văn học nước ta. Quí độc giả sẽ ngạc nhiên, tại sao gần một ngàn năm trước, tổ tiên chúng ta đã có những bài thơ Nôm hay như vậy!
Gọi là Nôm là để phân biệt với Hán hoặc Nho. Hán hay Nho là chữ của người Tàu, chữ Nôm là chữ của người Việt.
Trước hết, phải nói ngay rằng tiếng Nôm là biến dạng của tiếng Nam. Chữ Nho là chữ của người Hán, người phương Bắc. Vậy thì người phương Nam cũng có chữ nghĩa riêng của họ, đó là chữ Nôm (Nam). Suy ra, sở dĩ có việc hình thành chữ Nôm là do tự ái dân tộc, tự ái về lịch sử, về cá tính dân tộc và tinh thần độc lập, cũng như sự tiện lợi, phổ biến của nó. Đọc môt bài thơ Nôm, nhiều người hiểu, có khi hiểu rất rõ hơn chữ Nho.
Khi soạn ra chữ Nôm, có lẽ người xưa nghĩ rằng tại sao người phương Bắc có chữ của họ mà người Nam không có chữ của người Nam.
Thực ra, trước hoặc sau khi tiến hành việc định cư ở đồng bằng lưu vực sông Nhị Hà, người Việt (Lạc Việt) đã có một thứ chữ riêng của họ, nay chỉ còn sót lại trong một số bản Mường, một loại chữ hình dáng như “con nòng nọc”. Trong quá trình ba lần Bắc thuộc, có lẽ thứ “chữ nòng nọc” ấy vì chính sách đồng hóa của người Tàu mà biến mất trong cộng đồng những người Việt định cư ở vùng đồng bằng và trung du. Người Mường, dòng dõi rất gần với người Việt nhưng định cư ở vùng núi, chế độ cai trị của người Tàu lơi lỏng hơn, ít ảnh hưởng hơn nên hiện nay số “chữ nòng nọc” ấy còn tồn tại ở một ít trong cộng đồng người Mường.
Như vậy thứ “chữ nòng nọc” ấy biến mất trong cộng đồng người Việt định cư ở lưu vực sông Hồng? Nếu còn, tại sao họ không phát triển thành thứ chữ đó cho người Việt mà phải mượn chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm?
Quả thật, cách viết và cách đọc chữ Nôm là bắt nguồn từ trong chữ Hán. Xin trích một đoạn sau đây của ông Nguyễn Hữu Vinh nói về nguồn gốc chữ Nôm:

“Chữ Nôm là một sáng tạo rất có ý nghĩa của tổ tiên cha ông ta. Sự xuất hiện của chữ Nôm là một sự kiện lớn đánh dấu sự tiến triển của nền văn hóa của dân tộc trong gần 2000 năm qua. Sự hình thành của chữ Nôm có thể do sự bức bách cần thiết trong việc giáo hóa dân chúng ở vào thời đại xa xưa, Văn Ða cư sĩ (1) cho rằng Nhâm Diên đã dùng chữ Nôm trong công việc giáo hóa quần chúng. Càng về sau, mỗi lần đất nước bị kẻ thù phương Bắc xâm lược thì trong những thời kỳ đó, chữ Nôm lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc chống trả ngoại xâm và xây dựng đất nước.”

Chữ Nôm bắt đầu xuất hiện dưới thời Bắc thuộc. Nhưng Bắc thuộc trải qua ba thời kỳ: Lần thứ nhất từ 111 trước Tây lịch đến năm 39 sau Tây lịch; lần thứ hai từ năm 43 sau Tây lịch đến năm 544; lần thứ ba từ 603 đến 939. Cuộc đô hộ kéo dài cả ngàn năm nên làm sao biết chữ Nôm hình thành năm nào, khoảng nào?
Sử ghi rằng:
. Bố Cái Đại Vương (791).
Năm Tân Tỵ (791) quan đô hộ là Cao Chính Bình bắt dân đóng sưu thuế nặng quá, lòng người oán-giận. Khi bấy giờ ở quận Đường-lâm (bây giờ là làng Cam-lâm, huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây) có người tên là Phùng Hưng nổi lên đem quân về phá phủ Đô-hộ. Cao Chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ thành, được mấy tháng thì mất. Quân-sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An lên nối nghiệp. Dân ái-mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn lên là Bố-Cái Đại-Vương, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
(Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim- Q. 1 tr. 60)

Ở đoạn trích dẫn nói trên, Trần Trọng Kim giải thích chữ bố là cha, chữ cái là mẹ (1). Cả hai chữ nầy đều là chữ Nôm. Nhiều sách cũng giải thích như thế để chứng minh rằng chữ Nôm đã xuất hiện từ trước đời Phùng Hưng.

Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim lại chép:
“Năm mậu thìn (968), Vạn-Thắng-Vương lên ngôi hoàng-đế, tức là Tiên-Hoàng đế, đặt quốc-hiệu là Đại-Cồ-Việt, đóng đô ở Hoa-Lư….”
Trong tên nước Đại-Cồ-Việt, chử “Cồ” là chữ Nôm. Do đó, bài của ông Nguyễn Hữu Vinh có đoạn: “Có người căn cứ trên ba chữ Ðại-Cồ-Việt để cho rằng Nôm có từ thời Ðinh Tiên Hoàng.”
Ông Đào Duy Anh thì cho rằng chữ Nôm hình thành vào thời kỳ “Họ Khúc dấy nghiệp”.
Trần Trọng Kim chép công nghiệp của Khúc (Thừa Dụ) như sau:
“Ở Giao-châu, bấy giờ có người họ Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng-Châu (thuộc địa-hạt Bình-Giang và Ninh-Giang ở Hải-Dương). Khúc Thừa Dụ vốn là người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều ngưới kính-phục. Năm bính-dần (906) đời vua Chiêu-Tuyên nhà Đường, nhân khi trong châu có loạn, chúng cử ông ấy làm Tiết-Độ-Sứ, cai-trị Giao-Châu. Nhà Đường bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy làm Tỉnh Hải Tiết-Độ-Sứ và gia-phong Đồng-Bình Chương Sự.”

Bửu Cầm chủ trương “chữ Nôm xuất hiện sau thời Sĩ Nhiếp và phát triển mạnh mẽ vào thời Trần”.
Nhìn chung, người ta có thể kết luận rằng chữ Nôm hình thành vào thời Bắc thuộc và phát triển vào đời Trần.
Theo tài liệu văn học, đặc biệt trong hai cuốn “Thi Văn Việt Nam” của Hoàng Xuân Hãn và “Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển” có ghi lại những bài thơ Nôm đầu tiên của văn học nước ta.
Những bài nầy được gom trong cuốn sách nhan là “Nghĩa Sĩ Truyện” có các bai thơ văn đặc biệt như sau:
Bài “Vua dụ Vương Tường gả cho chúa Thuyền Vu.”
Bài họa của Vương Tường.
Bài “Vua Trần Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ”
Bài họa của Nguyễn Biểu
Bài “Bữa tiệc đầu người” của Nguyễn Biểu
Bài kệ của sư chùa Yên Quốc tế Nguyễn Biểu khi Nguyễn Biểu bị giặc giết ở chân cầu ngôi chùa nầy.
Còn một bài nữa là bài văn tế Cá Sấu của Nguyễn Thuyên sau đổi là Hàn Thuyên đọc trong buổi tế trên sông Nhị để đuổi cá sấu đi. Tôi không rõ bài nầy trích ở sách nào vì trong Nghĩa Sĩ Truyện chỉ chép có 5 bài nói trên mà thôi.
Giáo sư Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam Văn Học Sử Yếu”, ghi nhận như sau:
Hàn Thuyên – A)- tiểu truyện – Ông vốn họ Nguyễn, người huyện Thanh Lâm (nay là phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đậu Thái Học Sinh đời Trần Thái Tôn ((1225-1257)
“Theo lời sử chép (Cm9.7. tr 25a) mùa thu tháng tám 1282 (Trần Nhân Tôn - Thiệu Bảo thứ 5), ông đương làm binh bộ thượng thư, có ngạc ngư (cá sấu) đến sông Phú Lương (tức sông Nhị Hà). Vua sai ông làm bài văn vất xuống sông. Cá sấu tự đi.
Vua cho việc ấy giống việc Hàn Dũ bên Tầu, nên cho ông đổi họ Hàn.
“Bài văn ném xuống sông để đuổi cá sấu nầy, sử không chép rõ là viết theo thể văn nào và làm bằng Hán va hay Việt văn (chữ Nôm - tg), vậy ta cũng không nên vội cho là bài văn viết bằng tiếng Nôm. Chỉ khi nào tìm thấy nguyên văn bài ấy mới giải quyết được vấn đề nầy, mà hiện nay bài ấy không thấy chép ở sách nào cả.”
(VNVHSY –DQH trang 222)

Với sự dè dặt của người viết sử, giáo sư Dương Quảng Hàm viết như trên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên là bài văn Nôm. Nó mở ra thời kỳ văn Nôm trong văn học nước ta. Vai trò ấy của bài văn tế cá sấu rất quan trọng vì thời kỳ trước đó cho đến thời bấy giờ, văn Nôm chỉ xuất hiện trong giói trà dư tửu hậu mà thôi, có nghĩa là chỉ dùng để tiêu khiền. Nay, nếu nhà vua cho dùng văn Nôm trong một bài văn chính thức của triều đình, dù chỉ là một bài văn tế cá sấu, thì vai trò của văn Nôm được nâng cao nhiều lắm, lên hàng chính thức, nhất là khi người ta cho rằng chính nhờ bài văn ấy mà cá sấu đã bỏ đi. Đó cũng là một trong những cái cớ lý do làm cho văn Nôm, kể từ đời Trần phát triển hơn.
Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, giáo sư Dương Quảng Hàm viết:
“Các tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Nôm (đời Trần)
“Trong đơi nhà Trần, cứ theo sử chép thì ngươi đồng thời với Hàn Thuyên bắt chước ông làm thơ Quốc Âm (chữ Nôm – tg) nhiều. Sau đời ông, chắc cũng có nhiều nhà theo gương ông trứ tác nữa
 (VNVHSY trang 292)

(Trong bài tiếp, tôi sẽ trích dẫn và giải thích các bài thơ Nôm đầu tiên trong văn học chữ Nôm)

                                             Tuệ Chương Hoàng Long Hải

..........

(1) Có người giải thích tiếng cái không có nghĩa là mẹ mà cái là lớn như sông cái, ngón tay cái, v.v… Tiếng cái nầy bắt nguồn từ tiếng Mã Lai.
Bài đọc thêm:
        Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa
        Trong lịch sử Trung Quốc có bốn người con gái được mệnh danh là tứ đại mỹ nhân có sắc đẹp làm khuynh đảo cả một đất nước, thay đổi cả lịch sử. Nhan sắc của họ được ca ngợi là “lạc nhạn” (chim nhạn sa xuống đất), “trầm ngư” (cá chìm sâu dưới nước), “bế nguyệt” (mặt trăng phải giấu mình) và “tu hoa” (khiến hoa phải xấu hổ).
        Theo thứ tự thời gian, bốn người đó là:
        Đại mỹ nhân trầm ngư là Tây Thi. Thời Xuân Thu, khoảng thế kỷ 7-thế kỷ 6 TCN.
        Đại mỹ nhân lạc nhạn là Vương Chiêu Quân. Thời nhà Tây Hán, khoảng thế kỷ 1 TCN.
        Đại mỹ nhân bế nguyệt là Điêu Thuyền. Thời Tam Quốc, khoảng thế kỷ thứ 3.
        Đại mỹ nhân tu hoa là Dương Quý Phi. Thời nhà Đường, 719-756.
        Chiêu Quân tên là Vương Tường, nên cũng được gọi là Vương Chiêu Quân. Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận, nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời vua Hán Nguyên Đế (49 TCN-33 TCN). Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt vua và vẫn chỉ là một cung nữ.
        Năm 33 TCN, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán, một phần trong hệ thống triều cống giữa nhà Hán và Hung Nô. Ông này nắm lấy cơ hội để đề nghị được trở thành con rể của vua Nguyên Đế. Thay vì gả cưới một công chúa cho thiền vu thì Hô Hàn Tà đã được ban cho 5 cung nữ từ hậu cung, một trong số này là Vương Chiêu Quân.
        Theo một câu chuyện trong Hậu Hán Thư thì Vương Chiêu Quân đã tình nguyện theo thiền vu này. Khi được vời đến triều đình thì vẻ đẹp của Chiêu Quân đã làm cho Nguyên Đế sững sờ và muốn thay đổi quyết định của chính mình.
        Chiêu Quân trở thành người vợ được yêu quý của Hô Hàn Tà, được phong là Ninh Hồ Yên Chi. Họ sinh được hai người con trai, chỉ một trong số đó sống sót với tên gọi là Y Chư Trí Nha Sư và một người con gái, tên là Vân, sau này là một nhân vật đầy quyền lực trong hệ thống chính trị của Hung Nô. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành vợ của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề - con trai lớn của Hô Hàn Tà. Trong cuộc hôn nhân mới này nàng có hai người con gái. Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại “Thanh Trủng”, mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.
        Hòa bình giữa nhà Hán và Hung Nô đã được kéo dài trên 60 năm, tuy nhiên, sau này người ta đã không còn biết gì về các hậu duệ của Chiêu Quân.
        Kể từ thế kỷ 3 trở đi thì câu chuyện về Chiêu Quân đã được phóng tác nên như là hình tượng của một nhân vật nữ đầy bi thương trong nhiều tác phẩm thơ ca hay kịch, chẳng hạn như của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Quách Mậu Thiến, Mã Trí Viễn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Tiễn Bá Tán v.v.
        Câu chuyện về Chiêu Quân được gọi Chiêu Quân Cống Hồ trở thành một điển tích. Tồn tại nhiều dị bản, trong đó có nhiều chi tiết còn mâu thuẫn. Nổi tiếng hơn cả là bản kể theo những tài tiệu của nhà sử học Ngô Quân (469-520).
        Vì số cung phi trong hậu cung của vua Nguyên Đế quá đông, nên nhà vua ra lệnh cho các họa sĩ phải vẽ hình các cung phi để nhà vua chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong vua để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho họa sĩ là Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.
        Một hôm hoàng hậu tình cờ biết tới Chiêu Quân qua tiếng đàn lâm ly ai oán của nàng. Bà đưa Chiêu Quân tới gặp Hán Nguyên Đế. Hán Nguyên Đế ngỡ ngàng vì sắc đẹp của nàng, phong Chiêu Quân làm Tây phi. Mao Diên Thọ bị khiển trách nặng nề.
        Thời bấy giờ Hung Nô là nước lân bang thường xuyên mang quân sang quấy nhiễu. Mao Diên Thọ bị Hán Nguyên Đế quở trách, đem lòng oán hận Chiêu Quân, lấy chân dung Chiêu Quân nạp cho thiền vu (vua) Hung Nô là Hô Hàn Tà. Vua Hung Nô say đắm sắc đẹp của nàng, cất quân sang đánh, buộc Hán Nguyên Đế phải cống nạp Chiêu Quân thì mới bãi binh. Hán Nguyên Đế đành phải đem Chiêu Quân sang cho Hung Nô. Điểm này không khớp với lịch sử Hung Nô, do từ thời Hô Hàn Tà thì các thiền vu đã chịu nộp cống phẩm cho nhà Hán.
        Truyền thuyết “Chiêu quân xuất tái”, (Đi đến biên cương) nói rằng, khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn “Xuất tái khúc”. Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Từ “lạc nhạn” trong câu “Trầm ngư lạc nhạn” do đó mà có.
        Khi qua Nhạn Môn Quan, cửa ải cuối cùng, Chiêu Quân được cho là đã cảm tác nhiều bài thơ rất cảm động. Tiếng đàn của Chiêu Quân ở Nhạn Môn Quan trở thành điển tích Hồ Cầm.
        Ngôi làng quê hương của nàng ngày nay mang tên là làng Chiêu Quân. Dòng suối, nơi tương truyền nàng từng ra giặt vải trước khi được tuyển vào hoàng cung, được đặt tên là Hương Khê (suối thơm) để tưởng nhớ nàng. Trong miền Nội Mông Cổ có hai địa điểm được cho là mộ của Chiêu Quân, một gần Hohhot và một gần Bao Đầu, cả hai đều xanh ngắt cỏ tươi, nên đều được gọi là Thanh Trủng (mồ xanh).
                                                            (Theo Wikipedia)

No comments: