Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 27, 2019

ĐỌC “KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG Châu Thạch


 
    Nhà thơ Trương Đình Phượng


KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY…

1.
suỵt .im lặng.
không khóc ở đây
2.
ngủ quên rồi những miền não bộ
hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ.
sáng hôm nay
tôi đã thấy những màu hoa đột tử
trên ngọn đồi có ngôi nhà hoang phế
đan dày rêu mưa
3.
suỵt. im lặng.
không khóc ở đây
đã đến lúc một cộng một chẳng bằng hai
mà bằng ba hay bốn hoặc vô hạn
kiếp người.
người lao công già vừa đem đi những quan tài chứa đầy linh hồn rác thải
cùng xác một con chuột bị cán nát đêm qua
phố trở lạnh
những thằng bé đựng giấc mơ ấm vào tà áo mỏng tanh
cơn gió bấc thốc ngang khe sườn
gầy rược
cướp đoạt hình hài hi vọng.
suỵt
không khóc
ở đây.
4.
hãy để yên tôi xây những nấm mồ
đời chúng ta sầu hơn những phố hoang.

                           Trương Đình Phượng


   
         Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG

Có phải đây là một bài thơ gọi là thơ hậu hiện đại hay không tôi không biết. Tuy thế nếu nó là một bài thơ thuộc loại hậu hiện đại thì tôi hoan hô nó bằng hai tay. Tất nhiên tôi không hiểu hết bài thơ nhưng tôi đã bật khóc khi đọc nó. Chỉ vào khổ thơ 1. “Suỵt. Yên lặng. Không khóc ở đây” tôi đã hình dung được những con người nhòe nước mắt và khóc nghẹn ngào trong cổ họng.
Cấm khóc ở đây là một mênh lệnh khắc nghiệt và vô nhân đạo nhất ở đời nầy.
Cười thì còn cấm được vì tiếng cười biểu lộ sự hân hoan, dầu có bị kềm chế cũng không làm cho ai đau khổ. Nhưng tiếng khóc thì khác.
Tiếng khóc biểu lộ sự đau khổ mà cấm thì nó sẽ xé lòng. Nhà tan cửa nát, cha chết, mẹ chết, vợ chết, con chết, nếu bị cấm khóc hay đuổi đi chổ khác mới khóc là một sự cưởng bức dồn nén niềm đau và buộc người ta nuốt lệ vào lòng. Ai cúng biết rằng như thế nỗi đau khổ khi bị cưởng chế sẽ tăng lên vạn lần. Tất nhiên người ra lệnh có cái lý của họ nhưng chắc chắn đây là “lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”.

Bởi lý kẻ mạnh bao giờ củng thắng cho nên phía sau cái cái lệnh là sự phẩn uất, là ngọn lửa phản kháng âm ỉ cháy. Nếu “Suỵt. Im lặng. Không khóc ở đây” chẳng phải là lệnh của kẻ bạo ngược thì nó còn bi thảm hơn nữa, vì nó là sự khiếp sợ đến nổi không dám khóc ở đây của người yếu thế.
Vậy thi ai bị cấm khóc? Có rồi. Đó là kẻ tưởng mình đã chết đi tri giác ở khổ thơ 2:


2.
ngủ quên rồi những miền não bộ
hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ.
sáng hôm nay
tôi đã thấy những màu hoa đột tử
trên ngọn đồi có ngôi nhà hoang phế
đan dày rêu mưa

Người tưởng rằng mình đã “ngủ quên rồi những miền não bộ” nhưng thật ra chưa ngủ quên bao giờ. Vì nếu đã ngủ quên thì không bao giờ thốt lên lời nói “hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ”.
Người ấy còn thấy “những màu hoa đột tử” chớ không phải hoa đột tử.
Những màu hoa là sắc thái của cái đẹp, là đạo đức, là văn hóa, là luân lý, là tình người, tất cả những thứ ấy đẹp như những màu hoa đã được chứng kiến sự đôt tử của nó. Và ngôi nhà trên ngọn đồi bị hoang phế: Đó là ngôi nhà lý tưởng của xã hội, của cuộc đời nay đã trở thành hoang phế. Đó là ngôi nhà đại diện cho một thuở vàng son của hanh phúc nay trở nên hoang vắng.

Nhà thơ tưởng mình “ngủ quên những miền não bộ” nhưng không đâu, vì nhà thơ còn suy tư, còn thấy hoa đột tử, còn thấy ngôi nhà ở rất xa trên tận ngọn đồi thì nhà thơ vẫn còn tỉnh táo. Cái ngủ trong thơ chẳng qua như con hổ của Thế Lữ lim dim nằm trong củi sắt, buồn bực khi thấy mình như “làm trò lạ mắt thứ đồ chơi”.

Qua khổ thơ thứ 3 “Suỵt, im lặng. Không khóc ở đây” mới thật sự là lời khiếp sợ của người thất thế. Tiếng “suỵt” bây giờ giống như tiếng suỵt khi bàn tay mẹ bịt miệng con trẻ mình lúc địch đang vây quanh tìm kiếm. Đây là chữ suỵt của kẻ bị bức bách phải câm miệng lại, vì nếu nói ra thì tai họa lớn sẽ đổ trên đầu. Rồi sau tiếng suỵt là tiếng thì thầm trong bóng tối:

3.
suỵt. im lặng.
không khóc ở đây
đã đến lúc một cộng một chẳng bằng hai
mà bằng ba hay bốn hoặc vô hạn
kiếp người.
người lao công già vừa đem đi những quan tài chứa đầy linh hồn rác thải
cùng xác một con chuột bị cán nát đêm qua
phố trở lạnh
những thằng bé đựng giấc mơ ấm vào tà áo mỏng tanh
cơn gió bấc thốc ngang khe sườn
gầy rược
cướp đoạt hình hài hi vọng.
suỵt
không khóc
ở đây.

Trong khổ thơ nầy ta thấy con người đã bất lực, họ đầu hàng số phận khi chấp nhận một cọng một không thành hai mà thành bao nhiêu cũng được, kể cả vô hạn kiếp người. Điều đó có nghĩa là, họ chấp nhận mọi điều sai trật, dầu phải chịu đựng điều sai trật đó trãi qua bao nhiêu thế hệ. Họ chấp nhận sự gian dối. Họ chấp nhận sự láo khoét. Họ chấp nhận sự bất công. Tất cả kéo dài triền miên trong cuộc sống của họ.
Vì sao như thế? Bởi vì họ đã thấy biết bao linh hồn người đã trở thành rác thải đựng chung trong một quan tài với xác chết của chuột. Bởi vì những đứa bé phải dấu cả giấc mơ vào phía sau vạt áo mỏng nhưng cũng bị bạo lực như cơn gió cướp mất. Tất cả nhưng điều đó là một cơn đại nạn của sa-tan đem đến cho họ, làm họ khiếp sợ đến độ tự mình câm miệng lại, không dám khóc tại nơi xảy ra sự cố.

Và cuối cùng nhà thơ xin nhận mình làm người đi xây mộ. Đó là con người đã đau khổ vì tự nguyện bịt miệng mình khi chôn cả hồn thơ nghĩa là chôn tiếng nói của lương tâm, nay lại phải làm người cô dơn nhất, vì phải sống mà đi chôn đồng loại của mình:

4.
hãy để yên tôi xây những nấm mồ
đời chúng ta sầu hơn những phố hoang.

Trên trang facebook của Trương Đình Phương, nhà thơ có than thở rằng thiên hạ ném đá anh nhiều quá. Có lẽ nhà thơ bị ném đá vì những bài thơ như trên đây. Tôi muốn chép lại lời bình luận của tôi cho lời than thở đó để khép lại bài viết nầy:

Đang đi qua khu làng nuôi chó
Chó sủa om sòm thì quay lại ư?
Dầu chó gâu, chó sủa, chó gừ
Đường vẫn đó không là đường của chó.

                                                                     Châu Thạch

No comments: