Nhà thơ Trần thị Quỳnh Hoa |
HẠNH NGUYỆN
Cảm nhận của Lê Liên về bài thơ CÓ MỘT NGÀY của Trần Thị Quỳnh Hoa.
CÓ MỘT NGÀY
Có một ngày bỗng muốn tìm quên
Bỏ lại sau lưng mặt người nhiều lớp
Ta về lại rong chơi miền thơ ấu
Để tiếng hồn nhiên mơn trớn trái tim khô
Có một ngày bỗng hóa trẻ thơ
Cứ chạy tung tăng, lò cò như thưở nhỏ
Rồi cười vang giữa trời lộng gió
Ai cau mày, ai nhếch miệng...ta cứ ngu ngơ...
Có một ngày bỗng thấy mình điên
Gom hết niềm tin cược vào cuộc sống
Cười với thị phi
Thương lời cay đắng
Yêu chiếc lá trên cành, mùa đón mùa tự tại an nhiên.
Có một ngày giữa chợ đời đong đếm
Ta, kẻ khờ ngắm cảnh lao xao
Ừ! Thì vậy
Giữa lòng người trần trụi
Thà điên một chút còn hơn tỉnh buồn đau.
Trần Thị Quỳnh Hoa
04.06.2017
Tác giả Lê Liên |
Tôi vẫn hay nuối tiếc vì không có thời gian dành cho thi ca,
nhưng tự an ủi vì cũng có chút duyên lành, được đọc vài bài thơ của những Nữ
thi sỹ mà tôi yêu mến, trong đó có thơ Quỳnh Hoa, từ Lục bát, đến Tự do và cả
Đường thi nữa.
Mỗi bài thơ của Quỳnh Hoa đều mang một thông điệp về tình yêu
cuộc sống, rất nhẹ nhàng, rất nhân bản …mà tác giả gởi đến cho mọi người.
Với bài thơ : CÓ MỘT NGÀY của em, tôi bỗng thấy chừng như tác
giả đã nói lên " Hạnh Nguyện " của nhiều người, trong đó có tôi.
“Có một ngày bỗng muốn tìm quên
Bỏ lại sau lưng mặt người nhiều lớp”
Thật vậy, khi bước vào lứa tuổi thích ô mai, tôi tình cờ nghe
một anh Tráng sinh (Hướng Đạo) nhắc đến một khái niệm về Cuộc đời “Cuộc Đời là
sân khấu lớn! Và mỗi chúng ta đều là những diễn viên, trên sàn diễn đó…”
Thế là tôi tập quan sát mọi người chung quanh mình “diễn” như
thế nào (?) trong thinh lặng, vì tôi không cho phép mình xét đoán người khác,
hơn nữa lúc đó tôi còn non dại lắm, rất ngại nói lên chính kiến của mình.
Tôi nhớ lại khi còn rất nhỏ, lâu lâu có đòan Hát Bội về làng,
tôi được theo Ba của tôi đi xem tuồng tích.
Mỗi khi có người mới xuất hiện trên sân khấu, chỉ cần nhìn
khuôn mặt hóa trang của họ, là Ba tôi nói ngay vai Nịnh, vai Trung, vai già,
vai trẻ…. (Trong khuông khổ bài viết này, tôi xin phép không đi sâu vào chuyên
môn, kỹ thuật hóa trang của hát Tuồng). Lúc đó con bé tôi đây, cảm thấy thú vị
làm sao (!) khi qua những lớp phấn màu thôi, mà Ba của tôi nói trúng phóc tính
cách nhân vật rồi!
Quả thật ngày đó, trong trí óc non nớt của mình, tôi nhận ra
ngoài đời có quá nhiều lớp mặt nạ: Thiện, Ác trong mỗi con người, khiến tôi
hoang mang, hoài nghi và trở nên e dè, thận trọng!
Có khi tôi kinh ngạc, ghê tởm rồi xót xa vì cái mặt nạ Ác (bởi
tôi đau lòng khi chạm phải cái ác, tôi không thích nó tí nào!)
Có khi tôi ngưỡng mộ, xúc động với chiếc mặt nạ Thiện.
Nên cũng nhiều lần tôi thấm thía câu tục ngữ “Đừng trông mặt
mà bắt hình dong”.
Và tôi tán dương câu thơ của Quỳnh Hoa:
“Bỏ lại sau lưng mặt người nhiều lớp”.
Vâng! Tại sao không, nhỉ? Cớ chi làm chật chội cái đầu của
mình, bởi mặt nạ nhiều lớp của thiên hạ kia chứ? Chẳng lành chút nào!
Rồi,
Bỗng một ngày tôi học được từ Cavett Rober: “Cuộc đời tựa như
một Viên Đá, Chính bạn là Người quyết định để viên đá ấy bám rong rêu hay trở
thành VIÊN NGỌC SÁNG.”
Thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng trở thành Viên Ngọc Sáng
vì nhiều lẽ khác nhau…
Và Quỳnh Hoa đã tìm ra giải pháp: Tìm quên, Về lại, … để trở
thành Viên Ngọc Sáng.
“Ta về lại rong chơi miền thơ ấu
Để tiếng hồn nhiên mơn trớn trái tim khô”
(Thơ TTQH)
“Trái tim khô” phải chăng nó chai lỳ, không còn nhựa sống? Vậy
để có một trái tim tràn đầy năng lượng yêu thương sau biết bao thăng trầm, cay
đắng, khổ đau…trong đời sống, hẵn phải là cả một quá trình Tu -Tập - Hạnh - Bồ
- Tát thì mới “mơn trớn được trái tim khô”, bạn nhỉ?
Để “Ngộ” ra điều trên cần có cả tấm lòng quảng đại với tha
nhân, bao dung với chính mình.
Lòng tôi nao nao đọc thêm đoạn thơ này:
“Có một ngày bỗng hóa trẻ thơ
Cứ chạy tung tăng, lò cò như thưở nhỏ
Rồi cười vang giữa trời lộng gió
Ai cau mày, ai nhếch miệng... ta cứ ngu ngơ”...
(thơ TTQH)
“Nhân chi sơ, tính bổn thiện” là tư tưởng của Đức Khổng Tử được
đưa vào Tam Tự Kinh, để làm nền tảng cho Nho Giáo.
Ngẫm lại,
Ngài thật thấu đáo khi nhìn nhận về con người không bằng đôi
mắt khắt khe xác thịt, mà bằng cảm nhận của trái tim nhân hậu, với tâm hồn
thanh cao, khi kỳ vọng về nhân cách con người
Phải chăng cuộc đời đã nhào nặng “tính bổn thiện” của con người
thành quỷ dữ, nhưng mang mặt nạ của người hiền lương? Hoặc vì một lý do nào đó
mà sắm vai ngược lại?
Phải chăng, Sau bao tang thương, thăng trầm của đời sống, ai
ai rồi cũng muốn quay về với "tính bổn thiện" của mình?
Các bạn có biết không?
** Tôi đã dấu trong lòng tôi những câu Kinh Thánh của
Ma-Thi-Ơ (18: 3, 4)
3.“Quả thật tôi nói với anh em, nếu anh em không quay trở lại,
và trở nên như con trẻ, thì không thể vào được Nước Trời.
4. Vì vậy, hễ ai khiêm nhường, xem mình như đứa trẻ này thì sẽ
là người lớn nhất trong Nước Trời”.
Chúa Thật tuyệt vời, phải không ? Và tôi khát khao làm Con,
Con Trẻ của Ngài trên Nước Thiên Đàng. Tôi thật sự hân hoan khi nghĩ đến
điều này.
** Tôi cũng yêu thích tác phẩm “ Đường Xưa Mây Trắng” của Thiền
Sư Thích Nhất Hạnh. Sư Ông kể rằng Đức Phật rất yêu quý trẻ con. Trên con đường
Tu Đạo của Ngài, Trẻ con luôn được ưu tiên tiếp xúc với Phật, Ngài rất Ưu ái,
còn trẻ con thì rất tự nhiên, phước hạnh khi đến với Ngài.
.
Chia sẻ tới đây, hẵn chúng ta đã có câu trả lời tại sao chúng
ta nên “Cải lão hoàn đồng” như Quỳnh Hoa rồi, phải không ạ ?!
Và này,
Tôi càng cảm thấy rộn ràng hơn nữa khi đọc:
“Có một ngày bỗng hóa trẻ thơ
Cứ chạy tung tăng, lò cò như thưở nhỏ
Rồi cười vang giữa trời lộng gió
Ai cau mày, ai nhếch miệng...ta cứ ngu ngơ”...
(Thơ TTQH)
Tôi lại nhớ đến trò chơi dân gian “LÒ CÒ ” mà hầu hết thế hệ
chúng tôi, ít nhiều đều đã từng chơi, mà không hiểu trong đó chứa đựng sâu xa một
triết-lý-sống! Bạn đã nhớ ra trò chơi này chưa, hở bạn ?
Vậy, liên hệ lại giữa trò chơi này với hiện thực cuộc sống, tất
cả những gì chúng ta có trong cuộc đời này đều phải tuân theo một quy tắc, đánh
đổi bằng cả tâm sức của mình, rồi phải dám vượt ra khỏi phạm vi an toàn, chấp
nhận may rủi thì mới dành được quyền sở hữu nào đó.
Tôi yêu khổ thơ có trò chơi “lò Cò” này lắm lắm! Nó cho tôi
hòa âm trong trẻo của tiếng cười trẻ thơ, hồn nhiên vang trong gió lộng, bay khắp
cả bầu Trời.
Nó giàu hình tượng lắm! “Cau mày, nhếch miệng… ta cứ ngu ngơ”.
Ôi! Thần thái “ngu ngơ” này sao mà đáng yêu thế!
Tâm thái này chỉ đạt được khi ta thực sự buông bỏ, phá chấp mới
có được thôi.
“Có một ngày bỗng thấy mình điên
Gom hết niềm tin cược vào cuộc sống
Cười với thị phi
Thương lời cay đắng
Yêu chiếc lá trên cành, mùa đón mùa tự tại an nhiên.
(thơ TTQH)
Tôi đang tự hỏi sao Quỳnh Hoa lại “...bỗng thấy mình điên”?
Người điên đâu biết mình điên? Vì thế giới nội tâm của họ khác với mọi người!
Tôi chẳng thấy tác giả điên, mà tôi thấy tác giả rất dũng cảm
ấy chứ! Khi con người có sức mạnh nội tại, sẽ biết trân quý giá trị bản thân và
cuộc sống, mới viết được điều này.
Muốn thay đổi thì phải đánh đổi và chấp nhận hy sinh. … Chẳng
dễ dàng gì khi ta buông bỏ tất cả những gì thuộc về bản ngã, để rồi muốn
“đặt cược niềm tin” vào sự hướng thiện:
Bàng quan với thị phi, chẳng những miễn chấp mà thương cả lời
cay đắng… một khi ta hiểu tất cả rồi cũng thuận theo vòng tuần hoàn tự nhiên:
lá xanh rồi sẽ rụng vàng … ta sẽ rất đỗi an nhiên, rất đỗi tự tại.
“Có một ngày bỗng thấy mình điên
Gom hết niềm tin cược vào cuộc sống
Cười với thị phi
Thương lời cay đắng
Yêu chiếc lá trên cành, mùa đón mùa tự tại an nhiên.
“Có một ngày giữa chợ đời đong đếm
Ta, kẻ khờ ngắm cảnh lao xao
Ừ! Thì vậy
Giữa lòng người trần trụi
Thà điên một chút còn hơn tỉnh buồn đau”
(thơ TTQH)
Liên kết hai khổ thơ trên tôi lại nhớ đến “Thập Mục Ngưu Đồ”
trong Thiền Tông, được Đại Lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch lại, qua từng khổ
thơ, qua từng bức tranh. Và đây là bức tranh thứ mười: “Thõng Tay Vào Chợ” của
Thầy:
"....Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành".
Qua "Thập Mục Ngưu Đồ" của Thầy Thích Thanh Từ.
Tôi cảm nhận bài thơ "Có một ngày " của Quỳnh Hoa với tự thức
mới. Tích cực hơn.
Tôi thấy mình có duyên lành và biết ơn thầy Thích Thanh Từ
rất nhiều.
Lạ chưa? Đến với tứ thơ cuối cùng này, tác giả không kết
thúc, mà đã mở toang thế - giới - quan của mình ra. Không ngu muội, không đố kỵ,
cũng không bàng quan, mà với tâm thế “Phá Chấp” theo lẽ vô thường.
Bài thơ CÓ MỘT NGÀY cô đọng chỉ vài câu, với thi phong trong
sáng, lại chẳng cho ta biết THỜI ĐIỂM nào là chính xác “có một ngày” đó cả…
Nhưng nó không mơ hồ, mà đủ chau chuốt “niềm tin” về “tính bổn thiện” lại còn
“hướng thượng” nữa! Rất tuyệt vời!
Cảm ơn Quỳnh Hoa, bạn từng là “Viên Sỏi Nhỏ” của Hạt Mưa Nhỏ
tôi đây, trong một bài thơ rất xưa ở trang Đất Đứng (Tây Ninh). Bây giờ bạn là
Viên Ngọc Sáng. Ánh sáng dịu mát, Tỏa-Ấm-Tình-Người qua bài thơ “Có Một Ngày”
mà tôi tình cờ cất giữ trong trái tim mình.
Lê Liên xin cảm ơn và tin rằng quý thi hữu chúng mình cũng
yêu thích bài thơ đậm chất Thiền này của Quỳnh Hoa.
Lê Liên
ĐàLạt, cuối tháng 7.2019.
No comments:
Post a Comment