Tác giả Hoàng Đằng
“CON
GÁI RƯỢU”
Tạp bút của Hoàng Đằng
Trước đây, do đặc thù của công việc mưu sinh, tôi ít
có cơ hội tiếp xúc với nhiều giới trong cộng đồng. Giai đoạn về già, tôi may mắn
sống giữa bà con, xóm giềng – người già có, người trẻ có, người lăn lộn với
công việc đầu tắt mặt tối có, người ăn không ngồi rồi sáng chiều cờ bạc rượu
chè có, người lựa lời ăn tiếng nói có, người bỗ bã ăn ngang nói ngược có … Nhờ
môi trường sống đó, tôi thường nghe được cụm từ “con gái rượu” hay “thằng cu
rượu”.
Tôi không biết hai cụm từ ấy xuất hiện lúc nào, tôi
tìm qua google, không thấy ai giải thích nguồn gốc cụm từ “thằng cu rượu”, chỉ thấy cụm từ “con gái rượu” được Atabook.com cập nhật ngày 24/3/2019 giải thích
như sau:
“Con
gái rượu chính là biến thể của nữ nhi tửu”. Sách Nam Phương
thảo mộc trạng do Kê Hàm viết vào năm 304 có chép lại rằng nữ nhi tửu là loại
rượu phải có ở những nhà giàu có sinh con gái, hoặc gả con gái.
Tập tục này bắt nguồn từ một câu chuyện được truyền miệng
như sau: Ở vùng Thiệu Hưng (Trung Quốc) xưa kia có một vị viên ngoại hiếm muộn,
rất mong mỏi có con nối dõi. Sau nhiều nỗ lực chạy chữa khắp nơi, cuối cùng vị
viên ngoại cũng toại nguyện khi vợ có thai. Ông vui mừng thông báo khắp nơi đồng
thời ủ trước hơn 20 vò rượu, đợi sau này khi em bé ra đời tròn 1 tháng tuổi sẽ
thết đãi bà con, bè bạn. Rồi vợ của vị viên ngoại cũng hạ sinh một bé gái kháu
khỉnh. Sau bữa tiệc xuống tóc chiêu đãi khách theo tập tục của địa phương khi
em bé tròn 1 tháng tuổi (một kiểu cúng đầy tháng ở Việt Nam - ATABOOK), vị viên
ngoại đã đếm lại những vò rượu chưa mở nắp, bỏ đi thì tiếc nên ông cho chôn dưới
cây hoa mộc.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô con gái càng lớn
càng thông minh, xinh đẹp. 18 năm sau, khi cô con gái tới tuổi cập kê, vị viên
ngoại đã gả con gái cho con của một vị ân nhân. Vào ngày cưới của con gái, đang
lúc chủ khách uống rượu vui vẻ, rượu đã dần cạn mà vẫn chưa thỏa, vị viên ngoại
sực nhớ đến những vò rượu đã chôn dưới gốc cây hoa mộc năm xưa. Ông bèn cho đào
lên đãi khách. Thật kỳ diệu là những vò rượu này tỏa ra hương thơm ngào ngạt,
màu sắc óng ánh, vị nồng, uống rất ngon khiến ai nấy đều tranh nhau thưởng thức.
Trên bàn tiệc, một vị thi sĩ xuất khẩu thành thi: “địa mai Nữ nhi hồng, khuê các xuất tiên đồng” khiến tất cả những
ai có mặt đều vỗ tay tán thưởng khen hay. Thế là mọi người đều gọi rượu này là
rượu nữ nhi hồng hay nữ nhi tửu.
Vốn là vùng sản xuất rượu nổi tiếng, người dân Thiệu
Hưng từ đó về sau bắt đầu học theo cách của vị viên ngoại nọ, lúc sinh con gái
thì ủ rượu chôn dưới đất, khi gả con thì đào lên đãi khách, dần dà trở thành tập
tục “sinh nữ tất nhưỡng nữ nhi tửu,
giá nữ tất ẩm nữ nhi hồng” - tạm dịch sinh con gái thì ủ nữ nhi tửu,
gả con gái thì uống nữ nhi hồng.
Sau này, không giới hạn ở rượu nữ nhi hồng (khi sinh
con gái), nếu gia đình sinh con trai, người ta cũng ủ và chôn rượu xuống đất, đợi
đến lúc con đỗ trạng nguyên sẽ đào lên uống mừng, gọi là trạng nguyên hồng. Cả
hai loại rượu này hiện nay đều là rượu quý nổi tiếng của Thiệu Hưng, được cất
giữ lâu năm, uống rất thơm ngon nên chủ yếu dùng làm quà quý để biếu tặng.
Hiện nay, trong những gia đình có cô con gái duy nhất,
các ông bố thường gọi con gái cưng của mình là "con gái rượu" chính
là xuất phát từ tập tục trên.”
***
Tôi không ưa bất cứ chuyện lớn, nhỏ ở Việt Nam phải
truy nguyên từ bên Trung Quốc; hơn nữa, đối với tôi, việc mượn chuyện trên để
lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của cụm từ “con
gái rượu” chưa thuyết phục, khả tín.
Vậy nên dựa vào quan sát xung quanh và trải nghiệm đời
của một người cao tuổi, tôi thử lý giải theo cách của riêng mình:
1- “Con gái rượu”
hay “thằng cu rượu” là sản phẩm của
những gia đình mà ông chồng sáng sỉn chiều hay, tối vào “sinh hoạt” với vợ. Họ sinh ra bé gái hay bé trai, muốn khoe khoang
“thành tích” nhậu nhẹt rượu chè của
mình với bạn bè, nên đặt tên gọi “con gái
rượu”, “thằng cu rượu”. Đó chỉ là
tên gọi còn tên ghi vào giấy khai sinh tất nhiên là khác.
2- “Con gái rượu” còn là cụm từ người ta dùng để minh
hoạ việc sinh con gái sẽ có nhiều cơ hội được uống rượu trong quá trình gả chồng.
Dù nói “nam nữ bình đẳng”, ở nhiều việc hiện nay, người ta vẫn quan niệm con
gái không bằng con trai, ví dụ: khi cha mẹ qua đời, con trai có vợ phục “đại
tang” (3 năm), còn con gái có chồng chỉ phục “cơ niên” (1 năm)… riêng trong
lãnh vực hôn nhân, nhà trai đóng vai chủ động, nhà gái chỉ đóng vai thụ động.
Ngày nay, không còn chuyện “cha mẹ đặt
đâu, con ngồi đấy”, nhưng trai, gái ra ngoài tiếp xúc với nhau, muốn tiến tới
hôn nhân thì nhà trai phải nhiều lần đem lễ vật (trong lễ vật, rượu là một thứ
quan trọng) đến nhà gái, ít lắm cũng 3 lần: lần thăm (1 chai rượu), lần đính
hôn (2 chai rượu), lần thành hôn (4 chai rượu).
3- “Con gái rượu”
hay “thằng cu rượu” cũng là những
cụm từ để chỉ con gái hay con trai sinh ra trong trường hợp sau đây: Nhiều gia
đình đã đông con, nhưng con chỉ một “mặt”
– trai hoặc gái; họ ao ước có một đứa con khác “mặt” – nhiều trai thì muốn một gái và ngược lại. Lúc ấy, tuổi tác
của vợ chồng đã cao, vấn đề sinh lý trục trặc, cần được khắc phục. Bây giờ,
trên thị trường, đã có nhiều thuốc bào chế sẵn để kích dục, chứ ngày xưa làm gì
có! Tuy nhiên, nhiều thầy đông y giỏi, vẫn biết cắt thuốc thảo dược để bồi dưỡng
và kích thích cho ông bà mạnh lên trong “chuyện
ấy”. Thuốc thảo dược dầm vào rượu ngon, được sử dụng hàng ngày và rượu thuốc
ấy đem đến kết quả là bà sinh thêm con. Đứa con ấy nhờ rượu mà có, nên nó mang
biệt danh là “con gái rượu”, “thằng cu rượu”. Nếu đây là đứa con sinh
ra đúng “mặt” theo mong ước của ông cụ,
bà cụ, thì nó đương nhiên được thương yêu, nuông chiều đặc biệt, huống chi nó
có thể là con út – con út nào mà không nhận được chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ, từ
anh chị!
***
Ở đời, có nhiều vấn đề mà chúng ta không thể tìm hiểu
qua sách vở, mà dù đã có trong sách vở, việc giải thích vẫn không vừa ý chúng
ta, chưa nói đến “tận tín thư bất như vô
thư” (đọc sách mà chi cũng tin ở sách thì thà không đọc sách còn hơn)!
Ai muốn tiến bộ thì phải đọc sách; nhưng đọc sách vẫn
chưa đủ, phải động não để suy nghĩ giải quyết những thắc mắc nổi lên quanh ta.
Vì vây, tôi động não …
Trên đây là những cách lý giải của riêng tôi về nguồn
gốc, ý nghĩa của cụm từ “con gái rượu”
hay “thằng cu rượu”. Độc giả nào đồng
ý hay không đồng ý thì tuỳ.
Hoàng Đằng
07/7/2019 (05/6/Kỷ Hợi)
No comments:
Post a Comment