Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 10, 2018

NÉT HUẾ ÁO DÀI – Ugno.Vn




    NÉT HUẾ ÁO DÀI 
                 Ugno.Vn

Áo dài là món quà tôn vinh vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam. Nhiều công trình nghiên cứu đã tìm thấy lịch sử chiếc áo dài gắn bó với phụ nữ Việt Nam từ thời dựng nước. Tuy nhiên, trải qua ngàn năm Bắc thuộc và mấy trăm năm mở nước, cách ăn mặc của người Việt Nam với chiếc áo dài ít nhiều thay đổi. Đến thời Nam Bắc phân tranh, ở xứ Đàng Trong, để minh định bản sắc văn hóa riêng, Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) đã đã ban hành sắc dụ qui định cách ăn mặc, trong đó định hình cơ bản chiếc áo dài như sau: "Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn ống tay hẹp cho tiện khi làm việc thì được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hay vải đen hay trắng tùy nghi…(Đại Nam Thực Lục tiền biên - Bản dịch Viện Sử học). Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu tiên cho chiếc áo dài như vậy.
Cuộc chiến tương tàn Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII qua đi, nhà Nguyễn thống nhất giang sơn. Năm 1828, Minh Mạng (1820-1840), vị vua thứ hai triều Nguyễn,  một lần nữa ra chiếu chỉ cấm đàn bà mặc váy, thay vào phải mặc quần hai ống. Từ đó bộ y phục áo dài truyền thống của phụ nữ định hình cho đến ngày nay.
Hình thức chiếc áo dài thay đổi theo từng thời nhưng cơ bản vạt áo luôn che phủ kín đáo, lịch sự những vùng cơ  thể nhạy cảm. Tùy điều kiện sống và yêu cầu thẩm mỹ mà có áo tứ thân, (hai vạt  có 4 mảnh ghép lại, có sống ở giữa vạt áo), áo ngũ thân, (tứ thân có thêm một chéo vải nhỏ lót bên trong phần ngực phía cài nút áo). Khi có vải khổ rộng, mỗi vạt áo chỉ còn một thân. Trong các mẫu áo dài của các nhà thiết kế thời trang hiện nay, hai vạt chiếc áo dài được cách điệu muôn hình vạn vẻ, đôi khi không còn phân biệt được mấy thân.
Xưa kia, áo dài là y phục chung cho cả nam và nữ. Áo có cấu trúc thân áo, vạt áo khác nhau theo đặc điểm ngoại hình giới tính. Nam giới thường mặc áo màu đen. Tầng lớp thư sinh mặc áo trắng. Người cao tuổi, có chức sắc trong lễ tế, mặc áo dài màu xanh, màu vàng hoặc đỏ. Áo dài nam  may bằng hàng the, hàng lượt mỏng, mặc vào thấy được áo trắng cúc bâu bên trong. Áo dài nam đi kèm khăn đóng, giày hạ đã trở thành quốc phục một thời. Phụ nữ mặc áo trắng, áo màu, kèm theo khăn vành, áo choàng, chân mang hài hoặc guốc trở thành y phục truyền thống dân tộc. Dù nam hay nữ, mặc áo dài luôn kết hợp với quần trắng bằng vải hoặc lụa mềm.
Trong khi chiếc áo dài nam giới gần như đã có cấu trúc ổn định thì chiếc áo dài nữ giới trải qua nhiều cải biên, đến nay vẫn đang còn trên đà tìm kiếm của các nhà thiết kế thời trang. Đã có một thời của áo dài Cát Tường (Le Mur), áo dài Lê Phổ thập niên 30-40 thế kỷ trước; của áo dài Raglan, áo dài Mini, áo dài cổ thuyền Lệ Xuân ở miền Nam thời  đất nứơc chia cắt. Gần đây xuất hiện những chiếc áo dài kết hợp nét trang phục phương tây; những chiếc áo dài phát huy nét đẹp thổ cẩm dân tộc, nét đẹp lụa tơ tằm uyển chuyển uốn cong mềm mại tấm thân ngọc ngà thiếu nữ xuân thì.
Nét đẹp áo dài là nét đẹp tà áo tung bay. Nhạc sĩ Từ Huy không phải ngẫu hứng nhất thời mà có những câu hát ca ngợi:

“Tà áo em... bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng/Tà áo em... bay bay bay bay trên phố dịu dàng/Áo bay trên đường... như mây xuống phố/Áo tung sân trường tựa... cánh chim câu
(……) Tung bay... tà áo tung bay, xôn xao một trời nắng đỏ/Tung bay... tà áo tung bay, áng mây trắng đầu ngọn gió/Tung bay... tà áo tung bay, tím biếc những chiều hoàng hôn/Tung bay... tà áo tung bay, xanh xanh đồng cỏ quê hương”…
           (Một thoáng quê hương-nhạc Từ Huy)

Nhà thơ Nguyên Sa, trong bài “Tương Tư” cũng thế khi vẽ nên tà áo dài:

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay”

Vẻ đẹp chiếc áo dài có nhiều thay đổi do thị hiếu thời thượng về vẻ đẹp người thiếu nữ. Thời xa xưa, trong những bức tranh phụ nữ còn lưu lại, chiếc áo  dài tà  rộng, trước sau ôm kín thân thể xuống sâu quá gối. Từ khi thị trường vải vóc xuất hiện nhiều loại vải lụa dệt bằng sợi nilon rộng khổ giữa thế kỷ trước, có những chiếc áo may vạt thùng thình, tà áo dài chấm gót, che hết chiếc guốc Đakao gót cao nhọn hoắc; cùng lúc chiếc cổ áo bó sát, căng hết chiều cao vòng cổ. Khi xuất hiện những chiếc áo dài Raglan vai phồng, chiếc áo dài Mini, vạt áo dài rút ngắn ngang gối,  tà áo gọn hơn nhí  nhảnh bay bay trên đường phố cùng chiếc cổ áo nhỏ nhắn, xinh xinh chấn ngang làn da trắng mịn màng. Chiếc áo dài cổ thuyền Lệ Xuân, cổ áo khoét hở sâu xuống ngực, phô bày nét đẹp  nữ tính đầy khêu gợi, làm mê mẩn những cái nhìn thèm muốn. Chiều Sài Gòn nắng gay, trên đường phố xuất hiện tà áo dài, Nguyên Sa trong bài thơ “Áo lụa Hà Đông” đã phải thốt lên:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”.

Áo dài, nhất là áo dài nữ là tài sản chung của  phụ nữ Việt Nam. Thế mà có một thời, nói đến áo dài, nhiều người thường chỉ liên tưởng đến người thiếu nữ Huế. Khi còn là một học sinh tiểu học, tôi thường dùng  tập vở hiệu ba cô gái. Bìa vở vẽ hình ba thiếu nữ Bắc-Trung-Nam với trang phục ba miền. Người thiếu nữ Huế với tà áo dài và chiếc nón bài thơ ở giữa hai thiếu nữ Nam bộ với chiếc áo bà ba, và thiếu nữ Bắc kỳ với chiếc áo tứ thân. Bấy giờ, ra phố Huế là thấy áo dài. Cô tiểu thương, bà công chức, chị buôn gánh, đám nữ sinh… đều áo dài tha thướt.  Đường phố tung bay nhiều tà áo màu chiều hè nắng nhuộm hồng cánh phượng. Áo dài, mặc nhiên là y phục ra đường bắt buộc cho phụ nữ Huế thời đó.
Chiếc áo dài gắn bó với người phụ nữ Huế mỗi giai tầng xã hội một kiểu cách. Nét Huế trong chiếc áo dài gợi lên nhiều ký ức một thời xa vắng:
Năm Mướp 11 tuổi vào trường nữ trung học, mẹ may cho bé chiếc áo dài phin trắng nõn. Mẹ ướm chiều cao thân áo, chiều dài tay áo trước khi cho Mướp mặc thử. Chiếc áo xinh xinh ôm sát tấm thân thẳng đuột, nhỏ nhắn, lép kẹp như cá mòi của Mướp, trông thật ngộ nghĩnh. Cái cổ áo tròn tròn sáng lên dưới vòng tóc búp bê mẹ bắt đầu dưỡng dài cho bé. Mướp nhảy tung tăng, cười thật tươi lộ rõ chiếc răng khểnh mới nhú. Mẹ bảo Mướp mặc áo dài là đã thành người lớn, phải biết ý tứ giữ gìn. Mấy ngày đi học thật vui. Trong lớp ai cũng áo dài. Giờ ra chơi, trong khi các chị lớn vui đùa trò chuyện trên hành lang hay nắm tay nhau dạo quanh thì Mướp cùng mấy bạn nhỏ cùng lớp vui chơi nhảy dây, nhảy cò cò, chơi ô chuyền ngoài sân. Hai tà áo dài vướng víu, các bạn buộc chéo vào nhau, có người nhét vào quần lủng lẳng. Trên hiên trường, cô giáo khoanh tay nhìn mấy bé chơi, cười chúm chím. Giờ vào học, cô giáo ôn tồn chỉ vẽ cho đám học trò nhỏ sửa sang tư thế, biết cách giữ gìn vẻ duyên dáng nữ tính trong chiếc áo dài. Chiếc áo dài theo Mướp mãi trong thời gian đến trường làm cô bé ngần ngại dần với những trò chơi thơ ấu để đến khi quên hẳn.
Sáng nay, Mướp tần ngần mãi trước gương. Đã qua hai năm mặc áo dài thế mà cô bé thấy ngồ ngộ sao ấy! Mướp úp hai bàn tay lên ngực nghe hơi ấm truyền qua rồi khẽ vuốt hất hai vòm tóc ra sau. Tóc Mướp đã xõa quá bờ vai. Ngực đã đầy lên tròn trịa. Mướp thả thõng hai tay rồi lại vòng chéo ôm lên ngực mê man nghe từng hơi ấm thoáng qua da thịt. Hơi ấm lan lên má, nóng cả vòng tai. Mướp mỉm cười ngượng nghịu. Mẹ nhìn cô bé không chớp mắt rồi bảo: “Con gái xinh xắn của mẹ lớn rồi. Hãy đẹp như nàng tiên và giỏi giang như cô Tấm”. Năm học đó, mẹ may thêm cho Mướp chiếc áo dài lụa vàng, dành khi ra phố. Ba sắm cho Mướp chiếc xe đạp đầm có lưới vải chắn vành xe sau, phòng  tà áo dài quàng vào tăm xe. Mỗi sáng lên xe đến trường, mẹ không quên nhắc Mướp giữ chặt tà áo sau vào sợi dây thun buộc yên phụ, tà áo trước giữ theo tay lái ghi đông. Mướp lớn lên theo chiếc áo dài. Tâm hồn cô bé cũng mềm mại như mỗi chiều qua cầu tà áo tung bay…

Ngày cưới chị vào cuối đông. Trong những đồ dẫn cưới nhà trai mang đến có hai chiếc áo dài màu xanh da trời và hồng phấn. Vốn là thanh nữ nông thôn, những chiếc áo dài thường ngày của chị khi ra chợ có màu sẫm, cắt may bình dị. Hôm ấy ngày đưa dâu, chị mặc hai chiếc áo cưới khác màu chồng lên nhau, tà áo bay bay cuộn vào nhau làm ẩn hiện chiếc quần lụa trắng nõn nà. Với chiếc nón bài thơ và đôi guốc gỗ kiểu cách, chị bước theo đoàn đưa  dâu qua các ngõ xóm về nhà chồng. Đoàn thanh nữ phụ dâu với nhiều màu áo dài nối bước đưa chị. Gió bấc se lạnh cùng hương vị miếng trầu ngai ngái làm hồng những đôi má thanh nữ xuân thì sóng đôi trên đường làng cát mịn. Tôi đã thấy những đám cưới nhà giàu ở phố, trang phục cô dâu ngoài áo dài gấm còn thêm khăn vành vàng, áo choàng đỏ, đôi hài kết cườm cùng hoa tai, vòng cổ, tay xuyến vàng ròng. Cô dâu lộng lẫy hẳn lên trong đoàn rước dâu sang trọng. Nhưng đó là của người ta. Nhìn chị rụt rè, vụng về khi bước vào bậc cửa nhà chồng với hai lớp áo xanh hồng, tôi thương chị nhiều lắm…
Tôi còn nhớ mãi chiếc áo dài vải thao  nhàu nát không bao giờ rời nội tôi từ khi xuống giường buổi sáng đến khi lên giường buổi tối. Tôi cũng nhớ mãi chiếc áo dài nối vạt của mẹ tôi phải thay vải mấy lần cầu vai. Vốn là dân lao động kiếm ăn và nuôi gia đình bằng việc đòn gánh đè vai, chiếc áo dài mẹ tôi thường rách vai khi hai vạt còn nguyên vải. Những người thợ may Huế có sáng tạo nối vạt áo từ ngực trở lên để còn sử dụng chiếc áo sau vài lần rách vai. Vai áo vải mới sáng màu nổi lên trên vạt áo sậm màu cũ kỹ có nét đẹp  riêng của người lao động nghèo. Tôi nhớ mãi. Tôi thương mãi chiếc áo dài hai màu nối vạt lam lũ ngày xưa...
Dì út tôi là một tiểu thương, con nhà nghèo mà ham đua đòi. Căn nhà lá nhỏ nhắn của gia đình ngoại tôi chật hơi người, dì vẫn dành riêng cho mình một nơi kín đáo kê gọn cái tủ áo dài. Được cái, dì rất xinh, nước da trắng mịn, dáng người dong dỏng, vẻ đẹp tự nhiên, có duyên ai cũng ưa nhìn. Dì là con út luôn được ngoại cưng chiều. Tủ áo dài của dì có hơn mấy chục chiếc. Vạt dài, vạt ngắn; cổ thấp, cổ cao; eo thả, eo bó; màu sáng, màu tối; vải mịn, vải gai…tha hồ để dì chọn lựa. Tôi kinh  nhất là những đôi guốc Đakao gót sắt cao nhọn hoắc, không dùng quen chỉ cần mang vào vài bước là ngã lăn. Mỗi ngày dì đổi kiểu áo vài lần. Cái bàn ủi than bằng đồng có con gà cài làm chốt khóa nắp, thường xuyên được dì sử dụng mỗi đêm  cho tính đỏng đảnh này. Ra khỏi nhà, dì như một tiên nữ đang xuân. Những chiều nắng nhạt trên đường Ngự Viên, gió tung bay đôi tà áo vàng như cánh bướm lượn vờn theo bước chân dì đi qua. Thanh nữ Huế!
Dì đi lấy chồng mang theo một ít áo dài. Gần mười năm sau, dì trở lại nhà ngoại tôi với hai nách con và di ảnh người chồng chết trận. Dì sống với ngoại tôi và trở về nghề cũ kiếm ăn, nuôi gia đình. Dì vẫn mặc áo dài nhưng chỉ chọn những màu sẫm, hai vạt áo có một sống may ngược ở giữa, nhìn vào như tứ thân. Hằng ngày dì lặng lẽ đi về chợ sáng tối. Hai em tôi lớn lên, ngoại tôi qua đời, dì vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Vẻ đẹp đức hạnh người phụ nữ Huế truyền thống là vậy.

Chiếc áo dài xứ Huế làm nên vẻ đẹp người con gái đất kinh kỳ trong chiều sâu tâm hồn và cả ngoại hình hiền dịu, thanh nhã. Vẻ đẹp ấy đã đi vào thơ ca, nhạc họa với hình ảnh người phụ nữ mảnh mai trong tranh Đinh Cường, “vai em gầy guộc nhỏ” trong nhạc Trịnh Công Sơn. Vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp tà áo trắng trinh nguyên, vẻ đẹp tà áo tím nhung nhớ bên dòng Hương Giang làm đắm say nhiều thế hệ trai Huế và người yêu Huế. “Áo em trắng quá nhìn không ra” (Đây thôn Vỹ Dạ - thơ Hàn Mạc Tử); “Gió cầu vương áo nàng Tôn Nữ. Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ” (Trong đôi mắt Huế - thơ Đông Hồ); “Áo trắng hỡi thuở tìm em chẳng thấy. Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền” (Tạm biệt - thơ Thu Bồn);“Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím. Ngàn thu đau thương vương áo em màu tí” (Ngàn thu áo tím-nhạc Hoàng Trọng).
Đã có một thời, những tiếp viên hàng không với chiếc áo dài truyền thống màu thiên thanh có thêu con rồng vàng của hãng bay Air Việt Nam làm dịu mắt du khách trên các chuyến bay đường dài. Một tiếp viên với chiếc áo dài ấy đã tạo nên một thiên tình sử lãng mạn giữa trai anh hùng và gái thuyền quyên. Bây giờ, chiếc áo dài luôn luôn là hành trang mang theo của quí bà trong các dịp xuất ngoại tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong các buổi tiếp tân, trong hội nghị, diễn đàn quốc tế, chiếc áo dài đã nâng cao tư thế và vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam cạnh những quốc phục kín đáo của phụ nữ Nam Á hay bộ váy kiểu cách của phụ nữ Tây Âu. Trên đường phố xứ người đã có tà áo dài Việt Nam tung bay làm xao lòng người nhạc sĩ xứ Quảng miền Trung: “Thoáng thấy áo dài… bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn…quê hương ở đó…em ơi!”
Thế mà  tại quê nhà, chiếc áo dài xa dần… xa dần người phụ nữ. Trên phố nhiều quần jean, áo pull. Trường học thì quần tây, áo sơ mi. Đồng phục thì váy, jupe. Cô công nhân, chị viên chức đồng phục theo cơ quan không dính dáng gì với áo dài. Người lao động, chị tiểu thương … chỉ còn chiếc áo bà ba kiểu cách và quần đen; tươi trẻ hơn thì quần tây, áo sơ mi. Trong các lễ hội, một vài cơ quan qui định phụ nữ mặc áo dài cũng không phải vừa lòng hết các chị em trong cơ quan. Một lý do duy nhất biện minh cho hiện tượng này là tính tiện dụng và mới mẻ, hợp thời. Đã có các lễ hội tôn vinh áo dài nhưng những chiếc áo dài ấy chỉ để trình diễn hay chỉ là để dự lễ hội. Thành lũy cuối cùng của chiếc áo dài bây giờ là nhà trường. Tôi tâm đắc với nhiều vị hiệu trưởng khuyến khích nữ sinh mặc áo dài đến trường và qui định y phục lên lớp của giáo viên nữ là áo dài.
Những lần về Huế, thả bộ trên cầu Trường Tiền, thấy thiếu thiếu một cái gì của nét xưa, bất chợt tôi nhớ mấy câu thơ của Trương Nam Hương trong bài thơ “Mười năm trước Huế”:

 “Chợt thấy mình già mau đến vậy
   Qua cầu tiếc ngẩn… áo người bay”

                                                                Ugno.vn

No comments: