Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 29, 2018

SÔNG DỊU DÀNG CẤT TIẾNG HÁT RU - Phan Nam giới thiệu tập thơ VẪN CÒN của Nguyên Lâm Huệ


Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ:
Sông dịu dàng cất tiếng hát ru
Vào ngày 23.11 vừa qua, tại thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng vừa diễn ra buổi ra mắt tác phẩm mới, tuyển tập thơ Vẫn còn của tác giả Nguyên Lâm Huệ, NXB Hội nhà văn tháng 10.2018. Đến dự buổi giới thiệu có đông đảo văn nghệ sỹ thành phố và bạn đọc yêu thơ.

Trong lời mở đầu cuốn sách, tác giả tâm sự: “Lần này tôi tập hợp một số bài thơ trong những tập thơ của tôi làm nên cuốn sách cuối cùng này như muốn gửi gắm những tâm tư tình cảm, những thăng giáng giữa dòng đời của một gã thi sĩ lãng tử suốt một đời rong ruổi ngược xuôi, nghêu ngao cất lên tiếng hát của lòng mình giữa chốn nhân gian bé mọn nhiều yêu thương nhưng cũng đầy đắng đót”. Cuốn thơ như một nhật ký hành trình được tác giả ghi lại qua mỗi địa danh, nơi chốn với biết bao xúc cảm, kỷ niệm với những con người, số phận gắn liền với chặng đường phiêu lãng của thi sĩ Nguyễn Lâm Huệ. Như nhận xét của nhà thơ Hồ Sĩ Bình: “Thơ đối với Nguyễn Lâm Huệ là một sự cứu rỗi, sự thăng hoa của nỗi buồn và hạnh phúc, của thất bại dồn nén và mơ mộng cuối trời của một kẻ lưu linh lạc địa, giang hồ phiêu bạt lấy thơ ca làm niềm hạnh ngộ”. Bàng bạc trong thơ Nguyên Lâm Huệ là những xúc cảm, những yêu thương, những khao khát, những buồn vui được tác giả bày tỏ, chia sẻ trong thơ, thơ như người bạn tri âm tri kỷ, bởi thơ tôi là máu thịt của lòng tôi. Có lẽ vì thế nên thơ Nguyên Lâm Huệ không làm duyên làm dáng, không lên gân lên guốc, thơ mộc mạc, đơn sơ, giản dị, không trau chuốt, gọt giũa ngôn từ. Cái tình, cái nghĩa trong thơ làm nên giọng điệu, làm nên thi ảnh ngọt ngào, say đắm: Tôi nghe những tiếng lòng/ Dội lên từ gỗ đá/ Cảm ơn người nghệ sĩ/ Thức dậy những linh hồn (Đêm say ở vườn tượng). Có lẽ khi đặt chân đến đâu, anh cũng gói ghém, lưu lại cho mình những vần thơ đầy tiếc nuối, man mác, u hoài: Rêu vàng úa phủ một màu phế tích/ Em sầu thương hóa đá ngàn đời (Mỹ Sơn thánh địa), Nét hoa văn rêu phủ/ In đậm dấu thời gian/ Trải bao mùa trăn trở/ Hỡi những ngọn tháp Chàm? (Trưa Phan Rang), Dừng chân nhấp chén rượu đào/ Mắt buồn bắt gặp vì sao cuối trời (Về phố cổ), Phượng rung cành tiếng ve kêu/ Hoa đan sắc lửa nắng chiều lâng lâng/ Hè về nên Huế bâng khuâng/ Mùa xuân sót lại trên vành môi thương (Chiều hè trên Huế), Hà Nội ơi một thời ta còn mãi/ Tình yêu xưa và những dấu chân thầm/ Hồ Gươm xanh vẫn màu xanh chờ đợi/ Góc phố kia hoa sữa đã thôi nồng (Một thời còn mãi)…


Nhưng đặc biệt nhất trong thơ Nguyên Lâm Huệ vẫn là những vần thơ dành cho nơi tác giả được sinh ra, quê mẹ Hà Tĩnh (mỗi huyện ở Hà Tĩnh anh viết tặng riêng một bài thơ), và nơi anh sinh sống làm việc, thành phố Đà Nẵng hiện đại, trẻ trung: Xanh ngát dòng sông La/ Chảy dài như nghĩa mẹ/ Núi Hồng bóng hình cha/ Trọn tình trong nắng gió (Về quê), Nay ngoảnh lại ba mươi năm đằng đẵng/ Sương thu rơi tóc trắng dựng bờm/ Chỉ còn lại những tháng ngày phố Cẩm/ Với mắt người chiều ấy đẫm hoàng hôn (Chiều phố Cẩm). Trong hơn 300 trang sách dày dặn, mảng thơ về mẹ, quê hương là một phần không thể thiếu trong huyết quản, mạch nguồn nuôi dưỡng hồn thơ tác giả và cũng chính ân tình sâu nặng ấy lặng lẽ tái tạo nên nhưng vần thơ tràn đầy xúc cảm, yêu thương: Tôi yêu quê tôi/ Yêu ngày tháng tuổi thơ/ Tiếng nôi đưa kẽo kẹt/ Những trưa hè mẹ hát/ Và hàng cây gió thổi nghiêng nghiêng (Quê tôi), có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, quê cha đất tổ là những gì gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy cao quý, thiêng liêng. Tác giả Lam Giang nhận xét: “Quê hương trong thơ anh luôn luôn khắc đậm hình bóng của mẹ, hình bóng tuổi thơ. Sự sum vầy, gặp lại, sự khắc khoải chờ mong. Mẹ và quê hương tưởng chừng như hai hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi đọc thơ anh lại thấy  bóng dáng mẹ hiền lẫn vào trong quê hương cũng như quê hương hóa thân vào mẹ”. Ngoài những đau đáu về quê nhà với biết bao lo âu, trăn trở, trách nhiệm với thời cuộc, với nhiễu nhương thế sự cũng được tác giả thể hiện trong thơ. “Giữa dòng đời xuôi ngược, thơ Nguyên Lâm Huệ thường xoáy vào những góc khuất đắng cay, những mảnh đời góc cạnh. Qua cái lăng kính mở ra đời sống, Huệ hội tụ về lòng mình những nghĩ suy đôi khi mang tính triết lý nhẹ và buồn…” (Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo).
PHAN NAM.
Nhà thơ Nguyên Lâm Huệ, tên thật là Nguyễn Xuân Huệ, sinh ngày 20.8.1954 tại Hà Tĩnh, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tác phẩm thơ đã xuất bản: Lặng lẽ một dòng sông (2008), Khúc độc ca (2012), Hoang mạc trắng (2014), Vẫn còn (NXB Hội nhà văn 2018).



No comments: