Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 24, 2018

SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN NĂM: TIẾNG QUẢNG - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG
Chế Cẩm Đình

PHẦN NĂM: TIẾNG QUẢNG

Giọng nói, được cho là để phân biệt vùng ngôn ngữ hơn là bằng từ ngữ. Giọng nói của một người hay một vùng được hình thành chủ yếu là “nghe sao nói vậy”. Như đứa trẻ con mới tập nói đang ở đâu thì khi nghe tiếng nói của vùng đó nó sẽ tự nói theo, chứ không vì gốc gác hay nơi sinh, hoặc do hòn đất mạch nước gì cả. Một người lớn lên rồi, qua vùng đất khác sinh sống, lâu dần cũng có thể bắt chước theo người ta nơi ở mới nói một cách tự nhiên giọng nói của xứ đó, như người bản xứ, bằng cách gò miệng uốn lưỡi để nhả âm theo lối lỗ tai mình nghe thấy được.
Người Bắc nói giọng mũi, nhả âm rất nhanh. Khi nói thì mở miệng vừa phải, lưỡi và vành môi dừng cử động đột ngột ở cuối âm tạo ra từng tiếng rất chắc và rõ. Người Khu Bốn nói năng chậm rãi, ngôn ngữ có điệu tính cao. Khi phát âm thì dùng giọng họng, nhả âm chậm, miệng mở to theo phương dọc, giảm hơi vào cuối mỗi từ làm cho âm nhỏ dần. Trong câu nói thì tiếng trước đan xen tiếng sau một cách líu ríu mà chỉ những người trong cùng một vùng mới quen nghe và hiểu được. Đây là lời giải thích vì sao người miền Bắc nói thì ai cũng hiểu, mà người Khu Bốn nói thì phải giải thích đi giải thích lại mấy lần cho người khác miền, dù nói rất chậm.
Nếu như ngoài kia Thanh Hóa là nơi chồng lấn giữa hai vùng ngôn ngữ “giọng Bắc tiếng Trung”, thì sự chuyển tiếp giọng nói từ đầu cuối vùng ngôn ngữ Khu Bốn là Thừa Thiên Huế sang Quảng Nam hầu như không có, mà đó là một sự thay đổi đột ngột ngay khi chúng ta vượt qua ngọn đèo Hải Vân hùng vĩ chắn ngang trên con đường thiên lý về cả mặt thời gian lịch sử lẫn không gian địa lý. Chính con đèo này là tác nhân tạo ra hai vùng “giọng” khác biệt nhau hoàn toàn ở hai phía của nó, dù cùng một thứ tiếng Việt với nhau.
Cổ dân Quảng Nam hình thành chủ yếu từ các sắc dân Hời, Việt và Minh Hương vào thời trung cận đại. Người Hời bản xứ cư ngụ từ xa xưa trên vùng đất này, khi người phía bắc Việt theo các cuộc Nam tiến di dân vào đây bằng cách mở ra các cuộc chiến tranh xâm lấn thì số đông người Hời vẫn ở lại trên đất cũ thay vì chạy tràn qua các tiểu quốc khác nằm kề phía trong. Bên Trung Hoa vào thế kỷ 17 nhà Thanh của người Mãn Châu thiểu số chớp cơ hội lên nắm quyền thay nhà Minh, dẫn đến một làn sóng di dân người Hoa “phản Thanh phục Minh” theo ngõ biển Đông tràn ra khắp Đông Nam Á và xâm nhập vào những cuộc đất mới mà nơi đó chính quyền còn lỏng lẻo để lập nên những làng xóm (hương) mới nên gọi là người Minh Hương. Hội An nói riêng hay các thị tứ khắp vùng Quảng Nam nói chung được người Minh Hương lựa chọn làm nơi sinh sống mới khá nhiều. Trong truyện ngắn “Ông Năm Chuột” của nhà văn Phan Khôi, cháu ngoại của vị tổng đốc đáng kính Hoàng Diệu có mô tả rất rõ về một nhân vật người Minh Hương tên là Tám Thứ, cư dân mấy đời ở trong ngôi làng Bảo An của ông, thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Chi tiết này là minh chứng rất rõ về sự hình thành dân cư - làng xã ở Quảng Nam có sự hiện diện của dòng người đến từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến bên Tàu, mang theo tiếng nói và chất giọng của họ đến góp vào làm ngôn ngữ xứ Quảng “méo” đi nhiều so với tiếng Việt chuẩn ở ngoài Bắc hay là tiếng Việt vùng Khu Bốn, cũng là nơi có sự ở lại của người Hời, hợp sinh với người Việt tiến vào sớm hơn, dĩ nhiên khi đó chưa có sự góp mặt của người Tàu.
Người xứ Quảng phát âm bằng giọng họng, giữ căng từng âm trong câu nói chứ không xuống hơi cuối từ như người Khu Bốn. Khi phát âm thì máy môi nhanh, nhả âm nhanh, miệng mở rộng theo phương ngang, cuống lưỡi hơi uốn và ít khi xát vào vòm hòng, rìa lợi hoặc mặt trong của hàm răng trong quá trình phát âm. Nhìn bên ngoài sẽ thấy rõ cơ hai gò má của người nói gồ lên chuyển động linh hoạt theo từng âm chứ không "cứng mặt". Tất cả những yếu tố đó tạo ra một thứ giọng Quảng khác biệt hoàn toàn so với người Khu Bốn hay người Bắc.
Vì phát âm bằng giọng họng và giữ căng nên "tiếng âm” người Quảng phát ra hơi trầm ồ, nhưng lại nghe rất rõ từng âm tiết. Tuy vậy để hiểu được từ ngữ tiếng Quảng thì không phải dễ, bởi là vùng hỗn ngữ từ các sắc dân khác nhau như đã nói trên nên từ tiếng lạc âm khá xa so với tiếng Việt chuẩn, đặc biệt là hiện tượng “méo” nguyên âm:
a > oa: ba > boa, nhà > nhòa, bà già > bòa giòa
ai > ưa: hai > hưa, gái > gứa, tái > tứa (một số nơi)
am > ôm: xe lam > xe lôm, càm ràm > cồm rồm
ang > eng: Đà Nẵng > Đòa Nẽng
ao > ô: cái bao > cái bô, bao gạo > bô gộ
ăn > en(g): ăn cơm > eng cơm
ăt > tét(c): tắt đèn > téc đèng
âu > ao: con sâu > coong sao
Một ví dụ khác, muốn phát âm cụm từ “lốp xe đạp” bằng tiếng Quảng Nam thì chỉ cần nói lái thành “láp xe độp”. Hay câu chuyện có mấy người đi buôn lậu đang gùi hàng qua trạm thì một người bị ong đốt hét to lên “công an, công an” làm cả đoàn vứt bỏ hàng hóa tháo chạy, đoạn ngoái đầu lại thì không thấy ai cả bèn hỏi người kia sao la lên vậy làm mất hết hàng hóa, thì người kia mới nói là bị ong chích, hoảng quá nên hét lên. Trong câu chuyện này từ “con ong” được phát âm là “coong ang” gần giống như từ “công an” vậy.
Chính vì có nhiều âm bị "méo" như vậy nên đi đâu người Quảng cũng thường hay bị trêu đùa tiếng nói của mình. Và để “đáp trả” sự trêu chọc đó, họ sẽ mắng một câu còn đậm đặc tiếng Quảng hơn nữa: “Chửi choa khoong bèng phoa giạng nghe mi"!
Phải nói là, tiếng Quảng quá đặc sắc và thật đáng yêu vậy!


Chế Cẩm Đình

No comments: