Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 16, 2018

SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG - PHẦN BA: VÀI LẼ VỀ NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT NGÀY NAY - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


SƠ KHẢO NGÔN NGỮ MIỀN TRUNG
Chế Cẩm Đình

PHẦN BA: VÀI LẼ VỀ NGUỒN GỐC TIẾNG VIỆT NGÀY NAY

Ngôn ngữ hay tiếng nói gồm hai phần là tiếng và giọng (nói). Tiếng thì bao gồm từ ngữ và ngữ pháp mang tính chất ký âm của ngôn ngữ ấy. Giọng thì có âm phát ra, có mức độ to nhỏ, điệu tính khác nhau và mang tính chất vùng miền nhiều hơn tiếng. Có cả tiếng và giọng mới tạo ra một vùng ngôn ngữ riêng.
Trước khi đi vào ngôn ngữ miền Trung, tỉ như chúng ta cũng cần coi lại gốc gác người mình từ đâu đến, sao lại nói tiếng nói này mà không phải là tiếng nói khác. Tiếng Việt hiện nay nằm giữa hai vùng ngữ hệ lớn là Tai – Kadai và Nam Đảo với phía Tây – Bắc là ngôn ngữ độc âm và phía Nam là đa âm. Cũng như nguồn gốc dân tộc, trong bài “Người Việt xứ Sở” tôi đã viết thì dân tộc mình là hợp chủng giữa người Việt xưa kia bên Giang Nam xuống, với người bản xứ sinh sống ở Trung Châu lấn dần vào Thanh Nghệ. Mà người Giang Nam thì nói độc âm đa thanh điệu (9 thanh so với tiếng Trung hiện đại chỉ 4 thanh cơ bản), trong khi người bản xứ thì nói đa âm mà dấu vết ngày nay vẫn còn trong các bài giảng Phúc  m của các Cha xứ người Mường, hay như thời hậu Lê vẫn còn xưng là “bvua” thay vì là “vua”, “bvì – bởi vì”, “tlời – trời”. Rõ ràng, chủng Việt – Kinh đã lấn át nhiều cư dân bản địa, thì tiếng Việt hiện đại mới là ngôn ngữ độc âm 6 thanh điệu giống hệt tiếng vùng Giang Nam (gọi chung là tiếng Quảng Đông, mà các nhà ngôn ngữ học quốc tế gọi là Việt ngữ - ngôn ngữ của vùng Bách Việt ngày xưa), nói giống hệt ở đây là về mặt phát âm và thanh điệu, chỉ khác nhau về từ vựng mà thôi. Nếu người bản xứ cổ xưa trên đất Giao Chỉ mạnh hơn giống kia, thời có khi ngày nay chúng ta đã nói một thứ tiếng “líu lo như chim hót” mà nhiều nhà truyền giáo phương Tây hồi mấy thế kỷ trước đã mô tả khi tiếp xúc với cư dân Chăm cổ trên đất Nam Trung Bộ, đại diện cho sắc dân thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo nói tiếng đa âm ít thanh điệu.
Sự giao thoa giữa ngôn ngữ “độc âm giàu thanh điệu” với ngôn ngữ “đa âm ít thanh điệu” trong mười mấy thế kỷ đã để lại cho tiếng Việt ngày nay một khối lượng từ láy khổng lồ, như một chiếc lò xo giảm chấn cú va chạm của hai ngữ hệ lớn. Ví dụ như muốn chỉ sự vật không ổn định hay không thăng bằng thì nói “lay lắt”, “lay lay lắt lắt”, “lúc lắc”, “lúc lúc lắc lắc”, “lúc lắc lúc lắc”, "lúc la lúc lắc", “rung rinh”, “rung rung rinh rinh”, “rung rinh rung rinh” … Rồi sự hòa trộn vào nhau sau đó giúp cho tiếng Việt là ngôn ngữ có lượng từ vị có thể nói là vô cùng phong phú và sinh động như nhà văn Tràng Thiên đã lấy ví dụ: cục đá, hòn đá, viên đá, thỏi đá, tảng đá, nắm đá, đống đá, khối đá, gò đá …
Chỉ tính từ Bắc vào Trung, trầm tích sự giao thoa ngôn ngữ nói trên vẫn còn xếp lớp theo phương kinh tuyến. Người miền Bắc nói rõ 6 thanh điệu, phát âm rõ từng từ, có trọng âm trong mỗi câu nói và câu thường là ngắn, ít hư từ. Song le người miền Trung chỉ nói được 3 đến 5 thanh điệu tùy vùng (không rõ các dấu thanh “hỏi” – “sắc”, “ngã” - “nặng”, “hỏi” – “ngã”), câu thường không có trọng âm và nói một cách líu ríu, sử dụng nhiều hư từ làm cho câu nói mềm lại, với hàm ý để người nghe thấy dễ chịu hơn thay cho lối nói gãy gọn của miền Bắc.
Về mặt phát âm, người miền Bắc đa phần nói giọng mũi, trong khi người miền Trung nói giọng họng nhiều hơn. Điều này có thể giải thích là người sử dụng ngôn ngữ độc âm khi phát âm dùng âm mũi đi trước rồi bật phụ âm ra sau, chậm hơn một chút vẫn nghe rõ chữ. Nhưng với người sử dụng ngôn ngữ đa âm thì phải bật âm ngay do khi muốn phát âm vì nếu bật âm chậm thì các phụ âm kép như “kr”, “tl”, “bl”, “tr” “pr” sẽ không còn đúng âm vị, mà để bật âm nhanh thì phải tống hơi mạnh từ họng qua lưỡi, răng và môi. Quý vị hãy thử khép miệng lại phát từng âm bằng giọng mũi thì thấy rất dễ, nhưng muốn phát âm phụ âm kép thì không thể được mà phải giải khẩu và bật âm từ họng. Thêm chuyện ngoài lề, vì nói giọng mũi nên âm nhạc dân gian miền Bắc là các điệu lý, then, xoan, ả đào, chèo …, trong khi vào miền Trung thì chúng ta sẽ được nghe rất nhiều các điệu hò khoan mà chỉ người có giọng họng mới hát hay và rõ được.
Thật là:
Chim sa vườn thị, thỏ lụy vườn trâm
Nhớ thương tiếng nói trăm năm vẫn còn.

(ca dao)

Chế Cẩm Đình

1 comment:

Zulu said...

Bài viết sơ khảo nhưng khá chu đáo, mỗi vấn đề đều có dẩn chứng và giải thích khả chi tiết. Đây là vấn đề quan trọng của dân tộc, một vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước.