Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên
THÀNH NGỮ KHOA TRƯƠNG TRONG TIẾNG HÁN
(Phần 1)
1. MỞ ĐẦU
1. 1 - Khái niệm thành ngữ
Thành
ngữ, theo Từ điển tiếng Hán hiện đại (trang 160), là phân câu ngắn hoặc từ tổ
đã định hình, kết tinh đơn giản do thói
quen mọi người dùng trong thời gian dài để lại. Thành ngữ tiếng Hán phần nhiều
do bốn chữ tạo thành, thường đều có xuất
xứ. Có một số thành ngữ nhìn chữ trên bề mặt không khó lí giải như “小題做大”[tiểu đề tác thí] (việc bé xé ra to)” “后來居上”[hậu lai cư thượng] (sinh sau hơn bậc đàn anh). Có một số thành ngữ phải biết nguồn gốc hoặc điển cố
thì mới hiểu được ý nghĩa, như 朝三莫四[triêu tam mộ tứ] (sáng thế này chiều thế khác/lòng chim dạ cá),
杯弓蛇影 [bôi cung xà ảnh] (lo sợ hão huyền) v. v.
Trong
tiếng Việt theo nhóm các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến
thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc và ý
nghĩa. Nghĩa của chúng có tính hình tượng hoặc / và gợi cảm.”
[1, tr.157]
Theo “Từ điển giải thích ngôn ngữ học” thì: “Thành ngữ là cụm từ cố định có
tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa
chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa
đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.”
Trong tiếng Hán nhà văn cũng sử dụng hết sức
linh hoạt các thành ngữ. Ví
dụ:
(1) 医学院进修回来后,更是如虎添翼,胆大包天,世上有人不敢生的病,没有他不敢下的刀子。(莫言《冰雪美人》)
(Hai năm chuyên tu ở Học viện Y khoa tỉnh, chú tôi như hổ thêm cánh, to gan lớn mật [nguyên văn: gan
bao cả trời], chỉ có bệnh người đời không dám mắc chứ không có dao nào chú
tôi không dám mổ.)
(Mạc Ngôn - Băng tuyết mỹ nhân)
(2) 那字是他自己写的,一个个张牙舞爪,像猛兽一样,看着就让人害怕。(莫言《冰雪美人》)
(Chữ do chú tôi tự viết, chữ nào chữ nấy nhe nanh múa vuốt chẳng khác
nào thú dữ ai nhìn thấy cũng phải sợ.)
(Mạc
Ngôn - Băng tuyết mỹ nhân)
1.
2. Khái niệm về khoa trương
Theo các tác giả
Hoàng Bá Vinh và Liêu Tự Đông thì: “Trong
thực tế sử dụng ngôn ngữ, khi cần nhấn mạnh một ý nào đó, người ta cố ý
nói quá sự thật; việc nói quá ở đây
có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối người, sự vật hoặc hiện tượng, tức
đối tượng cần miêu tả. Lối nói này được gọi là khoa trương; nghĩa là,
trên cơ sở hiện thực khách quan đối với đặc trưng của sự vật, hiện tượng,
người ta tô vẽ một cách hợp tình hợp lí làm cho người đọc cảm thấy cái điều
nói ra có một ấn tượng sâu sắc nhưng vẫn chân thực có thể tin cậy được”.[15,
tr. 515] Tác giả Vương
Hy Kiệt thì cho rằng: “Khoa trương là
cố ý nói quá sự thật, hoặc phóng to hoặc thu nhỏ sự thật. Mục
đích của khoa trương là làm cho người nghe/ đọc có một ấn tượng sâu
sắc đối với nội dung biểu đạt của người nói/ viết. Chẳng hạn,“天无三日晴/地无三尺平” (Trời không có
ba ngày nắng / Đất không có ba thước bằng phẳng) nói về đặc điểm
thời tiết và địa hình của Qúy Châu, là lối nói khoa trương. ” [16, tr. 296]
Trong tiếng Việt, khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của
đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể
là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối nói này được
gọi là khoa trương. Khoa
trương không phải là nói khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào
Thản cho rằng, nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà
chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên [9, tr.1]
Theo chúng tôi, khoa
trương là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật,
hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng
vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng.
2. NỘI DUNG
2.1. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Hán
2. NỘI DUNG
2.1. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Hán
Người
Trung Quốc rất thích khoa trương; điều này có thể chứng minh qua kho tàng thành
ngữ tiếng Hán. Khoa trương trong thành
ngữ hết sức đa dạng và phong phú. Căn cứ vào các tiêu chí về ngữ nghĩa, hình thức,
mức độ … có thể chia thành các loại như sau:
2.1.1. Phân loại
khoa trương theo ngữ nghĩa
Căn cứ vào ngữ nghĩa có hai loại:
khoa trương phóng to và khoa trương thu nhỏ.
2.1.1.1. Khoa trương phóng to
Là cố ý
làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc trưng
của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn.Các thành ngữ 天翻地覆 (trời
long đất lở), 怒发冲冠 (nổi giận
đùng đùng), đều là khoa trương phóng to rất nhiều lần so với sự
thực. Tiêu biểu cho loại này gồm: 一呼百诺 (một người
hô vạn người theo), 一本万利 (nhất bản
vạn lợi), “千锤白炼” (muôn ngàn thử thách), 千方百计 (trăm phương nghìn kế), 千变万化 (thiên biến vạn hóa),气象万千 (cảnh vật muôn
màu),气吞山河 (khí nuốt
sơn hà),血流成河 (máu chảy
thành sông), 垂涎三尺 (dãi nhỏ ba thước = thèm thuồng), 捶心泣血 (đấm vào tim khóc nhỏ máu vì bực
bội)。胆大包天 (gan bao cả trời);倾城倾国 (nghiêng nước
nghiêng thành).
2.1.1.2. Khoa trương thu nhỏ
Là
cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít
đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại hoặc yếu đi.
Chẳng hạn, 弹丸之地 (mảnh đất bé
bằng viên đạn), 沧海一粟 (giọt
muối bỏ bể) đều là thu nhỏ rất nhiều lần so với sự thực.
Tiêu biểu cho loại này gồm: 吹灰之力 (không
tốn sức lực/ dễ dàng); 立锥之地 (tấc
đất cắm dùi); 一无是处 (không
đúng chút nào); 一孔之见 (tầm
mắt hẹp hòi),寸丝不挂 (một
sợi tơ cũng không ham); 寸草不留 (một
ngọn cỏ cũng không còn); 水泄不通 (con kiến không
lọt); 弱不禁风 (yếu gió thổi bay).;手无缚鸡之力 (sức trói gà không chặt)
2.1.1.3.
Khoa trương thời gian
Là đem sự
việc xuất hiện sau nói thành sự việc xuất hiện trước hoặc cả
hai cùng xuất hiện. Chẳng hạn: 未卜先知 (chưa bói đã biết / chưa đẻ đã đặt tên);未学爬,先学跑 (chưa học bò đã lo học chạy);不会走就要跑 (chưa vỡ bọng cứt đã đòi bay bổng);病好打太医 (khỏi
rên quên thầy);不打自招 (chưa khảo đã xưng)Có người
cho rằng đây là kiểu
khoa trương logic. Qua một số ví dụ trên có thể thấy, không có chuyện
chưa bói đã biết; cũng không có chuyện,
học chạy trước khi học bò. Như thế là
phi logic, nhưng người Trung Quốc chấp nhận lối nói trên khi khoa trương.
2.1.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có mấy loại sau:
2.1.2.1. Khoa trương trực tiếp
Khoa trương trực tiếp
là khoa trương không sử dụng bất cứ hình thức tu từ nào; vì vậy nó còn được gọi
là khoa trương “thuần túy”.
Thành ngữ khoa trương trực tiếp thường dùng hình tượng mới
mẻ, nổi bật để phóng to hoặc thu nhỏ sự thực. Loại này trong tiếng Hán cũng hết
sức phong phú. Chẳng hạn, 惊弓之鸟 (chim sợ cành cong);粉身碎骨(tan xương nát thịt);冰消瓦解 (tan thành mây khói);十死一生 (thập tử nhất sinh);千山万水 (thiên sơn vạn thủy);千方百计 (thiên phương bách kế)
Mục đích là gây cho người nghe / đọc những ấn tượng sâu sắc, khó quên.
Mục đích là gây cho người nghe / đọc những ấn tượng sâu sắc, khó quên.
2.1.2.2. Khoa trương gián tiếp
Khoa trương gián tiếp là khoa trương có sử dụng các thủ pháp tu từ khác, chẳng
hạn so sánh, ẩn dụ, nhân cách hóa, vật cách hóa v.v. . . ; còn được gọi là khoa
trương “kiêm dụng” hay “dung hợp”.
+ Sử dụng so sánh có từ so sánh
挥汗如 雨 (mồ hôi chảy như
mưa), 日 月如梭 (ngày tháng như thoi đưa). 如虎添翼 (như hổ
thêm cánh); 如坐针 毯 (như ngồi trên đống lửa).
+ Dùng ẩn dụ để khoa
trương
Các thành ngữ: 口若悬河 (mồm như sông treo), 丘山之功 (công
to như núi), 毫末之利 (lợi
bé bằng móng tay); 泰山鸿毛 ( Thái Sơn tựa hồng mao) đều sử dụng ẩn
dụ để khoa trương.
+ Dùng hoán dụ để khoa trương
Các thành ngữ 魂飞魄散 (hồn
bay phách lạc), 魂飞胆丧 (kinh
hồn bạt vía) miêu tả
tình trạng vô cùng sợ hãi của đối tượng.
+ Dùng nhân cách hóa để khoa trương
Còn 闭月羞花 (hoa nhường nguyệt thẹn), 沉鱼落雁 (chim sa cá lặn) là thành ngữ
ca ngợi vẻ đẹp của người con gái; ta cũng nói: 月闭花羞 (hoa nhường nguyệt thẹn), 鱼沉雁落 (chim sa cá lặn). Ta còn có 云愁雨怨 (vân sầu vũ oán); 天愁地惨 (thiên sầu địa thảm);山铭海誓(thề non hẹn biển). Những thành ngữ trên đều sử dụng nhân cách hóa để biểu thị khoa trương.
2.1.3. Phân loại khoa trương theo mức độ
Căn cứ vào mức độ, có thể chia khoa trương thành mấy loại sau:
2.1.3.1.Khoa tương ở mức độ thấp
Khoa
trương ở mức độ thấp là cách nói quá đi so với cái có thật trong thực tế; tuy
có thể nhân lên tới hàng trăm hàng nghìn lần, thậm chí hàng vạn lần, nhưng vẫn
chưa đến mức phi lí, vẫn có thể chấp nhận được. Sở dĩ như vậy là vì nghe mãi
thành quen tai, cả người nói và người nghe chẳng ai nghĩ mình đang khoa trương.
Chẳng hạn, các cụm từ sau thường được sử dụng trong khẩu ngữ: 伟大无穷 (vô cùng vĩ đại),
困难极了 (cực kì khó
khăn), 百端待举 / 日理万机 (trăm công nghìn việc), 一转眼 (trong nháy mắt), 佩服得五体投 地 (phục sát đất).
2.1.3.2. Khoa trương ở mức
độ cao
Khoa trương ở mức độ cao là nói quá sự thật một cách quá
đáng, đến độ phi lí không thể tin được. Trong giao tiếp người Trung Quốc hay sử
dụng các thành ngữ khoa trương: 不翼而飞 (không cánh mà bay), 一步登天 (một bước lên giời), 不识一丁 (một chữ bẻ đôi cũng không
biết), 一天比一世纪长 (một ngày dài hơn thế kỉ).
2.1.3.3. Khoa trương ở mức độ huyễn
tưởng
Đó là kiểu khoa trương không có thật, thường phải viện đến thần thánh, trời phật và các hiện tượng
siêu nhiên khác.
Ví dụ: 神出鬼没 (xuất quỉ nhập
thần);神通广大 (thần thông
quảng đại);平地生雷 (sấm giữa đất bằng);天没眼睛,地没良心 (trời không có mắt);惊天动地 (kinh thiên động địa);失魂落魄 (hồn bay phách lạc);天旋地转 (trời xoay đất chuyển); 天网恢恢 (lưới trời lồng
lộng) 天诛地灭 (trời
tru đất diệt);天翻地覆 (trời rung đất chuyển),天高地厚 (trời cao đất dày),天不怕地不怕 (trời không sợ đất không sợ);开天离地 (khai thiên lập địa);改天换地 (cải thiên hoán địa);天翻地覆 (trời rung đất chuyển). Chú thêm:
Sự phân chia
này chỉ mang tính tương đối, đôi khi không thật rạch ròi. Ví dụ, “沧海一粟” (muối
bỏ bể ) là khoa trương thu nhỏ, nhưng ta hay dùng và nhiều khi không nghĩ là khoa trương, vậy
nó là khoa trương ở mức độ thấp và cũng là khoa trương gián tiếp (dùng ẩn dụ).
Có thể coi đó là điểm giao của ba khái niệm (mảng tối xem hình vẽ)
2.2.
Một số cách biểu thị khoa trương trong thành ngữ
Cách biểu đạt khoa trương trong thành ngữ tiếng Hán rất phong phú. Trong bài viết
này chúng tôi xin giới thiệu một số cách phổ biến sau :
2.2.1. Sử dụng từ biểu thị khoa trương
2.2.1.1. Sử dụng số từ
Mỗi con
số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Trong khi số học
phương Tây (hay còn được gọi là hệ thống Pytago) kết nối những con số với tính
chất cốt rễ của nó thì số học phương Đông lại dựa trên âm thanh của con số
(theo tiếng Trung Quốc) khi ta phát âm. Nếu một con số phát âm giống một từ được
cho là tiêu cực hay thiếu may mắn, con số đó cũng được xem là tiêu cực hay thiếu
may mắn. Tuy nhiên, may mắn lại là một khái niệm không đóng vai trò gì trong số
học phương Tây. Thay vào đó, mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt
và những nghĩa xấu. Tùy với mỗi người mà năng lượng mạnh nhất của con số sẽ được
phát huy.
Nói ngoa
bằng cách dùng những con số lớn hơn hay ít hơn nhiều lần để nói lên sự
hơn kém về sự việc hiện tượng. Những con số này chỉ là ước lệ, có tính chất ngụ
ý.
Thành ngữ khoa trương số lượng trong tiếng Hán là thành ngữ có chứa các con
số. Chẳng hạn: “罪该万死” (tội đáng chết vạn lần), “千军万马” (thiên binh vạn mã). Ở đây, “đáng chết vạn lần” nhấn mạnh tội
ác quá lớn, “thiên binh vạn mã” chỉ số lượng rất nhiều. Trong thành ngữ
tiếng Hán những chữ số “百” (trăm), “千” (nghìn), “万” (vạn), nói chung được dùng để khoa trương phóng to. Những con số
nhỏ hoặc ước lệ được dùng để khoa trương thu nhỏ; chẳng hạn, trong “寸步不离” (không rời nửa bước),thì “寸步” biểu thị cự li được thu nhỏ tới mức tối đa.
Như đã thấy, xét về đại thể, thành ngữ khoa trương có chứa con số lớn biểu thị
sự phóng to, thành ngữ khoa trương có chứa con số nhỏ biểu thị sự thu nhỏ.
Biểu thức: Num1+
N1 - Num2 + N2
Các chữ viết tắt:
Num (Numeral): Số từ; N (Noun): Danh từ; V (Verb): Động từ; S (Subject): Chủ ngữ; O
(Object): Tân ngữ. Âm Hán – Việt ghi trong móc vuông []; phần dịch in nghiêng ghi
trong móc đơn ().Cấu trúc này
xuất hiện trong các thành ngữ cân đối. Chẳng hạn:
一发千钧 (ngàn cân treo sợi tóc); 三头六臂 (ba đầu sáu tay); 百发百中(bách
phát bách trúng); 千行万状 (muôn hình vạn trạng); 万户千门 (muôn nhà vạn hộ); 万苦千辛 (vạn khổ thiên tân); 万千变化 (thiên biến vạn hóa).一刻千金 (một khắc đáng ngàn
vàng);一日三秋 (một ngày dài bằng ba thu);万众一心 (muôn người như một)
Biểu thức: Num1+
Adj1 - Num2 + Adj2
万紫千红 (muôn hồng ngàn tía); 千辛万苦 (trăm
đắng ngàn cay);
Những thành ngữ này có tính từ đã được danh từ
hóa. Những trường hợp khác xuất hiện trong các thành ngữ phi cân đối. Ví dụ:
万古流芳 (tiếng thơm muôn thưở),万金不挽 (ngàn vàng không đổi), 万马奔腾 (vạn con ngựa cùng chạy)。
Biểu thức: Num1+ V1 - Num2 + V2
Ví dụ:半生半死 (nửa sống nửa chết); 十死一生 (thập tử nhất sinh);百战百胜 (bách chiến bách thắng);百发百中 (bách phát bách
trúng).
Ở đây các động từ
cũng được danh từ hóa.
Có người khi phân chia đã chia ra các thành ngữ thành khoa trương số lượng
(thành ngữ có chứa các con số). Chẳng hạn: “罪该万死” (tội đáng chết
vạn lần), “千军万马” (thiên binh vạn mã). Ở đây, “đáng
chết vạn lần” nhấn mạnh tội ác quá lớn, “thiên
binh vạn mã” chỉ số lượng rất nhiều. Trong thành ngữ tiếng Hán những chữ số
“百” (trăm), “千” (nghìn), “万” (vạn), nói
chung thường được dùng để khoa trương phóng to. Ví dụ: 千方百计 (trăm phương ngàn kế);千辛万苦 (trăm đắng ngàn cay). Ngay cả
khi nó kết hợp với số “一”; ví dụ: 一字千金 (một chữ giá ngàn vàng); 一诺千金 (một lời hứa đáng ngàn vàng).
Xét về đại thể,
thành ngữ khoa trương có chứa con số lớn biểu thị sự phóng to, thành ngữ khoa
trương có chứa con số nhỏ biểu thị sự thu nhỏ.
2.2.1.2.
Sử dụng động từ khoa trương
Biểu thức: V1 + O1 – V2 +O2
Biểu
thức này xuất hiện trong thành ngữ cân đối. Ví dụ:
刻骨铭心 (khắc cốt ghi
xương), 翻江倒海 [phiên
giang đảo hải] (trời rung đất chuyển) ,顶天立地 (đội trời đạp đất),惊天动地 ( kinh thiên động
địa) ,戴月披星 (đội
trăng gánh sao),戴天陆地 (đội trời
đạp đất); 张牙舞爪 (nhe nanh múa vuốt); 吐玉喷珠 (nhả ngọc phun
châu);
Biểu thức: S1 + V1 – S2 + V2
Biểu thức này xuất
hiện trong các thành ngữ
cân đối. Ví dụ:
天旋地转 (trời rung đất chuyển); 天灾人祸 (thiên
tai nhân họa); 天珠地灭 (trời
tru đất diệt); 天造地设 (thiên tạo nhân thiết); 龙盘虎踞 ( rồng ngồi hổ phục); 龙飞风舞(rồng bay phượng múa);山铭海誓 [sơn minh hải thệ] (thề non hẹn biển);风吹雨打 (mưa dập gió vùi);
Các trường hợp
khác chỉ có thể xuất hiện trong thành ngữ phi cân đối. Ví dụ: 心花怒放 [tâm hoa
nộ phóng] (mở cờ trong bụng),草木皆兵 [thảo mộc giai binh] (trông gà hóa cuốc);人定胜天 (nhân định thắng thiên);如雷贯耳 (sét đánh ngang tai);海阔天空 (nói trên trời dưới bể);一手遮天 (bàn tay che cả trời).
Qua các
ví dụ trên có thể thấy, động từ biểu thị khoa trương có thể đem lại những giá
trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa
trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ
là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương
ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn
thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo
nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí độc giả. Tuy nhiên, đối với một số động từ nội
động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh, hoặc trong những điều kiện sự việc không
thể xảy ra, thì mới có thể thực hiện khoa trương. (Xem các ví dụ minh họa cho S1 + V1 – S2 + V2)
2.2.1.3. Sử dụng tính từ biểu thị khoa
trương
Biểu thức: N1 +Adj1 –N2+ Adj2
Ví dụ: 海枯石烂 [hải khô thạch lạn] (biển cạn đá mòn) , 冰清玉洁 [băng thanh ngọc khiết] (trong ngọc
trắng ngà), 山高水长 [sơn
cao thuỷ trường] (cao như núi, dài như sông), 天高地厚 (trời cao đất dày); 神通广大 (thần thông quảng
đại);神机妙算 (thần
cơ diệu toán);山穷水尽 (sơn
cùng thủy tận; 地老天荒 [địa lão
thiên hoang] (đất cỗi trời hoang, chỉ thời kì hoang sơ quá xa xôi).
Qua các ví dụ trên ta thấy, chúng là các kết cấu chủ vị ( S kết hợp với
tính từ làm vị ngữ trong kết cấu).
Biểu thức: Adj1 + N1 – Adj2 + N2
Chẳng hạn: 红楼紫阁 (lầu son gác tía); 红叶赤绳 (lá thắm chỉ hồng);红颜薄命 (hồng
nhan bạc mệnh);奇花异草 (kì hoa dị thảo).
Cấu trúc này chỉ xuất hiện trong các thành ngữ cân đối; trên thực tế
chúng là những ngữ danh từ có tính từ làm định ngữ.
2.2.1.4. Sử dụng danh từ để biểu thị khoa
trương
Biểu thức: N1 +N2+ N3 +N4
Trong biểu thức này, chúng có kết cấu là danh từ + danh từ = cụm danh từ biểu thị khoa trương. Đặc biệt là đối với những
thành ngữ song đối, bị hạn chế (định khuôn) về ngữ âm (4 chữ), nhất là thành ngữ
so sánh dạng ẩn. Ví dụ:
天涯海角 [thiên nha hải
giác] (chân trời góc bể) ; 佛口心蛇 (khẩu phật tâm xà);山肴海味 (sơn hào hải vị);铜筋铁骨 [đồng cơ thiết cốt] (như mình đồng da sắt);抢林弹雨 [thương lâm đạn vũ] (mưa bom bão đạn).
Những trường hợp khác đều xuất hiện trong thành
ngữ phi cân đối. Ví dụ: 百家争鸣 [bách
gia tranh minh] (muôn nhà đua tiếng);天花乱坠 [thiên hoa loạn trụy] (ba hoa xích đế);心细如发 [tâm tế như phát] (chẻ
sợi tóc làm tư ).
(Xem thêm Thành ngữ so sánh dạng ẩn biểu thị khoa trương)
2.2.2.Sử dụng các phương tiện tu từ, biện pháp tu từ để biểu thị khoa
trương
2.2.2.1. Sử dụng ẩn dụ biểu thị khoa trương
Theo tác
giả Hữu Đạt [3, tr.302] thì “Ẩn dụ là kiểu so
sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn
dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên
văn bản với các sự vật hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của
phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ
chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc ”
Như vậy
theo chúng tôi hiểu, ẩn dụ là so sánh mà không có từ so sánh.
Xét
các thành ngữ “沧海一粟” (muối bỏ bể), “九牛一毛” (hạt
cát trong sa mạc), “千钧一发” (ngàn
cân treo sợi tóc); 米珠薪桂 [mễ
châu tân quế] (gạo đắt như ngọc, củi đắt như gỗ quế) ; cũng
đều sử dụng thủ pháp ẩn dụ (so sánh không có từ so sánh) để khoa trương. Và những thành ngữ này phải được
hiểu là “như muối bỏ bể”, “như hạt cát trong sa mạc”, “ như ngàn cân treo
sợi tóc”, “gạo đắt như ngọc củi đắt như quế”. (Xem thêm: Sử dụng so sánh dạng ẩn biểu thị khoa trương)
2.2.2.2. Sử dụng hoán dụ biểu thị khoa trương
Tác giả
Trần Vọng Đạo trong “修辞学发凡” (Tu từ học phát phàm) lần đầu tiên đã
đưa ra định nghĩa về phép hoán dụ: “Sự vật
được nói tới tuy rằng không có điểm tương tự với sự vật khác, giả sử khi giữa
chúng còn có quan hệ không thể tách rời, tác giả có thể mượn tên của sự vật có
quan hệ đó thay cho sự vật được nói tới. Cách mượn như vậy gọi là phép hoán dụ
tu từ” [93]. Nghĩa là, không nói thẳng ra tên người hoặc sự vật mà mượn tên
của sự vật có quan hệ mật thiết với nó thực hiện phép
thay thế.
Ví dụ : “魂飞魄散” (hồn
bay phách lạc), “魂飞胆丧” (kinh hồn
bạt vía), 心正不怕雷打 (lòng ngay thẳng
không sợ sấm đánh); 三魂七魄 (ba hồn bảy vía);亡魂丧胆 (hồn vía
lên mây). Như đã trình bày, đây là kiểu
hoán dụ lấy cái bộ phận thay cho cái toàn thể.
2.2.2.3.Sử dụng nhân cách hóa biểu thị khoa trương
Nhân
cách hóa là một biện pháp tu từ lấy vật bao gồm vật thể, động vật, tư tưởng hoặc
khái niệm trừu tượng làm cho chúng có diện mạo, cá tính, tính cách, hoặc tình cảm.
Nhân
cách hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những
từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị
thuộc tính, dấu hiệu không phải con người, nhằm làm cho đối tượng
được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người
nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư thái độ của mình. Nhân cách
hoá biểu thị khoa trương có mấy loại chính sau:
- Nhân cách hóa thực vật Là biến thực vật cũng có tâm tư tình cảm như con người. Ví dụ:
- Nhân cách hóa thực vật Là biến thực vật cũng có tâm tư tình cảm như con người. Ví dụ:
Thành ngữ
“闭月羞花”[bế nguyệt tu hoa] (hoa nhường
nguyệt thẹn) ca ngợi vẻ đẹp của người con gái; ta
cũng nói: “月闭花羞” (hoa nhường
nguyệt thẹn). Và 沾花惹月(ngâm hoa vịnh nguyệt);草木皆兵 [thảo mộc giai
binh] (trông gà hóa cuốc);;吟花咏月 (ngâm hoa vịnh
nguyệt);投桃报李 (thả mận
gieo đào).
- Nhân
cách hóa động vật, trời đất, thần thánh
Ví dụ: “鱼沉雁落 [ngư trầm nhạn lạc] (chim sa cá lặn);鬼哭狼嚎 (quỷ
khóc sói gào); 神差鬼使 (thần sai quỉ khiến). 瞒得过人瞒不过神 (vải thưa che mắt thánh)伸出鬼没 (xuất quỷ nhập
thần) ; 天不怕地不怕 (trời không sợ đất không sợ) ; 云愁雨怨 (vân sầu vũ oán); 天愁地惨 [thiên
sầu địa thảm](trời sầu đất thảm);山铭海誓(thề
non hẹn biển).
Nguyễn Ngọc Kiên
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu,
Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở Ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Gíao Dục
2. Chu Xuân
Diên, Đinh Gia Khánh (1972), Văn học dân gian, NXB Đại học và Trung học
chuyên nghiệp.
3.Hữu Đạt
(2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia HN.
4. Hoàng Văn
Hành (2001), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.
5. Đinh Trọng Lạc (2005), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt,
NXB Giáo dục.
6. Đinh Trọn g Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt,
NXB Giáo dục.
7. Hoàng Kim Ngọc
(2009), So sánh & ẩn dụ trong ca dao trữ tình, NXB Khoa học.
8. Vũ Ngọc Phan
(2003), Tục ngữ ca dao dân ca, NXB Văn học.
9. Đào Thản
(1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
10. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt,
NXB Giáo dục.
11.Viện Ngôn ngữ
học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12. Nguyễn Như Ý
(2002), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, NXB Gi áo dục.
13. 现代汉语词典, (2002),商务印书馆
15. 黄伯荣,廖序东 (1983),现代汉语,甘肃人民出版社。
16. 王希杰 (2007),汉语修辞学,商务印书馆。
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
1. Nguyễn
Bích Hằng, Trần Thanh Liêm, (2005), Từ
điển thành ngữ - tục ngữ Hán – Việt, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội.
2.
Nguyễn Văn Khang, (2008), Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt - Hán, NXB Văn hóa Sài Gòn.
(còn nữa kì sau đăng tiếp)
No comments:
Post a Comment