TRƯỜNG LÀNG
TÔI
Lê Văn Huấn
Trường làng tôi mái ngói, tường rêu, được ôm ấp bởi
những hàng tre bốn mùa rợp bóng. Không biết trường được xây dựng từ bao giờ,
nhưng chắc hẵn phải trước tôi sinh ra nhiều lắm, vì theo tôi biết, thì các thế
hệ đàn anh của tôi cũng đã học ở nơi này.
Tọa lạc trên khoảnh đất rộng chừng nửa hecta, thuộc
Xóm Quán, thôn Mỵ. Trường có hai dãy, dãy chính day mặt ra hướng đông nam, nơi
có con sông quê hương hiền hoà chảy qua. Dãy phụ nhìn ra hướng đông bắc, nơi có
ngôi đền thờ Phái họ Trương, một nơi
thâm nghiêm cổ kính của làng.
Trước phòng học lớp Năm (lớp một) có một cây cổ thụ,
dang rộng những tán lá che kín cả một góc sân, đây là điểm quần tụ của lũ chúng
tôi trong những giờ ra chơi khi gặp buổi trời nắng gắt. Phía trước hành lang
của trường từ lớp Tư (lớp hai) cho đến lớp Nhì (lớp bốn) thẳng tắp một hàng vú
sữa, với những chiếc lá mang hai sắc màu sáng tối. Vây quanh bồn cây là những
viên gạch đỏ thẩm được chôn nghiêng, chúng kết thành một diềm tròn với những
hình tam giác đứt đoạn. Bên hông phải của lớp Nhất (lớp năm) chạy ra đến cổng
trường, đứng rì rào trong gió là hàng bạch đàn cao ngất với những thân cây bạc
phếch, trên đó hiện lên dọc ngang những dòng chữ được khắc như vết xâm trên da
thịt, kỷ niệm học trò của các anh chị đã rời trường từ những năm về trước.
Phía sau phòng học lớp Năm, có cái giếng gạch xanh
rêu, nước trong vắt, nơi chúng tôi thường kéo gàu múc nước rửa chân trước khi
vào lớp, nhưng thỉnh thoảng đôi khi khát chúng tôi vẫn giành nhau uống một cách
ngon lành. Chính diện giữa sân trường là chiếc cột cờ cao chót vót đứng trụ
trên bệ xi măng được xây theo khối vuông có bậc tam cấp, nơi mỗi sáng sớm trong
lễ chào cờ, các anh chị lớp Nhất thường đứng kéo cờ theo hiệu lệnh của thầy cô.
Có lẽ đẹp và uy nghiêm nhất chính là chiếc cổng
trường, với hai trụ xi măng đã ngã màu xám xịt, được chắn bởi cánh cổng sắt
xanh màu lá. Phía trên là tấm bảng màu xanh lơ, nổi bật với hàng chữ màu trắng:
TRƯỜNG TIỂU HỌC CỘNG ĐỒNG TRƯỜNG SANH. Đây là hình ảnh thân thương, niềm tự
hào, của bao thế hệ học sinh trường làng.
Thuở ấy đến trường, lũ chúng tôi nhiều đứa chẳng bao
giờ mang dép, đội mũ. Áo quần thì chẳng phải đồng phục, mặc loại nào, màu nào
cũng được, nhiều cu cậu vô học lớp một mới biết bận quần. Cả lớp chỉ có vài đứa
sắm nổi cặp, còn lại đa số chỉ đựng vở trong túi nylon, nhưng túi nylon cũng là
mặt hàng hiếm, nhiều đứa dùng lâu ngày đến nổi túi ngã màu vàng ngoạch, rách
trên, lủng dưới vẫn chưa có cái khác để thay.
Vì phải viết bằng bút tre chấm mực nên đâu đâu cũng
dính mực, mực dính trên quần áo, vương vãi trên bàn ghế, loang lỗ trên tường,
bết đầy tay chân mặt mủi. Còn trong tập vở thì khỏi phải chê, vệt mực đôi khi
nhiều hơn chữ viết, sau khi viết một đôi hàng là phải dùng giấy thấm, không có
giấy thấm thì dùng phấn lăn lên, gặp phải loại tập xấu nhiều khi chưa kịp thấm,
mực đã loang ra trông rất bẩn.
Việc mang kè kè bình mực mỗi buổi đến lớp là cực hình
của lũ con trai, nên những đứa ngồi gần nhau thường phân công thay phiên đem
mực mỗi ngày. Vậy là một bình mực đôi khi có ba bốn cây bút xỉa vào (Vì cộng
thêm những đứa hết mực chưa có tiền mua, hay quên đem mực). Gặp phải giờ viết
chính tả thì thật là lôi thôi, đứa chưa rút bút ra, đứa khác đã đâm vào. Nhưng
xui xẻo nhất vẫn là lúc đứa được phân công lại để quên mực ở nhà, lúc này giải
pháp tình thế là ăn cắp mực của tụi con gái, thế là bài chính tả đôi khi được
viết với hai màu mực (chúng tôi chuyên viết mực màu xanh, đám con gái chúng
thường viết màu tím). Việc ăn cắp mực đôi khi rất công khai mà chẳng phải sợ
chúng thưa cô, thưa thầy. Vì đứa nào lỡ thưa, ra sân chơi sẽ bị phá phách, hay
nặng hơn là bị bắt sâu đo bỏ lên đầu, đây là món đòn hết sức hiệu nghiệm, đám
con gái đứa nào cũng ớn.
Việc đâu đâu cũng nhìn thấy mực, ngoài những bất cẩn
trong lúc viết lách đôi khi còn do một số đứa hứng khởi dùng mực làm vũ khí
truy kích nhau. Đứa nào sắm áo mới dễ trở thành mục tiêu cho tụi bạn rảy mực.
Là học trò tiểu học trường làng, ngày ngày đến trường,
việc chơi chẳng kém gì việc học. Tùy mùa mà chúng tôi có những trò chơi khác
nhau. Lũ con trai chúng tôi quanh đi quẩn lại cũng chỉ dăm ba trò: Bắn bi, nạp
vụ, căng cù (đánh trỏng), tạt loong ... và đánh nhau, trong đó, vui nhộn nhất
là môn sau cùng này, một môn chơi chẳng cần trang bị bất cứ dụng cụ gì, chỉ cần
có cơ bắp thật khoẻ để tấn công như rút chạy. Môn chơi này được hầu hết nam
sinh lớp tôi hưởng ứng. Một phe công thành (ở dưới đất), một phe thủ thành (cố
thủ trên bệ ximăng cột cờ). Trong lúc xung trận, có những chiến binh bị dính
đòn tơi tả, nhưng khi tiếng kẻng hết giờ chơi vang lên, là chúng tôi vội vã sắp
hàng vào lớp bỏ lại ngoài sân tất cả những ân oán của chuyện giao tranh.
Không ồn ào như lũ con trai chúng tôi, đám con gái lại
có nhiều trò chơi hơn, chúng rất khéo léo trong môn nhảy lò cò, thục mạng, chơi
chặt, chuyền cành cao chuyền cành thấp, nhưng chúng cũng cãi vã không kém phần
dữ dội trong các trò chơi ô làng (ô ăn quan) hay nhảy dây, ù mọi...
Có lẽ vui nhộn nhất là môn ù mọi, gặp lúc cao hứng
chúng vẫn đánh vật nhau huỳnh huỵch như thường. Môn này nói là trò chơi của tụi
con gái, nhưng nhiều lúc vô công rồi nghề, do nghịch ngợm hay ngẩu hứng, lũ con
trai chúng tôi cũng xáp vô ăn thua đủ.
Ngoài các trò chơi trên, một môn mà hai phái chẳng ai
kém ai, đó là môn ăn quà vặt. Kẹo Nouga năm đồng ba cái, ba que cà-rem giá cũng
chỉ năm đồng, rồi kẹo chanh kẹo dẽo, kẹo cau năm đồng là có cả vốc.
Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những bịch kẹo me, ngoài cái
vị chua chua ngọt ngọt mỗi bịch kèm theo hình các tài tử rất đẹp, nhiều đứa
thích sưu tầm chúng có cả xấp. Và với hình những chiếc xe, chiếc tàu lửa bắt
mắt có được trên vỏ kẹo Singum, chúng tôi thường đem dán trên cột nhà hay trên
cặp, bìa sách của mình, đôi lúc hứng chí lại dán lên tay như những hình xăm của
các tay anh chị dân chơi thứ thiệt.
Nói thế không có nghĩa lúc nào chúng tôi cũng có tiền
mua quà. Học sinh trường làng năm thì
mười họa mới có tiền. Những lúc rỗng túi, chúng tôi lại đi tìm những món ăn dân
giã có sẵn chung quanh trường. Khi thì dăm ba trái mắm nêm (chùm bao), vài chùm
muống chuổng. Công phu hơn thì kiếm dái mít giã chung với lá bùi nhùi trộn
muối, cùng nhau nhấm nháp cũng thấy ngon miệng. Chẳng biết tí gì về chuyện trầu
cau, vậy mà chúng tôi vẫn têm những lá trầu xinh xắn, ngọt ngào, nguyên liệu
chỉ là những lá keo bên ngoài bọc lá mồông cồông.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng yên bình, hạnh
phúc. Một mùa hè, không giống như những mùa hè êm ả khác, chiến tranh đã xảy
ra, lúc đó tôi vừa tròn tám tuổi. Lúc cùng gia đình gồng gánh di tản ngang qua
trường. Nhìn sân trường vắng hoe không một bóng người, cánh cổng xanh đứng im
thiêm thiếp, hàng bạch đàn xào xạc run run. Một nỗi buồn từ đâu bỗng ập đến,
tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong lòng. Với trí óc non nớt của trẻ thơ, tôi thầm
nghĩ chỉ dăm ba bữa thôi chúng tôi sẽ trở về, sẽ được nô đùa cùng đám bạn bè
cùng lớp.
Nhưng có ai ngờ rằng trong giây phút vội vàng đó,
chính là thời khắc thiêng liêng, tôi được chứng kiến lần cuối ngôi trường thân
yêu của mình ...
Hai năm biền biệt tha hương nỗi nhớ thầy cô bè bạn
chẳng lúc nào vơi. Nhớ thầy Thuận hiệu trưởng, có khuôn mặt hiền hậu, nhớ thầy
Tùng có chiếc xe máy màu đỏ, nhớ thầy Tú có mái tóc bóng mượt, nhớ thầy Nhũng
có giọng nói Quảng Nam, nhớ thầy Sùng có chiếc áo len màu xám tro,... Tôi nhớ
hình ảnh ông phu trường, ngày ngày vào lớp phát bánh mì cho học sinh...
Tôi nhớ về lớp Ba của tôi, tôi hình dung ra từng lối
đi, từng chỗ ngồi trong lớp, thằng Bàn trên đầu có nhiều sẹo mà chúng tôi vẫn
chọc gọi là Bàn trẹo, Thằng Nam (Bút) thủ lĩnh của chúng tôi trong những trận
thư hùng. Trương Huê đệ nhất môn chơi bi của trường, mỗi lúc vào cuộc chơi ít
đứa nào so bì kịp, tài năng của Huê làm mấy anh lớp trên luôn phải ngán ngại.
Thi, Thuận được liệt vào hàng nhát như thỏ trong những lúc lâm chiến và còn
những đứa khác mỗi đứa mỗi tính mỗi đứa mỗi cách, Trung, Đợi, Triều, Trà, Sơn,
Liên, Hoa... đám bạn lớp Ba của tôi.
Nhớ những buổi bị phạt quỳ, bị đánh roi do quá ham
chơi nghịch ngợm, và những buổi trốn học rũ nhau ra cồn Đình, cồn Vạn bắt dế
hay lêu têu đi bắt tắc kè... Thật ngọt ngào biết bao với một khung trời đầy ắp
những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
Hai năm sau chúng tôi được hồi hương, trong tâm trạng
bồi hồi của những người con xa xứ, nóng lòng mong gặp lại người xưa cảnh cũ,
nhưng thật xót xa thôn xóm hoang tàn, cửa nhà đổ nát. Tại bãi đổ, xe chưa kịp
dừng tôi đã phóng xuống, thật quá đỗi bàng hoàng khi tôi không thể nhận ra được
làng xóm thân yêu của mình và cũng chẳng biết mình đang đứng ở nơi đâu, mãi một
lúc sau định thần lại tôi mới ngỡ ngàng nhận ra: Cái trụ xi măng đỗ nát trước
mặt tôi chính là chiếc cổng trường, còn ngôi trường đã biến mất đi đâu mất,
thay vào đó là những hố bom sâu hoắm, những lùm cây cây dại um tùm, những tấm
tôle cong queo bẹp dúm, lỗ chỗ trên thân mình đầy những vết đạn.
Trong giây phút thẩn thờ, tôi rưng rưng đứng nhìn
chiếc cổng trường lở lói, chơ vơ gục đầu trong bạt ngàn cỏ dại. Ngôi trường
thân yêu của chúng tôi không còn nữa.
Vĩnh biệt lũ học trò chúng tôi, ngôi trường mãi mãi ra
đi. Còn đâu nữa những hàng cây xanh rợp bóng, còn đâu những gàu nước trong vắt
ngọt ngào từ cái giếng xanh rêu, còn đâu chiếc cổng trường có bảng biển màu
xanh quen thuộc, và đâu rồi phòng học lớp Ba yêu quý của tôi...
Thấm thoát thời gian trôi nhanh, cuộc chia ly ấy nay
đã hơn bốn mươi năm. Giờ đây, thầy cô nhiều bậc đã vong niên, còn lũ học trò
chúng tôi mỗi người một ngã. Mặc dầu vậy, khi hoài niệm về quê hương hay lần
giở những trang ký ức tuổi thơ, mỗi chúng vẫn bồi hồi nhớ về trường cũ. Ngôi
trường quê thân yêu, cái nôi của bao thế hệ học sinh trường làng: Trường Tiểu
học Cộng đồng Trường Sanh.
LVH
*****Đã đăng trong tuyển tập THƠ VĂN HẢI LĂNG.
No comments:
Post a Comment