PHÊ BÌNH BẢN DỊCH CUỐN ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, KỲ 18
Trong thời gian 1 năm rưỡi ở Thuận Hóa và Hội An Thích Đại Sán đã ghi lại một số điều về đất nước và con người xứ Đàng Trong, như khí hậu, động vật, cây cỏ, thổ sản, nhà cửa, phương tiện di chuyển, phong tục, tập quán, buôn bán, sưu dịch, quân dịch,…. tất cả được ghi lại khá tỉ mỉ trong tập bút ký “Hải Ngoại Kỷ Sự”.
Tập “Hải Ngoại Kỷ Sự” là một trong những tác phẩm quan trọng viết về Việt Nam thời cổ của các tác giả Trung Quốc thời trước; giá trị của tác phẩm là ở chỗ tự thuật ở đây căn cứ những gì tác giả thấy tận mắt, nghe tận tai.
Ngày mồng 1 tháng 2 năm Ất Hợi, trước Ngọ, Nguyễn Phúc Chu thiết trai tăng cung thỉnh Đại Sán, và tiếp đó cúng dường ca vũ. Sau đó Đại Sán có hỏi chuyện các nàng ca kỹ:
~ Phạn tất, thỉnh viết: - Lão hòa thượng tiền đắc dĩ ca vũ cung dưỡng phủ?
Dư viết: - Thập cung dưỡng trung, âm nhạc kỳ nhất dã.
Vương viết: - Cáo quá thủy cảm.
Tùy mệnh xuất cung nữ tứ, ngũ thập nhân… dã dung (冶容) nhạn hàng, chúng âm tịnh tấu, ca giả trì(遲) kỳ thanh dĩ mị chi, vũ tụ phi dương tự thái liên tình thái, ca kỳ khúc điệu dã.
Diễn [演] bãi, xuất nô tiền (帑錢) ngũ thập thiên dữ dư thưởng tiểu hầu (小侯), tiểu hầu tức lê viên (梨園) chi xưng, dịch nhã danh dư? Ngữ trung thường dĩ Đông Kinh vi niệm, ngôn Đông Kinh nguyên bản Quốc cương thổ, kỳ tiên thế nãi An Nam chuế tế (贅婿) phân phiên ư tư, hậu chuyển cường thịnh…. tự thử cát cứ bản quốc, nhân thị cải xưng vi Đại Việt vân!
Vấn đáp mỗi vị thông sự thố mậu, thị dĩ bất phục đa ngôn.
/ Hải Ngoại Kỷ Sự. Qu. I /.
~ Cơm xong, (vua) mời: - Lão hòa thượng trước đây có được cúng dường ca vũ không?
Tôi nói: - Trong 10 thứ cúng dường âm nhạc là một.
Vua nói: - Phải nói qua mới dám thỉnh.
Liền đó gọi 4, 5 chục cung nữ ra… mặt mày trang điểm, đứng theo hàng lối thứ tự, các thứ nhạc khí đồng thời tấu, người ca tiếng ca ngân nga cho đắm lòng người, ống tay áo múa tung bay như tư thái hái sen, ca nhạc khúc của mình.
Diễn (ca vũ) xong, xuất tiền vương phủ đưa tôi 50,000 tiền thưởng các tiểu hầu, tiểu hầu là tên gọi các cô ca kỹ, cũng chẳng là tiếng gọi thanh nhã sao? Trong lúc nói chuyện các cô này thường tỏ lộ hoài niệm Đông Kinh, nói Đông Kinh vốn là cương thổ nước mình, nói đời trước của vua (hiện nay) là rể của vua An Nam, được cho ra trấn thủ đất này, đến sau trở nên cường thịnh…. từ đó cát cứ bản quốc đây, nhân đó đổi quốc hiệu là Đại Việt.
Trong khi đối đáp, thường vì thông sự dịch sai lạc cho nên tôi không nói nhiều!
Minh Di:
Sự kiện Lê Thánh tông đánh Chiêm Thành năm 1473, bắt cả nhà vua Chiêm Thành Bàn La Trà Duyệt, chiếm đất đổi tên khác, không thấy “Đại Việt Sử Ký” ghi chép.
Về quan hệ Việt / Chiêm, Việt / Trung, rồi Chiêm Thành và Trung Quốc, có bao nhiêu Sử liệu trong tay, trong đó có một số tác phẩm của những người đã từng tới xứ Chiêm và sống tại đây một thời gian vài ba tháng, 1 năm hay năm ngoài, với tư cách là Sứ giả Trung Quốc, tôi đều dẫn hết trong cuốn “Nam Biên”.
Tuy chưa thể gọi là đầy đủ nhưng ít ra những Sử liệu này cũng có thể cho người đọc một cái nhìn tổng quát về những nét chủ yếu về Chiêm Thành.
&
Sau cùng, cũng có một đôi điều cần nói thêm ở đây.
Cuối tác phẩm “Nam Biên” tôi có mấy giòng:
~ Duyệt lại Cổ sử người ta thấy có một sự tránh né của Sử gia Việt Nam thời cổ, nói rõ ở đây là bộ “Đại Việt Sử Ký”, khi viết về “hành trình về phương Nam” của An Nam. - hoặc nói rõ ra là cuộc Chiến tranh giữa Chiêm thành và Đại Việt.
Trong hơn 1,000 năm lệ thuộc phương Bắc thư tịch của chúng ta bị Trung Quốc, hoặc lấy đi hoặc tiêu hủy không là ít lắm, thế nhưng vẫn còn một số được họ lưu giữ - và có một số trong số này được họ ấn hành để nghiên cứu! Đây là chưa kể trong khá nhiều thư tịch của học giả, nhất là Sử gia nước họ chúng ta, người Việt ngày nay, còn có thể thấy lại được con người của chúng ta ngàn năm trước.
Trong khi đó thư tịch của Chiêm Thành cổ nhân chúng ta thẳng tay tiêu diệt, không còn manh mối gì! Nguồn Sử liệu chủ yếu còn lại về Chiêm Thành đến từ phía Trung Quốc!
Ngoài ra, có thể Cao Miên, tức Chân Lạp cổ cũng có vài ghi chép về Chiêm Thành!
Có lẽ cần học thêm tiếng Miên nếu muốn thêm phần nào về dân tộc Chiêm Thành.
Lại nữa, có vẻ Sử gia, học giả của chúng ta những thời trước đã không mấy người có hứng thú chép về một Quốc gia - một Dân tộc, một thời đã bị chúng ta tiêu diệt!
~ Phải chăng đây là một mặc cảm? Phải chăng hay chẳng phải?
Mất nước đã là một nỗi bất hạnh lớn lao, con cháu ngày nay rồi cũng không rõ gì nhiều về tổ tiên mình lại là nỗi bất hạnh khác, đây là nỗi bất hạnh của người Chàm còn lại!
Sử gia thường nói tới điều gọi là “bài học lịch sử”, và cũng chính Sử gia lại đã thường quên nhắc tới một điểm trong “bài học lịch sử” đó:
~ Niềm tự hào của một Dân tộc luôn luôn được trải bằng xương, tưới bằng máu của một Dân tộc khác.
Muốn tiêu diệt một nước, tiêu diệt Văn hóa của nước đó trước! Việt Nam của những thời trước, là Giao Chỉ, là An Nam…. đã áp dụng triệt để nguyên tắc này, và áp dụng đến lạnh lùng, một sự lạnh lùng của Lịch sử!
Lịch sử vốn lạnh lùng, như Sử gia phải bình thản trước sự kiện Lịch sử, chính xác là phải “lãnh tĩnh” trước mọi biến động - nhưng “lãnh tĩnh” rồi không có nghĩa là lạnh lùng sắt đá trước cảnh tang thương, lầm than của con người, của đồng loại!
Đây là góc cạnh nhân bản của Sử gia, và chính tấm lòng “nhân bản” này mới làm nên một Sử gia chân chính, ngoài những đức tính khác phải có của Sử gia.
&
Vì phải tiếp xúc với Trung Quốc để nhờ giúp đỡ chống lại Giao Chỉ từ đó người Chiêm dần dần đã học chữ Hán, viết văn, làm thơ chữ Hán - và hơn thế nữa, còn đọc tới cả Kinh điển Trung Quốc như Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư….
Tập “Trạc Anh Đình Bút Ký” (濯纓亭筆記) kể rằng sau khi Nguyên triều diệt Tống triều Thẩm Kính Chi (? - ?) lưu vong phương Nam tới Chiêm Thành xin giúp quân chống với Nguyên triều, khôi phục Tống triều! Chiêm Thành nói nước mình nhỏ để từ chối.
Thẩm Kính Chi vào tận triều khóc lóc van xin cũng không được.
Thẩm Kính Chi ở lại Chiêm Thành, vua Chiêm đối đãi như khách nhưng trước sau vẫn không cho làm quan. Thẩm Kính Chi lo nghĩ đến phẫn hận, sinh bệnh mà chết.
Vua Chiêm làm một bài thơ thương tiếc như sau:
Động (慟) khốc Giang Nam lão cự khanh (鉅卿),
Xuân phong thức lệ (拭淚) vị thương tình.
Vô đoan thiên hạ biên niên nguyệt,
Trí sử nhân gian hữu tử sinh.
Vạn điệp (萬疊) bạch vân già cố quốc,
Nhất phôi (一抔) hoàng thổ cái (蓋) hương danh.
Anh hồn (英魂) hảo trục (好逐) Đông lưu khứ,
Mạc hướng biên ngu (邊隅) oán bất bình!
Khóc thảm Giang Nam lão đại khanh,
Gió xuân quét lệ mà thương tình.
Cớ chi thiên hạ ghi năm tháng,
Để khiến nhân gian có tử sinh.
Mây trắng vạn tầng che cố quốc,
Đất vàng một nắm lấp hương danh.
Hồn thiêng nếu nhập giòng Đông cuốn,
Chớ hướng góc trời dạ bất bình!
Tham khảo:
Thù Vực Chu Tư Lục. Qu. VII. Nam man. Chiêm Thành.
Dưới bài thơ của vua Chiêm nói trên, Nghiêm Tòng Giản viết:
~ Quan thử tắc Chiêm Thành bất duy thô thông [粗通] văn mặc nhi thả đôn trọng (敦重) tiết nghĩa; bất duy kỳ thần hữu thi tài nhi kỳ chủ dịch thiện biên chương, bân bân (彬彬) hồ thanh danh văn vật, thất (匹) vu Triều Tiên, siêu vu Nhật Bản viễn hĩ!
Ngã Thái tổ khoa cử chiếu chi ban, chân bất bỉ lậu kỳ nhân nhi dục nạp chi vu hợp giáo đồng văn (同文) chi thịnh dã, nghi tai!
~ Coi đây thì (người) Chiêm Thành chẳng những thông thi văn mà còn trung hậu, trọng tiết nghĩa; chẳng những bề tôi nước này có tài làm thơ mà rồi vua của họ cũng giỏi việc văn chương, tiếng tăm về các phương diện lễ, nhạc, Điển chương đều trọn vẹn, ngang với Triều Tiên, vượt xa Nhật Bản.
Thái tổ triều ta ban chiếu về khoa cử đúng là không coi người xứ này là quê mùa, mà muốn chiêu nạp họ nhập nền giáo hóa hay đẹp rực rỡ của những nước cùng văn tự.
(Phụ chú.
+ Hảo trục (好逐). Chữ “hảo” ở đây nghĩa là “nếu như”.
+ Đồng văn (同文). Cùng dùng 1 thứ văn tự (chữ viết), ở đây tức chỉ văn tự Trung Quốc).
Tập “Thù Vực Chu Tư Lục” sưu tập được tất cả 5 bài Đường thi của Chiêm Thành:
3 bài thất tuyệt cú và 2 bài thất ngôn bát cú, bài dẫn trên đây là 1 trong 5 bài này.
4 bài kia được dẫn từ tập bút ký “Cận Phong Văn Lược” (近峰聞略) là các bài:
(1). Sơ phát (初發).
(2). Dương Châu đối khách (揚州對客).
(3). Giang lâu lưu biệt (江樓留別).
(4). Nhất trượng hồng (一丈紅).
Bài thứ 5 trên đây không thấy Nghiêm Tòng Giản cho biết đề tựa.
Trong các tập bút ký của danh nhân, học giả, Trung Quốc ngày trước đâu đó chúng ta có thể tìm được một vài bài Đường thi chẳng những của Sứ giả Chiêm Thành mà còn của các Sứ giả Nhật Bản, Giao Chỉ khi đi Sứ qua Trung Quốc.
Chẳng những giỏi Đường thi, giới học thức Chiêm Thành cũng giỏi cả văn xuôi.
Một tờ Biểu văn viết Hán văn của Quốc vương Chiêm Thành gởi vua Tống triều.
~ Cảnh Đức…… Tứ niên. Khiển sứ Bố Lộc Gia Địa Gia đẳng phụng Biểu lai triều.
Biểu hàm tịch dĩ văn cẩm, từ viết:
~ Chiêm Thành Quốc vương Dương Phổ Câu Tỳ Trà Thất Li đốn thủ ngôn:
~ Thần văn nhị đế phong cương Nam chỉ giới ư Tương, Sở, tam vương cảnh giới Bắc bất cập ư U, Yên¾ ngưỡng chúc (矚) xương thời, thực mại (實邁) vãng tích, phục duy hoàng đế bệ hạ! Càn Khôn thụ khí, nhật nguyệt trừ anh (儲英), xuất Chấn cư tôn, thừa cơ ngự cực, từ bi phu (敷) ư thiên hạ, thanh giáo bị (被) ư vực trung; nghiệp mậu (茂) tiền vương, công phương (芳) tồ hậu (徂后), thương sinh thị niệm, hoàng ốc phi tâm. Vô phương bất thị sinh linh, hữu thổ tịnh vi thần thiếp. Chân phong biến bố, bái trạch (霈澤) chu hành, phàm mộc chiếu lâm, cộng tăng tủng biến (聳抃).
Thần sinh ư biên bỉ, hạnh tập Hoa phong, nghị điệt (蟻垤) phong phòng (蜂房), liêu (聊) vi toại tính. Long lâu, phụng các, thượng (尚) trở (阻) quan quang, tái niệm tự hà (自假) thiên uy, hoạch toàn phong bộ (封部), lân vô xâm đoạt, tục hữu thư tô (舒蘇).
Mỗi tuế bái khiển, hạ thần vấn ninh (問寧) thượng quốc. Mông thánh hạ ân triêm (恩霑) hành vĩ (行葦), phúc cập đồn ngư (豚魚). Đặc nhân hồi ban tứ nhung khí, thần bản thổ duy vọng khuyết phần hương, hoan hô bái thụ! Tâm tri đa hạnh, hạt (曷) đáp hồng ân? Thánh quân ký niệm ư tân vương, vi khẩn khẳng vong ư thuật chức.
Kim khiển chuyên (專) tín thần Bố Lộc Gia Địa Gia, phó Sứ thần Trừ Bô Ma Hà Ca Gia, Phán quan Thần Bì Bá Để, nhất hàng nhân lực đẳng, bộ thự (部署) thổ mao viễn xung tuế cống. Tuy biểu Sở mao (楚毛) chi lễ, thực hoài Lỗ tửu (魯酒) chi ưu! Kiền (虔) vọng duệ minh (睿明), phủ khoan khiển lục (甫寬譴戮). Chuyên tín thần đẳng hồi nhật, quân dung (軍容) khí trượng, diệu vũ chi vật, phục nguyện trùng gia tứ lai.
Cái niệm thiêm vi thần tử, hợp cáo quân, thân. Phục sức, xa dư, uy nghi phủ việt bất cảm tư chế, duy vọng ân ban. Can mạo miện lâu bất nhiệm tử tội.
/ Tống Sử. Qu. CDXXCIX. Ngoại quốc 5. Chiêm Thành
Minh Di
No comments:
Post a Comment