Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 14, 2018

ĐỌC THƠ TÌNH LÊ MAI LĨNH – Châu Thạch


     


       ĐỌC THƠ TÌNH LÊ MAI LĨNH 
                                                  Châu Thạch

Không dễ gì viết về thơ Lê Mai Lĩnh. Đây là một nhà thơ thần tượng của tôi nhiều năm qua, vậy mà tôi chưa viết được một bài cảm nhận nào về thơ ông, tuy tôi rất dễ dàng viết cảm nhận cho thơ của nhiều tác giả khác. Tôi biết nhà thơ Lê Mai Lĩnh từ khi tôi còn học cấp hai tại trường tư thục Bồ Đề Quảng Trị, còn ông học ở trường Nguyễn Hoàng, một ngôi trường công lập lớn của tỉnh. Ở tuổi đó tôi đã gối đầu tập thơ đầu tay “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” của ông vì yêu thơ cũng có mà vì cảm mến nhiều hơn với một học sinh ngang lứa đã lao vào thơ bằng tất cả sự mê say mà tôi không có được. Nhiều người đã nhận xét Lê Mai Lĩnh “viết như nói mà nói như thơ”. Do đó viết về Lê Mai Lĩnh không thể trích một vài câu thơ tiêu biểu nào đó để dẫn chứng cho cái hay trong thơ ông được. Đọc thơ Lê Mai Lĩnh thì phải lảnh hội toàn bài như chiêm ngưỡng một khung trời sắc màu tạo nên một thắng cảnh. Đọc thơ ông ta tưởng tượng nhìn một họa sĩ đang vẽ, khi cây cọ ngừng thì hình ảnh đẹp hiện ra mới sống động. Bởi thế, với trình độ một cây bút nghiệp dư như tôi, đã ngồi trước máy nhiều lần, cảm xúc dâng tràn với nhiều bài thơ của ông nhưng không làm sao viết cho vừa ý được phần lớn cảm xúc của mình. Hôm nay tôi đọc được hai bài “Thơ tình trong tù” của nhà thơ làm cho tôi nhớ lại nhưng ngày cũng ở trong tù của mình. Cái tâm trạng ngồi trong tù của hai chúng tôi thật giống nhau.Vả lại, hai bài thơ tình trong tù của nhà thơ Lê Mai Lĩnh cũng dễ hiểu hơn những bài thơ tình khác của ông khiến cho tâm hồn tôi phấn chấn. Từ đó, cây bút tôi hình như tiếp nhận dược sinh khí từ ông để viết. “Thơ tình trong tù” của Lê Mai Lĩnh có bài 1 và bài 2. Tôi muốn đề cập đến bài 2 trước vì bài nầy viết về cuộc sống và tâm trạng của người tù binh.
Bài nầy tác giả nhập đề bằng bốn câu thơ:

Nơi ta ở bây giờ, dưới chân núi CHỨA CHAN
Trong một trại tù, rào, tường kiên cố
Nhìn mũi súng, lưỡi lê, như ra điều thách đố
Ta chỉ muốn sờ râu, cười khan.

Thế rồi 17 câu thơ kế tiếp tác giả chỉ nói đến chuyện sờ râu. Với ông sờ râu trong tù là một cái thú. Sờ râu để thấy hết việc nước việc nhà, thấy khổ ải, thấy oan khiên, thấy “con tim mình bút nhói, đòi đoạn từng cơn”. Chỉ là một bài thơ nói đến sờ râu nhưng bài thơ cho ta thấy cái vô vị cùng tận của những tháng ngày mất quyền làm người. Chỉ là một bài thơ nói đến sờ râu nhưng là một bài thơ cho ta thấm thía niềm đau vô hạn của con “Hổ Nhớ Rừng”. Hổ của Thê Lữ nằm trong thảo cầm viên chỉ “Ghét những cảnh không đời nào thay đổi/ Những cảnh sửa sang, tầm thường dã dối / Hoa chăm, cỏ xén lối phẳng, cây trồng” còn hổ Lê Mai Lĩnh đang ở giữa rừng nhưng rừng trở nên chiếc củi sắt, nên nỗi đau của Lê mai Lĩnh không phải là nỗi đau ngậm ngùi như Thế Lữ mà là nỗi đau rên xiết.
Sở dĩ bài thơ nầy được cho là một bài thơ tình vì nhà thơ Lê Mai Lĩnh ôm nỗi đau đó để chờ mong em đến. Và rồi, em đã đến trong bài “Thơ tình trong tù” số 1. Vào đề nhà thơ Lê Mai Lĩnh viết như sau:

Trời bây giờ, tháng 5, mùa hạ
Anh đang những ngày, đợi em đến thăm
Dẫu khó khăn nào, em cũng đến
Chắt chiu tình nồng, đốt lòng nhau chút ấm.

Tiếp những khổ thơ sau tác giả nói lướt qua đời sống trong tù và bày tỏ những điều ân hận của mình với cuộc đời và với em trong quá khứ. Thế rồi vợ và con đã đến, những giây phút nồng nàn “Mắt biết tình si, lòng ngây dại/ Ngan ngát hương yêu tự thuở nào” đã diển ra nơi đó trong một vài giờ, để con “hổ nhớ rừng” tràn đầy niềm yêu và hy vọng ở tương lai:

Cảm ơn đời, còn cho ta hy vọng
Cảm ơn em, còn đứng lại, đợi chờ.
Ta còn em, còn con, còn một trời sức sống
Thì còn ta, với trăm nỗi ước mơ.

Bài thơ man mác như một bài thơ tình học trò nhưng nó chứa sâu đậm một niềm đau thấm thía. Niềm đau ở chổ ông nói về một bửa cơm chiều có sắn và muối, với nửa điếu thuốc ngửa tay xin bạn để ngồi thả hồn theo khói thuốc, nhớ cây phương vỹ đầu hiên. Cây phương vỹ là linh hồn của quá khứ êm đềm, là hình ảnh sống của một thời hạnh phúc với vợ với con. Nó đại diện cho ky ức vàng son và nó cũng hiển hiện cho nổi đau thành hình trong tâm tưởng nhà thơ mỗi khi nhớ về nó . Niềm đau cũng ở chổ người tù lạc quan quá độ bởi chỉ một vài giờ được ngồi bên vợ đến thăm nuôi. Niềm vui và hy vọng đó. dễ đến với người tù binh quá, cho ta cái nhìn cảm thương chua xót nhưng mảnh đời như trôi trên biển khơi, trong phút chốc bám vào một chiếc phao ảo tưởng.
Đọc “Thơ tình trong tù” của Lê Mai Lĩnh ta tưởng như nhìn một chiếc lông hồng đang bay vật vờ trong một buổi hoàng hôn màu xám. Nó nhẹ nhàng lắm, nó tha thiết lắm nhưng nó cũng buốt giá lắm trong suy nghiệm của những người đã từng hứng chịu gian lao của thế sự.
Từ hai bài “ThơTình Trong Tù” của Lê Mai Lĩnh khuyến khích tôi tìm hiểu thêm những bài thơ tình khác cúa ông. Mở trang web T.V&Bạn Hữu tôi tìm thêm được những bài “Thơ Tình Thời Trăng Mật”, “Chùm Thơ Tình Muộn” và chùm thơ “ Người Đàn bà Ngủ Muộn” gồm có 5 bài.
Thơ tình thời trăng mật của Lê Mai Lĩnh thật tình ươm đầy trăng và mật, thứ trăng có ánh sáng đậm màu hơn thứ trăng của thế nhân miêu tả, thứ mật có mùi vị khác hơn với những thứ mật trong thơ thiên hạ. Hàn Mạc Tử nằm trong vũng trăng: “Gió rít tầng cao trăng ngả ngửa/Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô/Ta nằm trong vũng trăng”. Hàn mạc Tử còn ngủ với trăng , mửa ra trăng. Khác với Hàn mạc Tử, nhà thơ Lê Mai Lĩnh không nằm trong vũng trăng, ông ướp trăng ngay trong tim mình, ao ước được chết trong trăng. Tình yêu đó còn mãnh liệt hơn Hàn Mạc Tử, mất tỉnh táo hơn Hàn mạc Tử rất nhiều:

Ta ướp Trăng với trái tim si
Rượu được cất giữa bếp tình nóng bỏng
Nàng thơ ơi, hãy nhấp chén rượu tình.
Hãy nhấp chén rượu tình, Trăng ơi ta muốn chết
Trong mắt, môi và giữa địa đàng Trăng
Ta muốn chết dưới Trăng vàng, giếng ngọt
Cỏ biếc , suối, khe, ta bất xá, gục đầu.

                (Thơ Của Thời Trăng Mật)

Yêu thì vô cùng cuồng si và cuồng nhiệt, đến với em thì lại e ấp như một chàng trai mới lớn. “Vườn Địa Đàng” em là nơi đẹp nhất của tình, là nơi hưởng thụ mê ly của trai và gái nhưng nhà thơ lại dại khờ hứa hẹn một điều không tưởng:

Vườn ĐỊA ĐÀNG em, anh không vào
Sợ cỏ cây, hoa lá ngủ không yên
Sợ con suối sẽ không còn róc rách
Và sạt lở những núi đồi, thung lũng.

                          (Vườn Địa Đàng)

Tình yêu thật vô cùng kỳ lạ. Đến với em thì ngại, không đến với em thì mơ. Lê Mai Lĩnh, một nhà thơ dày dạn phong sương, yêu có lẽ cũng nhiều mà vẫn còn nuôi một giấc mơ vô cùng trong sạch với tình:

Trong khu vườn thơ mộng, ĐỊA ĐÀNG em
Anh sẽ tắm rửa, dọn mình và ngồi Thiền
NHẤT TÂM CHÁNH NIỆM
TRĂNG.

             (Vườn Địa Đàng)

Đọc “Thơ Tình Thời Trăng Mật” của Lê Mai Lĩnh ta cảm nhận được một tình yêu khát khao như tình yêu của Hàn Mạc Tử, pha trộn một chất ngông trong tâm hồn Lê Mai Lĩnh, kèm theo một chút nhút nhác, một chút hy sinh, khiến cho dòng huyết quản trong ta cũng căng lên vì ham muốn, mà tâm trí ta thì lại được ve vuốt êm đềm của sự trong trắng vô biên như thưở còn non trẻ.
Bước qua “Chùm Thơ Tình Muộn” của Lê Mai Lĩnh ta tìm thấy ở đó một mẫu người đàn ông chững chạc. Tình yêu trong chùm thơ tình muộn bớt đi sự cuồng nhiệt, trở nên rất đậm đà và lý tưởng. Bài thơ “ Dấu Yêu” có 30 câu, vui lòng cho tôi rút ngắn còn cái đại ý mà thôi:

DẤU YÊU
Em hãy mở kho thơ ra
Xem xem còn bài nào sót lại
Em hãy mở lòng em ra
Xem xem có lòng anh trong đó
Em hãy mở ngõ trái tim em ra
Hãy tha thứ cho nhau
Dấu Yêu,
Phải chăng em là bùa mê anh vướng vào
Phải chăng em là thuốc tiên để anh say mê
Phải chăng em là hố thẳm để anh chôn đời
Bắt xá là gì em đi nữa
Em, canh bạc đời anh chơi hết số phận.

Đọc thơ Lê Mai Lĩnh ta biết không chỉ “em , canh bạc đời anh chơi hết số phận” mà canh bạc gì của cuộc đời, nhà thơ cũng chơi hết số phận là sự thật. Lê Mai Lĩnh nhận mình là người “Thí Sĩ Linh” và cây bút ông là thanh gươm không ngừng nghĩ ngay khi ở trong tù, khi đối diện gian truân và cả khi cuộc đời được thăng hoa là lúc con người hay quên bổn phận nhất.
Cuối cùng tôi muốn nói đến 5 bài thơ “Người Đàn bà Ngủ Muộn”. Đại ý của mỗi bài thơ trong chùm thơ “Người Đàn Bà Ngủ Muộn” do tôi tự tóm lược lại bằng văn xuôi như sau:
- Bài 1: Ta đã chờ em từ thiên thu ,Cưới em ta là người sáng suốt. Em hãy cho thêm ta dài hơn nỗi nhìn, nỗi khát, nỗi thèm. Anh muốn điên, anh muốn chết, muốn khùng, thấy em là thiên đàng khi nhìn em ngủ muộn. Cảm ơn em, người đàn bà ngủ muộn.
- Bài 2: Anh lặng thầm ngồi nhìn em ngủ nướng. Anh dán mắt nhìn 10 ngón chân, tóc, trái ngực và nhịp nhàng hơi thở của em. Nhìn em anh tưởng tượng bao phong cảnh đẹp trên đời mà anh đã di qua . Hãy cứ ngủ muộn như thế đi em. Cả hai chúng ta đều là người may mắn.
- Bài 3 : Nếu không có em anh đã xuống tóc vào chùa. Nếu không có em anh đã giam mình trong bốn bức tường, làm bạn với thằn lằn, không biết gì gió mát trăng thanh và những hóa phụ rất đẹp. Nhờ em anh không làm thầy gõ mõ, anh sống hăng say và làm được những điều thánh thiện. Cảm ơn em, người đàn bà ngủ muộn.
- Bài 4 : Sáng nay nàng không ngủ muộn. Tôi hôn lên nàng. Tôi cầm tay nàng. Tôi ngồi nhìn nàng tắm và phục vu cho nàng ăn sáng. Nàng mang bốn mùa trên nhan sắc tuyệt vời và nàng là bốn mùa của tôi. Đó là chuyện một ngày nàng không ngủ muộn
- Bài 5 : Chưa bao giờ như sáng nay em trở mình lăn lộn, để anh thương em, âu lo và thấp thỏm. Lở em có mệnh hệ gì ai sẽ lo cho anh. Nghĩ tới điều nầy anh thấy mình có tội. Tội chung thân khổ sai. Có lẽ nào những người trong ký ức nàng hiện lại trong giấc mơ?. Rồi tôi chăm sóc nàng. Rồi nàng vui lại. nàng kể cho tôi ba giấc mơ đêm qua: 1) Em nhớ những ngày tù lao động khổ sai. 2) Em bị cướp khi đi lảnh tiền vé số cặp mười vừa trúng. 3) Em nằm mơ thấy nhà tỷ phú đặt tay vào chổ kín của em. Hú vía ba hồn tôi.
Có lẽ tôi chỉ nên nhận xét chung chung về 5 bài thơ “Người Đàn Bà Ngủ Muộn”, bởi vì mỗi người đọc thơ nầy chắc chắn sẽ có những cảm xúc khó giãi, khó viết thành lời. Nhà thơ Lê Mai Lĩnh tự nhận mình là “khùng thi sĩ”, nhưng cái khùng của ông khác xa với cái điên của Bùi Giáng. Đọc thơ điên của Bùi Giáng ta không hiểu gì, nhưng nhiều giác quan trong ta cảm nhận thấy hay. Đọc thơ khùng của Lê Mai Lĩnh ta không hiểu hết, nhưng ta thấy được toàn bộ sự lung linh của một tâm hồn yêu chan chứa, sâu đậm, và sự hy sinh cho người yêu đẹp như ánh sáng của thiên thần. Mỗi bài thơ của “Người Đàn Bà Ngủ muộn” cho ta bước vào một thế giới suy tư khác, một hình tượng khác và một phong cách thơ vừa đam mê, vừa thiết tha, vừa ngổ ngáo, ngông và khùng siêu việt.
Với tôi, có lẽ phải trăm trang giấy vẫn chưa viết hết về thơ Lê Mai Lĩnh. Những cảm nhận của tôi về thơ ông trong bài nầy chỉ là sự hời hợt khù khờ mà tôi có được. Cũng có thể tôi đã múa rìu qua mắt thợ một cách buồn cười. Kệ nó, tôi viết vì tôi yêu nhà thơ của tôi. Dẫu có nhiều sai trái thì chắc Lê Mai Lĩnh và mọi người cũng cười tha thứ cho tràng vỗ tay vì nhiệt tình của một người ái mộ thơ và nhân cách thơ của ông 

                                                                     Châu Thạch

No comments: