Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 2, 2017

NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI LÁI ĐÒ - Nguyễn Đình Nguộc





NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI LÁI ĐÒ
Cảm nhận bài thơ “lái đò” của tác giả Cao Ngọc Châu

Những nhà giáo cả một đời say mê với sự nghiệp “trồng người” thường khiêm nhường ví mình như người lái đò cần mẫn. Để trở thành người thầy đứng trên bục giảng họ đã bao năm chuyên cần học tập, trải qua bao vất vả sớm khuya... Họ hiểu rằng để có được những thành công, các thầy giáo, cô giáo của mình đã không tiếc công sức trau dồi kiến thức, đào tạo nghề nghiệp giúp họ trưởng thành. Nhiều người noi gương thầy, lựa chọn nghề dạy học nối tiếp sự nghiệp “trồng người”. Bởi vậy, khi đọc tập thơ “Thơ, toán và em” (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 2014) của nhà giáo, nhà thơ,  tiến sĩ toán học  Cao Ngọc Châu tôi rất tâm đắc bài thơ “Lái đò”. Bài thơ được viết đề ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2001 thật ý nghĩa; có tứ hay, với những hình ảnh chân thực, sinh động, nhiều tâm sự làm lay động lòng người.
Mở đầu bài thơ, tác giả dẫn lời “người xưa” nói về nghề dạy học cao quý: 

“Người xưa khéo ví nghề dạy học
Như lái đò chở khách qua sông.”

Từ xưa tới nay ở nước ta, “nghề dạy học” là một trong số ít nghề cao quí, được tôn xưng là thầy. Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư, trọng đạo” đã thành nếp sống văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhiều nhà giáo thường ví mình “như lái đò chở khách qua sông”. Họ không nhớ hết tên học trò nhưng các học trò khi đã trưởng thành chưa bao giờ quên công lao các thầy, cô đã trau dồi kiến thức, mở rộng tầm nhìn, chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của họ vươn cao, bay xa; bồi dưỡng, vun đắp tâm hồn họ góp phần hình thành nhân cách công dân nước Việt.

“Sông rộng, dòng sâu nước bủa mênh mông
Sóng chấp chới chắn đường đi tới
Không có đò thông đường tiếp lối
Biết phải bơi hay đắm đuối giữa dòng?”

Hình tượng dòng sông vừa rộng, vừa sâu... sóng nước mênh mông luôn “chắn đường đi tới” thật sinh động giúp ta liên tưởng đến những khó khăn, thử thách mà các thầy cô đã vượt qua trong cuộc đời công tác của mình. Hình tượng người chở đò hàng ngày cần mẫn đưa khách qua sông, cứ tưởng công việc rất đỗi bình thường nhưng nếu không có họ chắc ta phải dừng bước, không thể vượt qua, bởi “không có đò thông đường tiếp lối/ Biết phải bơi hay đắm đuối giữa dòng?”  Cứ mỗi năm học mới, ta lên lớp, thầy cô lại đón nhận các trò mới với niềm vui mới, bởi họ đã lựa chọn nghề “trồng người” là sự nghiệp của mình. Khi so sánh công việc mình làm như người lái đò không phải các thầy cô có ý hạ thấp vị trí nghề nghiệp yêu quí mình lựa chọn mà tôi nghĩ rằng, các thầy cô luôn ý thức trách nhiệm công dân của mình trong sự nghiệp trồng người. Bác Hồ dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Bởi vậy, giáo dục, đào tạo là sự nghiệp của cả dân tộc, “là quốc sách hàng đầu” của mỗi Quốc gia. Các thế hệ Nhà giáo được vinh dự nhận trọng trách vẻ vang đó. Để làm người thầy tốt, họ phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, là tấm gương trước học trò và toàn xã hội.

“Khi đặt chân đến đích cuối cùmg
Ngồi điểm lại những dòng sông đã vượt
Hẳn thấu ơn, cảm thông, khâm phục
Người lái đò chắp bước đường xa”.

Tục ngữ Việt Nam có câu rất nhân văn: “Ăn quả nhớ người trồng cây”, hoặc: “không thầy đố mày làm nên” để nhắc nhở mọi người phải “tôn sư trọng đạo”. Khi trưởng thành đã ”đặt chân đến đích cuối cùmg”, mỗi người thường “ngồi điểm lại những dòng sông đã vượt”. Mỗi dòng sông là một chặng đường ta phải phấn đấu, rèn luyện trong học tập dưới sự dìu dắt của thầy cô. Kỷ niệm không thể nào quên của mỗi người chắc chắn có ngày khai trường khi cha, mẹ dẫn ta vào lớp một. Những năm tháng miệt mài học tập mỗi người đã trải qua các cấp học phổ thông. Càng lớn khôn ta càng thấm thía công lao của thầy, cô tháng ngày cần mẫn giảng dạy cho học trò những kiến thức văn hóa và hiểu biết trong cuộc sống - học làm Người. Không hiếm các học trò “cá biệt” đã khiến các thầy, cô phải phiền lòng “hao tâm, tổn sức” vì trò. Rồi ta học nghề, thầy cô giúp trò chọn nghề phù hợp. Tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề thầy cô giúp ta mở mang kiến thức, trau dồi nghề nghiệp; nhiều người học lên các bậc sau đại học, có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Họ luôn ghi nhớ công ơn các thầy, cô giúp mình trải qua “những dòng sông đã vượt” mong có dịp được báo đáp. Hàng năm ở nước ta có Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) là dịp cả dân tộc tôn vinh các Nhà giáo. Các thế hệ học trò thường tổ chức tới thăm, mang niềm vui đến bên thầy cô, ôn lại bao kỷ niệm một thời cắp sách đến trường. Những học trò thành đạt trong sự nghiệp họ càng biết ơn và ghi nhớ công lao các thầy cô đã chắp cánh cho họ bay cao, bay xa. Dù sự nghiệp có rạng danh đến mấy, khi về bên thầy cô họ vẫn là trò yêu như những năm xưa. Họ luôn là niềm vui, niềm tự hào của các thầy cô.     

“Dẫu đò đầy, lũ lớn, phong ba
Vẫn chắc lái, giao hòa, trao mật ngọt
Thuyền cập bến óng trái vàng chim hót...
Khách qua rồi đều ngoảnh mặt vẫy trông.”

Nghề lái đò cứ tưởng an nhàn, song cũng lắm khi khó khăn, vất vả thậm chí cả hiểm nguy. Nhưng “dẫu đò đầy, lũ lớn, phong ba”, người lái đò vẫn tự tin, vững tay lái bởi họ yêu nghề, có trách nhiệm với nghề nghiệp, vì sự an toàn của khách. “Vẫn chắc lái, giao hòa, trao mật ngọt”. Trong những lúc hiểm nguy trên sông nước, người lái đò không chỉ thể hiện khả năng chèo lái và bản lĩnh nghề nghiệp của mình tạo niềm tin nơi quý khách mà còn biết động viên, khích lệ để họ yên tâm cùng mình vượt qua sóng gió. Khi niềm vui “thuyền cập bến óng trái vàng chim hót...” người lái đò lại tiếp tục công việc thầm lặng của minh chở những chuyến đò mới với niềm vui mới. “Khách qua rồi đều ngoảnh mặt vẫy trông” với lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc. Liên tưởng đến nghề của mình, mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, người thầy luôn vững vàng, tự tin cùng các học trò thân yêu vượt qua, phấn đấu “dạy tốt, học tốt” như “trao mật ngọt” cho đời.

 “Tôi yêu nghề chở khách qua sông!”

Câu kết của bài thơ như một lời khẳng định chân thành của nhà giáo sau nhiều năm đứng trên bục giảng. Ví nghề dạy học của mình như nghề lái đò, tác giả muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: nghề nào cũng không dễ dàng, nhiều khi khó khăn, gian khổ thậm chí có cả rủi ro. Yêu nghề, làm thật tốt công việc của mình với ý thức trách nhiệm cao nhất chắc chắn sẽ nhận được nhiều niềm vui, hạnh phúc, tự hào. Đồng thời tác giả luôn coi các học trò thân yêu của mình như “khách” thể hiện sự trân trọng với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bài thơ thể tự do thật sinh động với 15 câu thơ, tác giả - nhà giáo Cao Ngọc Châu đã trải lòng mình với tình yêu nghề hiếm thấy. Hình tượng người lái đò trong bài thơ với hình tượng người thầy trên bục giảng tuy hai nghề hoàn toàn khác nhau nhưng có những điểm khá gần gũi với nhau. Phải chăng đây là phát hiện rất tinh tế của người thơ? Khái quát công việc cả một đời dạy học qua bài thơ “Lái đò” thật bình dị nhưng cũng thật sâu sắc để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và liên tưởng khó quên. Bằng nghệ thuật ẩn dụ, thông qua miêu tả tâm trạng, tình cảm của người lái đò với khách đi đò, tác giả đã trải lòng cùng bạn đọc về nghề dạy học của mình. Qua những hình ảnh sinh động, lựa chọn có chủ đích kết hợp với lời bình xen kẽ vừa đủ... bạn đọc có dịp được chia sẻ cùng người thơ về một nghề cao quí. Bài thơ kết có hậu để lại dư âm trong lòng bạn đọc về tình yêu nghề của một nhà giáo đầy tâm huyết.  

                                       Hà Nội, mùa Khai giảng 2016
                                             Ts.Nguyễn Đình Nguộc
                                            Giảng viên Khoa Kinh tế
                Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội






LÁI  ĐÒ

Người xưa khéo ví nghề dạy học
Như lái đò chở khách qua sông.

Sông rộng, dòng sâu nước bủa mênh mông
Sóng chấp chới chắn đường đi tới
Không có đò thông đường tiếp lối
Biết phải bơi hay đắm đuối giữa dòng?

Khi đặt chân đến đích cuối cùmg
Ngồi điểm lại những dòng sông đã vượt
Hẳn thấu ơn, cảm thông, khâm phục
Người lái đò chắp bước đường xa.

Dẫu đò đầy, lũ lớn, phong ba
Vẫn chắc lái, giao hòa, trao mật ngọt
Thuyền cập bến óng trái vàng chim hót...
Khách qua rồi đều ngoảnh mặt vẫy trông.

Tôi yêu nghề chở khách qua sông!

                               20/11/2001
                          Cao Ngọc Châu

No comments: