Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, August 5, 2017

THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (Kỳ 1/3) - Tác giả: Alice Munro - Chuyển ngữ: Nguyễn Đức Tùng




THỊ TRẤN BẠCH DƯƠNG (1/3)
Alice Munro
♦ Chuyển ngữ: Nguyễn Đức Tùng. 
♦ 2.08.2017.
Nguyên tác: “Amundsen” (*) trong tuyển tập Dear Life: Stories (Cuộc đời yêu dấu) (Alfred A. Knopf: 2012)
Lời Tòa Soạn (Da Màu):
Tuy nhà văn Alice Munro đã đánh lạc hướng người dịch bằng cách cho nhân vật nữ – Vivien Hyde – đề cập đến khung cảnh trong truyện như được mượn từ một tiểu thuyết Nga, “Thị trấn Bạch Dương” thật ra làm người đọc liên tưởng đến Jane Eyre của Charlotte Bronte. Tại sao Jane Eyre, như truyện Lọ Lem, lại thu hút nhiều nhà văn từ nhiều truyền thống văn chương khác nhau? Trong một khía cạnh nào đó, truyện "Amundsen" của Alice Munro là một cách "dịch lại" Jane Eyre, tuy nhân vật bác sĩ Alister Fox (tên họ Fox có nghĩa là “cáo già”) trong truyện này thô bạo và khó hiểu hơn Rochester, cũng như Vivien Hyde chỉ mới là Jane Eyre ở "ngoài vỏ" (Hyde (hide) có nghĩa là làn da bọc bên ngoài xương cốt. Ở thời điểm trong truyện, cô giáo Vivien tuy thông minh nhưng chưa dám/chưa biết thực sự sống từ bên trong, mà chỉ biết sống qua sách vở, và để cho mình bị kéo theo hoàn cảnh và thế lực của một người đàn ông già dặn hơn. Thế giới lạnh lẽo mà cô bước vào là thế giới của đàn ông, mang tên một nhà thám hiểm Bắc và Nam Bán Cầu người Na uy tên là Roald Amundsen. Nhà văn Nguyễn Đức Tùng đã dịch tựa truyện rất hay là Thị trấn Bạch Dương — thế giới bạch hóa của nam giới, sự bạch hoá tàn ác như truyện Bạch hoá của Cung Tích Biền, hay màu trắng cá voi trong tiểu thuyết Moby Dick của văn hào Mỹ Herman Melville.

Kỳ 1.

Tôi ngồi chờ trên băng ghế phía ngoài nhà ga. Cửa nhà ga mở mỗi khi tàu điện đến, nhưng nay đang đóng lại. Một người đàn bà ngồi đầu kia ghế, giữa hai đầu gối giữ một cái túi có dây cột, đầy những gói nhỏ bằng giấy dầu. Thịt – thịt sống. Bạn có thể ngửi được mùi ấy.
Bên kia đường tàu là chiếc tàu điện, không khách, đứng chờ.
Không một hành khách nào tới cả, sau một lúc người trưởng ga thò đầu ra ngoài gọi to “San.” (1) Mới đầu tôi tưởng ông ta gọi người nào đó tên Sam. Một người đàn ông mặc đồng phục đi tới, vòng quanh góc tòa nhà. Anh ta băng qua đường xe lửa, lên toa tàu điện. Người đàn bà với gói giấy đi theo anh ta, tôi cũng làm thế. Có tiếng la gọi từ hai bên đường và cánh cửa lem luốc của tòa nhà mái bằng bật mở, một vài người đàn ông chạy ra, đầu đội mũ, xách những cái lon bới thức ăn trưa va đập vào đùi. Nghe tiếng lao xao cứ tưởng tàu sắp chạy ngay trong vài phút. Nhưng khi họ đã ngồi an vị, chẳng có gì xảy ra cả. Chiếc tàu điện vẫn đứng yên khi họ đếm số người, xem thử có ai đó không kịp lên xe, và bảo người tài xế đừng chạy vội. Thế là có người nhớ lại đó là ngày nghỉ của một người kia, nay không có mặt. Chiếc xe điện bắt đầu chạy, mặc dù tôi không biết tài xế có nghe họ nói gì không, hay có thèm để ý không.
Tất cả bọn đàn ông đều xuống tàu ở chỗ nhà máy cưa gỗ, gần bên bụi rậm – không quá mười phút đi bộ – ngay sau khi cái hồ hiện ra trước mặt, đầy tuyết phủ. Một dãy nhà bằng gỗ trắng dài phía trước. Người đàn bà cặm cụi sửa lại túi đựng thịt sống, đứng lên, và tôi đi theo bà. Người tài xế gọi lần nữa, “San,” những cánh cửa mở ra. Vài người đàn bà đang đứng phía dưới, chờ lên tàu. Họ chào người đàn bà có gói thịt trên tay, cô ta bảo họ đó là một ngày ăn thịt sống.
Mọi người tránh nhìn vào mặt tôi, khi tôi bước xuống sau lưng người đàn bà.
Không ai chờ nữa ở trạm xe này. Những cánh cửa đóng sập, chiếc tàu điện quay lại đường cũ.
Kế đó là im lặng, bầu không khí lạnh như nước đá. Những cây bạch dương mỏng mảnh với những vết đen trên vỏ cây màu trắng, những bụi cây thường xuân mọc rời rạc như bầy gấu đang ngủ đông. Mặt hồ băng giá không bằng phẳng mà ụ lên cao vòng theo bờ, như thể những làn sóng chưa kịp rút xuống thì đã đóng thành băng. Và toà nhà phía sau với những cánh cửa sổ và những cầu làm bằng kính ở cuối đường. Mọi thứ đều xinh đẹp và có dáng vẻ miền Bắc, đen và trắng ở dưới những vòm mây trời cao vòi vọi. Và toà nhà phía sau những dãy cửa sổ quy củ và hai vòm hiên lắp kiếng phía trước và sau nhà. Mọi thứ trông hà khắc với dáng vẻ miền Bắc, đen và trắng ở dưới những vòm mây trời cao vòi vọi.
Nhưng vỏ cây bạch dương không trắng như bạn tưởng, khi tới gần. Vàng hơi xanh, xanh hơi xám, xám.
Mọi vật yên tĩnh, đứng yên lớn rộng như khúc nhạc du dương.
“Cô bạn đi đâu?” người đàn bà xách túi thịt gọi với về phía tôi. “Giờ đến thăm bệnh đã qua lúc ba giờ.”
“Tôi không phải là khách đến thăm,” tôi nói. “Tôi là cô giáo.”
“Họ không cho cô vào cửa chính, dù thế nào đi nữa,” người đàn bà nói với vẻ hài lòng. “Cô nên đi theo tôi. Không mang cả vali à?”
“Người trưởng ga nói rằng anh ta sẽ mang tới sau.”
“Cô đứng đó nhìn có vẻ như lạc đường.”
Tôi nói rằng tôi đứng đó vì thấy cảnh quá đẹp.
“Một vài người cũng nghĩ thế. Nhưng họ sẽ đổi ý nếu mắc bệnh hoặc quá sức bận rộn.”
Không ai nói gì nữa cho đến khi chúng tôi bước vào căn bếp ở cuối toà nhà. Tôi không có dịp nào để nhìn quanh cả vì đôi ủng của tôi bắt đầu sinh chuyện.
“Cô nên cởi mấy đôi ủng này ra trước khi chúng tạo ra vết bẩn trên sàn nhà.”
Tôi loay hoay tháo chúng ra – không có ghế để ngồi – đặt chúng lên tấm thảm nhỏ nơi người đàn bà cũng để những đôi ủng của mình.
“Cô nên xách ủng theo vì tôi không biết người ta sẽ sắp xếp cô ở đâu, cô nên mang theo áo choàng vì không có lò sưởi ấm ở phòng giữ mũ áo.”
Không có lò sưởi, không có ánh sáng, trừ ánh sáng chiếu ra từ một cửa sổ nhỏ cao quá tầm tay với. Giống như bị trừng phạt ở nhà trường. Gởi – đến – phòng – giữ – mũ – áo. Đúng vậy. Giống hệt mùi của áo quần mùa đông không bao giờ được phơi khô, của những đôi ủng ướt đẫm thấm vào tận những đôi vớ bẩn, những bàn chân không rửa.
Tôi trèo lên một cái băng ghế nhưng vẫn không thấy rõ bên ngoài. Trên những kệ gỗ nơi người ta ném khăn quàng và mũ tôi tìm thấy một cái túi có trái vả và trái chà là. Một kẻ nào đó đã ăn cắp mấy thứ này và giấu chúng ở đây để mang về nhà. Bỗng tôi thấy đói. Chưa ăn gì cả từ sáng, trừ một cái bánh kẹp pho mát. Tôi ngần ngại, suy nghĩ về việc ăn trộm một vật của một kẻ trộm. Nhưng rồi những trái vả kia sẽ dính vào răng và tố cáo tội lỗi của tôi.
Tôi leo xuống vừa đúng lúc, một người nào đó đang bước vào phòng. Không phải người giúp việc nhà bếp mà là một cô bé học sinh với một cái áo khoác mùa đông dày cộp, khăn quàng trùm kín đầu. Cô bé bước vào rất vội, ném sách vở lên băng ghế khiến chúng rơi tung tóe lên sàn, giằng khăn quàng ra khiến mái tóc xổ tung, và cùng lúc đôi ủng đá vào nhau bật ra lăn lông lốc trên sàn nhà. Rõ ràng là không có ai coi chừng con bé, bảo nó phải đặt giày ủng ở ngay cửa.
“Này tôi không cố ý tông vào cô đâu nhé,” con bé nói. “Ở đây tối quá, không biết đằng nào mà lần. Cô có lạnh không? Đứng đây chờ ai vậy?”
“Tôi chờ bác sĩ Fox.”
“Thế thì không phải chờ lâu đâu, tôi mới đi phố về với ông ấy. Cô không bị bệnh chứ? Nếu bị bệnh thì cô không đến đây được, phải chờ ông ta ở trong phố.”
“Tôi là cô giáo.”
“Thế à? Có phải cô đến từ Toronto?”
“Vâng.”
Dừng lại một lát, có lẽ là sự kính trọng.
Nhưng không, đang ngắm nghía cái áo choàng của tôi.
“Đẹp quá. Trên cổ áo là lông con gì thế?”
“Cừu Ba Tư. Thật ra đây là thứ giả lông thú.”
“Lầm chết. Em không biết tại sao người ta để cô đứng đây, lạnh đến tê mông mất. Xin lỗi cô nhé. Cô muốn gặp bác sĩ em có thể chỉ cho. Em biết mọi nơi mọi góc, em sống ở đây từ hồi mới sinh. Mẹ em là người cai quản nhà bếp. Tên em là Mary. Tên cô là gì?”
“Vivi. Vivien.”
“Nếu cô là cô giáo thì em phải xưng hô như thế nào?”
“Gọi tôi là Cô Hyde.”
“Thưa Cô Hai,” nó nói (2). “Xin lỗi, em chợt nghĩ ra thế. Em thích cô là cô giáo của mình nhưng em phải đi học trong thành phố. Đó là một quy định xuẩn ngốc. Bởi vì em không bị bệnh lao phổi.”
Trong khi trò chuyện con bé kéo tôi đi xuyên qua cánh cửa ở cuối phòng mũ áo, rồi đi dọc hành lang của bệnh viện. Vải bạt phủ bóng. Sơn xanh buồn tẻ, mùi thuốc sát trùng.
“Bây giờ cô ở đây rồi thì Reddy sẽ cho phép em chuyển đổi.”
“Reddy là ai vậy?”
“Reddy Fox. Từ một cuốn sách. Em và Anabel bắt đầu gọi ông bác sĩ như thế.”
“Thế Anabel là ai?”
“Không là ai nữa. Con bé chết rồi.”
“Ồ, cô xin lỗi.”
“Không phải lỗi của cô. Chuyện đó thì quá thường ở đây. Năm nay em lên trung học. Anabel chưa bao giờ đến trường cả. Khi em còn ở trường công lập thì Reddy dặn cô giáo cho phép em ở nhà rất nhiều để em bầu bạn với nó.”
Cô bé dừng lại trước một cánh cửa mở hé và huýt sáo.
“Hey. Em dẫn cô giáo đến đây này.”
Giọng một người đàn ông vang lên, “Được rồi Mary. Một ngày vậy là đủ rồi.”
Nó rời phòng với điệu bộ tung tăng và để tôi đứng đối diện với một người đàn ông tầm thước trung bình, mái tóc đỏ cắt rất ngắn và chiếu lấp lánh trong ánh sáng giả tạo từ hành lang.
“Thế là cô đã gặp Mary,” ông ta bảo. “Con bé có nhiều chuyện để nói về nó đấy. Nó không học lớp cô nên chuyện ấy sẽ không xảy ra mỗi ngày. Mọi người hoặc là thích nó hoặc là không.”
Ông ta xuất hiện như một người lớn hơn mười đến mười lăm tuổi và thoạt đầu cũng nói chuyện với tôi theo kiểu của một người lớn. Một ông chủ tương lai bận rộn. Ông ta hỏi tôi về chuyến đi, chỗ để vali của tôi. Ông ta muốn biết làm sao tôi có thể sống trong rừng sau khi đã sống ở Toronto. Liệu ở đây một thời gian có chán không.
Không phải là nơi đáng chán nhất, tôi nói thế, và thêm quang cảnh ở đây cũng đẹp.
“Nó giống như – nó giống như là trong một tiểu thuyết Nga.”
Ông ta nhìn tôi chăm chú lần đầu tiên.
“Vậy hả? Cô nói cuốn tiểu thuyết Nga nào?”
Đôi mắt ông ta xanh trong, sáng. Lông mày nhướn lên một bên, như một cái mũ nhọn be bé.
Không phải là tôi chưa từng đọc tiểu thuyết Nga. Tôi đã đọc một vài, đọc hết hoặc đọc giữa chừng. Nhưng bởi vì hàng lông mày của ông ta, cách biểu lộ tuy lý thú nhưng có phần thử thách, làm tôi chẳng còn nhớ cái nhan đề truyện nào cả ngoài Chiến Tranh và Hòa Bình. Tôi không muốn nói cái tên ấy vì có vẻ như ai cũng nhớ được thế.
“Chiến Tranh và Hòa Bình.”
“Ồ, vậy thì chỉ có hòa bình ở đây thôi. Tôi có thể nói thế. Nhưng nếu cô đã muốn chiến tranh thì tôi đoán hẳn cô đã tham gia vào một hội đoàn phụ nữ để có dịp đi đây đó ra nước ngoài.”
Tôi tức giận và cảm thấy bị tổn thương vì tôi không hề có ý khoe khoang. Hoặc không chỉ khoe khoang mà thôi. Tôi muốn nói là khung cảnh xinh đẹp đã ảnh hưởng đến tôi ra sao.
Ông ta rõ ràng là một loại người thích đặt những câu hỏi để người khác xụp bẫy.
“Tôi cứ chắc mẩm là sẽ đón một cô giáo già,” ông ta nói, hơi có vẻ xin lỗi. “Như thể bất cứ người nào tương đối đứng tuổi và có đủ trình độ có thể đi làm việc trở lại trong thời buổi này. Cô không phải đi học để làm cô giáo, đúng thế không? Ý tôi hỏi là cô tính làm gì sau khi học xong cử nhân?”
“Tôi muốn học lên cao học.” Tôi trả lời ngắn.
“Vậy thì cái gì đã làm cô đổi ý?”
“Tôi nghĩ tôi cần một ít tiền.”
“Rất đúng. Mặc dù tôi e rằng cô cũng chẳng kiếm được nhiều tiền ở đây đâu. Xin lỗi vì tôi hơi tọc mạch. Tôi chỉ muốn biết chắc là cô sẽ không bất ngờ bỏ đi khiến chúng tôi lại phải lao đao. Chưa tính lập gia đình chứ?”
“Không.”
“Thôi được rồi. Cô không bị tra vấn nữa đâu. Tôi không làm cô nản chứ, có đến nỗi thế không?”
Tôi quay đầu đi.
“Không.”
“Đi dọc xuống hành lang tới chỗ văn phòng của Matron và cô ta sẽ nói thêm với cô nhiều việc cần biết. Cô sẽ dùng bữa với các cô y tá. Cô ấy sẽ chỉ chỗ ngủ cho cô. Đừng để bị cảm lạnh. Tôi không nghĩ là cô có kinh nghiệm gì về bệnh lao phổi?”
“Ồ tôi có đọc qua – ”
“Tôi biết. Tôi biết. Chắc là cô đã đọc Ngọn Núi Thiêng.”
Một cái bẫy lại giăng ra nữa nhưng giờ ông ta có vẻ hài lòng. “Mọi việc đã khá hơn trước, tôi hy vọng thế. Đây, tôi có soạn một số nhận định về trẻ con ở nơi đây và về những điều tôi nghĩ là cô có thể muốn thực hiện với chúng. Đôi khi tôi cảm thấy tốt nhất là thể hiện ý tưởng của mình bằng cách viết xuống. Matron sẽ cho cô biết đầy đủ chi tiết.”
Tôi ở chưa đến một tuần thì tất cả những sự kiện của ngày đầu tiên đã trở nên kỳ lạ và khó tin. Căn bếp, phòng để mũ áo trong đó nơi những công nhân treo áo quần và giấu những đồ ăn cắp, là cái phòng mà tôi đã và chắc sẽ không quay lại nữa. Văn phòng của bác sĩ cũng vậy, không có ai tới, phòng của Matron là nơi thích hợp cho mọi người tới đó thắc mắc, than phiền và sắp xếp công việc thường ngày. Matron là một người đàn bà lùn, mập, mặt đỏ bừng, mang kính không có gọng, thở nặng nhọc, bất cứ chuyện gì mà bạn hỏi cũng làm cô ta ngạc nhiên và gây ra những việc khó khăn, nhưng rồi cuối cùng cũng được thu xếp hay được mang lại. Đôi khi cô ta dùng bữa ở phòng ăn của y tá, được thết đãi đặc biệt, nhưng tạo cho mọi người bầu không khí tẻ lạnh. Nhưng thông thường thì cô ta chỉ ngồi ở khu vực của mình.
Ngoài Matron ra còn có ba người nữ y tá, nhưng không ai ở lứa tuổi ba mươi như tôi cả. Họ đã về hưu nhưng vẫn tới đây làm việc, thực hiện bổn phận trong thời chiến. Rồi có những người hộ lý, vào cỡ tuổi của tôi hay trẻ hơn, hầu hết đều đã có gia đình hay hứa hôn hay sắp hứa hôn, đa số có chồng hoặc hôn phu đi lính. Lúc nào họ cũng trò chuyện, nếu Matron và các y tá không có mặt ở đó. Họ không hề để ý đến tôi. Họ chẳng cần biết Toronto là thành phố thế nào, mặc dù có một số người biết người quen của họ tới đó để hưởng tuần trăng mật, và họ cũng không quan tâm đến việc dạy học của tôi hay tôi đã làm gì trước khi đến nhận nhiệm sở ở khu điều dưỡng này. Không phải vì họ là những người khiếm nhã- họ chuyển cho tôi dĩa bơ (được gọi là bơ nhưng thực ra là một loại dầu thực vật màu vàng, được nhuộm màu ở trong nhà bếp như là phương thức hợp pháp thời đó) và họ cũng khuyên tôi đừng ăn rằng món bánh nhân thịt băm với khoai tây hầm vì có thể có thịt chuột chũi bên trong. Chẳng qua là họ không màng tới những việc xảy ra ở những nơi chốn mà họ không biết, cho những người mà họ không quen, hay trong những thời đại mà họ mù mờ. Những điều đó làm họ bối rối, bực mình. Họ tắt máy thu thanh mỗi khi gặp chương trình tin tức và chỉ nghe ca nhạc mà thôi.
“Nhảy múa với một ả mang vớ có lỗ thủng…”
Cả y tá lẫn những người hộ lý đều không thích đài phát thanh CBC là chương trình phát thanh mà từ nhỏ đến lớn tôi vẫn tin tưởng là mang lại nền văn hóa cho những vùng đất sâu hẻo lánh. Họ có vẻ rất ngưỡng mộ bác sĩ Fox một phần vì ông ta đọc nhiều sách vở.
Họ cũng nói rằng chẳng có người nào như ông ta có thể lột trần tất cả nếu ông ta muốn.
Tôi không thể hình dung được làm sao họ lại có được mối liên hệ giữa việc đọc sách vở và việc lột trần một người.
(còn tiếp hai kỳ)

Chú thích:
(*) tên một nhà thám hiểm nổi tiếng người Na Uy, Roald Amundsen. Ở Canada, là tên của một địa danh. Phía bắc Toronto có một thị trấn nhỏ có tên như vậy.
(1) San, cách gọi tắt của sanatorium, trại điều dưỡng, ngày trước thường là trại cách ly những bệnh nhân lao.
(2) Trong nguyên tác, tác giả chơi chữ, “tan your hide”. Có sự đồng âm giữa họ cô giáo Hyde và chữ hide trong câu này. Khi dịch, chúng tôi chọn “cô Hai” để đồng âm với Hyde.

No comments: