Tác giả Hoàng Đằng
KHEN
Tuỳ bút của Lão Gàn
Sau Thế Chiến II, Ông Hiroo Onada (1922 – 2014), lính Nhật thuộc đơn vị tác chiến độc lập ở Philippines, không hay biết Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng Minh từ ngày 15/8/1945, rút vào rừng tiếp tục chiến đấu cho đến năm 1974 (gần 30 năm sau) mới hạ vũ khí khi thượng cấp trực tiếp thời 1945 của ông là cựu đại tá Taniguchi tìm đến, ra lệnh; trung kiên đáng nể! Trong chiến tranh thống nhất đất nước ở Việt Nam, ông Hồ Văn Thanh, chiến binh của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam, chiến đấu tại tỉnh Quảng Ngãi, sau khi hứng chịu một trận bom dữ dội của đối phương, mất hồn, mất vía, bồng đứa con nhỏ là Hồ Văn Lang vào rừng dựng chòi như tổ chim trên một cổ thụ, sống từ 1972 đến 2013 (hơn 40 năm) mới được đưa về với cộng đồng; bất cần đời đến vậy là cùng!
Sống biệt lập khỏi cộng đồng như thế, trên thế giới, có nhưng rất hiếm. Người ta sống là sống bên,sống cùng, sống với: gia đình, làng xóm, cộng đồng.
Trời cho mỗi người bộ óc để suy nghĩ phán xét, cái miệng để nói ra, cái mặt, cái tay, cái chân để biểu tỏ những điều suy nghĩ, phán xét ấy – mình phán xét người, người phán xét mình.
Hành vi, lời nói của mỗi người đều được người ngoài phán xét; những phán xét ấy gọi là dư luận. Phán xét tích cực là khen; phán xét tiêu cực là chê.
Mặc dù mỗi xã hội, qua thời gian, đã lên một khuôn chuẩn mực phán xét riêng; theo đó mà biết sự phán xét nào đúng và sự phán xét nào chưa đúng – khen chê đúng và khen chê chưa đúng. Nói vậy chứ thông thường, phán xét đều dựa vào cảm tính; trước một sự, vật, không phải mọi người đều phán xét như nhau. Sự phán xét tuỳ thuộc vào trình độ văn hoá, sự trải nghiệm và tâm tính của người phán xét.
Khen, chê thể hiện hoặc bằng lời nói, hoặc bằng cử chỉ, hoặc bằng viết lách. “Giỏi quá!” “hay quá!” “tốt quá”, “đẹp quá” là lời khen; “tệ quá!”, “xấu quá”, “dốt quá” là lời chê. Sự khen, chê có thể nói ra hay viết ra; sự khen, chê cũng có thể biểu tỏ qua hành vi, cử chỉ; vỗ tay, reo vui, cười tươi là khen; mắng nhiếc, xua đuổi, huýt gió phản đối (siffler) là chê.
Với bài viết này, tôi xin được chỉ bàn về “khen”.
Ở đời, ai cũng thích được khen; tâm lý ấy được Marcus Tullius Cicero (106 – 43 trc CN), một chính trị gia La Mã thời xưa, cô đọng lại trong câu: “Chúng ta đều say mê bởi thèm khát được khen” (we are motivated by a keen desire for praise) và William James (1842 – 1910), một triết gia Mỹ, trong câu: “Cái bản chất sâu xa nhất trong con người là ham muốn được khen” (The deepest principle in human nature is the craving to be appreciated).
Bởi vậy, muốn được lòng, được việc, muốn khỏi rắc rối với người chung quanh, có người nghĩ rằng chỉ nên khen.
Thành ngữ có câu: “Mẹ hát con khen hay”; dù giọng hát của mẹ không hay, con vẫn khen, vì tình yêu thương của con đối với mẹ, luôn muốn cho mẹ vui lòng. Một người vợ trang điểm loè loẹt, trước khi đi ra ngoài, đến nhờ chồng xem được chưa; ông chồng biết ý, phải nói: “Hôm nay, em đẹp quá!” dù ông chồng không thích sự loè loẹt đến mức ấy; khen để lấy lòng; người vợ vừa lòng thì gia đình mới êm ấm. Khen xuất phát do thiện cảm, khen để tâm hồn người được khen thoải mái. Khen, dù không đúng, vẫn vô hại mà còn lợi. Vậy thì tiếc gì một lời khen!
Ở một vùng quê, một ông lão đi thăm hai nhà trong làng đang làm nhà rường (nhà có cột, kèo, xuyên, trếnh ... bằng gỗ). Tới nhà đầu tiên, thấy mấy chục cột nhà chọn từ những thân gỗ mít không có mắt (mắt là chỗ thân cây đâm nhánh), ông lão khen: “Bác khéo chọn hè! Thân gỗ không mắt là loại quý hiếm, bác tìm đâu ra hết thảy như thế này, phục bác quá!”; qua nhà thứ hai, thấy hết thảy cột nhà có nhiều mắt đen, ông lão khen: “Chú có ý hè! Chú lựa mô mà được như ri. Gỗ nhiều mắt là thân có nhiều nhánh; chú ở nhà này chắc sau này rậm con, rậm cháu”.
Ông A làm thơ, tặng ông B một tập; ông B khen ngay: “Thơ bạn tuyệt hay!”; Ông B chưa đọc thơ ông A mà đã khen - khen cho được lòng bạn. Thấy gì cũng khen, nghe gì cũng khen, thậm chí sự, vật chưa thấy, chưa nghe cũng khen! Khen xuất phát từ tính “ba phải”.
Trên mạng xã hội, nhiều người đưa hình lên, đưa việc nhà mình lên, đưa bài viết mình lên; nhiều bạn trên mạng, hễ thấy, liền ấn “like” (thích) hoặc viết lời bình (comment): “Bạn trông ở ảnh này đẹp quá, trẻ quá!”,“Bài viết của bạn hay quá!”, “Gia đình bạn hạnh phúc quá!”. Như vậy, ấn “like”, viết lời khen chưa chắc xuất phát từ sự chân thật mà từ tính “ích kỷ”; khen để hy vọng khi mình đưa những thứ ấy lên cũng được khen lại.
Trong chính trị, vua thích được bầy tôi và muôn dân ca tụng: Nào là anh minh! Nào là một lòng vì dân vì nước! ... Quan to thì thích được thuộc hạ tâng bốc:Chí công vô tư, giàu lòng thương yêu, đùm bọc, hết mình vì cơ quan ... Ông vua, ông quan nào, khi còn tại vị, cũng được nhiều tiếng khen. Dĩ nhiên, người khen có kẻ thật lòng; nhưng cũng lắm người không thật lòng. Khen để được cất nhắc, khen để được che chở. Khen có thể xuất phát từ lòng cảm phục; khen cũng có thể hàm nghĩa nịnh bợ. Khen do cảm phục có giá trị lâu dài; khen do nịnh bợ sẽ tan biến khi người khen không còn lợi dụng gì nữa ở người được khen.
Trên đây là những trường hợp người dưới khen người trên hay người ngang hàng khen nhau.
Còn trong trường hợp người trên khen người dưới, khen đúng và khen không đúng lợi hay hại thế nào?
Trong lớp học, một học sinh nhỏ làm bài văn đầu tiên được thầy giáo, cô giáo khen; lời khen ấy sẽ tạo cảm hứng đam mê môn văn và ra đời, người học trò nhỏ ấy không chừng sẽ là nhà văn. Trong tuyển lựa mầm non ca nhạc, một em bé lên biểu diễn, nếu được đánh giá đúng mức, được ban giám khảo cho một lời khen, sự đánh giá, lời khen ấy sẽ là nguồn kích thích cho năng khiếu ca nhạc phát triển, không chừng em bé ấy sẽ thành ca sĩ nổi tiếng tương lai. Khen có tác dụng tốt là kích thích sự tiến bộ. Một lời khen đúng lúc, hợp tình hợp lý, mang tính xây dựng có thể tạo chiều hướng tốt cho tương lai một người, thậm chí một xã hội.
Thế khen không đúng thì sao? Khen không đúng xuất phát từ tính thiên vị; vì sao thiên vị? Thiên vị vì tình cảm, thiên vị vì bị mua chuộc, thiên vị vì muốn tạo vây cánh, thiên vị vì muốn loại những người thật sự tài giỏi và muốn quanh mình chỉ còn người bất tài cho dễ sai bảo, dễ lộng hành. Khen không đúng tác hại nhiều lắm! Khen không đúng tạo ra tính kiêu căng, mất tinh thần phấn đấu, cầu tiến ở người được khen và làm cho xã hội mất niềm tin vào công lý.
Một xã hội không theo công lý sẽ rối loạn, rối loạn kéo theo trì trệ, trì trệ kéo theo đói nghèo, đói nghèo làm mầm móng cho chiến tranh, chiến tranh đưa đến huỷ diệt.
Ai đời có người được nhà nước giao trọng trách, làm rối việc nước, làm thất thoát ngân quỹ nhà nước đến hàng ngàn tỉ mà vẫn được khen thưởng, vẫn được thăng quan tiến chức!!!
Dù sao, chúng ta vẫn mừng là hiện tại nhà nước đang chấn chỉnh những chuyện khen thưởng không đúng.
Mong việc làm của nhà nước thành công!
Hoàng Đằng
11/3/2017 (14/ Hai/ Đinh Dậu)
No comments:
Post a Comment