KHI BỐ MẸ LÀ NGƯỜI LÀM ĂN LỚN
Người ta vẫn nói rằng, gia đình kinh doanh thường là có nhiều hạn chế trong việc dạy dỗ con cái. Có lẽ điều đó là có lý, bởi trong thực tế chúng ta đã chứng kiến không ít những cảnh gia đình như vậy. Một đặc thù bất di bất dịch của kinh doanh là sự đấu đá và lợi nhuận. Có thể tùy từng cấp độ và lĩnh vực kinh doanh mà mức độ ấy lớn hay nhỏ. Chỉ những điều ấy thôi cũng đủ thấy rằng những người bố người mẹ đang mải miết kinh doanh ấy đâu còn thời gian và tâm trí mà chú ý đến từng bước đi của con cái. Hơn thế nữa, những người kinh doanh dường như họ làm việc không có thời gian; bất cứ lúc nào và bất cứ đâu những mánh khoé, những toan tính thiệt hơn luôn là mối quan tâm lớn nhất.
Ở thời đại nào đi nữa thì nghề kinh doanh cũng thường mang lại sự giàu có. Có vậy thì chúng ta mới hay nghe câu nói "muốn giàu có nhanh thì chỉ có kinh doanh". Sự giàu có ấy có thể đến rất nhanh do gặp thời, do may mắn hay do cả những mánh khóe nhà nghề. Nhưng tất cả những điều đó đều có cái mặt trái đáng sợ.
Trong xã hội hiện đại này dù cha mẹ có định hướng cho con cái nối nghiệp kinh doanh của mình hay không thì họ vẫn coi trọng việc học của chúng. Bố mẹ sẵn sàng "vung tiền" không tiếc tay để con cái được học trường này trường nọ nổi tiếng: thuê thầy cô giỏi dạy riêng cho con mình; mua sắm đầy đủ những tiện nghi hiện đại để con có thể học hành tốt... con thích gì thì ngay lập tức đáp ứng. Vì họ nghĩ rằng, tất cả những gì mình làm ra là để cho con cái, nhưng lại không ngần ngại thể hiện ra điều đó trước mặt con. Vô hình chung đã đẩy chúng đến tâm lý ỷ lại, dựa dẫm. Như vậy thì chẳng có lý do gì mà chúng không hưởng thụ sớm cái mà trước sau cũng là của chúng. Mà bất cứ sự hưởng thụ nào cũng rất dễ quen, nó như chất kích thích, đã có rồi thì lúc nào cũng phải có. Đấy chính là tác hại của cách giáo dục sai lầm của không ít ông bố bà mẹ, không chỉ riêng những ông bố bà mẹ lắm tiền nhiều của.
Cái nguy hiểm của vấn đề này là ở chỗ nhiều khi bố mẹ cậy có đồng tiền vung ra, để thuê người khác chăm sóc, giáo dục con cái mình. Bản thân mình thì tối ngày chỉ lo việc kinh doanh, kiếm tiền, có khi cả ngày chẳng nhìn thấy mặt con. Hàng ngày chỉ biết rằng con cái dắt xe ra khỏi nhà đi học nhưng thực chất thì con có đến trường học thật không thì lại không biết. Cho con tiền đóng học, mua sách vở nhưng có biết đâu chúng lại nướng khoản tiền ấy vào những quán chát, điện tử, nghiện ngập... Có để ý gì đến những bài kiểm tra định kỳ bị chúng giấu tiệt đi vì điểm không đạt... Rồi một ngày kia có chuyện xấu xảy ra thì mới cuống cuồng đi "gỡ".
Còn có không ít những ông bố bà mẹ rất giàu có từ kinh doanh nhưng lại quá thiếu hụt trong nhận thức giáo dục và định hướng cho con cái. Chỉ quan tâm đến kiếm tiền, còn con cái thì "được chăng hay chớ", sắm sửa đủ tiện nghi để chúng "bay" ra ngoài đời. Cha mẹ, con cái chẳng mấy khi có dịp gần gũi, nói chuyện với nhau. Ngày này qua ngày khác, mỗi lúc thì hai thế giới ấy lại nối dài thêm khoảng cách. Không tìm được sự đồng cảm chia sẻ ở trong gia đình thì hẳn các "cậu ấm cô chiêu" phải tìm sự "chia sẻ" ở bên ngoài. Mà thế giới bên ngoài thì vô khối những "trò chơi" mà chúng có thể học tập và đam mê. Bé thì chát chít, điện tử; lớn lên một chút thì ma túy, sàn nhảy, đua xe, cờ bạc, rượu chè, cướp giật....
Ở lứa tuổi mới lớn có đặc trưng là thích học đòi, mà học đòi cái xấu thì nhanh và dễ dàng hơn nhiều cái tốt. Với đặc trưng ấy nếu như bố mẹ cứ mải mê với những khoản lợi nhuận thì chẳng mấy chốc đẩy con cái đến chỗ hư hỏng.
Đáng buồn hơn nữa là có những gia đình làm nghề kinh doanh, nhưng bố mẹ lại sớm mất đi cái uy đối với con cái. Hàng ngày, hàng tháng vẫn phải chăm lo cho con đầy đủ nhưng lại chẳng nhận lại được bất kỳ sự kính trọng hay tình yêu thương nào. Con cái với bố mẹ thì tự do ngôn luận; thích về thì về, thích đi thì đi, chẳng thể kiểm soát được. Nhiều khi họ thừa biết con cái đang dùng tiền của mình đi bụi, ăn chơi" trác táng... nhưng cũng vẫn phải chi, vì dù sao "đó là con mình".
Cái lỗi lầm ấy là của bản thân con cái, nhưng cái nguyên nhân sâu xa để làm nên cái lỗi lầm ấy lại phần lớn xuất phát từ gia đình. Từ bé đã cho con cái tiếp xúc với đồng tiền, với lối sống hoang phía xa hoa, nhưng lại không dạy chúng biết trân trọng giá trị của lao động, của đồng tiền và lối sống trong sáng lành mạnh thì làm sao khi lớn lên chúng không dễ sa ngã. Từ khi mới bắt đầu biết nhận thức đã ý thức cho bản thân chúng là con nhà giàu thì làm sao chúng không tạo ra cho mình lối sống "sành điệu" để lên mặt với đời. Hơn nữa, bản thân bố mẹ lại sành sỏi trong những thủ đoạn, lối sống buông thả... thì con cái có khó gì mà không học theo. Bố mẹ kiếm ra nhiều tiền, nay nhà hàng bia ôm này, mai lại ở quán karaoke khác thì làm sao có thể dạy được các con.
Đã có biết bao nhiêu những bài học về gia đình như vậy. Dở khóc, dở cười vì con nhưng dù sao cái môi trường kinh doanh ấy cũng đã có lỗi lầm. Mà cái lỗi lầm lớn nhất đó là việc họ đã quá coi trọng đồng tiền, làm tất cả vì lợi nhuận ngay cả những lúc đáng lẽ ra phải giành thời gian và tâm trí vào con cái.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
No comments:
Post a Comment