Hoài Huyền Thanh đọc và giới thiệu:
BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA
*Tiểu thuyết của TRƯƠNG VĂN DÂN
Trong một lần họp mặt ở Quán Văn, tôi thấy một người bạn cầm trên tay quyển sách có thiết kế hình khá dễ thương với tựa sách khá lạ: BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA của tác giả Trương Văn Dân.Tò mò, tôi tìm cho được cuốn sách và thật không uổng công tôi lục lạo.
Sau mấy ngày miệt mài đọc cho xong quyển sách (dĩ nhiên là ngoài giờ cơm áo gạo tiền ngủ nghỉ), tôi liên tưởng ngay với tác phẩm Như Áng Mây Trôi của nhà văn Mang Viên Long. Những phận người trôi nổi trong kiếp nhân sinh. Có khác chăng cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ của bé trai 8 tuổi và cô gái mới hơn mười tuổi bị chính mẹ ruột mình bỏ rơi lận đận trong kiếp sống nhờ.
Nếu ở tác phẩm Như Áng Mây Trôi đập vào mắt tôi là một đêm nưa bão hai đứa nhỏ một trai một gái dắt díu nhau tìm kiếm người mẹ bệnh hoạn vừa mới mất của mình thì ở Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa tôi hình dung cảnh một cô bé mới hơn mười tuổi đã phải chăm sóc các em như một người mẹ, dạy dỗ chúng câm lặng nuốt hết những xót xa tủi nhục vào lòng. Và khi “con đày tớ không lương” bẽ bàng tủi hổ phát hiện mẹ con người dì giấu chiếc bánh trung thu ăn riêng để khỏi san sẻ cho cháu thì họ đã nhẩn tâm hô lên mất tiền để có cớ đuổi đám cháu ra khỏi nhà. Đi đâu về đâu? Bà ngoại thu xếp cho đám cháu về ở nhờ gia đình người cậu rất giàu nhưng dường như của chìm của nổi không che lấp được sự ti tiện, tham lam, tàn nhẫn và bóc lột của họ.
Người cha sau nhiều năm học tập trở về chứng kiến toàn bộ bi kịch của gia đình: người vợ xinh đẹp ngày nào theo một quan chức chính quyền mới, đành lòng bỏ đám con rớt xuống dòng đời, vất vưởng như thứ hàng rẻ tiền rớt rơi giữa phố. Ông suy sụp tinh thần, thể xác; mất hết niềm tin vào cuộc sống và cuối cùng ngã gục. Cắn răng nuốt những hạt cơm ăn đậu ở nhờ nhà cô út, cúi mặt nghe những lời chì chiết người mẹ ích kỷ, bất nhân của mình, ba chị em lớn lên lòng đầy tủi hờn, đơn côi và lạc lõng.Tự bươn chải vào đời, thiếu sự quan tâm chở che, ba chị em với ba số phận khác nhau trong dòng đời nghiệt ngã.
Gấm, tên nhân vật chính trong truyện kinh qua hai đời chồng với mơ ước tìm được một bờ vai, một điểm tưạ ấm áp cho cuộc đời côi cút của mình nhưng may mắn không dành cho cô. Người chồng thứ nhất, mối tình đầu của cô, một năm sau ngày cưới đã đẩy cô vào bước đường cùng phải chọn lựa bỏ của chạy lấy người vì kinh tởm hình ảnh say xỉn, rượu chè be bét và mất nhân cách của anh. Người chồng thứ hai lại là loại người bạc nhược, chỉ biết sống dựa dẫm, ỷ lại vào người khác. Sau bốn năm chung sống và có với nhau một đứa con gái, cô lại chủ động ly dị. Như những thước phim quay chậm lại hình ảnh người chồng thô lỗ vẫn hằn trong góc nhớ đau buồn của cô: Mày đi đâu giờ này mới về?
-Vừa phải thôi nghe… Liệu hồn!... Tao đánh thấy mẹ!
Gia đình chồng hùa nhau nặng nhẹ với những lời độc ác đã bóp nát trái tim cô. Và trong một đêm mưa, cô đã lầm lũi ra đi, bỏ lại sau lưng những năm tháng sống trong ngột ngạt, tù túng với bao tủi nhục bẽ bàng ở nhà chồng.Và cuộc đổi đời của cô cũng bắt đầu từ đó. Một tình yêu vượt mọi cám dỗ thường tình. Một tình yêu làm cho hai kẻ yêu nhau cảm thấy tâm hồn mình ngời ngời hạnh phúc. Nhất là với Gấm sau hai lần đổ vở, nàng trân quý nó biết chừng nào: “Em nợ anh một cuộc đời. Không có anh, em sống trong địa ngục.” Tôi mừng cho Gấm trên từng trang viết và đôi lúc cảm nhận hình như chính mình và bao người phụ nữ khác cũng mong mỏi, ước mơ điều đó.
Nhưng bàn tay nhỏ dưới mưa không che nổi bầu trời, không vượt qua số phận hẩm hiu của mình, định mệnh đã an bài. Mối tình đẹp ba năm hương lửa mặn nồng đành vĩnh biệt trong một đêm mưa cuối hạ với căn bệnh quái ác: Ung thư phổi! Đọc xong, buông quyển sách ra, tôi vẫn nuối tiếc ước gì còn thêm những trang nhật ký đầy cảm xúc yêu người yêu mình đến vậy!
Xen lẫn trong cuộc tình nóng bỏng của Gấm là những mảng đời chìm nổi, những ẩn ức về người, về đời về thế giới chung quanh. Một bức tranh ảm đạm của xã hội hôm nay với bao trăn trở.
Cám ơn anh Trương Văn Dân, tác giả Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hoài Huyền Thanh.
Thềm đông 2016
No comments:
Post a Comment