Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, June 30, 2016

ĐÔI LỜI CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ "VÔ THƯỜNG" CỦA TÁC GIẢ HOÀNG ANH 79 - Hồng Tâm



                            Hoàng Anh 79


VÔ THƯỜNG

Thì em vẫn cứ vô tình
Để ta ngọn gió một mình qua đây
Nằm nghe mưa rớt trên cây
Rừng nghiêng lá chết một ngày ướt thu
Và ta vẫn hạt bụi mù
Theo bàn chân nhỏ em từ trăm năm
Đi qua muôn nẻo phù trầm
Chiều rơi lặng lẽ xe lăn dốc đời
Lần em thả tóc lên trời
Mưa nguồn chớp bể rã rời đời nhau
Ta như con sóng bạc đầu
Xuôi theo dòng nước qua cầu chim bay
Mùa tàn nắng ngủ trong mây
Em thân cỏ úa lạc loài xứ xa
Nhấp say chén rượu quan hà
Trong tim ta thắp ánh tà dương soi
Sông dài mấy nhánh ra khơi
Trách chi dâu bể kiếp người viễn phương
Hợp tan cũng bởi vô thường
Chờ nhau bóng ngựa cuối đường lãng du !

                                          18/6/2016
                                    HOÀNG ANH 79


           
                           Hồng Tâm



 LỜI BÌNH: Hồng Tâm

Cuộc sống, bao thay đổi không gì  trường tồn mãi mãi. Đời là vô thường, kiếp người  thì quá ngắn ngủi.
Nhân đây, tôi xin giới thiệu tác phẩm " vô thường " của nhà thơ Hoàng Anh 79. Anh sáng tác vào ngày 18/06/2016 là bài thơ viết theo thể lục bát truyền thống.
Nghe vô thường ta cảm thấy cuộc đời có rồi không, luôn thay đổi từ khi con người sinh ra già , bệnh chết (sinh - lão - bệnh - tử) đó là quy luật của trời đất là vòng tuần hoàn, (tiền kiếp - hiện tại - luân hồi) quy định rõ rệt.
Mở đầu bài thơ:

Thì em vẫn cứ vô tình
Để ta ngọn gió một mình qua đây
Nằm nghe mưa rớt trên cây
Rừng nghiêng lá chết một ngày ướt thu

Ở khổ này, ta thấy có gió, lá, mưa đó là sự thật của cảnh vật xung quanh, là hiện tượng tự nhiên của thực vật và thời tiết. “Lá chết”, “Ướt Thu” đó là sự mở đầu buồn. Từ "gió "Trong Phật Pháp có nghĩa là hơi thở, “Để ta ngọn gió một mình qua đây”. Vậy ta thấy được dẫu người con gái có “Vô Tình” thì anh cũng muốn mang một hơi thở yêu thương đến cho nàng.

" Và ta vẫn hạt bụi mù
Theo bàn chân nhỏ em từ trăm năm
Đi qua muôn nẻo phù trầm
Chiều rơi lặng lẽ xe lăn dốc đời "

Ở khổ 2 từ hạt bụi và phù trầm đó là ta bắt đầu sự lên xuống trôi nổi, lăn lộn với cuộc sống. “Hạt bụi mù” theo chân cô gái, đọc ta thấy một  mối tình si dại, “Bụi” cũng có nghĩa là đất. “Xe lăn dốc đời” có phải chăng là kết thúc một kiếp người. Qua khổ nầy ta thấy một tình yêu đang theo đến cuối cùng của cuộc đời

"Lần em thả tóc lên trời
Mưa nguồn chớp bể rã rời đời nhau
Ta như con sóng bạc đầu
Xuôi theo dòng nước qua cầu chim bay"

Ở khổ 3 ta thấy là sự ly tan, có lẽ cô gái đã theo chồng. "sóng" nổi lên từ nước, sóng thì động và nước vẫn chảy êm đềm, “Sóng bạc đầu” đó là sự thương nhớ. 

"Mùa tàn nắng ngủ trong mây
Em thân cỏ úa lạc loài xứ xa
Nhấp say chén rượu quan hà
Trong tim ta thấp ánh tà dương soi'' 

Tà dương ở đây có nghĩa  ánh mặt trời và cũng tượng trưng ngọn lửa. Có lẽ ngụ ý khổ nầy “Dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em” Khi em lạc loài trong đêm tối xứ xa thì anh vẫn là ngọn lửa soi đường và sưởi ấm cuộc đời em
Như vậy qua 4 khổ thơ ta thấy 4 yếu tố chính Gió – Đất – Nước – Lửa theo Phật Pháp 4 yếu tố nầy  thân tứ đại của chúng ta từ đó ta mới thấy sự “Vô Thường” như tựa bài thơ và trong khổ kết

"Sông dài mấy nhánh ra khơi
Trách chi dâu bể kiếp người viễn phương
Hợp tan cũng bởi vô thường
Chờ nhau bóng ngựa cuối đường lãng du"

“Sông” còn chia nhánh huống hồ chi kiếp người sao tránh được dâu bể. Đó cũng tạo bởi “Vô Thường” trong trời đất.” Chờ nhau bóng ngựa cuối đường lãng du”  Bóng ngựa là bóng thời gian  - cuối đường lãng du cũng có thể cuối kiếp người, cũng có thể kết thúc những ngày tháng gian gian. Bài thơ khép lại trong sự suy nghĩ miên man của người đọc, và có lẽ ý tác giả muốn bạn đọc quyết định một chuyện tình buồn.
Theo tôi đây là một bài thơ hay… Nên có đôi dòng suy nghĩ đồng cảm với bài thơ.

                                                                                  Hồng Tâm


READ MORE - ĐÔI LỜI CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ "VÔ THƯỜNG" CỦA TÁC GIẢ HOÀNG ANH 79 - Hồng Tâm

ĐOẢN KHÚC THÁNG SÁU - Thơ Linh Thy





ĐOẢN KHÚC THÁNG SÁU 

Ve buồn trổi khúc vu vơ
Để cho tháng sáu đợi chờ tin nhau

Mưa buồn lất phất mưa mau
Người buồn chờ đợi nhạt màu nhớ thương

Phượng buồn mấy cánh vấn vương
Ta buồn về lại mái trường xa xưa

Tay run đếm mấy giọt mưa
Để cho thương nhớ... ướt vừa bờ mi...!!!

                                        Linh Thy
                                          SPLA

READ MORE - ĐOẢN KHÚC THÁNG SÁU - Thơ Linh Thy

MƯỜI NĂM BÓNG NGỰA QUA THỀM CŨ - Tập thơ mới Nguyễn An Bình






  










      VNQT trân trọng giới thiệu tập thơ mới "Mười Năm Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ" của nhà thơ Nguyễn An Bình, hội viên Hội Nhà Văn Cần Thơ, cộng tác viên của trang VNQT chúng tôi. Tập thơ mới "Mười Năm Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ", dày 160 trang gồm 100 bài thơ và các phụ bản thơ phổ nhạc, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào tháng 6/2016.
     Quý độc giả yêu văn học nghệ thuật có nhu cầu tìm đọc, xin liên hệ trực tiếp với nhà thơ Nguyễn An Bình theo địa chi in trong file ảnh ở trên.

    Dưới đây là bài thơ  Đôi Bờ trong tập thơ "Mười Năm Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ"




ĐÔI BỜ

Ngày trở lại chuyến phà xưa đã vắng
Dòng nước trôi chia nỗi nhớ đôi bờ
Chỉ còn lại cầu tàu heo hút nắng
Mưa mù trời bến đợi lạnh chơ vơ.

Chiếc cầu mới vắt ngang bờ sông Hậu
Em có về ngắm tia nắng ban mai
Từng sợi dây văng sợi thương sợi nhớ
Gió theo người thả từng sợi tóc phai.

Dòng sông chảy quanh hai bờ lau trắng
Bao ánh đèn vẫn tỏa sáng đêm đêm
Soi bóng nước tìm đâu ngày mưa nắng
Mảnh trăng cong đã rớt lại bên thềm.

Ai nghiêng nắng để hồng lên đôi má
Tôi qua sông nghe sóng vỗ trong lòng.
Đời bạc tóc nên thu đi hối hả
Vàng áo xưa còn nỗi nhớ đục trong.

Nếu có được một sớm mai nào khác
Gặp lại nhau chắc cũng trắng nỗi buồn
Tình mới lớn qua bao mùa lận đận
Thương đôi bờ còn sót lại làn hương.

                        Nguyễn An Bình
                            27/6/2016

READ MORE - MƯỜI NĂM BÓNG NGỰA QUA THỀM CŨ - Tập thơ mới Nguyễn An Bình

Tuesday, June 28, 2016

THÊM LẦN LẦM LỠ - Truyện ngắn của Trương Thị Thanh Tâm





THÊM LẦN LẦM LỠ 
Truyện ngắn của Trương Thị Thanh Tâm
    
Chú hai Nhân bước ra mé rạch vói hái mấy trái bần miệng ngân nga lên câu vọng cổ, trong lòng nghe lâng lâng, chú vừa lờ được mớ cá tôm và có hai con cá lóc cũng to bộn cỡ ký mấy, chú lựa ba mớ ra ...cha ...và nghĩ, mai lại đỡ tốn tiền chợ rồi, chú định lấy hai con cá lóc một con nướng trui cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm nêm, một con nấu bậy tô canh chua, chú chắc lưởi..ha ha...đủ xôm tụ rồi, xế xế mình hú tụi thằng hai Cường, thằng Hảo, thằng Tiến lai rai nhâm nhi vài xị, kéo vài bản đờn cò đám tài tử nầy khỏi chê đâu, nhứt là thằng Cường nó xuống vọng cổ thì là  mùi gì đâu, đám gái làng có mà chết vì nó, thân hình thì lực lưỡng, dân làm vườn mà... sẵn hôm nay có trăng, gió thu lành lạnh ấm lắm đây nha, cứ dọn bày ra chiếc ghe bập bềnh trên sông, chờ trăng lên cũng vui vẻ tuổi già.
Cuộc đời cứ như vậy mà trôi qua theo năm tháng, chú còn nhớ những ngày sau 1975 khi chú học cải tạo về gia đình nghèo khó, chú lao đao lận đận, hết làm phu khuân vác ở bến xe rồi đến bến đò, chạy xích lô, bán vé số, cho đến sửa xe ở góc đường chú không từ chuyện gì khó nhọc cả bởi trên vai chú còn nợ gánh gia đình, vợ chú cũng là người đàn bà hiền hậu biết cần kiệm lại siêng năng khéo léo trong nhà, mấy năm chú không có ở nhà, vợ chú cũng tảo tần hôm sớm nuôi con chờ chồng.
Chú có hai đứa con một trai một gái, bây giờ thì cũng tạm ổn, đứa con trai thì lao động nước ngoài, dành dụm lâu lâu gởi chút đỉnh về nhà, đứa con gái thì học hết cấp ba lúc đó chú không đủ khả năng cho nó học đại học nên nghỉ đi làm xí nghiệp may, nay đã có gia đình thế là chú có hai đứa cháu ngoại cũng một trai một gái nó nói vậy đủ rồi thêm nữa mệt lắm.
Vợ chồng chú chắt mót trở về quê mua được năm công đất, cất nhà, làm ruộng, làm rẫy có chút đỉnh cây ăn trái, mùa nào có trái đấy để ăn, sau bao năm vất vả rồi cái gì cũng qua hết chứ cứ ngồi đó mà than thở buồn chán hoài làm sao chịu nỗi, gặp thời thế, thế thời phải thế, chuyện trần ai, ai biết được ngày mai.
         Chú mong sao một đêm thức dậy thấy mình còn thở gia đình bình yên là tốt rồi việc gì đến thì cứ đến chứ còn ngồi  đó lo âu mãi chỉ tổ già thêm lên rồi bệnh hoạn rủ nhau đến thì mệt lắm.
Đang trong dòng suy nghĩ chú nghe tiếng ghe máy nổ từ xa chạy đến chú nheo mắt nhìn thì ra thằng Hợi chú hú nó:
- Ê, ê.  Hợi, mầy làm gì mà từ sáng sớm tới giờ mầy cứ chạy qua chạy lại con rạch nầy vậy, có quởn chút ra đây nhập bọn với tụi tao lai rai nha. 
- Thằng Hợi cho chiếc ghe máy tấp vào gốc bần và nói:
- Chú không hay gì sao.
- Vụ gì mà hay với không hay. 
- Thì cô Lan thợ may con dì  tư Xinh xóm dưới đó mất tích rồi. 
- Hồi nào mà cho là mất tích, tao mới gặp nó chiều hôm kia đây mà. 
- Dì tư nói hôm qua thấy nó ngồi buồn rồi khóc rấm ra rấm rức hỏi hoài không nói, cơm cũng không ăn uống gì hết, chiều qua tới giờ cũng không thấy, tối cũng chẳng thấy về có khi nào  nó đi đâu mà không nói, nên dì nghĩ bậy kêu con chạy vòng vòng coi có thấy gì không, dì nghi nó thất tình nên... ôi mà chạy từ sáng giờ có thấy xác nào trôi nổi đâu nà. 
- Ý cái miệng mày nói gì không nên. 
- Thôi để con chạy thêm vòng nữa coi sao sáng giờ hết hai lít xăng rồi, xế chiều con ghé nha chú hai, nói rồi nó giựt máy de ra rồi chạy tuốt. 
Chú lắc đầu ngẫm nghĩ, thời nay trai gái không biết đâu mà lường thấy mà mệt cũng may con mình nó cũng ngoan ,cũng nên thân chứ không mình cũng khổ, còn nói về con Lan thấy nó cũng đẹp người đẹp nết lại có nghề may,  lễ phép biết kính trên nhường dưới, mình định đi nói cho con trai mình mà sao vậy cà. 
Nhớ năm nào hai mẹ con về đây mua miếng xẻo đất nhỏ xóm dưới cất cái nhà nhỏ mở tiệm may và bán chút đỉnh hàng hóa đời sống cũng ổn định mà, sao giờ vụ gì đây ta. 
Nhưng chú đâu có biết, có một hôm cô Lan đi mua hàng ở thị xã về, vai mang tay xách về tới đường làng nghỉ chân phe phẩy chiếc nón lá trên tay bên gốc Phượng một bên trồng xen mấy cây mai hoàng hậu mà người ta còn nói có tên là hoa Ưu Đàm buông dài chùm, chùm vàng rực đẹp làm sao, con đường nầy đầy bóng mát, gần đó là trường tiểu học, hôm nay chủ nhật nên cổng trường im vắng, cô liên tưởng đến ngày xưa,  cô nhớ tuổi học trò đầy hoa mộng...
Bổng có tiếng xe gắn máy chạy tới phá tan dòng suy nghĩ và sự yên tỉnh của buổi chiều thu, xe dừng trước mặt cô là một thanh niên khoảng hai lăm hai tám. 
- Xin lỗi cho tôi hỏi thăm nhà bà đốc phủ Tuân ở đâu ạ. 
Lan đứng lên trả lời:
- Anh đi trờ tới khoảng bảy mươi mét có ngã ba chạy xích lên quẹo trái là thấy cái nhà lớn ngói đỏ trước nhà có trồng mấy cây nầy nè, Lan chỉ cây mai hoàng hậu là đúng nhà đó, nhưng anh coi chừng có chó dữ đó nha, mà anh họ hàng hay quen ai trong đó mà không biết nhà, tôi là bạn học của Tuấn, sẵn hôm nay rảnh tôi ghé chơi ,mới lần đầu mà.
Rồi anh bước xuống xe làm quen và tự giới thiệu. 
- Tôi tên Tâm, xin lỗi cho tôi được làm quen và biết tên cô nhé, chắc nhà gần đây phải không?
- Biết tên để làm chi,tôi đâu có quen anh. 
- Thì trước lạ sau cũng quen mà, nói đi có chết chốc gì đâu, tên gì vậy cô nương hi hi...
- Tôi tên Lan, Hoài Lan 
- Cha tên đẹp mà người cũng đẹp, thôi thì cho biết nhà luôn đi. 
- Cha ngụ ý gì đây. 
- Thôi mà nói đi,anh nhìn gỉo xách Lan đi chợ à mua gì nhiều xách nặng quá. 
- Nhà Lan ở ngã ba kia kìa chỗ đó đó quẹo phải có hai hàng cây đậu Săn, có cái quán nho nhỏ. 
- Thôi Lan về đây trưa rồi. 
- Thôi Lan lên anh chở cho mau.
- Không được đâu nha.Nói Rồi Lan vội vã xách gỉo đi một hơi 
Thoảng sau anh chạy qua nói:
- Tạm biệt Lan nha sẽ còn gặp lại 
Lan rẽ vào đường về nhà, thì thấy dì tư đang vo gạo trước sân 
- Thưa má con mới về, má nấu cơm hả má? 
- Ừ, thấy trưa rồi nên má bắt ba hột lên con về có ăn liền. 
- Phải con về sớm chút má khỏi nấu cơm, con định bửa nay mẹ con mình ăn sang một chút. 
- Ăn gì mà sang? 
- Hi hi bánh hỏi thịt quay sang hôn má. 
- Cha thịt heo quay mắc lắm mà, tằn tiện chút đi con, còn phải lấy chồng rồi có con đủ thứ phải lo. 
Lan ôm vai dì và cười nói:
- Con hổng lấy chồng đâu ở vậy hoài với má hà. 
- Chắc vậy hôn đó hay duyên tới bỏ má theo chồng. 
- Không có đâu, nếu xui thì cũng ở đây với má, mình bắt rễ 
- Trời ạ, tiền đâu mà nuôi rễ chứ. 
- Ơi, hơi đâu mà má lo, còn khuya mới lấy chồng, ai nấu cơm cho con ăn mà lấy.. 
- Bộ mọi cho cô hoài chắc 
Lan cười, rồi đi rữa mặt.
- Thôi lỡ rồi chiều hong lại cơm ăn, giờ má con mình ăn bánh hỏi trước má dọn con rửa rau, công bằng há.
Hai má con vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ.
- Rau, chanh tháng nầy mắc quá, không mua sợ ai hỏi không có mà mua bán sợ họ chê mắc. 
- Có gì đâu ai cũng biết mà,mua mắc phải bán cao một chút, má hay mình trồng ít cây chanh đi má. 
- Ừ, để coi má cũng định trồng  ít cây cam sành nữa. 
Nói tới đây dì tư thấy có bóng ai thấp thoáng trước sân, nhìn kỷ thấy Tuấn và một người nữa bước vào, Lan quay ra thấy Tuấn và Tâm định hỏi thì Tuấn nói:
- Dì và Lan đang ăn cơm hả, ngại quá. 
- Không sao con cũng xong rồi. 
Bà vội vã dọn dẹp và mời:
- Con ngồi chơi, cần gì con Lan lấy cho.. 
- Dạ, Lan cho anh hai ly cà phê đá với gói ba số nhé 
Tiếng Tâm nói khi nhìn chung quanh chắc thợ may nầy khéo tay lắm đây nghe Tuấn khen quá 
Lan nói : 
- Cũng tàm tạm không khéo lắm đâu anh.
- Thì may cho anh đi mặc biết liền, anh để xấp vải lên bàn 
Tâm thầm nghĩ cha chắc muốn lân la tới lui làm quen đây chớ mới đây làm sao có vải mà may, anh Tuấn nầy tính gì đây, nhưng Lan cũng thấy vui vui làm sao trông anh ấy cũng được, Lan đặt hai ly cà phê và gói thuốc xuống bàn, quay đi thì Tuấn nói: 
- Ngồi chơi chút đi Lan, không vội đâu, Lan mới đi bổ hàng về hả, gặp Tâm phải không?
- Dạ.
- Thôi thì kết bạn đi nha nó nhờ anh lên tiếng đó, chịu không?
- Thì cũng trước lạ sau quen .
Tâm nói : 
- Rồi thân thương hơn mấy hồi. 
Lan cười:
- Cũng chưa biết được à nha. 
Rồi Tâm nói bâng quơ: 
- Hai hàng đậu Săn trồng vầy thấy hay hay mát và đẹp chứ, còn có đậu  rang nấu nước uống thơm và mát, sáng mắt nữa chứ có sáng kiến hay. 
- Lan nói : Anh cũng thích uống chứ, nói rồi Lan đi rót mời, anh nói cha thơm thật, nóng hổi thổi, uống trời nầy uống mới đã làm sao.
Ngồi một chút Lan lấy thước đo áo cho Tâm . Khi đứng gần Tâm nhìn kỹ nghĩ Lan đẹp thật nước da mịn hồng, mắt đen huyền, nụ cười mĩm lúm hai đồng tiền nho nhỏ trông rất dể thương, giọng nói dịu dàng thánh thót như oanh, tóc dài mượt và thơm mùi bồ kết, Tâm thấy lòng xao xuyến một niềm đam mê và mơ ước...
Từ dạo đó Tâm thường mượn cớ thăm Tuấn và qua lại ghé thăm Lan, dì tư cũng mến Tâm vì tánh tình hiền lành vui vẽ, hay xông xáo giúp đở những việc nặng nhọc, và ngày tháng cứ thế trôi qua khoãng hai năm, dì cũng có ý nghĩ gã Lan cho Tâm nhưng qua gia thế Tâm nên bà còn ngần ngại vì Tâm là con một cha Tâm là thầu khoán lớn, gia đình bà thì đạm bạc không môn đăng hộ đối, nên bà vẫn lo sợ và nhắc nhở con chừng chừng. Nhưng chuyện trai gái sao mà giữ được khi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, rồi thì cái gì đến sẽ đến, lòng nhẹ dạ sự mềm yếu của phụ nữ là việc chịu những thua thiệt sau đó. 
Đã hai tháng nay không thấy Tâm ghé Lan lo sợ khi thấy trong người khác lạ biếng ăn khó ngủ càng ngày càng mỏi mệt gầy yếu, Lan biết mình đã có thai khi chu kỳ kinh nguyệt không đúng Lan bắt đầu lo sợ cho sự lạc lầm hư hỏng của mình,Lan khóc thầm trong đêm, cuối cùng Lan quýêt định đi tìm Tâm,nhưng có ngờ đâu khi tìm được nhà Tâm thì hỏi thăm mới biết ba mẹ Tâm vì làm ăn thất bại đã chuyển nhà đi không biết đi đâu, kể cả Tuấn cũng không liên lạc được, Lan cũng chưa cho Tâm biết mình có thai thì không thể cho là Tâm phụ bạc, nhưng làm sao đây khi cái thai mỗi ngày sẽ lớn thiên hạ dị nghị má Lan sẽ nói gì khi con mình hư hỏng không chồng mà có chửa, Lan đau khổ mấy lần định quyên sinh nhưng sợ mẹ già không ai nuôi.
Cuối cùng Lan suy nghĩ quay về thú thật với má xin được tha thứ và giữ lại đứa con đang lớn dần vô tội , âu cũng là định số cũa nó với hy vọng một ngày nào đó Tâm trở về với lý do chính đáng để Lan tha thứ và con Lan sẽ có cha nhìn nhận. 
Khi dì tư nghe Lan thú thật mọi việc bà đau buồn không nói nên lời,nước mắt chảy dài khi nghĩ đến cuộc đời cũa bà, chuyện xưa lại thêm một lần lập lại,con bà đã đi trên bước xe đổ của bà, thương con bà chỉ biết xót xa đau đớn con cháu mình thì mình nuôi, cửa nhà có thêm người rồi cũng vui.
Ngoài kia trời bổng xuống chiều, gió đong đưa từng cánh hoa rơi rụng,cây phượng gốc nhà cũng nhỏ máu rơi theo,giàn tigôn vẫn thổn thức tiếc thương cho người con gái mang tên Lan...Mưa rớt hạt dần như khóc cho một đời người thêm lần nữa chung số phận, gió lùa qua phên bà khẻ rùng mình nghe hơi lạnh đến cả trong trái tim nho nhỏ cằn cỗi của  mình......
        Trương Thị Thanh Tâm
        Mỹ Tho


READ MORE - THÊM LẦN LẦM LỠ - Truyện ngắn của Trương Thị Thanh Tâm

VỀ NGHE BA-LAI HÁT - thơ Huy Uyên

Cống đập Ba Lai - Ảnh: Ngọc Tài


VỀ NGHE BA-LAI HÁT

Những cánh đồng xanh lúa Ba-Lai
Chở tình em qua Giồng-Trôm, Bình-Đại
Thương người đi biển rộng sông dài
Chiều nhớ ai ra sông đứng ngó.

Ngọt mặn chia hai kênh rạch nhỏ
Vạt rừng cao ký-ức vườn dừa
Mẹ lặn lội sáng chiều
vuông tôm thẳng tắp
An-Hóa trùng-vây ngọt nước cù-lao.

Anh quay lại
năm nay kịp mặn phù-sa
Mưa nắng hai mùa trôi êm ả
Nhớ buổi khai-hoang
từ thuở cha về
Tôm cá dịu dàng tay mẹ lưới.

Trên đồng Ba-Lai dây bầu, dây bí
Thắm tình em dâu bể Hàm-Luông
Mình bên nhau những chiều căng gió
Hoa lá xanh um cây trái đầy vườn.

Mãi cả đời ngọt nước Bến-Tre
Hỏi em còn con nước ròng, nước lớn
Cù-lao Dung xuôi ngược đi về
Em có trao tim
cho ai mang theo về biển.

(Một thời mình đưa nhau về Bình-Thắng
Thạnh-Trị quê dưới tàng cây lặng im).

Ngày đi qua biển xanh Thừa-Đức
Gió có hồng đôi má em thêm
Về mà nghe Ba-Lai hát
Nước Cửu-Long,nhịp đổ theo dòng.

Từ tóc em xa
sông nước Hàm-Luông
Xanh biết mấy xứ dừa rợp bóng
Tình em giờ ngược bến Trà-Vinh
Để Cửa Đại buồn đêm ngày chát mặn.
(Hỏi em và Ba-Lai còn chờ người 
đã một thời xa vắng ...).

Huy Uyên

(Bến Tre 25-6-16)


READ MORE - VỀ NGHE BA-LAI HÁT - thơ Huy Uyên

ĐỌC “KHÚC CA MÙA HẠ” THƠ LANG TRƯƠNG - Châu Thạch


 
                     Lang Trương



ĐỌC “KHÚC CA MÙA HẠ” THƠ LANG TRƯƠNG
                                                             Châu Thạch

KHÚC CA MÙA HẠ
                   
Em mời ta mua một tờ vé số
Đồng phục trắng, xanh còn in rõ tên trường.
Ánh mắt trong veo, chìa bàn tay bé nhỏ
Đôi má ửng hồng, lấm tấm giọt phong sương.


Trời miền Trung, nắng dài như đổ lửa
Gót chân non, bỏng rát thịt da người.
Trên môi em, vẫn nụ cười thơ trẻ
Em có mơ một mùa hè, đuổi bướm hái hoa.


Em nghỉ trưa ở đâu ? Góc phố hay hàng ba,
Ngày mấy bữa, no cơm hay đói cháo ?
Trên tay em, quay vòng từng con số
Có dãy số nào, cô giáo dạy em không ?


Em sẽ viết gì đây ? Trang nhật ký tuổi hồng
Có khuôn mặt quay đi, kèm tiếng " Không" cộc lốc,
Và có cả những gợn buồn trong thoáng chốc,
Có nắng lửa ngập trời, khô rốc những hàng tre .


Ta ngồi quán cóc vỉa hè
Ly cà phê cũng nhờ bạn bè trả hộ.
Không đủ tiền mua giúp em tờ vé số
Mùa Hạ thật dài, dông bão chẳng ngừng rơi


                                           Lang Trương


      
                        Châu Thạch




LỜI BÌNH:  Châu Thạch

Tôi đã đọc hàng ngàn bài thơ về mùa hạ, nhưng thú thật “Khúc Ca Mùa Hạ” thơ Lang Trương đem đến cho tôi nhiều ngạc nhiên. Ngạc nhiên đầu tiên về khuynh hướng sáng tác mới của tác giả.  Tôi chỉ biết Lang Trương qua Facebook với những bài phú tuyệt vời, nó xen lẩn nụ cười tiếu lâm trong những kinh nghiệm rút ra từ lịch sử xa xưa và từ xã hội hiện tại, nhất là bài “Văn tế Đông Hải Long Vương” nói về biển đông được yêu thích gần đây . Đọc phú của Lang Trương ta vừa thích thú cười ha hả, vừa chiêm nghiệm lẽ sống sâu xa trong phong cách đối nhân xử thế ở đời. Ngạc nhiên thứ hai là lần nầy Lang Trương không viết phú mà làm thơ, bài thơ nói về khúc ca mùa hạ nhưng không nhắc gì đến chia tay sân trường, hoa phượng đỏ hay lưu bút ngày xanh như hàng vạn bài thơ mùa hạ khác, lại còn là một khúc ca mùa hạ “xúc động và hiện thực” như lời bình luận của bạn Ngọc Dũ Phạm trên facebook. Thật vậy, bài thơ tả thực, cái thực phủ phàng giữa một thời đại được ca tụng là vàng son trên báo, đài  làm cho người đọc dễ dàng xúc động. Bài thơ cũng vô cùng hiện thực, vì viết về một hiện tượng đau lòng xảy ra nhan nhản trước mắt mà không ai không thấy nhưng không mấy ai cảm thấy động lòng. Bài thơ nói về một học sinh bán vễ số trong mùa hạ, thiết nghĩ không cần giải thích ý thơ nữa vì nó rất rõ ràng, dễ hiểu, chỉ xin nói về những tứ thơ của nó mà thôi.

Đọc cái đầu đề bài thơ là “Khúc ca mùa hạ” chắc ai cũng nghĩ đến màu sắc, đến âm thanh dịu dàng êm ái. Không ai ngờ cảnh hiện thực bày ra nghịch lý:

Em mời ta mua một tờ vé số
Đồng phục trắng, xanh còn in rõ tên trường.
Ánh mắt trong veo, chìa bàn tay bé nhỏ
Đôi má ửng hồng, lấm tấm giọt phong sương.


Đọc vế thơ nầy ta thấy đồng phục trắng, bảng tên xanh, ánh mắt trong veo và bàn tay bé nhỏ đối nghịch với  “Em mời ta mua vé số”, với “Đôi má ửng hồng, lấm tấm giọt phong sương”. Nhìn sự đối nghịch nầy, diễn ra trong lòng ta dấu hỏi: Mùa hạ là mùa vui chơi của học sinh, sao em học sinh nầy đi bán vế số? Rồi từ đó nẩy ra trong lòng ta biết bao nhiêu là suy tư tiếp diễn. Tác giả đã thành công ngay từ vế thơ đầu khi đưa ra một hình ảnh mùa hạ chưa từng có trong thơ văn  nói về mùa hạ. Tác giả lại thành công tiếp khi làm cho người đọc quên hẳn bài ca mùa hạ để đi theo cái gian khổ mùa hạ của em bé kia:

Trời miền Trung, nắng dài như đổ lửa
Gót chân non, bỏng rát thịt da người.
Trên môi em, vẫn nụ cười thơ trẻ
Em có mơ một mùa hè, đuổi bướm hái hoa.


Vế thơ nầy nổi bậc nụ cười trẻ thơ vô tư của em bé, nổi bậc giấc mơ đuổi bướm hái hoa của em bé. Từ đó hình ảnh miền trung đổ lửa, gót chân non bỏng rát thịt da đã tá khách vào nụ cười đó, giấc mơ đó, tạo thành hai vế đối song song dấy lên ý niệm phản kháng trong lòng người đọc. Cái nghịch lý của hiện  thực xã hội trong vế thơ đầu được lũy thừa lên qua vế thơ nầy, khiến cho sự xốn xang hay xót xa khơi dậy trong lòng  ta và sẽ thành ngọn lửa bùng cháy trong vế thơ thứ ba:

Em nghỉ trưa ở đâu ? Góc phố hay hàng ba,
Ngày mấy bữa, no cơm hay đói cháo ?
Trên tay em, quay vòng từng con số
Có dãy số nào, cô giáo dạy em không ?


Những câu hỏi liên tiếp, dồn dập như những tiếng kêu phản kháng, khuấy động trong lòng người sự cay đắng về một hiện tượng bất công, vô lý xảy ra giữa cuộc đời. Hai câu thơ “Em nghĩ trưa đâu? Góc phố hay hàng ba/ Ngày mấy bửa, no cơm hay đói cháo?” đã  làm ta buồn, cái buồn thấy con người thảm thiết, nhưng hai câu “Trên tay em quay vòng từng con số/ Có số nào, cô giáo dạy em không” làm cho ta phẩn nộ, phẩn nộ cho số phận hẩm hiu của những em bé đáng ra phải được hưởng nhiều phúc lợi trong thế kỷ mà văn minh con người đã đạt đến đỉnh cao.

Qua vế thứ tư, tác giả kéo ta vào sự bi thương. Tiếng thơ bây giờ than van và kể lể: 

Em sẽ viết gì đây ? Trang nhật ký tuổi hồng
Có khuôn mặt quay đi, kèm tiếng " Không" cộc lốc,
Và có cả những gợn buồn trong thoáng chốc,
Có nắng lửa ngập trời, khô rốc những hàng tre.


Vế thơ trình bày một hoạt cảnh qua nhiều phông đoạn để nêu lên nỗi thiệt thòi của em bé và chỉ trích sự vô cảm của con người. Nhìn hoạt cảnh nầy lòng ta se thắt, nỗi đau như chất chứa đầy. Chữ “Không” trong câu thơ thứ nhì như một cú đấm vào lòng người, và câu “Có nắng lửa ngập trời, khô rốc những hàng tre” thể hiện sự khô héo của những mãnh đời bất hạnh. Câu thơ nầy nói về mùa hạ nhưng thật ra nó diễn tả cuộc đời em học sinh bán vế số kia.

Và cuối cùng tác giả nói về mình. “Mình” của tác giả cũng chỉ là một cây tre héo trong những hàng tre “khô rốc” kia mà thôi:

Ta ngồi quán cóc vỉa hè
Ly cà phê cũng nhờ bạn bè trả hộ.
Không đủ tiền mua giúp em tờ vé số
Mùa Hạ thật dài, dông bão chẳng ngừng rơi.


Mùa hạ chỉ có ba tháng nhưng tác giả lại nói “Mùa hạ  thật dài”. Mùa hạ thì trời nắng nóng nhưng tác giả lại nói “dông bão chẳng ngừng rơi”. Đây là cái tâm trạng “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Mùa hạ dài và mưa gió chính là cái tâm lý cảm nhận cuộc đời  của bao em bé bán báo kia và của chính ngay tác giả, khi “Ly cà phê cũng nhờ bạn bè trả hộ”. Câu thơ cho biết họ nhận thấy đời mình khô rốc, không có niềm vui và cứ đi hoài dưới dông bão của cuộc mưu sinh . Vế thơ đưa tác giả vào cuộc, làm một nhân vật không hơn gì em bé để gỉai thích sự đồng cảm của chính mình với nỗi bất hạnh kia, cũng như báo động cùng xã hội còn rất nhiều mãnh đời như thế, không chỉ ở giới trẻ mà ở người già như tác giả cũng có dẫy đầy.

“Khúc ca mùa hạ” cho người đọc nhiều cảm xúc, gián tiếp phản kháng những phi lý còn xảy ra trong cuộc sống, bắt con người phải suy nghĩ đến quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội. “Khúc Ca Mùa Hạ” cáo trách lòng người bằng hình ảnh hiện thực, sống động và đặc biệt bài thơ thể hiện một tấm lòng vị tha nhân, một tâm hồn nhạy bén dễ cảm xúc. Cảm xúc ấy đã biến thành thơ hay, thật là hay./.

                                                                          Châu Thạch  

READ MORE - ĐỌC “KHÚC CA MÙA HẠ” THƠ LANG TRƯƠNG - Châu Thạch

MƯA THÁNG SÁU - Thơ Nhật Quang






MƯA THÁNG SÁU

Từng giọt buồn nhẹ rơi trên cung phím
Nghe tiếng lòng chợt xao xuyến mùa sang
Lá rơi nghiêng bên đường cây xao xác
Lòng bồi hồi, bao khắc khoải miên man...

Nắng Hạ ơi ! ươm vàng hong suối tóc
Cánh phượng hồng ngan ngát lối mộng mơ
Sân trường cũ còn vương đây kỷ niệm
Thương người đi để năm tháng ngẩn ngơ

Em có nghe tiếng ve sầu than thở ?
Mưa giăng đầy màu nhung nhớ chia phôi
Vòng tay ấm níu tình xa, xa vội
Ánh mắt nào còn xao động hồn tôi

Về không em chiều Hạ mưa tháng Sáu ?
Góc phố xưa hằn in dấu rêu phong
Tiếng đàn rung nhịp lỡ làng cung phím
Rưng rưng buồn, réo rắt khúc chờ mong

Nghe khát khao tiếng yêu mùa nắng Hạ
Câu thơ chùng lưu luyến bóng lặng im
Mưa tháng Sáu sao nỡ vô tình quá !
Để ai sầu, se sắt tận trong tim.

                                  Nhật Quang
                                    (Sài Gòn)

READ MORE - MƯA THÁNG SÁU - Thơ Nhật Quang

BI KỊCH BREXIT - Thơ Nguyễn Khôi



                         Tác giả Nguyễn Khôi



          
Lời dẫn : Ngày 23-6-2016 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng David Cameron -  Vương quốc Anh và Bắc Ireland  đã tổ chức trưng cầu dân ý: 52 % thuận để "Anh Quốc rời EU" - Brexit...
NK cũng hơi bị "sốc" có đôi vần cảm tác xin được chia sẻ cùng các bạn thơ:


BI KỊCH  BREXIT

Nhân loại đang ồn ào
Chênh chao Brexit...
Bruxelles lao đao
Donal Trump (sướng) mắt tít
Pu tin (được) xơi Bit tết (Beefsteak)
Tập "kết" Mộng Trung Hoa
Đồng Bảng thì tuột dốc
NATO gờm bom Nga...
             
Chao, giọt nước tràn ly
Trò "hòa đồng" Dân Chủ
Người ta sợ "hòa tan"
"Quốc Gia" bị xóa sổ...?!
Chỉ béo mấy anh bự
"Hồi Giáo" vào chiến tranh
Xả thị trường vũ khí
Vượt biên lũ dân lành...
              
Cứ như lời Van Ga
"Châu Âu sẽ trống vắng"
Thế giới ngập hàng Tàu
Nước biển dâng... dịch bệnh...
              
Lênh phênh
Những cái đầu khuyết tật
Tầm nhìn đến rốn thôi
"Người đổi thay Thế giới"
Tạo Hóa thử đùa chơi...?
               
Brexit... than ôi !
...
     Hà Nội 29-6-2016
     NGUYỄN KHÔI

READ MORE - BI KỊCH BREXIT - Thơ Nguyễn Khôi