Tác giả Hoàng Long Hải
TỰ TỬ
“Một mình ta ngồi khóc, tuổi thơ bay…”
(“Thu hát cho người” –Vũ đức Sao Biển)
Năm mười lăm tuổi, đang học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) thì tôi gặp chuyện buồn. Suốt gần nửa niên học sau, tôi ham chơi, đi hát và diễn kịch với bạn bè, bỏ không thi “Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt”, coi như ở lại lớp hoặc phải thi lên lớp. Tôi quyết định không thi, không ở lại, năm sau sẽ bỏ băng lớp đệ ngũ (lớp 8), học đệ tứ (lớp 9) và thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (cấp 2). Như vậy, tôi sẽ không những không bị ở lại lớp mà còn rút gọn được một năm Trung Học. Không phải tôi ngon lành chi, chẳng qua vì thương mẹ, học dốt, ở lại lớp, mẹ buồn lắm! Đơn giản chỉ có vậy
Tuy nhiên, trước khi bỏ nhà trốn đi để thực hiện ý định của mình, tôi biết rằng cuộc đời tôi sẽ qua một khúc ngoặt: Không còn sống gần mẹ và các em nữa, bắt đầu sống xa gia đình.
Để chuẩn bị cho việc học băng, suốt mùa hè năm đó, buổi sáng, tôi nhờ mấy người bạn học trước tôi một lớp giảng lại cho tôi về phương trình bậc nhứt, cách giải hệ thống phương trình, tam giác đồng dạng, v.v... là những phần quan trọng trong chương trình toán lớp đệ ngũ, còn tất cả các môn khác, tôi tự mượn sách về học. Buổi chiều, tôi nghỉ, không học gì hết, treo võng nằm đọc sách - đọc tiểu thuyết thì đúng hơn - ở đầu vườn nhà tôi. Nhà tôi ở ngoại ô, vườn không rộng, nhưng có nhiều cây sầu đông, có đủ bóng mát cho tôi nằm ngoài vườn chơi suốt buổi chiều.
Tôi thích những cây sầu đông nầy, một là vì cái tên của nó nghe “gần gủi” với văn chương và nhứt là về mùa xuân, hoa sầu đông màu tím, nhỏ, không đẹp nhưng hương thơm ngào ngạt khắp vườn, và mùa hè đủ bóng mát cho tôi núp nắng, tránh ngọn gió Lào từ rặng Trường Sơn thổi về. Đầu vườn nhà tôi là một con đường hẽm đi lui xóm sau, không biết ai đặt tên cho nó là Xóm Heo, có lẽ vì người trong xóm chuyên làm thịt heo và bán ở chợ.
Buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn sau dãy Trường Sơn là mấy bà, mấy chị đi bán thịt heo cũng như bán hàng ở chợ về. Họ đi theo con đường dọc bờ sông, vừa đi vừa nói chuyện, thanh thản, vui tươi, như không biết tới chiến tranh đang diễn ra ác liệt hằng ngày bên ngoài thành phố. Trong số những người bán hàng ấy, có chị Tâm.
Chị Tâm 19 tuổi, nhà chỉ có hai cha con. Chị mồ côi mẹ khi còn nhỏ lắm. Chị ở với cha. Cha chị cũng không tục huyền. Cha chị làm nghề hạ thịt nhưng có lẽ vì thương con, không muốn con vất vả vì nghề bán thịt nên ông sắm cho chị một cửa hàng bán vải ngay chợ.
Chị Tâm đẹp, đẹp lắm! Ai cũng nói vậy.
Mẹ tôi cũng khen chị ấy đẹp. Có lần mẹ tôi cười nói: “Ai có con trai rước con Tâm về làm dâu, ngó cũng sướng mắt!” Chị lại có cửa hàng vải, tay chân lúc nào cũng sạch sẽ, trắng muốt mà lại sẵn vải nên ăn mặc lúc nào cũng đẹp, hợp thời trang. Chị lại để tóc như kiểu học trò Huế. Mái tóc đen dài, suôn, buông sau lưng. Ngang tới thắt lưng thì cắt bằng ngang. Đó là “mốt” mới của mấy cô thời ấy, không để tóc buông dài thành một cái đuôi xuống phía dưới thắt lưng như ngày trước. Cũng như các cô học trò hồi ấy, tôi chẳng thấy chị kẹp tóc bao giờ. Không những đẹp ở khuôn mặt, thân hình của chị cũng đẹp: Cao, ngực nở, eo nhỏ. Áo của chị có chít mấy đường “panh” ở trước và sau nên ôm sát eo. Mẹ tôi cũng bình phẩm: “Ai lấy con đó thì sướng.” Rồi mẹ tôi “chứng minh” lời nói bằng câu ca dao: “Những người thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con.”
Buổi chiều, tôi nằm võng, phía trong một hàng rào chè tàu thưa, bên ngoài là con đường hẽm. Khi đoàn người đi bán ở chợ sắp về ngang qua phía ngoài hàng rào, tôi giả bộ nhắm mắt ngủ.
Khi vào hẽm, con đường chật, chị Tâm thường đi sau cùng. Một lần chị dừng lại phía ngoài hàng rào, nói vọng vào:
- “Nắng rứa mà cũng ngủ được!”
Tôi không trả lời, mở mắt ra, nhìn chị cười. Thấy vậy, chị ấy vừa bỏ đi, vừa nói:
- “Rứa mà tưởng ngủ chớ.”
Chiều hôm sau, tôi cũng chơi trò ú tim như vậy. Lần nầy thì chị Tâm nhìn tôi cười, nói:
- “Phỉnh người ta!”
Chuyện đùa ấy xảy ra nhiều lần. Hình như chị cũng thích cái tính nghịch của tôi như thế. Thành ra, những lần sau, chị bỏ đoàn người đi trước thật xa, dừng lại bên ngoài hàng rào, nhìn tôi nói:
- “Bộ người ta không biết giả bộ ngủ răng mà còn nhắm mắt.”
Tôi ngồi dậy trên võng, cười, lúng túng không biết nói gì.
Bây giờ cây sầu đông không còn hoa, hương thơm đã hết, nhưng tôi ngửi thấy có mùi thơm ngát. Có lẽ chị Tâm xức nước hoa.
Tôi nói:
- “Thơm ghê!”
Chị ấy biết tôi nghĩ gì, nói:
- “Nước hoa đó! Mắc tiền lắm.” Rồi chị bỏ đi.
Ngày hôm sau, đi bán hàng về, chị đi một mình phía sau. Chị dừng lại phía ngoài hàng rào. Tôi cũng không còn chơi trò nhắm mắt giả bộ ngủ nữa, ngồi dậy trên võng nhìn chị đi qua. Chị dừng lại, đưa cho tôi một cái gói nhỏ, bọc giấy báo, nói:
- “Nước hoa đó.”
Tôi hốt hoảng:
- “Em không biết xài cái nầy. Lấy làm chi?”
Chị Tâm nói:
- “Không xài thì cất đi để mà chơi. Bỏ vào trong tủ áo quần cho thơm. Không phải tui mua, người ta cho, xài không hết.”
Từ đó, không còn chơi trò ú tim nữa, tôi không vui. Tôi ưa những cái gì tinh nghịch.
Tuy vậy, mỗi chiều, khi mặt trời đỏ chói, như một miếng sắt to trong lò thợ rèn, nghiêng dần dần để lặn ở phía sau những ngọn núi Trường Sơn hình răng cưa trùng điệp thì tôi lại bâng khuâng chờ đợi. Tôi chờ đợi ai? Chờ chị Tâm. Tôi không nghĩ như thế. Tôi không có ý chờ chị Tâm.
Nhìn ra phía bờ sông Thạch Hãn, tôi thấy nhiều bóng người khi khoan thai, khi vội vã từ hướng phố chợ đi về phía Sãi hay về phía xóm tôi hoặc xóm Chùa. Ai ai cũng lặng lẽ và đều bước ra về sau một ngày buôn bán. Trong số người ấy, tôi cũng không biết tôi chờ ai.
Và khi thấy chị Tâm bước thấp bước cao đi vào con đường hẽm, - vì chị mang guốc cao mà con đường hẽm thì gồ ghề, - tôi muốn nằm yên trên võng, nhắm mắt lại và chơi cái trò ú tim như đã xảy ra trước kia.
Quả thật trò chơi ấy không còn có thể diễn ra được nữa. Mưu mẹo của tôi đã bị người ta biết, và nếu như tôi có muốn diễn lại trò chơi ấy thì nó cũng lạt lẽo chẳng ra gì.
Vả lại, mùa hè cũng sắp hết, tôi lại càng băn khoăn thêm về ý định của tôi, trốn mẹ, thực hiện một chuyến đi xa, mà Huế, nơi tôi sắp tới, tôi chưa biết rõ nơi ăn chốn ở và trường ốc sẽ như thế nào. Hơn thế nữa, năm tới học băng một năm, phải cố gắng làm thế nào thi đậu để mẹ vui, tôi cũng khỏi mất mặt với bạn bè. Đó là điều lo lắng đè nặng lên lòng tôi.
Về chuyện chị Tâm, có lẽ chỉ là một sự nghịch ngợm do cá tính của tôi. Ngoài việc thấy chị ấy đẹp, đẹp lắm như tôi biết và mọi người đều nói, và mỗi khi nhìn chị, tôi nghĩ như tôi ngắm một bông hoa đẹp vậy. Chắc chắn sẽ có một người nào đó, hái bông hoa ấy về cắm trong nhà, cho riêng mình người đó mà thôi. Bông hoa sẽ tàn như mọi cánh hoa tường vi trong sân nhà tôi. Những bông hoa tường vi, hồi đầu mùa xuân, mỗi sáng, Nguyễn Tri Châu, người bạn học của tôi hái vài cái gắn vào túi áo anh ta cũng như túi áo tôi trước khi chúng tôi đi đến trường. Chưa tới trường thì cánh hoa đã gục xuống, tội nghiệp, và hai chúng tôi liệng hoa xuống sân cỏ trước khi vào lớp.
Ít lâu sau, nhà chị Tâm đem biếu mẹ tôi cau trầu và một hộp bánh. Mẹ tôi nói: “Con Tâm có chồng đi hỏi.” Tôi hỏi mẹ: “Ai vậy mạ?” Mẹ tôi nói: “Thằng Trác làm ở Sở Công An.”
Anh Trác cũng là người đẹp trai. Hai người ấy lấy nhau là xứng đôi vừa lứa. Bố anh là thầy thuốc Bắc, bị Việt Minh giết hồi đầu chiến tranh vì trước kia ông có tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhờ gia đình khá giả, anh Trác có đi học, đâu bằng “primaire” hồi trước 1945.
Sau khi bố bị giết, anh đi làm mật thám cho Tây, như anh nói, cũng vì “thù nhà nợ nước”. Theo người ta hiểu, muốn trả thù cho cha, anh phải “theo Tây”, những kẻ thời Pháp thuộc, bố anh từng chống lại họ. Cuộc đời có nhiều điều thật éo le! Cha chống Tây mà con theo Tây, như chuyện người con trai cụ Hoàng Diệu, được kể trong truyện “Ông Năm Chuột” của Phan Khôi vậy!
Bây giờ, làm đám hỏi rồi, anh Trác và chị Tâm có thể công khai đi với nhau ngoài đường. Chiều nào cũng vậy, chị Tâm đi bán vải ở chợ về, anh Trác đạp xe tò tò đi theo. Chị không chịu để cho anh Trác chở chị bằng xe đạp. Chị sợ té hay mắc cở? Trên đường về, hai người vừa đi vừa nói chuyện, thật vui vẻ. Tôi cũng không còn treo võng nằm ngoài vườn nữa.
Đám hỏi được hơn nửa tháng thì anh Trác tử trận. Anh chỉ huy một toán Công An phục kích Việt Minh tại trục giao liên ở truông Ái Tử, trên con đường đi từ làng Trung Kiên lên Trấm, sau gọi là xã Phong An.
Bến đò Trấm là bến đò đầu đường để đi thuyền lên chiến khu Ba Lòng, vì từ Trấm đi lên, đường núi gập ghềnh nên người ta đi thuyền vào ban đêm để tránh máy bay Tây oanh tạc.
Xác anh Trác được để ở nhà xác bệnh viện Tây. Quan tài được phủ lên một lá cờ Tam Tài (1) và chôn ở nghĩa địa trước nhà thờ Thạch Hãn, mặc dù anh không phải là người có đạo. Anh được những “ân huệ” đó là vì anh đã hy sinh cho nước Đại Pháp! (2)
Chị Tâm mặc áo tang may bằng vải to là thứ vải dệt ở địa phương. Loại vải nầy khổ hẹp, chưa tới hai gang tay, dệt rất thưa, người ta phải “hồ”. Chị mặc áo trở sống ra ngoài, tức là đường nối hai vạt dọc theo sống lưng trước và sau, mí vải phải trở ra ngoài, không bị đường may che khuất, giữa lưng có một miếng vải to gần bằng cuốn tập học sinh. Hai bên miếng vải bị xé thành hai cái tua. Chị bịt khăn chế (khăng tang) cũng bằng vải to. Chị phải mặc áo tang suốt mấy ngày như vậy cho đến khi cúng “mở cửa mả” xong chị mới thay bằng một bộ quần áo đen nhưng may rộng, không thắt eo như những cái áo dài chị mặc trước kia.
Một hôm tôi hỏi mẹ:
- “Con thấy chị Tâm mặc áo tang và bịt khăn. Con tưởng cưới rồi mới mặc vậy chớ.”
- “Ba miếng trầu, dâu nhà người.” Đi hỏi rồi là coi như đã có chồng.” Mẹ tôi nói. Mẹ tôi lại nói tiếp “Ai ngờ con đó có số sát phu.”
Đám ma xong, tôi không thấy chị Tâm đi bán hàng trở lại. Thỉnh thoảng mới thấy chị đi qua con đường hẽm bên vườn nhà tôi. Mặt chị rất buồn và cũng không nhìn vào vườn nhà tôi nữa. Nhiều buổi chiều, chị ra ngồi nơi bờ sông Thạch Hãn, chỗ bến tòa Khâm Sứ cũ, nay là dinh Tỉnh Trưởng. Ông tỉnh trưởng thời Tây nầy cũng được, không cấm dân lui tới khúc bến sông nầy như mấy ông tỉnh trưởng thời Cộng Hòa sau nầy.
Chỗ bến sông nầy cũng là chỗ bọn trẻ chúng tôi thường nằm chơi vào những ngày hè. Thảm cỏ dày và xanh ngắt là tấm nệm êm để ngã lưng xuống đó. Một hàng dương liễu được trồng dọc theo bờ sông, nhất là mấy cây trước tòa Khâm Sứ cũ, đã già tuổi, tỏa ra một bóng im lớn. Nằm ngữa lưng ở đó, nhìn từng đám mây trôi từ rặng Trường Sơn ra biển Đông hay ngược lại, có khi tôi thắc mắc, không biết mây trôi đi đâu mà đi mãi vậy.
Hàng dương liễu bên bờ sông Thạch Hãn bao giờ cũng reo vi vu một điệu trầm buồn bất tận, ngọn dương liễu chỉ chỏ vẩn vơ lên bầu trời cao mà tôi không biết chỉ cái gì trên vòm trời xanh ấy.
Mùa hè, gió Lào thổi từ Trường Sơn xuống. Gió càng mạnh thì tiếng dương liễu reo vi vu càng lớn, nghe rất vui tai; nhưng gió Lào là ngọn gió khô, không đem theo chút mát mẻ nào. Mùa đông, hàng cây dương liễu lại cũng reo vi vu vì gió Bấc thổi. Gió Bấc là gió mùa Đông Bắc, mang theo hơi lạnh từ Tây Bá Lợi Á xuống nên dương liễu reo càng to thì trời càng lạnh, nghe buồn ghê gớm...
Gần cuối mùa hè năm đó, sau khi chồng chết, nhiều buổi chiều chị Tâm ra ngồi nơi bãi cỏ trước tòa Khâm Sứ bên bờ sông Thạch Hãn. Rồi một hôm chị nhảy xuống sông tự vẫn, chỗ ấy nước sâu và xanh đen...
... ... ... ... ...
Thật ra, chỗ chị Tâm tự vẫn nước không sâu lắm, chưa tới ba thước, tuy bến Sứ là chỗ sâu nhứt bên phía nầy sông Thạch Hãn.
Khi chị Tâm phóng ùm uống nước, không biết vì nước lạnh hay vì ngợp khi phóng mình từ cao xuống, có lẽ chị Tâm tỉnh người ra. Khi người chị chìm xuống, đạp trúng nhằm đáy sông chỉ toàn là cát, chị chọi mạnh một cái làm người chị trồi lên khỏi mặt nước. Trong cơn hốt hoảng và do bản năng sinh tồn vùng dậy, chị la to: “Cứu với”. Rồi chị lại chìm xuống một lần nữa, chị lại đạp chân cho người trồi lên. Một lần nữa, chị lại la to: “Cứu với”.
Thầy đội Trãn, đi lính Tây, đóng ở Tam Tòa gần dinh Khâm Sứ, buổi chiều đang xách súng đi bắn chim dọc theo bờ sông, gần bến Khâm Sứ, nghe tiếng la cầu cứu, bèn quăng súng, nhảy xuống sông vớt chị Tâm lên.
Chị còn tỉnh, chưa uống nước nhiều; và vì việc xảy ra bất thần nên Hà Bá cũng chưa kịp đón chị Tâm. Chị sống lại. Thầy đội Trãn ôm chị Tâm leo lên bờ sông, đặt chị nằm trên cỏ, cho đầu hướng ra phía sông thấp xuống để làm hô hấp nhân tạo cho nước trong bụng dễ trào ra. Khi người ta bu đến đông để xem thì chị Tâm đã tỉnh. Thấy áo quần ướt sũng, dán vào người nên chị mắc cở, tính ngồi dậy. Thầy đội Trãn ấn chị nằm xuống và kêu lính lái chiếc xe Dodge trong trại lính tới.
Xong, thầy bồng chị bỏ lên xe chở đi nhà thương. Có lẽ vì mắc cở, chị Tâm nhắm mắt lại, làm như không biết gì.
Vậy là người ta bàn tán xôn xao về chuyện chị Tâm tự tử. Ai cũng cười vì đã tự tử còn la cầu cứu. Mẹ tôi cũng cười, bà nói: “Mua gói thuốc chuột uống cho xong. Nhảy xuống sông làm chi để ai cũng biết la “cứu với”. “Ôốc dôộc” thiệt.”
Mấy ngày sau, khi chị Tâm được bệnh viện cho về nhà rồi; chị ở riệt trong nhà không dám đi đâu vì mắc cở. Mấy đứa con nít rắn mắt ở Xóm Heo, núp phía ngoài nhà chị, la to ngọng nghịu “chứu dới” rồi bỏ chạy trốn để chọc quê chị. Ba chị Tâm phải la rầy chúng mới xong. Chị Tâm sợ người lớn đã đành, chị sợ luôn cả mấy đứa con nít.
Sau vụ cứu chị Tâm, mỗi ngày thầy đội Trãn đều xuống thăm chị. Ông ấy nói: “Để an ủi chị ấy, sợ chị tự tử một lần nữa thì hết cứu.” Có phải thầy đội nghĩ rằng chị Tâm, với kinh nghiệm một lần tự tử đã qua, chắc lần nầy hết cứu được.
Thầy đội Trãn cũng chưa vợ, thầy đến an ủi chị Tâm hay có ý gì khác, ai biết được! Có điều, không biết thầy an ủi hay như thế nào mà chỉ gần một tháng sau, khi thầy đổi đi Huế, thì chị Tâm cuốn gói đi theo.
Chị ấy đi rồi, mọi người mới hay cớ sự. Người ta lại bàn tán. Mẹ tôi bảo: “Ai ngờ con nhỏ ấy bạc phước. Chồng con đàng hoàng thì tử trận, lại phải “chồng đường vợ sá” cặp nhau.”
Tôi không nghĩ như mẹ tôi. Tại sao lại phải có số “hồng nhan đa truân”. Quan niệm ấy xưa lắm rồi. Với bọn trẻ bây giờ, dù có được thầy cô giảng về cô Kiều của Nguyễn Du có số “má hồng mệnh bạc” thì cũng chỉ để hay vậy chớ không mấy đứa chúng tôi tin Thượng Đế an bài một số phận kỳ cục như vậy.
&
Gần mười năm sau, khi tôi đã đi dạy học ở Huế. Một hôm, chủ nhựt, tôi đến Garage Nghẹt gần trường Nguyễn Tri Phương để sửa xe. Trong khi tôi đang đứng chờ trước vệ đường thì có một chiếc xe Land Rover mang biển số xe chính phủ có hai người, một đàn ông và một đàn bà tới dừng lại trước Garage. Người đàn ông đi vào trong có chuyện gì đó, còn người đàn bà vẫn ngồi yên trên xe.
Tôi nhận ra đó là chị Tâm.
Bây giờ chị đã già trước tuổi, tóc tai bù xù, da dẻ rám nắng nhưng cái nét đẹp khi còn trẻ vẫn còn vướng vất đôi chút. Nhờ vậy mà tôi nhận biết người đàn bà đó là ai.
Ít phút sau, người đàn ông ra xe. Tôi cũng nhận ra người ấy là thầy đội Trãn năm nào. Có lẽ thầy đội Trãn giải ngủ về lái xe cho một cơ quan nào đó. Hai người có lẽ đã có một đàn con, và phải làm lụng vất vã để nuôi đàn con nhỏ.
Tôi bỗng sực nhớ tới chai nước hoa chị Tâm đã cho tôi. Ngày rời nhà, tôi có mang theo, để trong va-li. Nhưng cuộc đời của một người học trò nghèo xa nhà, nhiều lần thay đổi chỗ ở, lắm khi “cơm hàng cháo chợ”, tôi đã bỏ quên chai nước hoa của chị Tâm cho ở nhà nào đó mà tôi không nhớ. Chai nước hoa lưu lạc ở một nơi nào, mà nhan sắc chị Tâm, một người đẹp nổi tiếng ngày trước thì bây giờ cũng đã phai tàn.
Tôi vẫn không tin ở cái số đào hoa, nhưng có một điều rõ ràng. Không như bên Âu Mỹ đất nước thanh bình, người dân giàu có sung sướng, sắc đẹp được chăm sóc gìn giữ lâu bền.
Còn ở ta thì chiến tranh triền miên, ai ai cũng phải chịu cái số kiếp phong trần cả.
Đàn bà con gái ai cũng muốn mình đẹp, gìn giữ sắc đẹp cho được lâu bền, nhưng hoàn cảnh nước ta thật đau đớn cho phận đàn bà.
Đất nước, dân tộc càng nghèo, chiến tranh càng triền miên thì kiếp phong trần của người dân thêm nặng nợ, không riêng gì cho đàn bà con gái. Đất nước nầy như là một vườn hoa, nhưng hoa già, hoa héo nhiều hơn những đoa hoa tươi.
Đó mới chính là cái định luật trớ trêu và cay đắng của các dân tộc nhược tiểu trên thế giới ngày nay!
Những ngày lạnh
hoànglonghải
--------------------
(1) Cờ Tam Tài (xanh trắng đỏ), là cờ nước Pháp, gọi theo cách khi Tây còn đô hộ dân ta.
(2) Đại Pháp: Tiếng gọi “tôn kính” nước Pháp trước 1945 khi Pháp còn đô hộ Việt Nam!
No comments:
Post a Comment