Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 20, 2015

Minh Tự - CÚI ĐẦU TRƯỚC QUẢNG TRỊ



…Tôi không biết mình yêu Quảng Trị tự khi nào
cũng như không thể biết bao giờ thì hết yêu
cái vùng đất khô cằn cát trắng
xe chạy qua cũng muốn chạy thật nhanh
nhưng người thì lại muốn dừng lại bước xuống
cúi đầu trước đất thiêng.

Cúi đầu trước Bến Hải, Hiền Lương.
Vết cắt của cả dân tộc nhưng đau buốt nơi này
Cúi đầu trước cổ thành Quảng Trị.
Bom đạn như sỏi đá vãi xuống đây như trò chơi
mà đau thương đổ nát thì rất thật
Thật đến hai trăm phần trăm.

Cúi đầu trước thánh địa La Vang
Thưa Đức Mẹ
Có những điều rất thật lại không đáng tin
nhưng lại có những điều đáng tin dù khó thật
Đó là giấc mơ nhân loại là anh em, trái đất là một ngôi nhà
Tôi nghe lời nói đó âm vang trong một buổi chiều Quảng Trị.

Cúi đầu trước sự nhọc nhằn khổ ải
của những người dân nghèo
khổ đến mức không khổ hơn được nữa

Cúi đầu trước những đứa học trò nghèo mà học hành giỏi giang
Nhẫn nại thay đổi đời mình
Nhưng quyết không bao gìơ vượt khó
Bằng cách xin xỏ hạ mình.

Cúi đầu trước những đứa bạn thông minh
ở góc núi Tân Lâm hay heo hút Thuỷ Ba
mà cái gì cũng biết
chỉ không biết một điều
thực dụng

Cúi đầu trước những bà mẹ sinh ra những đứa con thông minh và nhân nghĩa
Nuôi chúng lớn lên bằng hạt lúa củ khoai thấm đẫm máu của người cha
ngã xuống bởi quả bom còn sót lại trên đồng.
Bằng những chuyến hàng lậu đường 9 thấm đẫm nước mắt
và đôi khi thấm cả máu…

Tôi không nhớ mình biết đến Quảng Trị tự khi nào
Hình như là năm Bảy Hai
Anh hàng xóm thoát chết trận đường 9 Nam Lào trở về
Tôi nghe loáng thoáng mấy từ “Mùa hè đỏ lửa”
Bà mẹ hàng xóm thở dài
“Ở đây mình đã  cực như ri thì ở ngoài nớ mần răng sống cho nổi ?!”.

Tôi yêu Quảng Trị ngay từ lúc đó
Tôi ứa nước mắt khi chuyến tàu chợ đêm lầm lũi chạy qua trảng cát dài Hải Lăng
Tôi nhớ không nguôi một sớm mai đường 9 nở đầy hoa dã quì
Tôi quên sao được bữa rượu giang hồ dưới chân cầu Đông Hà nửa đêm lạnh buốt.

Tôi yêu Quảng Trị từ khi đó
Và không biết khi nào thì hết yêu…

(Trích trường ca)


MINH TỰ
(Ngày cuối năm 2010)


***

Tôi đã yêu vùng đất đó trước khi biết đến hai tiếng Quảng Trị. Cái tên vừa rất lạ mà như đã quá thân quen với đứa học trò tuổi mười lăm, khi tôi bước chân vào khu nội trú chuyên văn tỉnh Bình Trị Thiên nằm ở phía sau trường THPT Hai Bà Trưng (Huế). Bấy giờ là tháng 9 năm 1984, có lẽ đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một “loại người” được giới thiệu là “người Quảng Trị”. Nói cho trung thực thì lúc đó tôi không thiện cảm lắm với mấy người Quảng Trị. Hình như họ không phải là người Quảng Trị như tôi nghĩ. Theo cách nghĩ của tôi thì người Quảng Trị phải là người chân chất, thẳng thắn và mạnh mẽ. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ như thế, dù không có một căn cứ nào cả. Đại loại đó là đòi hỏi của tôi, một cậu bé mười lăm tuổi ngây thơ, luôn đồng nghãi Quảng Trị là chiến tranh và con người nơi đó là người thật nhất. Như tôi đã trần tình, cũng là vì tôi yêu Quảng Trị trước khi biết đến Quảng Trị, và tất nhiên trước khi gặp người Quảng Trị.
            Sau vài tháng thi thố chữ nghĩa, tôi nhận ra hình như người Quảng Trị không được giỏi văn chương cho lắm. Trong đám học trò chuyên văn hồi đó thì mấy người Quảng Trị rất là tỉnh táo, lý lẽ chặt chẽ, chữ nghĩa chắt nịch không dư không thiếu một chữ. Đặc biệt là cách phát âm của họ, tôi lúc đó cũng chẳng có căn cứ gì để mà xác định, nhưng tôi cảm giác họ phát âm tiếng Việt rất chính xác. Sau này khi học môn ngữ âm học với giáo sư Vương Hữu Lễ (ở khoa Văn ĐH Tổng hợp Huế), tôi mới thấy cái điều mình nghĩ hồi đó là không sai: người Quảng Trị phát âm tiếng Việt rất chính xác. Chính xác nhất là các âm cuối của âm tiết “ăn” và “anh”. Âm tiết “ăn’ họ phát âm là “anh” (như anh em), âm tiết “anh” họ phát âm là “ênh”. Dân Huế bọn tôi (và có lẽ cả miền Nam) đều vô tư “ăng” và “anh” mà cứ nghĩ nói như mình mới sang !
            Cách phát âm của người Quảng Trị đã cho thấy rẩt rõ tính cách của họ: chính xác, rõ ràng. Ngôn ngữ thì phải chính xác, nhưng văn chương  như thế thì còn gì là văn chương !
            Và cứ thế, trong đám học trò chuyên văn chúng tôi hồi đó, mấy người bạn Quảng Trị tự nhiên hình thành một bản sắc riêng, nhưng nói chung là không được văn chương cho lắm. Đối nghịch với đám chuyên văn người Huế chúng tôi, đứa nào cũng mơ màng, bay bổng. Nói năng cũng nói cho thật chữ nghĩa văn chương, mở miệng ra là “Có một điều gì đó...” rất mơ hồ lãng đãng. Thầy giáo Nguyễn Văn Hóa chủ nhiệm lớp 10 chuyên văn của tôi lại là người Quảng Trị, vì vậy, thầy liên tục đả phá cái kiểu lập luận “Có một cái gì đó…”. Mỗi lần đọc bài luận của đứa nào đó viết “Có một cái gì đó…”, vậy là thầy liền đem ra nêu trước lớp: “cái gì đó là cái gì ? Câu cú thật mơ hồ. Tôi đề nghị từ nay các em phải bỏ cái lối viết như thế này”. Nhìn cái vẻ mặt lạnh lùng và thất vọng của thầy, chúng tôi đứa nào cũng sợ, không dám nhận là câu của mình. Cho đến bây giờ , khi gặp  lại nhau sau mấy mươi năm vẫn chưa ai chịu nhận là tác giả của cái câu đó. Tôi thì chắc chắn rằng câu đó không phải của người Quảng Trị, và cũng chắc chắn rằng tác giả của nó là một trong những đứa Huế mà thôi.
            Thật là vô lý, văn chương mà buộc phải chính xác. Trong một lần thầy trò nói chuyện thân mật bên ngoài giờ học, tôi mới thắc mắc với thầy và được giải thích:  “sáng tác văn chương thì cần mơ màng, lãng đãng; còn khoa học về văn chương thì không thể như thế. Các em viết bài bình luận về bài thơ thì phải khác với sang tác một bài thơ, và bình luận thì phải chính xác chứ !”. Thưa thầy, em đã hiểu, người nghệ sĩ sáng tác về “một cái gì đó” thật mơ hồ, nhưng người phê bình thì phải gọi tên nó là cái gì đó chứ. Tôi nghĩ người Quảng Trị nếu làm phê bình văn học chắc sẽ thành công hơn !...
            Đầu năm học 1985 - 1986, toàn bộ khối chuyên văn chuyển sang trường Quốc Học, nhập chung với khối chuyên toán và lý vốn có sẵn ở đó, để thành khối chuyên tỉnh Bình Trị Thiên (không hiểu sao khối chuyên Anh thì vẫn còn ở lại Hai Bà Trưng). Khu nội trú của chúng tôi là ngôi nhà nằm sát sân vận động, nghe bảo nguyên nó là thư viện, bây giờ thì đã giải tỏa và thay vào đó là một khán đài. Trong ngôi nhà chia làm ba gian lớn, chuyên toán và chuyên lý ở hai bên, chuyên văn ở giữa. Có lẽ các thầy quản lý cứ nghĩ bọn chuyên văn nói nhiều nên cho nó ở giữa để chuyên tóan và lý nó kèm hai bên cho đỡ ồn. Nhưng hóa ra không phải vậy. cái gian giữa ấy nó cứ rì rầm, lầm lũi suốt ngày; trong khi hai gian bên thì ào ào như cái chợ. Và trong số những tiếng nói ào ào ấy có rất nhiều tiếng Quảng Trị. Thằng bạn cùng quê với tôi học chuyên toán nói trong lớp tao chỉ có vài thằng Huế còn lại là Quảng Trị và Quảng Bình. Hắn nói có vẻ khâm phục:”Quảng Trị cực như rứa, không biết lấy chi để học mà răng mấy thằng Quảng Trị thông minh thiệt, nhất là bọn Triệu Hải !” (tên của huyện Triệu Hải bấy giờ ghép bởi hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng).
            Trong nhóm chuyên tóan người Quảng TRị ấy tôi ấn tượng nhất là anh chàng có cái  tên rất ương ngạnh: Cáp Văn Cẩm. Ấn tượng là bởi vì tôi chẳng thấy hắn học hành chi cả. Học buổi sáng thì buổi chiều đút tay túi quần đi chơi. Đôi dép lào lẹt xẹt và cái dáng lùi xùi, áo quần thì luộm thuộm, không ai nghĩ đó là học sinh chuyên toán Quốc Học. Anh chàng này nỏi tiếng với trò đi rình các cặp tình nhân hay tâm sự dưới các gốc cây phía sau trường Quốc Học. Một lần thấy anh ta chạy về hét toáng lên: “Tuyệt vời ! Tuyệt vời !”. Hóa ra anh chàng vừa khám phá được “bí mật tuyệt vời” của các người đẹp trong đội văn nghệ nhà trường, do tình cờ phát hiện một “khán đài” phía sau hậu phòng sân khấu, nơi diễn viên thay trang phục… Vậy mà trong danh sách đội tuyển toán lớp 9 của tỉnh được chọn đi thi toàn quốc năm đó có tên Cáp Văn Cẩm. Nhưng cũng mấy tháng sau thì không thấy anh ta đâu nữa. Mấy đứa bạn chuyên toán nói hắn nhảy tàu đi Nam rồi. Nhà hắn nghèo lắm, lúc mô cũng thấy hắn bày chuyện tiếu lâm, chứ hắn buồn lắm. Bẵng đi một thời gian dài, khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì thấy hắn vô nhập học năm thứ nhất ĐH Tổng hợp Huế ngành Hóa thì phải. Hùng Đen thấy hắn liền nhận ra nhau mừng rỡ lắm.
            Hùng Đen tức nhà báo Phạm Xuân Hùng (VTV Đà Nẵng), tức nhà thơ Từ Dạ Thảo, cũng là một người “rất Quảng Trị”. Ít tai biết rằng Hùng Đen nguyên là học sinh chuyên toán tỉnh Bình Trị Thiên ở trường Quốc Học (lớp 9 chuyên toán niên khóa 1983-1984, trước đó thì khối chuyên cấp 2 học ở trường Nguyễn Chí Diểu). Hùng Đen học trước Cáp Văn Cẩm hai lớp, ngang với niên khóa của tôi, nhưng khi tôi chuyển từ Hai Bà Trưng sang thì Hùng Đen đã rời khỏi cái “tổ” nội trú phía sau trường Quốc Học. Hắn cũng tự nhiên đang học ngon lành vậy thì nổi hứng nhảy tàu đi Nam y như Cáp Văn Cẩm. Rớt xuống ga Giá Rai ở Bình Thuận, sống vất vưởng ở sân ga, đi bán nước trà đá, được một anh công nhân đường sắt cưu mang, rồi sau đó tìm về Long Khánh với bà o ruột. Gia đình được tin “tìm thấy hắn rồi” thì anh trai nhảy xe vào kéo cổ về đi học ở trường vừa học vừa làm Tân Lâm. Hắn nói với tôi chuyến đi đó là nhằm thực hành những điều mà hắn đọc được trong rất nhiều cuốn sách có tựa đề “Cuộc phiêu lưu…” của nhà xuất bản Kim Đồng như: Cuộc phiêu lưu của Tom Xoi - ơ, Cuộc phiêu lưu của Pin-gơ-lơ… Sau chuyến thực hành đó, hắn vẫn học toán nhưng có vẻ như bắt đầu  mơ mộng, nên thi trượt đại học Kinh tế. Năm sau hắn chuyển sang thi khối C thì đậu thủ khoa vào ngành văn ĐH Tổng hợp Huế. Hắn viết truyện ngắn rất hay, làm thơ rất lãng mạn, nhưng tư duy thì vẫn logic như toán học và chính xác như Quảng Trị. Phát âm thì âm nào ra âm đó, nói năng thì chữ nào chắc chữ đó, viết lách thì câu nào ra câu đó. Sống thì cái gì ra cái đó, “tình ra tình, lý ra lý”, “môn ra môn, khoai ra khoai”. Phán xét mọi việc thì riết róng, nhưng kết cục vẫn dùng cái tình để hóa giải. Vậy mà răng hắn lại làm thơ được mới lạ ! Nhưng sự thật thì anh chàng Quảng Trị này đã làm thơ và rất thành công với “môn phái’ này.
            Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ người Quảng Trị làm toán vẫn thành công hơn làm thơ. Thật lạ là đến nay trong hàng các nhà tóan học lừng danh của Việt Nam, chưa thấy ai là người Quảng Trị ?  Nếu vậy thì điều đó sẽ hiện thực trong tương lai, với điều kiện tỉnh nhà Quảng Trị phải khai thông cái “mạch toán”. Còn mạch thơ, cứ để cho nó chảy tự nhiên như hiện nay (có khá nhiều nhà thơ Quảng Trị rất nổi tiếng). Như vậy, cái tư duy chính xác đến mức khô khốc như gió Lào sẽ được dung hòa bằng những giai điệu tha thiết của câu hò Hiền Lương, của màu xanh Trà Lộc, của hoa quì vàng Khe Sanh, của một sớm mai dịu mát Lao Bảo…
      
Huế, ngày cuối năm 2011
MINH TỰ
         


           



                        

No comments: