Nhà báo Minh Tự chụp ảnh kỷ niệm với người lính Song Tử Tây. (Ảnh Minh Thùy - BaoThuaThienHue.Vn - 6/2014) |
Bạn Bè Quảng Trị
Tản mạn của Minh Tự
Vậy
là tôi đã được hân hạnh ba lần cộng tác với Quê Nhà, một tạp chí thuộc loại đặc
biệt nhất Việt Nam, một năm phát hành một lần, một lần phát hành cả một năm,
không trả nhuận bút mà người viết cứ “tranh nhau” gửi bài... (hic !).
Đọc xong ba bài “Lan
man với Quảng Trị” trên Quê Nhà, mấy thằng bạn Huế nguýt dài: “Mi yêu Quảng Trị
ghê hí !”, mấy người bạn Quảng Trị thì lại khó chịu: “Mi chửi tụi tau vừa thôi
nghe !”. Tui chửi cái chi hè ? “Mi thâm lắm, chê bọn Quảng Trị nhà quê không biết
làm thơ, chỉ biết cắm cúi làm toán thôi !”. Ôi trời, nói như rứa thì không chỉ
người Quảng Trị mà cả giáo sư Ngô Bảo Châu nữa, sẽ chửi tôi chết thôi. Vậy thì,
tôi sẽ viết răng đây, khi mà “tổng biên tập” Lê Diễn hối thúc bài cho số báo
Quê Nhà cuối cùng?
Thôi thì viết
chuyện bạn bè Quảng Trị, lỡ có nói điều gì đúng thì họ cũng chiếu cố tình bạn
mà tha thứ cho.
Tôi quen bạn bè ở
khắp ba miền, nhưng không hiểu ông trời xui khiến thế nào mà bạn thân thiết lại
toàn người Quảng Trị. Thậm chí, còn gửi lại nơi đó một mối tình mộng mơ hoa bướm
nữa. Phải nói là duyên nợ sâu dày !
Vào đại học, tâm
hồn thi ca của tôi bắt đầu lai láng. Suốt ngày đọc thơ, suốt đêm làm thơ. Mối
quan tâm số một của tôi là thơ. Vì lẽ đó, tôi chú ý đến một anh chàng học trên
một lớp, nghe đám sinh viên kháo rằng hắn làm thơ giỏi lắm, lúc nào cũng có thể
làm thơ được, trong cái rương sắt của hắn là một rương thơ. Tôi tin ngay điều
đó và trong lòng dậy lên một cảm giác ngưỡng mộ. Hôm sau, tôi lân la làm quen.
Té ra hắn cũng có biết tôi là thằng mê thơ, nên liền đem mồi ra “thuốc” tôi liền.
Hắn nói đang yêu một cô gái Huế, con nhà khá giả lại học ngành Anh Văn, tức là
thuộc tầng lớp quí tộc. Trong khi hắn là một thằng Quảng Trị, đã Quảng Trị mà lại
còn nghèo nữa, tức là hai lần nghèo. Vì vậy, hắn chỉ biết gửi khối tình ngùn ngụt
lửa ấy vào thơ mà thôi. Hắn đưa ra cho tôi xem một tập thơ chép tay rất đẹp.
Tôi đọc thử vài bài, thấy mê ngay. Tôi mà cũng mê thì huống chi cô gái Huế ấy.
Và cô gái Huế quí tộc ấy đã mê hắn thiệt, mê ngất ngây. Không chỉ mê những bài
thơ tình đầy sự phẫn nộ với cuộc đời ô trọc ngăn cách lứa đôi, mà còn mê luôn
cái nghèo mà rất đỗi kiêu hãnh của hắn. Anh em sẽ rất bất ngờ khi biết hắn là
ai. Hắn chính là nhà báo Lê Đức Dục bây giờ.
Lên năm thứ ba đại
học, lại kết bạn với hai đứa Quảng Trị, lại là người Cam Lộ, mới đặt chân vô đại
học. Trong cư xá đại học có cái lệ lính mới vô là phải mời đàn anh uống rượu gọi
là ra mắt. Vậy mà hai thằng này, mới đặt chân vô hôm trước, hôm sau đã bày một
mâm rượu trước sân, không thèm mời đàn anh, đã vậy say sưa còn đọc thơ vang trời
không cần biết quanh mình có ai. Thiên hạ kháo rằng hai thằng đó là hai anh em,
một thằng đen như Bao Công, nóng như Lý Quì; một thằng trắng trẻo bạch diện thư
sinh, đọc hết năm ngàn cuốn sách. “Họa hổ họa bì nan học cốt/ Tri nhân tri diện
bất tri tâm”. Đó là câu thơ mà một trong hai thằng đó đọc giữa sân cư xá lúc nửa
đêm, không mấy đứa hiểu được. Tôi thấy phục lắm, đây mới là kẻ đáng chơi với
ta. Tôi cho người sang mời hai quí nhân diện kiến. Chỗ đón khách là sân thượng
khu tập thể Đống Đa, nơi chỉ có mấy thằng du thủ và lũ chuột đói lên tìm mồi.
Hai qúi nhân chỉ cử một người đi sứ. Chúng tôi ngồi uống rượu với nhau, ban đầu
tỏ ra thăm dò, thử thách, sau đó thì say hồi nào chẳng hay, nằm ôm nhau ngủ như
bầy chó con. Chúng tôi chơi với nhau như tri âm tri kỷ. Chúng tôi bày ra không
biết bao nhiêu là cuộc chơi ngất trời cố đô, khi đã hợp nhau rồi thì chơi không
biết chán. Nhiều người Quảng Trị nghe kể liền hỏi Quảng Trị tao răng có mấy thằng
hay rứa, răng tao không biết hè ? Tôi nói mấy anh đã chơi với bọn hắn rồi đó
mà. Nếu mấy anh Quảng Trị với nhau mà không đóan ra hắn là ai thì tôi cũng xin
không nói luôn.
Tốt nghiệp đại học
tôi tìm đường lên Đà Lạt, xứ sở đào nguyên thơ mộng như cõi tiên. Vừa đặt chân
vô khu tập thể Sở Văn hóa tá túc mấy bữa, anh hàng xóm người miền Nam liền xởi
lởi: “chú em người Guế (Huế) à, sát cạnh đây có họa sĩ Thái Tuấn cũng Guế này”.
Người miền Nam không phân biệt Huế hay Quảng Trị, Quảng Bình gì cả, hễ nói giọng
trọ trẹ thì gọi là “Guế”. Hôm sau, tôi gõ cửa và anh chàng họa sĩ lặng lẽ rất
ít thích giao thiệp ấy đã cười tươi đón tôi. Thái Tuấn là người Hải Lăng, nhà
ngay thị trấn Diên Sanh, ồ hoá ra là anh vợ của nhà báo Nguyễn Hoàn, đàn anh của
tôi ở trường đại học (sau này là phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông). Kể từ
hôm đó, căn hộ nhỏ bé lặng lẽ của Tuấn thỉnh thoảng lại như sắp vỡ tung bởi những
cuộc rượu ngất trời. Có lần cao hứng lên tôi liền vẽ, bệt hết những túyp sơn dầu
quí giá của Tuấn lên tấm toan mới tinh. Họa sĩ Bứa nói thằng Tuấn hắn đang đứt
ruột đó mi biết không. Tuấn cười xòa nói cứ để cho hắn vẽ. Qua Tuấn tôi được
chơi thêm với thầy giáo Đỗ Tư Nghĩa, mong manh như sương khói và sâu sắc như một
triết gia, cũng một người Quảng Trị.
Vô Đà Nẵng lại
chơi với hội Quảng Trị, một hai ngày lại uống với Lê Diễn, vài ba bữa lại café
với Hồ Sĩ Bình… Ngày ra mắt Quê Nhà tết Đinh Hợi 2006, tôi làm khách đến dự mà
cứ tưởng mình là ban tổ chức, lại cầm ly đi chào mọi người cười cười nói nói cứ
như là Lê Diễn. Bởi vậy, anh Lê Từ, một người Quảng Trị ở Đà Nẵng, cứ hỏi thăm
quê miền mấy bựa ni ra răng? Đến bây giờ mỗi lần vô Đà Nẵng vẫn có anh hỏi thăm
bựa ni về lại Quảng Trị rồi à?...
Về lại Huế, tự
nhiên thấy thích chơi với Võ Xuân Huy, họa sĩ, giảng viên đại học Nghệ thuật Huế,
người làng Thủy Ba bắt cọp. Huy có tướng mạo của một con cọp đã bị bắt làm họa
sĩ, nên dễ nổi giận với những sự xấu xa của người đời nhưng hành động thì chỉ bằng
cây cọ. Anh em gọi Huy là tốt nghiệp khoa văn trường đại học Nghệ thuật, vì hắn
đọc sách quá nhiều, ngồi đâu cũng nói chuyện sách vở, thậm chí có thể trích dẫn
cả đoạn dài ở trang 107 dòng thứ 13 từ trên xuống. Không rõ đây có phải là tính
cách Quảng Trị hay không, nhưng tôi vẫn thấy yêu quí nó, dù nhiều người tỏ ra
không thích lắm.
Cuối năm 2013,
đi công tác Quảng Bình vô, trên xe có Bùi Đức Huy, chủ nhiệm CLB KTS trẻ Quảng
Trị, mới quen hai ngày. Xe đến Đông Hà, Huy nói eng ghé chơi chút đài tút thì
vô (Huế). Mọi người ai nấy đòi vô thôi vô thôi. Huy nói eng không xuống, xe chỉ
vô tới Hải Lăng là tui gọi điện thoại cho công an giao thông bắt lại ngay, mất
công quay lại thôi. Làm răng mà vô được, phải tụt xuống uống với Quảng Trị vài
ly. Một chút sau thì tụ tập đầy đủ. Hết một chai, hết hai chai, ưa ở lại luôn !
Cuối đông 2013
MINH TỰ
No comments:
Post a Comment