Nguyễn Trọng Tạo
THƠ CẦN CHO AI HAY LÀ AI CẦN THƠ
Người ta nói, người đọc thơ đang
ngày càng ít đi. Nhưng các nhà thơ thì hình như ngày càng nhiều, và tất nhiên,
những tập thơ cũng ngày càng gia tăng.
Người ta nói, thơ càng ngày càng
khó đọc (khó hiểu). Nhưng các nhà thơ thì hình như không an bài với các kiểu
thơ cũ đã trở thành mẫu mực; họ muốn vượt thoát, muốn khám phá sáng tạo ra sự
bất thường của ngôn ngữ, thậm chí là tạo ra những “ma trận ngôn ngữ” thách đố
người đọc. Người ta nói, thơ là sở hữu của mỗi người. Nhưng người ta cũng nói,
thơ không của riêng ai.
Và tôi nghĩ, khi người ta yêu,
người ta đã là một thi sĩ, cho dù họ không diễn giải thành thơ. Bởi thế, họ cần
thơ để chia sẻ nỗi lòng, để hát lên vẻ đẹp bất tận của tâm hồn hay xua đi sự
tuyệt vọng tận cùng của ngôi sao số mệnh. Còn Nguyễn Đức Tùng thì cho rằng: “Thơ
giúp một người sống đến cùng các giới hạn của cuộc đời. Di chuyển giữa ánh sáng
và bóng tối, giữa thành công và thất bại, anh ta bắt đầu nhận ra những mơ ước
của mình chỉ là ký ức đến từ tương lai”. Chính vì thế mà anh đã đi tìm những
bài thơ, những nhà thơ để soi sáng hồn mình. Khi Nguyễn Đức Tùng đặt ra câu hỏi
“Thơ Cần Thiết Cho Ai” cùng có nghĩa trước hết là thơ cần cho chính anh, một
bác sĩ, một nhà thơ, một nhà khám phá thơ.
Voznexenxky viết: thơ sinh ra vì
thơ, dù tôi không “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Với cuốn sách “Thơ Cần Thiết Cho Ai”, Nguyễn Đức Tùng đã lý giải đến tận cùng cả
hai điều “trái khoáy” đó khi anh đi sâu vào tận đáy của những bài thơ và tác
giả của nó. Mười bài thơ (và hơn thế) của mười nhà thơ mà anh lựa chọn không
phải là ngẫu nhiên, mà trước hết là từ nó mà anh chiêm nghiệm ra các vẻ đẹp của
nghệ thuật tâm hồn với những trạng huống hết sức bất ngờ trong cuộc sống muôn
màu muôn vẻ. Anh như soi kính lúp vào các mạch nguồn của chữ để thấy các dây tơ
li ti nối liền cảm xúc. Lại có lúc phải nhắm mắt lại cho tâm hồn trôi theo những
ẩn dụ xa xăm va chạm với hư vô nơi tư tưởng phát sáng. Một lối bình thơ đa
phức, kết hợp cảnh ngộ và tiểu sử, hồi ức và hiện tại, trường phái và thi pháp,
thực tiễn và kinh nghiệm, tự sự và nghị luận… với một văn phong nhẹ nhàng,
thông minh và quyết đoán, nhằm làm sáng tỏ đối tượng nghiên cứu. Nhưng đôi khi
ngòi bút nghị luận sắc sảo của anh bỗng trở nên mềm mại và gợi mở cho người đọc
những cảm giác được tiếp tục sáng tạo cùng văn bản.
Cái hay của cuốn sách này còn nằm
trong sự lựa chọn đối tượng để phẩm bình. Anh chọn cả những nhà thơ mà ở Việt
Nam chưa từng biết đến, nhưng các nhà thơ đó đều có những đóng góp to lớn cho
nền thơ bản địa và thế giới: 8 nhà thơ Mỹ và 2 nhà thơ Canada: William Carlos
Williams (1883-1963), Billy Collins (1941-), Mary Oliver (1935-), Leonard Cohen
(1934-), Elizabeth Bishop (1911-1979), Robert Frost (1874-1963), Naomi Shihab
Nye (1952-), William Stafford (1914-1993), Patrick Lane (1939-), Wallace
Stevens (187-1955). Có nhà thơ trong sáng giản dị, có nhà thơ cầu kỳ phức tạp… và
Nguyễn Đức Tùng đã “phẫu thuật” cơ thể tinh thần của họ và thơ họ nhằm làm sáng
tỏ những đóng góp cho dòng chảy thi ca suốt hơn thế kỷ qua. Họ là điển hình thu
nhỏ của các trường phái thơ trong nhiều thời kỳ của Mỹ và Bắc Mỹ với tính khác
biệt không lẫn vào đâu được. “Đó là sự khác biệt giữa một bên là các nhà thơ
tin rằng nhiệm vụ của họ là tìm cách tương thông với độc giả. Muốn được như
thế, câu thơ phải trong sáng, người đọc có thể tiếp cận được. Một bên là những
nhà thơ, đa số trẻ hơn, tin rằng bài thơ của họ có thể là ngôi nhà đóng kín
cửa, ngôn ngữ của họ không nhất thiết dễ hiểu, khi người đọc thơ đến trước bài
thơ, không có ai mặc đồng phục đợi ở cửa mời họ vào”. Những kiến thức đó bồi
đắp cho dân trí thơ thêm cao dày phù sa màu mỡ.
Là một nhà văn - bác sĩ Việt kiều
ở Canada, Nguyễn Đức Tùng có điều kiện khám phá sâu sắc tâm lý sáng tạo của nhà
thơ với kiến thức sâu rộng của mình. Vì anh đọc nhiều, đọc rộng và đọc sâu. Tôi
đã từng theo anh vào một hiệu sách văn học to lớn ở thành phố Vancouver là nơi
anh vẫn thường lui tới, và có khi ngồi cả buổi ở đấy với sách trước khi mua
sách về. Anh đọc sách có khi quên cả bữa trưa, và tôi cũng đã bị đói cùng anh.
Nhưng điều quan trọng, anh là một người viết. Anh từng thoát bỏ thơ có vần thuở
ban đầu để tiếp cận với trường phái không vần hiện đại Tây-Mỹ với ngôn ngữ và
thi ảnh Việt, tạo được dấu ấn trong làng thơ Việt hải ngoại, có tiếng vang về
trong nước. Anh cũng đã từng làm một loạt cuộc phỏng vấn, trò chuyện với hàng
chục nhà thơ Việt khắp nơi trên thế giới về cuộc đời và quan niệm thơ của họ và
tập hợp lại thành cuốn sách dày “Thơ Đến Từ Đâu” xuất bản ở trong nước như một
hiện tượng văn học với cái nhìn cởi mở và đổi mới. Anh cũng viết riêng một cuốn
sách về nhà thơ Du Tử Lê, và một cuốn song thoại với nhà thơ Trần Nhuận Minh.
Đó không chỉ là tình yêu thơ đến cháy bỏng của Nguyễn Đức Tùng, mà còn cả một
sự tích luỹ, trải nghiệm và tung phóng những ý tưởng nghệ thuật của bản thân
anh.
Với “Thơ Cần Thiết Cho Ai” xuất
bản lần này, Nguyễn Đức Tùng, con người cật lực tận hiến cho thơ lại mang đến
cho bạn đọc yêu thơ, cho các nhà thơ (trong đó có tôi) những trang viết đầy ý
nghĩa mới mẻ và bổ ích. Nó không chỉ giải đáp câu hỏi “Thơ cần thiết cho ai” mà
đọc nó, ta cũng có thể biết được, rồi ai cũng phải cần thơ. Vậy đó…
Hà Nội, ngày hẹn cuối cùng, 19.4.2014
NGUYỄN TRỌNG TẠO
No comments:
Post a Comment