Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 6, 2015

KẾ SÁCH - Giáng Ngọc





Kế Sách 

     
Trong đời người khi sinh ra và lớn lên, may mắn ai cũng có thể cắp sách đến trường để học hành, trước là để biết đạo làm người thành thân, sau là có khả năng để thành danh, thành công với đời.   

Nhưng không phải ai cũng được công hầu khanh tướng, giàu sang phú quý mà cũng lắm người có học nhưng vẫn thất chí bị hoạn nạn gian nan cho đời mình.
   
Không phải ai có học đều thâm sâu hiểu rộng, mà cũng lắm kẻ tuy có học vẫn u mê cả đời. Đó là những kẻ không biết cầu tiến, mới học đuợc năm ba điều sơ đẳng, nghêu ngao vài bộ sách yếu lược thì đã vênh mặt lên tự đắc tưởng mình là học giả, học thật cũng không bằng. Đó là những kẻ giá áo túi cơm… quan không ra quan, lính chẳng phải lính, thầy không ra thầy thợ chẳng phải thợ… Hằng ngày  cũng ôm một bầu rượu, kẹp một  túi thơ, lang thang quán này sang quán nọ, nói toàn chuyện vu vơ trên đời.
  
Trái lại, có những kẻ thâm trầm học hành uyên bác, ít nói hay cười và không khoe khoang khoác lác. Nhưng vì thời thế đã bị thua cuộc nên họ sống với tuổi đời, hơn nữa, cùng một hoàn cảnh, cùng một cuộc đời nhưng cũng lắm người khác nhau. Cho nên cái TÂM  của con người mới là lẽ sống hiện thực và chứng minh đuợc thực tế của một con người đối với đời.  Ngoài gia đình ra còn có bạn bè, xã hội và tổ quốc. Cho nên, học sách thánh hiền như “Gia huấn Ca”  mà lễ nghĩa của một con người không có thì chẳng bằng chi sinh ra đừng làm người đứng trong thiên hạ cho chật đất, vướng trời.

Ngày xưa có hai kẻ cùng học một thầy, nhưng có hai cái TÂM hoàn toàn tương phản . Một người thì lấy Tâm làm trọng. Trọng đạo, ân tình với thầy, tương thân vói bạn và trọng nghĩa với mọi người. Trái lại, kẻ kia thì thâm hiểm, gian xảo, mưu hại bạn bè để tạo cơ ngơi giàu có để bước lên danh vọng. Thường thì những kẻ như thế cuối đời thường hay bị luật trời – hay nói theo Phật là nhân quả - làm cho cuộc đời trở nên bi thảm. Trong 36 chước (Tam thập lục kế) thì kế để hãm hại bạn bè mưu cầu danh lợi đó là kế thứ hai mươi bảy(27).    

Xin thưa, tôi muốn nói đến câu chuyện 2 nguời bạn: TÔN TẪN – BÀNG QUYÊN.
Kế thứ hai mươi bảy (GIẢ SI BẤT ĐIÊN) .
          

NGUYÊN BẢN: “Ninh ngụy tác bất tri bất vi, bất ngụy  tắc giả tri vong vi. Tịnh bất lộ  cơ. Vân tôi truân dã.”          

Tức: Quẻ này là dịch là quẻ Truân. Ý: Sấm sét mùa đông, không lộ thanh sắc là để tích chứa sức mạnh chờ tới mùa xuân thì mới phát ra mãnh liệt. Đây nói những gnười đại trí, đại dũng cần  phải kín đáo không lộ tài năng ra.
  
Trước khi đi vào chủ đề xin nói qua “Tam thập lục kế”. Sách này xuất hiện khá sớm trong “Nam Tề thư Vương Kính Tắc truyện:. Người đời thường hay nói “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Về niên đại và tên tác giả hiện nay chưa rõ . Cho nên, phần nhiều chỉ suy đoán mà thôi. 

Để diễn giải thêm phần ý nghĩa như sau: Giả si bất điên: Mấu chốt kế này là ở chỗ :- Giả si: Giả làm người bất trí - giả làm người vô dụng - giả làm người không quản thúc được - giả làm người lười biếng .
     
Người  này trong lòng lúc nào cũng thật tỉnh táo, nếu không sẽ bị phản tác dụng ngay.

Cho nên giả điên không phải là dễ . Nó có ý nghĩa như sau :
- Đại trí nhược ngu: Đại trí mà như ngu.
- Thâm tàng nhược hư: Sâu kín mà như trống rỗng.
- Ngu binh tất thắng: Binh ngu tất phải thắng.

Sau đây là câu chuyện Tôn Tẫn giả điên để thắng Bàng Quyên:

Tôn Tẫn và Bàng Quyên là hai người bạn và cũng là hai người học trò giỏi của Quỉ Cốc tiên sinh. Hai người đều có tài trí ngang nhau. Bàng Quyên chỉ chuyên tâm học binh pháp, cho nên một thời gian sau tự kiêu cho rằng mình đã biết hết, xin với thầy cho xuống núi để lập công danh. Trước khi hạ san, Bằng Quyên cùng với Tôn Tẫn, thề thốt sẽ giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến thân.
     
Một thời gian sau Bàng Quyên đến nước Ngụy, luận thuyết binh pháp hết sức thông thạo khiến Ngụy Huệ Vương vô cùng khen ngợi lập tức phong cho Bàng Quyên làm nguyên soái  kiêm chức quân sư. Các con cháu của bàng Quyên là Bàng Thông, Bàng Anh, Bàng  Mai đều được làm tướng.
  
Sau đó  Nguỵ Huệ Vương lại được nghe Mặc Địch giới thiệu Tôn Tẫn, nên cho người đón về triều. Tôn Tẫn nhờ có thời gian ở lại núi với thầy Quỉ Cốc tiên sinh, nên học được thêm nhiều bí quyết về binh pháp nên tài giỏi hơn hẳn Bàng Quyên lại được Quỉ Cốc tiên sinh tặng cho một cuốn “Hái Công âm phù thiên”.
   
Ngụy Huệ Vương gặp Tôn Tẫn thì hết sức mừng, toan phong cho ông làm phó quân sư, ngặt một nổi Tôn Tẫn là sư huynh của Bàng Quyên, nên không tiện. Ngụy Huệ Vương tạm cho Tôn Tẫn làm Khách Khanh. Trong lòng Bàng Quyên biết Tôn Tẫn giỏi hơn mình, nên đâm ra đem lòng đố kỵ, nên sinh lòng hận thù tìm cách diệt kẻ thù là bạn của mình.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Bàng Quyên đã tìm kế độc vu oan cho Tôn Tẫn, bằng cách tạo ngụy chứng từ một tên gia đinh giả làm người nhà của Tôn Tẫn từ nước Tề gửi thư qua. Trong thư ý nói Tề Vưong đã trọng dụng  toàn bộ gia đình và mời Tôn Tẫn về để nhận chức lớn. Tôn Tẫn nhận được lá thư giả này thành thực trả lời là đã  phò Ngụy Vương không thể về Tề được.
 
Từ bức thư đó, Bàng Quyên đã thêm thắt để có mang ý phản nghịch, rồi dâng cho Nguỵ Huệ Vương. Tuy vậy Nguỵ Huệ Vương vẫn thương mến Tôn Tẫn nên không quyết liệt, đợi xem thêm có bằng chứng nào nữa hay không. Vì vậy  Bàng Quyên đổi qua âm mưu khác.
   
Bàng Quyên đến nhà của Tôn Tẫn và khuyên  sư huynh  nên về Tề nghĩ ngơi vài tháng, mình sẽ nói giúp với Ngụy Vưong cho. Tưởng thật, Tôn Tẫn dâng biểu xin về Tề thăm mộ tổ tiên. Lấy cớ này Bàng Quyên tâu với Ngụy Vương cho cách chức Tôn Tẫn và giao cho Bàng Quyên xử lý.
  
Bàng Quyên không giết Tôn Tẫn mà chỉ chặt đứt một chân của Tôn Tẫn và thích chữ vào mặt. Thật ra, âm mưu của Bàng Quyên là bắt Tôn Tẫn viết ra cho hết thiên binh pháp mà Bàng Quyên chưa được học, rồi sau đó mới giết.
        
Tôn Tẫn hết sức kinh sợ, nên mới giở cẫm nang mà thầy Quỉ Cốc tiên sinh đã trao cho trước khi xuống núi. Trong đó chỉ có hai chử “Giả si- Giả điên” Tôn Tẫn hiểu ngay kế sách và làm theo ý của sư phụ.
      
Đó là Kế sách thứ hai mươi bảy trong “Tam thập lục kế”. Thời gian giả điên Tôn Tẫn làm như thật không sơ hở tí nào cả. Lúc  đầu Bàng Quyên có ý nghi ngờ, nhưng sau thì không thể... Trong thời gian đó Tôn Tẫn thường hay đi nghêu ngao ra chợ hát. Lúc đó Mặc Địch đang ở nhà Điền Kỵ nước Tề nghe tin Tôn Tẫn bị điên, nên báo cho Tề Uy Vương tìm cách đón Tôn Tẫn về Tề mà trọng dụng. Cuối cùng một cuộc đánh tráo người được người nước Tề thực hiện và đưa Tôn tẫn về Tề.
   
Sau khi về Tề, Tôn Tẫn được vua Tề cho ngự y chăm sóc và bồi bổ sức khoẻ. Tinh thần càng ngày càng phấn chấn, sức khoẻ hồi phục.
   
Cuối cùng, với một trận đánh ở Mã Lăng (trên một gốc cây có ghi sẳn chữ Bàng Quyên sẽ chết tại nơi này). Tôn Tẫn dùng kế “Thu Bếp” lừa Bàng Quyên vào tử địa. Mối hận thù  Tôn Tẫn đã diệt được Bàng Quyên rửa cho cái nhục bị chặt chân năm xưa.
     
Trên đời này bất cứ là hạng người nào vua, quan, tướng, tá, gia đình, bè bạn v.v… những kẻ đê hèn nhỏ mọn hay thấy lợi nhỏ mà tham ích kỷ tranh hơn thua hãm hại kẻ khác thì trước sau “Trời không dung, đất không tha" cuối đời cũng phải mang hận mà chết.

                                                                                      Giáng Ngọc .
                                                                                      (Đầu Xuân Ất Mùi)
                                                                                      

No comments: