|
Nhà thơ DUY PHI (1940-2013) |
TÌNH QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ DUY PHI
Với 74 tuổi đời, Nhà thơ Duy Phi
(1940 – 2013) đã làm nên một sự nghiệp văn chương tầm cỡ ( Thơ 11 tập, văn 8
tập, biên soạn biên dịch 13 tập, tổng là 32 tập). Ngoài ra, còn một số tác
phẩm khác được in chung như: Phận đèn, Miền quê quan họ … Đặc biệt những năm
cuối đời khi thấy dấu hiệu của sức khỏe không được tốt Duy Phi đã tập trung làm
tuyển tập thơ: Ngó ý, hoàn thành vào tháng 1 – 2013, đã toại nguyện mỉm cười
khi cầm tuyển tập trong tay, ký tặng bạn bè. Sau khi ông mất, một số bạn bè
của ông là: Đặng Tiến Huy, Đỗ Nhật Minh, Vũ Từ Sơn đã biên tập tuyển tập văn
cho ông: Người độc hành không nghỉ. Như vậy đến nay chắc ông linh thiêng sẽ hài
lòng vì cả hai tuyển tập đã được “trình làng “ một cách cẩn thận, đầy đủ và
chu đáo, gây được tiếng vang trong bạn bè văn chương và gây ấn tượng trong
lòng bạn đọc .
Chúng ta cùng nhau điểm qua các
tập thơ đã xuất bản của ông: Cánh buồm mở hướng (1983), Đối thoại cùng sông
(1984), Ngổn ngang trăm mối (1992), Rêu thức (2000 ), Đêm Thần Minh (2002), Chóp nón đi nghiêng (2005), Vòm trời lưng nghé (2005), Phiêu
diêu (2010), Giọt nhũ (2012), Ngó ý (2013).
Với đóng góp xứng đáng trong văn nghiệp và trong hoạt động xã hội,
ông đã là hội viên xứng tầm của 3 hội văn chương tên tuổi của đất nước: Hội
Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT
Bắc giang, Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
TÌNH THƠ VỚI QUÊ HƯƠNG BẮC NINH
Duy Phi quê gốc xã Mão Điền,
huyện Thuận Thành , tỉnh Bắc Ninh, nơi có truyền thống hiếu học, có những con
người tài hoa văn chương như Nguyễn Gia Thiều (Tác giả của Cung oán ngâm khúc
), thi sĩ Hoàng Cầm, thi sĩ Sái Thuận … Duy Phi được ăn học chu đáo, trở
thành giáo viên văn học với nhiều tài năng sớm phát lộ và chin chắn dần lên.
Ngay từ niên thiếu anh đã nhậy
cảm với cây cối ,hòa nhập với thiên nhiên xung quanh. Cây bưởi trong vườn nhà
đã sớm vào thơ anh: Chợt lắng bồn chồn hoa bưởi rụng / Trinh trắng hồn quê
ngát ngõ quê. Con sông Đuống quê anh mầu mỡ phù sa, đôi bờ có quan họ lên
thuyền thướt tha, thơ mộng, có tranh Đông Hồ đậm chất dân gian: Bên kia quan
họ / Bên này Làng Tranh / Thuyền tôi hạ thủy / Phiêu diêu sóng duềnh (Sông
Đuống). Bài thơ thật ngắn gọn , tài tình , sắc nét , miêu tả con sông Đuống
với 16 từ gọn ghẽ , phóng khoáng .
Một người phải có tình yêu quê
hương tha thiết đến mức nào mới có những vần thơ sống động, dí dỏm mà nhuần
nhuyễn: Bút xưa thấm huyết kề nghiên / Cớ chi Bút Tháp hứng lên đỉnh trời ? /
Trưa hè bóng tháp đổ xuôi / Hồn tôi bay ngược gửi lời mây bay (Trưa Bút Tháp
).
Bóng hình người mẹ luôn được đưa
vào thơ của các con trung hiếu với muôn hình muôn vẻ, Duy Phi viết về mẹ thật
sâu đậm, tài tình :
Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan
Bể không người vục nước mưa tràn
Xõa tóc soi tìm mình chẳng thấy
Lạ lùng ai đó bóng thời gian? (
Nhà xưa )
Cả không gian, thời gian về cuộc
đời mẹ và một phần đời khá dài của con được miêu tả với từ ngữ dung dị điêu
luyện, tài hoa: Lạ lùng ai đó bóng thời gian ?
Thật là khéo léo, chân thực khi nhà thơ viết về người mẹ trẻ Việt Nam: Nắng
chiều về mồ hôi / Áo nửa khô nửa ướt / Con khát lăn vào ngực / Là lúc em nghỉ
ngơi. Và : Ngủ lưng chẳng chạm gường / Gánh, chân không bén đất / Em mãi là
tiếng hát / Trong cuộc đời riêng tôi. Không biết em hàng xóm hay là vợ đây?
Vợ nhà thơ là giáo viên cơ mà!
Miền quê Thuận Thành của Duy Phi
có làng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Một trong những bức đẹp là: Hứng dừa. Bức
tranh càng đẹp, ẩn ý sâu xa thêm khi được nhà thơ của quê hương thổi hồn văn
học vào, nó giống như bài thơ hay được phổ nhạc thành bài hát bay bổng diệu kỳ: Đẹp đôi , chồng đón vợ đưa / Kìa ai nâng váy hứng dừa mà quên … / Ngày xuân
được phút thiên nhiên / Đất đai chợt thức nỗi niềm chợt hoa (Đề tranh Hứng dừa).
Hội làng Bắc Ninh thật phong phú
trò chơi đậm đà bản sắc dân tộc. Chơi đu là một trong số ấy. Duy Phi viết về
“Cánh đu" thật đắc địa:
Gái đảm trai tài đu mới hay
Mắt cười trong mắt tay kề tay
Sầm sầm đu hạ gieo ngang đất
Thoắt lại bay rồi vút giữa mây
Bay theo sao hiện với trăng tà
Cùng cánh chim gần ngọn núi xa
Ta ngẩng cao đầu chân rẽ gió
Thử lại sức mình trong bao la
… Xin ai ở dưới đừng vội bắt
Hãy để mùa xuân những phút bay
và quê hương quí giá nhường bao
khi nhà thơ viết trong bài “Gặp bạn xưa":
Cầm tay, bạn tưởng người thiên
hạ
Đôi ba chuyện cũ thành hả hê
Cảm thương ký ức sau dâu bể
Tín nghĩa vàng ròng ta với quê .
TÌNH YÊU THẮM THIẾT MIỀN QUÊ KINH
BẮC
Trấn Kinh Bắc xưa gồm 2 tỉnh Bắc
Giang, Bắc Ninh và một số huyện xã khác thuộc Lạng sơn, Hải Dương, Hà Nội
hiện nay. Trong một số tập thơ của mình anh thường trích ngang mấy từ: Quê
Kinh Bắc. Qua đó thấy Duy Phi thật tinh tế, kín đáo thể hiện tình cảm với quê
hương. Khi viết về Nguyên Hồng, anh có bài “Cây đa ở Nhã Nam" thật ngồ
ngộ, ý nhị :
Vòm lá xanh vòm trời xanh
Nổi chìm mấy nẻo đã thành chiêm
bao
Xuềnh xoàng đa vận áo nâu
Rễ đa phải mượn dáng râu Nguyên
Hồng
Bài thơ này mới đây được Hội nhà
văn Hải Phòng đưa vào tuyển tập: Nguyên Hồng qua những trang thơ .
Và đây, anh viết bài “Kinh Bắc
chiều xuân" để nói về miền đất này với phong tục ngàn đời :
Cánh xuân bổng thế, người ơi !
Kìa ai gửi cả tiếng cười vào mây
Lay phay mưa hoa lay phay
Đấu cờ giải lớn cuối ngày còn
treo
Sân đình đã điểm trống chèo
Bóng cha gậy trúc áo điều, chiều
quê .
Không khí thật thanh bình, dân
dã, vui tươi, sống động hồn quê!
Vùng đất Kinh Bắc mến yêu có “Trai Cầu Vồng Yên Thế / Gái Nội Duệ Cầu Lim" xứng đôi; có lịch sử lâu đời.
Nơi đây có cây cổ thụ đến ngàn tuổi. Duy Phi viết bài thơ hay mà hiếm người viết đặng:
Tôi về bên cổ thụ
Chợt nhớ thuở Lý – Trần
Vòng tay mình bé nhỏ
Trước sinh khí tầng tầng
Chí nào thắp cõi tâm
Trụ giữa muôn bão tố
Đã bao nhiêu vầng trăng
Lạc vào trong thớ gỗ
Đất trung du sỏi đỏ
Vẫn lọc được ngát trầm
Lẫn cỏ cây thời vụ
Còn dáng đứng ngàn năm
Tóc bạc , tôi – trò nhỏ
Học cây bài : Thời gian ! (Với Dã
hương ngàn tuổi )
TÌNH YÊU ĐẤT VIỆT BAO LA
Đầu những năm 1960, nhà thơ Duy
Phi dạy học ở Chí Linh, Hải Dương, nơi có núi non, sông nước, phong cảnh
hữu tình, thơ mộng . Nơi đây mang dấu ấn của Hưng Đạo đại vương, Nguyễn Trãi, Chu Văn An .. tạo cho nhà thơ có nhiều bài thơ hay. Xin dẫn ra ở đây một số
câu thơ hay trong bài “Dạy học ở Côn Sơn" :
Tan trường mây rủ cùng mây
Học trò bay với bướm bay ngang
đèo
Côn Sơn ấm tiếng thông reo
Phong tình sắc cỏ phong lưu gió
ngàn
Suối Côn Sơn vọng tiếng đàn
Tiếng con cuốc cuốc thời gian
đong đầy
Đêm Côn Sơn lỏng then cài
Tấc riêng xanh với cõi ngoài
thông xanh
Phải có tình yêu thắm thiết đất
nước, yêu lịch sử Việt Nam
ta lắm lắm, Duy Phi mới có những vần thơ khí phách, hào sảng sau:
Vạn Kiếp đền đài cây ấp ủ
Lục Đầu sông vẫn cuốn mây theo
Nghìn xưa non nước nay còn đó
Lưỡi kiếm anh hùng thép vẫn reo
( Lục Đầu Giang )
Khi vào thành phố Đà Lạt, nhà
thơ lại có dịp để thổ lộ tình yêu quê hương Kinh Bắc hòa trộn trong tình yêu
vùng miền của đất nước bao la:
Ta cùng sương đi với hoa
Điệu Thiên Thai thông rừng ngân
nga
Một ngày Đào nguyên bằng năm hạ
giới
Một trời Đà Lạt mấy đời quê xa ?
(Nghe quan họ ở Đà Lạt)
Đến Quảng Bình, nhà thơ chớp
được những nét độc đáo nơi đây qua nghệ thuật chơi chữ tài tình :
Lòng son soi xuống sông Son
Yêu non nước được nước non Kẻ
Bàng
Kỳ công đến gặp kỳ quan
Lắng trong giọt nhũ thời gian gọi
mình
(Giọt nhũ)
Và cuối cùng, xin dẫn ra ở đây
bài “Nguyện cầu" của thi sĩ khi đi thăm Yên Tử - nơi Phật hoàng Trần Nhân
Tông tu luyện, khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm:
Tôn nghiêm chùa đỉnh non cao
Tiếng chuông trì tụng gõ vào vách
mây
Một vòng tràng hạt lần xoay
Bát hương cầu nguyện đã dày chân
hương.
Phải đạt tới một tầm văn chương
như thế nào mới viết được bài thơ hay và sâu sắc nhãn quan đến vậy!
TỔNG QUAN NHẬN XÉT VỀ SỰ NGHIỆP
THƠ VĂN CỦA NHÀ THƠ DUY PHI
Phần chuyên đề chúng tôi đã trình
bày xong ở phần trên. Nhân đây, xin nêu ngắn gọn tổng quan về sự nghiệp thơ
văn của nhà thơ Duy Phi để lại cho đời.
Với 74 tuổi, sự vươn lên không
ngừng, học hỏi bền bỉ, liên tục, khoa học và trí tuệ, Duy Phi đã có được
vốn kiến thức sâu rộng về nhiều mặt để cho ra đời 32 tác phẩm văn học có giá
trị. Với khối lượng này đã làm nên thương hiệu tên tuổi: Nhà thơ Duy Phi !
Đánh giá chung ông mạnh về thơ
truyền thống: Tứ tuyệt và Lục bát. Nhiều bài đạt trình độ cao siêu, đi vào
lòng độc giả trong tỉnh và trong cả nước; nhiều bài tứ tuyệt có thể sánh với
thơ thời thịnh Đường; nhiều bài thơ lục bát chạm ngưỡng Truyện Kiều .
Về nhân cách có thể nhận xét Duy
Phi là: Đức – tài toàn vẹn. Duy Phi sống chan hòa, chân thành với bạn bè
theo từng cung bậc, có quan hệ xã hội đúng đắn, nghiêm túc, tôn trọng. Ông
mất đi bởi cơn bệnh hiểm nghèo, thật đáng tiếc lắm thay! Ông mất đi là một
tổn thất cho văn chương Việt nam, một tổn thất lớn lao với văn chương Kinh Bắc
đương đại.
Bắc Giang, những ngày tháng 8 –
2014
VŨ TỪ SƠN