Tôi chưa một lần đặt chân đến Hải Phòng nhưng qua sách vở, báo chí tôi đã nghe về một thành phố Hoa Phượng Đỏ... Tôi không thể hình dung màu hoa phượng đỏ ở đó thế nào, có rực rỡ, óng ánh một màu đỏ ngút mắt trên đường phố, rợp một màu đỏ loang theo ánh nắng chiều ... Nhưng ở một thành phố trên cao nguyên tôi đã bắt gặp những con đường có những hàng cây phượng vĩ nối tiếp nhau như những hàng phượng rực đỏ trong thành nội Huế. Và mỗi khi hạ về, khi ánh nắng xóa tan những làn sương núi chập chùng ban mai đã nghe râm ran tiếng ve và màu hoa đỏ đã tràn ngập trên phố. Ai đã từng đi qua thời cắp sách hẳn không khỏi thấy lòng bâng khuâng, xao xuyến khi bắt gặp những chùm hoa phượng đỏ bay bay đong đưa trong gió.
Ký ức của một thời xa vắng lại về. Vâng, mùa hạ, tiếng ve và màu đỏ của hoa phượng là dấu ấn của tuổi học trò, là biết bao kỷ niệm êm đềm bên trường cũ, bạn xưa. Có một chút ngậm ngùi lẫn xót xa khi nhìn những tà áo tung bay trong gió nhắc nhớ hình ảnh của một thời nay đã xa vắng khi mà tuổi đời chồng chất và lối đi về ngày mỗi ngày ngắn lại... Nỗi nhớ đưa tôi về vùng trời kỷ niệm. Con phố nhỏ Đông Hà nơi ngã ba Trịnh Minh Thế - Trần Hưng Đạo phía trước cổng chùa có cây phượng già. Tôi không biết cây phượng có từ lúc nào, đã đi qua bao nhiêu năm tháng ... nhưng với tuổi thơ của tôi cùng đám bạn bè tuổi nhỏ vẫn thường trèo lên cây phượng hái những chùm hoa đỏ rực khi mà tiếng ve râm ran báo hiệu hè về, khi mà cái nắng, cái gió hạ Lào lướt qua thị trấn buồn hiu. Cây phượng già đó, cánh cổng chùa rêu phong đó đã đi theo năm tháng của tuổi học trò cho đến khi tôi ra đi. Từ ngã ba nơi cây phượng già nhìn lên phía trên, dọc đường Trần Hưng Đạo là ga xe lửa của một thời còn thanh bình khi mà mỗi buổi chiều, đám trẻ con chúng tôi lắng nghe tiếng còi tàu rít lên, âm thanh vang vọng khi con tàu chầm chậm vào sân ga... chúng tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn cảnh chiều với bao người đi, kẻ ở. Cái sân ga buồn mà sau này người bạn văn đã quá cố Phan Công Tâm đã viết bài bút ký với tựa đề Ga Cuối Đường Tàu vào cuối những năm 60 đăng trong trang văn nghệ của báo Công Luận. Ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong tôi mà người xưa nay kẻ còn người mất .
Hơn 40 năm đã trôi qua để có thể viết hai chữ ngày xưa cho quá khứ. Vâng, những bạn bè tôi một thời của nhóm văn nghệ Đông Hà thuở nào ... Một Phan Công Tâm, một Tạ Nghi Lễ, Phan Bá Vinh ... Đông Hà những năm cuối thập niên 60 (thế kỷ 20) chiến tranh đã vọng về nơi phố thị nhưng chúng tôi, lứa học trò với tuổi đời mới lớn vẫn còn những mộng mơ. Khi tiếng ve báo hiệu mùa chia tay, chúng tôi tạm gác lại bút nghiên để vùi đầu vào những trang viết, những bài thơ được dệt lên từ tâm hồn mơ mộng của tuổi học trò. Ngày đó, bên quán cà phê chúng tôi đọc cho nhau nghe từng trang bản thảo. Ký ức về người xưa bạn cũ còn đó. Tạ Nghi Lễ trầm tĩnh nhưng sôi nổi mỗi khi nói chuyện văn chương. Phan Công Tâm dịu dàng và như lúc nào cũng mang nặng nỗi buồn và Đông Hà, ơi con phố với dăm ba con đường thân quen, những lối đi qua xóm nhỏ để mọi người nhận ra nhau trong từng niềm vui nỗi buồn. Và rồi với năm tháng đi qua, chúng tôi giã từ mái trường để lại bao kỷ niệm bao ước mơ để rồi như đàn chim tung cánh đi vào khung trời đầy phong ba bão tố. Tôi, Phan Công Tâm, Phan Bá Vinh xếp bút nghiên theo việc đao cung. Tạ Nghi Lễ xa Đông Hà vào Saigon tiếp tục con đường chữ nghĩa ... Tình bạn, tình văn nghệ đó đã theo chúng tôi suốt những năm tháng gian khổ, nhọc nhằn với không ít những đắng cay, tủi nhục. Khi dấu chấm hết của cuộc chiến cũng là lúc chúng tôi tan tác, mỗi đứa một phương. Những năm tháng trong trại, những buổi chiều hắt hiu nhìn qua hàng rào nơi núi rừng xanh thẳm không biết số phận cuộc đời rồi sẽ như thế nào, chúng tôi nhớ về nhau với mong ước một lần gặp lại ... Để rồi dẫu qua bao nhiễu nhương, biến loạn. Cuộc đời có đổi thay chúng tôi cũng đã gặp lại nhau dẫu cuộc sống nay đã vật đổi sao dời. Tình bạn, tình văn nghệ đó vẫn là khúc ca nồng thắm với chúng tôi cho đến khi trong chúng tôi có người ra đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi không thể nào quên lần Tạ Nghi Lễ đến thăm tôi, vừa đi vừa hỏi đường tìm đến cái Mỏ Đá chơ vơ bên triền đèo Bảo Lộc, ánh mắt ngỡ ngàng nhìn tôi đang lui cui đập đá dưới cái mái tranh che mưa nắng " Sao ông lại thế này ... ". Câu nói đó Tạ Nghi Lễ hỏi mà như không hỏi vẫn đeo đẳng tôi cả đời. Vậy mà khi Tạ Nghi Lễ qua đời phải mấy năm sau tôi mới viết được bài thơ vĩnh biệt bạn. Nỗi đau cứ dai dẳng mà không thể viết lên được. Và với Phan Công Tâm một lời hẹn sẽ gặp lại nhau khi đến thăm tạm biệt tôi lên đường xa xứ để rồi không bao giờ thực hiện được. Chỉ mấy năm sau Phan Công Tâm giã từ cuộc sống nơi tận xứ người... Chiều nay trên vùng đất cao nguyên này, nhìn màu hoa đỏ tôi lại nhớ đến ngày xưa, đến những người thân yêu trong cuộc sống. Màu hoa đỏ, áo trắng học trò và những câu thơ tình đầu đời viết trong mơ mộng và cả trong những mối tình tưởng tượng... Thế hệ chúng tôi, những cậu học sinh của tỉnh nhỏ chỉ dám bước theo xa xa ngắm nhìn những cô nữ sinh thướt tha tà áo dài trên đường tan trường và rồi... đêm đêm vùi đầu vào giấc mơ, vào hình ảnh của những nàng tiên dịu hiền và tự an ủi cho mối tình đơn phương , thầm lặng không bao giờ dám ngõ ...
Bây giờ trên con phố cao nguyên, tôi ngắm nhìn những tà áo trắng bên hàng phượng đỏ vẫn thấy lòng mình xao xuyến. Và bất chợt thở dài. Quá khứ vẫn còn đậm nét trong tim mà tuổi đời đã nặng hai vai. Tất cả đã là một thời xa vắng ...
" Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm , người xưa biết đâu mà tìm ... ". Cái cảm giác bồi hồi xao xuyến vẫn còn trong tim, dư âm ngày cũ vẫn còn vương vấn mỗi khi nghe lại bài hát năm nào. Bài ca đó không còn là một ca khúc mà nó mang theo cả một trời kỷ niệm. Mùa hè chia tay... Chiến tranh và tan tác và nhớ về bạn bè khi có đứa phải ra đi mà chưa một lần cảm nhận hương vị của tình yêu... Vâng, thế hệ chúng tôi mang nặng nỗi buồn chiến tranh.
Màu hoa đỏ với buổi chiều trên cao nguyên lộng gió lắng nghe quá khứ thì thầm, để hình ảnh bạn bè trường xưa trở về và tiếng ve mùa hạ muôn thuở vẫn là tiếng ve sầu chia ly, của những dấu chấm buồn trên suốt quảng đồi xuôi ngược và bây giờ tuổi đời xế bóng " ... người xưa biết đâu mà tìm ... "
Chùm hoa phượng đỏ màu nhung nhớ
Tôi gặp chiều nay trên phố đông
Có cánh hoa nào mang ép vở
Trang ký ức tôi tuổi học trò .
Ríu rít xôn xao tà áo trắng
Phố chiều lộng gió trắng màu mây
Có áo ai bay thời xa vắng
Chợt về ... tóc đã trắng hơi sương .
Một chút gì thôi màu hoa đỏ
Chiều nay tôi gặp lại ngày xưa
Gặp cả khung trời hoa mộng cũ
Gặp cả tình tôi đã cuối mùa ...
Hoàng Yên Lynh
2014.
Bây giờ trên con phố cao nguyên, tôi ngắm nhìn những tà áo trắng bên hàng phượng đỏ vẫn thấy lòng mình xao xuyến. Và bất chợt thở dài. Quá khứ vẫn còn đậm nét trong tim mà tuổi đời đã nặng hai vai. Tất cả đã là một thời xa vắng ...
" Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm , người xưa biết đâu mà tìm ... ". Cái cảm giác bồi hồi xao xuyến vẫn còn trong tim, dư âm ngày cũ vẫn còn vương vấn mỗi khi nghe lại bài hát năm nào. Bài ca đó không còn là một ca khúc mà nó mang theo cả một trời kỷ niệm. Mùa hè chia tay... Chiến tranh và tan tác và nhớ về bạn bè khi có đứa phải ra đi mà chưa một lần cảm nhận hương vị của tình yêu... Vâng, thế hệ chúng tôi mang nặng nỗi buồn chiến tranh.
Màu hoa đỏ với buổi chiều trên cao nguyên lộng gió lắng nghe quá khứ thì thầm, để hình ảnh bạn bè trường xưa trở về và tiếng ve mùa hạ muôn thuở vẫn là tiếng ve sầu chia ly, của những dấu chấm buồn trên suốt quảng đồi xuôi ngược và bây giờ tuổi đời xế bóng " ... người xưa biết đâu mà tìm ... "
Chùm hoa phượng đỏ màu nhung nhớ
Tôi gặp chiều nay trên phố đông
Có cánh hoa nào mang ép vở
Trang ký ức tôi tuổi học trò .
Ríu rít xôn xao tà áo trắng
Phố chiều lộng gió trắng màu mây
Có áo ai bay thời xa vắng
Chợt về ... tóc đã trắng hơi sương .
Một chút gì thôi màu hoa đỏ
Chiều nay tôi gặp lại ngày xưa
Gặp cả khung trời hoa mộng cũ
Gặp cả tình tôi đã cuối mùa ...
Hoàng Yên Lynh
2014.
1 comment:
"một chút để nhớ,để thương" Hoài niệm đẹp,cảm ơn Hoàng Y. Linh.
Post a Comment