Ảnh tác giả:
Thầy Hoàng Đằng (cựu giáo sư trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị và Trung Học Đông Hà Quảng Trị trước 1975)
CHẤM
VĂN HỌC TRÒ
Trong đời, trước đây, mình
có một thời gian dạy văn bậc trung học . Mình thấy đôi lúc học trò có nhiều
cách hiểu văn rất đặc biệt.
Có lần mình dạy một đoạn
văn xuôi có từ “chợ búa”. Lúc ấy, mình cho đó là một từ kép; tuy nhiên, trong
trí, mình cứ thắc mắc: âm tố “búa” có thực nghĩa là gì. Có thể nào “búa” là một
từ của một ngôn ngữ nào đó du nhập vào tiếng Việt trong quá trình chung đụng
giữa dân tộc mình với các dân tộc khác. Có thể nào vì ngày trước ở mỗi chợ quê
thường có một lò rèn mà trong lò rèn dụng cụ quan trọng nhất là búa các loại
nên “búa” được ghép vào “chợ”. Mình đặt câu hỏi với học trò lớp đang dạy:
- Em nào
biết “búa” trong “chợ búa” nghĩa là gì không?
Một em học trò xẳng xái
đưa tay và đứng dậy ngay, tự tin trả lời
- Thưa
thầy, chợ búa là nơi ồn ào; ồn ào vì ở chợ người đông, nói nhiều, đinh tai nhức
óc chẳng khác gì lúc thợ rèn đập búa.
Mình không dám bảo ý kiến
của em học trò trên là đúng hay sai, mình chỉ biết khen đó là một cách hiểu có
tính sáng tạo.
Ở một trường hợp khác,
mình gọi một em học trò lên bảng trả bài. Mình hỏi:
- Em hiểu cụ thể thế nào
về 2 câu thơ mà cụ Nguyễn Du tả mộ Đạm Tiên trong truyện Kiều sau đây:
“... Sè sè nấm đất bên
đường,
Dầu dầu ngọn cỏ
nửa vàng nửa xanh ...”
Sau một chốc lát suy nghĩ,
em học trò phát biểu trả lời:
- Thưa thầy, cái nấm đất
bên đường là cái mồ Đạm Tiên, người đi đường mỗi lần muốn tiểu tiện, cứ
“sè sè” lên đó; nước tiểu chứa chất muối, mặn và hăng. Đã là đường đi, kẻ qua
người lại đông, cỏ trên mộ hứng nước tiểu nhiều, bị nhiễm mặn, đầu ngọn bị úa
nên “dầu dầu ... nửa vàng nửa xanh”.
Mình không ngờ học trò lão
hiểu khác mình. Đến thời điểm đó, mình chỉ hiểu: Mộ Đạm Tiên không được ai chăm
sóc, bị hoang phế lâu ngày, qua thời gian, nước mưa bào mòn đất khiến nấm mộ
trở nên thấp lè tè (ở đây, cụ Nguyễn Du dùng từ “sè sè”) và mộ không được ai
giẫy cỏ, cỏ quá già, héo úa, nay gặp tiết Thanh Minh, trời ấm, những chồi,
những nhánh cỏ xanh trồi lên, vì thế, chúng ta thấy “dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng
nửa xanh”.
Trong thơ văn, một số nhà
phê bình văn học nghĩ rằng độc giả cũng là tác giả của tác phẩm. Người viết là
tác giả đầu tiên, người đọc là những tác giả kế tiếp, mỗi người hiểu tác phẩm
theo điều kiện, trình độ, trải nghiệm, hoàn cảnh và thời đại của mình.
Đúng vậy. Cụ Nguyễn Du,
khi viết truyện Kiều, chắc chắn chưa có ý niệm gì về triết thuyết duy vật hay
triết thuyết hiện sinh, vậy mà sau này nhiều nhà nghiên cứu văn học đã dùng
những triết thuyết ấy soi rọi vào truyện Kiều và đưa ra những khám phá thú vị.
Và gần đây thôi, trong học
giới, dậy lên những phản bác qua cách hiểu về một số câu tục ngữ.
Ví dụ câu tục ngữ: “Áo cứ
chàng, làng cứ xã”. Theo cụ Nguyễn Lân, “chàng” là ông chồng trong gia đình,
“xã” (lý trưởng) là người lãnh đạo một làng; cụ Nguyễn Lân cho rằng câu tục ngữ
nói lên tính ỷ lại của người đàn bà vào chồng cũng như tính ỷ lại của người dân
trong làng vào vị đứng đầu mà không thấy được vai trò làm chủ của mình.
Huệ Thiên (trong bài:
“Những chỗ sai khó ngờ trong Từ Điển Thành Ngữ Tục Ngữ Việt Nam”) lại hiểu
“chàng” tức là “tràng” nghĩa là cổ áo (theo Từ Điển An Nam – Bồ Đào Nha – La
Tinh của A. De Rhodes) hay vạt trước (cách hiểu bây giờ) của chiếc áo dài. Vậy
nên câu tục ngữ nhấn mạnh vai trò quan trọng của bộ phận chính hay nhân vật
chính.
Và qua câu tục ngữ: “Mưa
rừng cọ, gió rừng thông”, TS. Nguyễn Đức Dương (Từ Điển Tục Ngữ Việt) hiểu:
Rừng cọ có thể che mưa, rừng thông có thể che gió. Tuy nhiên, Hoàng Tuấn Công
lại hiểu: Trong rừng cọ, mưa ít cũng tưởng là mưa nhiều, vì hạt mưa rơi trên lá
cọ gây tiếng ồn; trong rừng thông, gió nhẹ cũng tưởng gió lớn, vì gió luồn
khiến cành lá thông tạo nên tiếng reo, tiếng rít.
Qua mấy trường hợp mà mình
đề cập miên man trên đây, mình muốn nói lên ý kiến của mình về trường hợp một
cô giáo chấm văn bị công luận thiếu thông cảm, phê phán nặng nề.
Cô giáo Hà thị Thu Thủy
dạy văn tại trường trung học Lômônôxốp ở Hà Nội, vào tháng 9 năm 2012, ra một
số bài tập viết, kiểm tra sức hiểu của học sinh về ý nghĩa của ca dao tục ngữ,
trong đó có mấy câu ca dao:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng
chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù bãi cát màn sương.
Nhịp chày
Yên Thái, bóng gương Tây Hồ”.
Một trong số học trò của
cô hiểu và diễn đạt trong đáp án: Canh gà Thọ Xương là cháo gà Thọ Xương (đúng
ra phải hiểu là: gà gáy điểm canh - canh là đơn vị tính thời gian ban đêm ngày
xưa, đêm có 5 canh, ngày có 6 khắc.) Khi chấm bài, cô đã biết em học trò hiểu
không đúng, nhưng không dùng viết sửa ý diễn đạt này mà cho điểm 8 toàn bộ bài
tập có nhiều phần ấy. Phụ huynh em học sinh xem bài của con, rồi đến khiếu nại
với ban giám hiệu là cô giáo truyền thụ kiến thức sai. Ngay sau đó, một số
phương tiện thông tin đại chúng rùm beng phê phán kiến thức cô giáo non kém.
Chịu không nổi búa rìu dư luận, cô giáo Thu Thủy bỏ lớp, bỏ học sinh, trốn về
quê nghỉ ngơi và viết đơn xin thôi việc.
Mình nghĩ lỗi chấm bài gặp
sai chỉ bớt điểm mà không sửa bằng viết trên bài học sinh không phải chỉ cô
giáo Thu Thủy mắc mà xưa nay nhiều thầy cô giáo mắc phải. Lý do: một là không
đủ khoảng trống trên bài tập để diễn hết ý sửa, hai là muốn tránh cho học sinh
mất tự tin trong học tập khi thấy bài làm của mình bị sửa quá nhiều, ba là mệt
mỏi do chấm số lượng bài quá lớn.
Mình trách vị phụ huynh
kia không góp ý với cô hay khiếu nại với ban giám hiệu về trường hợp cô một
cách kín đáo.
Mình trách các trang mạng,
các báo thiếu thông cảm với hoàn cảnh làm việc của một giáo viên mà được dịp
thì chỉ trích cho “đã miệng”, “sướng bút”, thậm chí sỉ nhục để một giáo viên
trẻ tuổi nhụt chí trên đường sự nghiệp.
Thật ra, không phải đây là
lần đầu tiên em học sinh của cô Thu Thủy hiểu “canh gà” là cháo gà mà trước đó
đã có lắm người hiểu như thế, ngay cả một vài dịch giả - những người giới thiệu
văn học Việt Nam với thế giới – cũng dịch “canh gà Thọ Xương” ra tiếng Anh là
“chicken soup of Tho Xuong” hay ra tiếng Pháp là “bouillon de poulet de Tho
Xuong”.
Ở đời, bao dung với lỗi và
lầm của người khác là quan trọng trong xây dựng tình người./. Hoàng Đằng
No comments:
Post a Comment