Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 3, 2013

ÂN NGHĨA TÌNH ĐỜI - Tản mạn của Ngô Trọng Hùng với đồng môn Nguyễn Hoàng

Ngô Trọng Hùng


Đã hơn 40 năm rời xa quê hương Quảng Trị, thầy trò trường Nguyễn Hoàng chia tay nhau mỗi người đi mỗi ngã, hiện hình trên nhiều trạng thái khác nhau giữa dòng đời luân lưu biến đổi. Người theo mẹ lên núi đốn củi đổi cơm, người theo cha về biển mò cua bắt óc sống đời tiền sử, kẻ tha phương cầu thực khắp bốn phương trời. Nay đất nước bình yên trở lại quê nhà, mọi thứ đều đổi mới. Ngôi trường cũ đã chôn vùi theo cát bụi, chỉ còn một khung trời man mác giữa xa mã rộn ràng. Hợp tan là quy luật tự nhiên của biển đời mộng ảo. Nhưng vẫn còn đó biết bao kỷ niệm quê cũ trường xưa, ngổn ngang trăm mỗi trong lòng người học trò khi phải rời xa đất tổ.

Để gọi chút lòng đền ơn giáo dục, “Hội ái hữu cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị” được thành lập như tiếng chim gọi đàn quay về tổ khi bóng ngã trời chiều. Đó là việc làm rất cần thiết của văn hóa kế thừa truyền thống của quê hương Quảng Trị “Uống nước nhớ nguồn”. Việc làm này không những cho hôm nay mà còn để lại cho thế hệ mai sau biết đâu là gốc rễ của ông, cha….

“Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò năm xưa.
Cây đa bến cũ còn lưa,
Con đò dù thác năm xưa kia rồi”

Vậy là ý  nghĩa trăm năm đời người đã nói lên hết qua việc làm của “Hội ái hữu cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị” Chẳng còn gì để phải thêm thắt.

Trường học là nơi đào tạo kiến thức phát triển văn hóa của con người, rất quan trọng của ngành giáo dục, không mang tính tùy tiện áp đặt vì giáo dục là ngành đứng hàng đầu trong tầng lớp xã hội. Nên người đời thường gọi là những nhà “mô phạm” hoặc là bậc “thượng lưu trí thức”

Thượng lưu là nước đầu nguồn của dòng sông, theo nguyên nghĩa của nó. Nước đầu nguồn lúc nào cũng trong sạch không bị ô nhiễm và đẩy lùi tất cả những tạp chất rác rến về cuối dòng, để nước sông được trong xanh tươi mát, mọi vật nhờ đó mà tồn tại phát sinh.Thượng lưu trí thức là người có nhân cách lớn, hiểu biết rộng, dẫn đầu cho dòng đời, xóa bỏ những bất công xã hội mang lại bình yên cho con người trong cuộc sống.Thượng lưu là phẩm chất văn hóa đạo đức không liên can gì đến vẫn đề vật chất. Đừng hiểu rằng thượng lưu là người giàu có,ăn trên ngồi trước.Đó là một sai lầm nguy hiểm. Hiện nay có nhiều người hiểu từ thượng lưu mang tính cụ thể nghèo nàn bằng đôi mắt phàm phu dung tục.

Ngôn ngữ hưỡng dẫn cho hành động. Mỗi khi ngôn ngữ không còn nguyên nghĩa của nó trong thế giới nhận thức thì người nói cũng như người nghe diễn ra như một tấn kịch đời giả tạo.

Người xưa lấy dòng sông mà chỉ cho dòng đời. Dòng sông có thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Nếu nói những người nhiều tiền lắm của gọi là thượng lưu.Vậy thì,phật, chúa và những vị thánh hiền … đều là hạ lưu cả sao?Người đời thường gọi “bậc thượng lưu” và “bọn hạ lưu” mà chẳng bao giờ nghe gọi là bậc hạ lưu.

Những người làm văn hóa đôi khi cũng nhầm lẫn về hai chữ “văn hóa” huống hồ những người chân lấm tay bùn.Văn hóa có nghĩa là nét sáng tạo nghệ thuật theo chiều hướng tiến hóa.Vậy sao gọi “văn hóa đồi trụy”? Ngoài ra còn có nhiều từ được dùng không chính xác.

Có nhiều lúc nghe mà chẳng hiểu vì bỏ học quá sớm, hoặc kiến thức hẹp hòi hoặc vì tiến bộ xã hội mà mình đã trở nên lỗi thời, mong được bỏ qua cho. Ngày xưa còn ngồi ở lớp, học sinh trường Nguyễn Hoàng được học nhân cách đạo đức làm người hơn là học kiến thức như bây giờ. Đã hơn 40 năm xa quê hương, xa trường học mà hình ảnh thầy, cô giáo vẫn mang theo ký ức, bồi hồi thương nhớ ân nghĩa tình đời và luôn nghĩ rằng đó là bản sắc văn hóa dân tộc (theo nghĩa tích cực). Hội ái hữu hội học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã thể hiện lòng biết ơn đồng thời cũng là cách giáo dục thế hệ mai sau biết tìm đâu là nhân cách làm người trong xã hội.

Ngô Trọng Hùng
Ấp Cẩm Tân. xã Xuân Tân, TX Long Khánh, tỉnh Đồng nai

No comments: