Xưa nay, phàm những người làm văn chương thường hay khiêm nhường, tế nhị và lễ độ. Song gần đây, tôi giật mình khi đọc một tờ báo nọ đăng bài giới thiệu tập thơ mới của một tác giả đã đứng tuổi, có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam hẳn hoi, lại viết những vần thơ vô lễ quá chừng. Nên khiến tôi thấy cần phải viết một chút về: Lễ độ văn chương! Coi đây là một tiếng chuông rè góp phần cảnh tỉnh số người có giọng điệu ấy. Câu thơ đó là: Rượu này ta rưới thơm mộ Nguyễn (Trước mộ Nguyễn Du). Ở đây không tiện nêu tên tác giả.
Nếu không biết về thân thế sự nghiệp của
người có câu thơ "ghê gớm" đó và của cả Nguyễn Du thì người ta sẽ
nghĩ đây là hai người cỡ bạn bè với nhau, ngang tầm nhau, thậm chí người viết
này còn trên tài cả Nguyễn Du ấy chứ! Chén rượu của "ta" - bậc bề
trên, làm rạng danh - "thơm"
mộ của kẻ hèn kém "Nguyễn" kia! Thật oái oăm thay, một con dán đất mà
khinh bạc, khinh cả con đại bàng khổng lồ! Một đứa cháu miệng còn hơi sữa dám
khinh cả cụ Tổ lừng lẫy bao đời nay, lẫy lừng cả năm châu bốn biển.
Trong các trường phổ thông của ta
trước đây và hiện nay thường có khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn"
để răn dạy các thế hệ học trò: Lễ độ là việc đầu tiên, sau đó mới nói đến học
văn hóa. Thật là chí lí và sâu sắc!
Đối với Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa
Thế giới, xét về lịch sử thì cụ là là cụ
Tổ mấy đời của người có câu thơ trên.
Quả là người ba đấng thật! Không còn gì để nói nữa.
Ngày trước, nhà thơ Tố Hữu khi viết về Nguyễn Du mà còn phải
viết rất khiêm nhường là: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân / Bâng khuâng nhớ Cụ,
thương thân nàng Kiều.
Qua việc này, xin lưu ý người
biên tập tập thơ có câu thơ trên ở NXB Hội Nhà văn, tháng 7-2012, để lọt lưới
câu thơ xấc xược ấy! Ở đây có sự nể nang hay có thâm ý gì chăng?
Trời đất rộng bao la, văn
chương biển học vô bờ, viết gì thì viết cũng phải có tâm, có nhân cách, nhân
văn và phải biết mình là ai. Lễ độ văn chương là một việc lớn, làm trái với
nó thì tai họa sẽ lớn vô cùng, khi bút
đã sa ... thì gà chết thôi!
TRẦN TẤN
No comments:
Post a Comment