Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 31, 2012

TRỞ VỀ QUẢNG TRỊ - thơ Lê Hoàng Anh Vi

Nữ sinh Phước Môn. Ảnh từ trang my.opera.com/tribuu

Riêng tặng bạn Châu Thạch 
để nhớ về Quảng Trị một thời đã qua.


Trở về quê cũ trường xưa
Dòng sông Thạch Hãn nắng mưa bụi mờ
Trần Hưng Đạo đường xưa em bước
Lời hẹn hò nhớ mãi Gia Long
Lối về ngập nắng Quang Trung
Hồn nhiên tay nắm Đình Phùng mình qua
Anh đi ngắm cảnh Terexa
Thánh Tâm hờn dỗi lân la Bồ Đề.
Tuổi thơ ý đẹp tình quê
Nồng nàn hương lúa, đường về bỗng xa
Chiến tranh tang tóc đi qua
Bao nhiêu kỷ niệm thoáng qua trong hồn. 
Lặng nhìn Thạch Hãn chiều buông
Hạnh Hoa còn đó, đầu thôn vẫn chờ
Cội cây già đứng bơ vơ
Nhạt nhoà bóng cũ, người xưa mãi tìm. 
Nhìn dòng nước bạc im lìm
Nao nao nhớ lại một miền tuổi thơ
Bên bờ cỏ lá trơ vơ
Đôi nhân tình cũ bây giờ nơi đâu? 
Lầu chuông khẩn nguyện cho nhau
Bao lời hò hẹn tình thơ lỡ làng
Đò xưa tách bến sang ngang
Thoáng bay tà áo lệ tràn ướt mi            
Nắng chiều đổ bóng người đi
Còn vương vương nhớ chút gì trong tôi.
Dáng xưa nay đã phai rồi
Tình xưa tôi vẫn nhớ hoài nụ hôn.
                 
               Lê Hoàng Anh Vi
lehoang32@ymail.com

READ MORE - TRỞ VỀ QUẢNG TRỊ - thơ Lê Hoàng Anh Vi

Huy Uyên - KHÚC NGHĨA TRANG BUỒN




Mắt người lệ đổ ai soi bóng
bài ca đêm dạo khúc nghĩa trang buồn
cớ chi em quên vội vết thương
ngày vuốt ve nụ hôn cháy bỏng.

Em bỏ lại tôi giấc mơ kinh hoàng
nhớ về em mà lòng dửng dưng
ai theo hoài mà lau giòng lệ
đêm thoáng đi dặm bước trần truồng.

Có đắng lòng em trăm nỗi nhớ
chút tình xưa còn sót lại trong hồn
bỗng nơi người đằm thắm môi hôn
kỷ niệm về một ngày òa vỡ.

Giữ trong tay một khối tình buồn
xa người xa cuộc tình đã chết
em đi rồi nào có biết
bão giông người một thuở vội vàng chôn.

Những sợi tóc em trói đời anh trở lại
bài thánh ca năm nào rong chơi
nhà nguyện ai còn giữ lại giọng người
chỉ đám tang cuộc tình là đi mãi mãi.

Lời cầu xin phiêu du hai đứa
cổ tích xưa trăm lối buồn phiền
đèn đêm nhà ai khi mờ khi tỏ
tiếng người thì thầm.

Giữ trên môi một nụ hôn buồn
ai đi theo mùa lá rụng
em một mình mang tình mình
làm đám tang người mà lòng đau đớn.

Mọc cây trong tim bò dài ký ức
từ biệt người hạnh phúc vây quanh
còn lại gì mà tôi làm của để dành
tình người đã mang theo hết.

Huy Uyên
lesinh.lesinh@yahoo.com
READ MORE - Huy Uyên - KHÚC NGHĨA TRANG BUỒN

Tuesday, October 30, 2012

ĐÊM ĐỘC HÀNH - Thơ: Mai Thanh Tịnh - Nhạc: Quỳnh Hợp - Biểu diễn: Y Jang Tuyn



QUỲNH HỢP
Đài PTTH TP HCM
hopquynhradio@gmail.com
READ MORE - ĐÊM ĐỘC HÀNH - Thơ: Mai Thanh Tịnh - Nhạc: Quỳnh Hợp - Biểu diễn: Y Jang Tuyn

Khaly Chàm - CÓ BAO GIỜ TA SẼ GẶP LẠI NHAU




tặng cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh
Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị


nếu không chết thì làm sao có sống
lá không rơi cây đứng để làm gì
tình không phụ dễ gì rơi nước mắt
xót xa nào… khi phải nói chia ly ?

chạy là để biết rằng: còn hy vọng
đi là chơi đếm nhịp gọi linh hồn
lời sáng thế biết bao người tin được
ngôn từ ta hai chữ: nói yêu em

ai nhân danh biểu cảm ý tưởng mình
gai đời nhọn xuyên tâm trong lồng ngực
em yêu hỡi, mặt trời đêm thao thức!
thơ ngọt ngào xanh biếc những mầm đau

những mầm đau hóa mây trắng trên đầu
thơ cuồng chảy hình hài ta biến khúc
em hát ru tình trăm năm nhẫn nhục
rượu “giang hồ” ta ném chén giống Đặng Dung

rồi một hôm những hạt lửa cháy bùng
bụi tàn tro hòa tan vào biển cả
thế mới biết sinh thành từ nghiệt ngã
có bao giờ ta sẽ gặp lại nhau ?

Khaly Chàm
khalycham@yahoo.com
READ MORE - Khaly Chàm - CÓ BAO GIỜ TA SẼ GẶP LẠI NHAU

THỜI GIAN – thơ Hoàng Đình Chiến




Thời gian tuột trôi
Như cát chảy qua kẽ tay tôi
Để lại đôi tay bồi hồi tiếc nuối
Cây bớt xanh và người thêm tuổi.

Thời gian hút hồn đeo đuổi
Ả nhân tình hư vô, hư danh
Không đua ganh
Chẳng chờ ai và không dừng lại.

Thời gian xoa nỗi đau vụng dại
Cho sạn chai và vững chãi mỗi người.

                                  Tháng 7-2012
hoangdinhchien48@yahoo.com
READ MORE - THỜI GIAN – thơ Hoàng Đình Chiến

CUỐI CÙNG ... MÌNH LẠI GẶP NHAU - thơ Hoàng Yên Lynh




(* Gần 40 năm thời gian dài thăm thẳm
 với đời người từ cuộc chia ly ở bến cảng Tiên Sa Đà Nẵng.
Rốt cuộc rồi mình cũng gặp lại nhau
 dẫu mỗi người nay đã trời riêng định phận.
Xin được cám ơn đời và cám ơn em...)
HYL.

Cám ơn em
Và  anh cám ơn đời
Bốn mươi năm vẫn có ngày gặp lại ...
Chuyện trong đời
Như chuyện thực trong mơ
Cho đoạn kết bài thơ
Tròn yêu dấu ...

Bốn mươi năm cuộc chia ly vội vã
Em xa rồi theo sóng biển Tiên Sa

Bốn mươi năm đường đời xa ngái
Em lại về
Như thuở em đi
Em lại về
Nhắc lại chuyện phân ly
Và hát lại bài ca thời áo trắng ...

Cám ơn em
Cám ơn đời
Dẫu hai ta không nói nên lời
Bốn mươi năm biết bao điều muốn nói ...
Ừ thôi cạn chén quỳnh tương
"Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng ..." *

Rốt cuộc rồi mình lại gặp nhau
Khi đã chạm tay bến cuối cuộc đời
Khi thời gian chỉ còn thước đo ngắn ngủi
Dẫu hai ta đã xa nhau vời vợi
Một thoáng trong đời cũng ấm lại bờ môi.

Cám ơn đời
Và anh cám ơn em
Hạnh phúc là đây dẫu mai này cách biệt
Nghĩ về nhau trong ân tình tha thiết
Cả một đời ... Cũng đến bến tình yêu ...


* Thơ Nguyễn-Du



HOÀNG YÊN LYNH
BR-VT 14.7.2012
hoangmylinh@live.com
READ MORE - CUỐI CÙNG ... MÌNH LẠI GẶP NHAU - thơ Hoàng Yên Lynh

Monday, October 29, 2012

THƠ THANH TÙNG

Tác giả THANH TÙNG


GIÓ

Chạm làn gió nhẹ thổi qua
Khẻ nâng mái tóc níu tà áo bay
Nhiệm mầu...
                  Không rượu mà say
Chút hương thoang thoảng vơi đầy lung linh
Gió ơi!
          Lành? 
                  Độc?
                         Hữu tình
Ru ta khoáng đạt - Tầm nhìn mênh mông
Như quên cuộc sống xoay vòng
Như xa nhộn nhịp giữa lòng trần gian
Phút giây...
                 Hiếm
                         Quý vô vàn!
Ngỡ đang siêu thoát chẳng màng
                                                  Thực...
                                                         Hư...


NGÀY XƯA

Ngày xưa... chốc đã ... bây giờ
Thời gian lặng lẽ hững hờ ... dần trôi
Ngoái tìm cái thuở xa xôi
Mộng mơ, mơ mộng tiếc thời xưa xa
Vàng son một thuở phôi pha
Giọt chiều thánh thót điểm hoa mái đầu
Cái ngày xưa ấy ... chưa lâu!
Tôi còn ấp ủ ... thoắt đâu? Đâu rồi?
Bàng hoàng trong cõi đơn côi
Giật mình ... thảng thốt ... hay tôi hững hờ
Thả hồn về buổi nguyên sơ
Ngày xưa ơi! Hỡi! ... còn chờ tôi không?


QUÊ

Khói lam ủ mái tranh mờ
Chiếc nong nằm thả mộng chờ ... mông mênh
Trăng vàng chầm chậm nhô lên
Cành tre níu giữ mây bồng bềnh trôi

Quê xưa mái ấm một thời
Bão giông ập xuống - xé đôi bến bờ
Đêm đêm hồn mộng tuổi thơ
Lúc quanh giếng nước - lúc bờ dậu thưa

Nay về tìm lại ta xưa
Tìm con bươm bướm xưa đùa đuổi nhau
Tìm làn gió chở hương cau...
Tìm trong đổ nát chút màu ngày xuân

Hoa trôi bèo dạt giữa chừng
Giọt dài giọt ngắn ngập ngừng chia xa
Bể dâu ta vẫn còn ta
Còn con tim nhớ diết da ... quê nhà.

THANH TÙNG

Hội viên CLB Hàn Giang
Hội viên CLB thơ Thái Phiên
Hội viên Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng

Quê quán: Quảng Nam. Thường trú: Đà Nẵng
ĐT: 0511 3847 042 - 0909 903 114
Email: phammai258@yahoo.com


TÁC PHẨM:
ĐÃ XUẤT BẢN:
- Hương đời - NXB Đà Nẵng -2003
- Cái ngày xưa ấy - NXB Đà Nẵng - 2004
- Thuyền đời - NXB Đà Nẵng - 2006
- Hoa sóng - NXB Đà Nẵng - 2008
- .... quên ta - NXB Quân đội Nhân dân - 2010
SẮP XUẤT BẢN:
- Mãnh hồn tuổi thơ


                                  
READ MORE - THƠ THANH TÙNG

NẾU... - thơ Nguyễn Thị Hoàng Oanh

Tác gỉả NGUYỄN THỊ HOÀNG OANH,
giáo viên tiểu học Hải Hòa, Hải Lăng, Q.Trị


Nếu hoàng hôn…không ánh hồng le lói
Thì mây chiều không có chốn lãng du.
Nếu mùa thu…không có nhiều lá đổ
Thì tình yêu không có chỗ trong thơ.

Nếu một ngày…em đã biết mộng mơ
Biết thương nhớ và vu vơ hờn dỗi,
Trái tim nhỏ đã vô tình phạm lỗi
Đập liên hồi khi nghĩ đến người ta.

Nếu bây giờ…em ở tuổi lên ba,
Chẳng nghĩ suy, chẳng thẹn thùng e ngại
Vô tư nhận từ ai nhành hoa dại
Má chẳng hồng, mắt chẳng phải nhìn nghiêng.

Nếu bây giờ…em có được phép tiên
Em sẽ ước: “Em mãi là cô bé”
Tóc đuôi gà, miệng hồn nhiên hát khẽ
Khúc “Hương thầm” hàng xóm nhớ thương nhau!

NGUYỄN THỊ HOÀNG OANH

-----------------------------------
Võ Văn Hoa gởi đăng
READ MORE - NẾU... - thơ Nguyễn Thị Hoàng Oanh

THƠ LÊ NGỌC PHÁI

Khu đền thờ Nguyễn Trải ở Côn Sơn, Kiếp Bạc

                          


NGUYỄN TRÃI TIÊN SINH*                              

Công thần Nguyễn Trãi bậc tôi hiền
Trung nghĩa phò vua dũng, trí, kiên
Quân sự, ngoại giao tầm kiệt xuất
Thơ văn, chính trị cỡ siêu nhiên
Anh hùng dân tộc nêu gương sáng
Lịch sử danh nhân rạng khí thiêng
Tiếc kẻ tài cao mà phận bạc
Ngậm ngùi oan khuất Lệ Chi Viên!


* Bị tru di tam tộc năm 1442 vì bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua Lê Thái Tông. Năm 1464, Vua Lê Thánh Tông mới giải oan, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm con cháu ông còn sống sót về cấp ruộng đất, cho người  con trai ra làm quan.


Ảnh thờ vua Lê Thánh Tông ở Thái miếu, Lam Kinh


VUA LÊ THÁNH TÔNG
Từ trần ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497). 

Vị vua tài lược của nhà Lê
Xây dựng non sông tốt mọi bề
Kinh tế, quốc phòng đều thịnh đạt
Triều đình, xã hội hết nhiêu khê
Tao Đàn tác phẩm, thơ phong phú
Hồng Đức thước khuôn, luật chỉnh tề
Hủy án minh oan cho Nguyễn Trãi
Đời đời sáng tỏ tựa sao Khuê.    

Lê Ngọc Phái
phaimai@yahoo.com
                                                          
                                                                            
READ MORE - THƠ LÊ NGỌC PHÁI

CHIA BUỒN CÙNG BÁC PHẠM – Thơ họa bài TÌNH EM 1 của bác Phạm Sinh Châu – Nguyễn Thanh Bá sưu tầm



Ngày mồng 2 tết năm Ất Hợi 1995, người vợ thương yêu của bác Phạm Sinh Châu từ trần, niềm thương đau đã thể hiện qua những bài thơ mà bác đã dành hết thời gian để sáng tác và nhớ nhung. Trong năm ấy, bác đã xuất bản tập thơ TÌNH EM  gồm có 15 bài thơ mang tựa đề là TÌNH EM, từ TÌNH EM 1 đến TÌNH EM 15 và những bài họa của các thi hữu khắp nơi gởi về.  Bài TÌNH EM 1 là bài đầu tiên được nhiều thi hữu đáp họa.

Bài xướng:

TÌNH EM 1
Phạm Sinh Châu

Tơ duyên dệt đã bốn lăm năm
Rẽ gió ngàn xa, chín ruột tằm
Giấc mộng kê vàng dòng nước cuốn
Biển tình sóng bạc bến mơ thăm
Nhìn mây phiêu lãng trời cô lữ
Thương bóng chiều buông ngõ vắng tăm
Ngày mới, xuân vui – reo mái ấm
Tình em – khúc nhạc của ngàn năm.

            9-2 Ất Hợi – 1995
   

Bài họa 1 :
HỒN BƯỚM
Tam Thanh

Lương duyên rẽ lối giữa trăm năm
Bạc mệnh xui nên nhộng tách tằm
Một kiếp vườn dâu hồn bướm đợi
Nửa đời khung kén bóng tơ thăm
Vòng quay nhân ảnh đường hư ảo
Giấc điệp ân tình lối biệt tăm
Nguyện ước mai sau chờ cõi hạc
Tơ vàng lụa trắng dệt muôn năm.


Bài họa 2 :
TÌNH EM
Linh Đàn

Mừng đón lần xuân sáu chục năm
Ngờ đâu chị vội hóa thân tằm
Xót tình thân thuộc hằng thương nhớ
Cảm nghĩa bạn bè mãi viếng thăm
Hình ảnh trăm năm ghi dấu tích
Hồng trần đôi ngã biệt mù tăm
Tình anh đã nhập vào tâm thức
Cốt cách thơm hoài giữa tháng năm .

Bài họa 3 :
TÌNH EM
Lộng Chương

Cùng ngắm mai vàng bốn mấy năm
Yêu thương nguyền kết mối tơ tằm
Đôi đường khó rứt bàn tay nắm
Chín suối đành chờ giấc mộng thăm
Mới đó ra vào còn bóng dáng
Bây giò sau trước bặt hơi tăm
Đường trần đâu nữa buồn vui cũ
Ai biết tìm ai giữa tháng năm !

Bài họa 4 :
TÌNH EM
Thương Yến Tử

Từng ngày từng tháng lại từng năm
Dõi mắt thời gian thắt ruột tằm
Lối mộng chưa tròn hương gió thoảng
Nghĩa tình giờ vắng dấu chân thăm
Người thương hôm ấy đành đơn bóng
Vườn hạnh bây chừ đã biệt tăm
Nhật ký vẫn xanh màu dĩ vãng
Tình còn đẹp mãi tới nghìn năm .

Bài họa 5 :
TÌNH EM 
Nguyễn Thanh Bá

Từ độ ra đi sầu tháng năm
Đau thương ray rứt ruột tơ tằm
Canh thâu thao thức hằng mong đợi
Chiều xế tương tư ước muốn thăm
Lối cũ lần phai mờ bóng dáng
Đường xưa đã vắng ngắt hơi tăm
Trải lòng gởi gió bay trăm ngã
Với chút hương tình lạc tháng năm .

Bài họa 6 :
TÌNH EM
Phạm Phú

Người vừa mới đó đã ngàn năm
Thắt ruột vò tơ một kiếp tằm
Nắm đất nằm yên dòng lệ ứa
Dấu chân bước động cỏ đường thăm
Vườn sau ngóng mãi mờ xa bóng
Ngõ trước trông hoài vẫn biệt tăm
Nửa mảnh trăng vàng soi nỗi nhớ
Nỗi buồn vắng vẻ cứ quanh năm .

Bài họa 7 :
TÌNH EM
Vĩnh Hoàng

Từ dạo em đi chửa trọn năm
Vườn xưa vàng võ ngọn dâu tằm
Xếp tàn áo mỏng dìu hương thoảng
Mơ dáng em về vẫy lối thăm
Giấc mộng kê vàng tình đẹp quá
Trở mình tỉnh giấc bóng mù tăm
Em ơi ! Mỗi lúc về trong mộng
Hoa nở lòng anh giữa thánh năm .

Bài họa 8 :
VE SẦU HẠ
Lương Túy Vân

Thầm tiếc thương ai đếm tháng năm
Vấn vương câu chuyện kiếp tơ tàm
Người đi cánh hạc thuyền đưa tiễn
Ta ở chim lồng ai ghé thăm
Có có không không nòi lý lẽ
Hình hình bóng bóng cõi mù tăm
Đau lòng cứ khóc tình sương lệ
Khô xác ve sầu – hạ mỗi năm .

Bài họa 9 :
TÌNH EM
Vân Nguyên

Châu trần duyên nợ đã bao năm
Một giấc cô miên xót dạ tằm
Khối nhạc cầu hoàng dường ngát mộng
Vần thơ thiên cổ lối mờ tăm
Khói chiều viễn phố chim vờn ngóng
Sương sớm cô hương cá giỡn tăm
Bạc tóc , tình em còn luyến nhớ .
Lòng đau – ngâm ngấm cả trăm năm

Bài họa 10 :  
TÌNH EM
Dzuy Hữu Văn

Ý hiệp tâm đầu bao tháng năm
Mà nay ngăn cách nợ tơ tằm
Trùng trùng cõi biệt tìm đâu thấy
Thăm thẳm thuyền mơ ghé bến thăm
Giấc mộng chập chờn quờ gối lẻ
Vần thơ lơi lã  giải nguồn tăm
Qua rồi cái thuở xuân xanh ấy
Thương mến trọn đời chuyện tháng năm .          

Bài họa 11 :
TÌNH EM 
Nguyễn Thanh Bá

Xa nhau rồi khổ lụy bao năm
Khốn dứt dây tơ một kiếp tằm
Tối tối ước ao thương với nhớ
Ngày ngày mơ tưởng viếng cùng thăm
Người say ngõ mới đời hương thắm
Ta lịm đường xưa cảnh vắng tăm
Tàn rụi tơ tình trong mộng ảo
Nghe lòng rạn nứt chuyện trăm năm .

Bài họa 12 : 
TÌNH EM
Nguyễn Thanh Bá

Cách biệt nhau chừ đã nửa năm
Lòng đau vương vấn rối tơ tằm
Bâng khuâng đêm nhớ hằng mong gặp
Rạo rực ngày thương ước muốn thăm
Mộng thả lưng trời e bắt bóng
Đời chìm đáy vực phải mò tăm
Công danh sự nghiệp tay hoàn trắng
Tình cũ xa vời với tháng năm .

  Người sưu tầm Nguyễn Thanh Bá

READ MORE - CHIA BUỒN CÙNG BÁC PHẠM – Thơ họa bài TÌNH EM 1 của bác Phạm Sinh Châu – Nguyễn Thanh Bá sưu tầm

Sunday, October 28, 2012

CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT: VÀI SUY NGHĨ TỪ CHUYỆN I HAY Y - Trần hữu Thuần

Tác giả TRẦN HỮU THUẦN

  1. Nhận định tổng quát:
Thỉnh thoảng, lại có người bàn thảo về việc phải viết tiếng Việt thế nào, với I hoặc với Y. Các giáo sư, các học giả, các nhà chuyên môn, và các người không chuyên môn đều đưa ra ý kiến của mình.

Chuyên môn như Từ điển bách khoa toàn thư phổ biến trên mạng (http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/) trong bài Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài đưa ra đơn giản như sau:

Dùng i thay cho y ở cuối âm tiết mở. Ví dụ: hi sinh, hi vọng, biệt li. Trừ trong các âm tiết uy và các trường hợp sau qu hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết. Ví dụ: ý nghĩa, ý chí, yêu mến.


Một số từ có i làm thành tố thì vẫn viết theo thói quen: ỉ eo, ầm ĩ; hoặc i đứng đầu một số âm tiết: in, im, inh, ít ỏi, ụt  ịt, ỉu xìu.

Ngoại lệ: trong cách viết tên riêng (tên người, tên đất), tên các triều đại đã quen dùng y thì vẫn viết theo truyền thống. Ví dụ: triều Lý, Lý Bôn, Lý Thường Kiệt, xã Lý Nhân, Nguyễn Thị Lý, vv.
Trong tập san Ðịnh Hướng 21 (1998), đăng lại trên dunglac.org (http://www. dunglac.org/index.php tác giả Đoàn Xuân Kiên viết bài Chữ I và Y trong chính tả tiếng Việt và bài Nói thêm về chữ I và Y trong chính tả tiếng Việt, sau khi đã phân tích quá trình hình thành cách kí âm tiếng Việt xưa và nay, công nhận quyết định trên đây là hữu lí khi ông viết:


Sau 1975, một công trình làm từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ chủ quản đã tạo một bước tiến rõ rệt về các mặt của phương pháp từ điển ngôn ngữ: số lượng các mục từ và các từ  và ngữ phái sinh, cách định nghĩa, chú thích, thí dụ. Về mặt chính tả thì ban chủ  biên nêu rõ là họ theo đúng các Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa, được ban hành theo Quyết định số 240/QРNgày 5.3.1984 của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục. Nguyên âm i cuối âm tiết được viết thống nhất bằng -I (viết hi, ki, li, mi, ti, thay cho hy, ky, ly, my, ty), trừ -uy (/ -wi /) vẫn viết -uy ( luy, tuy...) để giữ sự thống nhất với với uyên, uyết, uyt. Trong tình trạng chính tả tiếng Việt hiện nay thì đây là một bước cải tiến hợp lí, nên tránh được tối đa những bất nhất về phương pháp chính tả. Vì đây chính là nguyên tắc (a) trong chính tả của chữ i và y mà đã từ quá lâu phải chịu những xáo trộn do ảnh hưởng của những pho từ điển soạn rải rác từ sau de Rhodes.

Tác giả Trần Vinh trong bài Viết I hay Y: Chia sẻ với Lm. Nguyễn Ngọc Huỳnh phổ biến trên dunglac.org http:// www. dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=1652 cũng nhận định tương tự: 

Tới đây, mong rằng tác giả Quốc Thái và quý độc giả hiểu việc viết I hay Y không phải là vấn đề chính trị, cũng không phải là chuyện lố lăng hay lập dị, mà là chuyện ngữ học, chuyện thống nhất chính tả Việt ngữ. Muốn thống nhất thì phải dựa trên những nguyên tắc hợp lí, phải được Quốc hội chấp thuận và chính phủ ban hành thành luật. Lúc đó mới có thể bắt buộc mọi công dân phải tuân thủ một cách viết chính tả duy nhất đúng.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Đức Dân trong bài Viết i hay viết y? phổ biến trên mạng Saigon TT (xin lỗi người đọc, tôi vẫn giữ nguyên vì không biết hai chữ TT đứng thay cho từ nào), thứ ba 11/1/2011, (http://vn.news.yahoo.com/sgtt/20110111/tsc-viet-i-hay-viet-y-5548442.html) lại cho rằng chính phủ Việt Nam đương thời bỏ qua không xét đến thành tố thẩm mĩ trong quyết định. Giáo sư viết: 


Quy định trên không chú ý tới một quy tắc bất thành văn về tính thẩm mỹ trong chữ quốc ngữ: hình chữ phải đẹp, nghĩa là có sự cân đối về độ cao giữa các con chữ trong từ ngữ.

Sau đó, giáo sư đưa các dẫn chứng thế nào là viết Y vì thẩm mĩ. Cuối cùng, giáo sư kết luận bài viết bằng cách cho rằng “có những thói quen ngôn ngữ không tìm được lý lẽ” để đề nghị:


Trong tiếng Việt có những biến thể trong cách viết i/y. Một từ mĩ là đẹp, mọi người quen viết nước Mỹ, châu Mỹ nhưng lại viết mĩ  mãn. Những biến thể như vậy gặp rất nhiều. Điều đó là bình thường, không có gì  đáng tranh cãi.

Tóm lại: Cách viết i/y trong quy định của bộ Giáo dục không phù hợp với tâm lý người Việt và  thực tế tiếng Việt nên chúng ta thường “vượt rào” hoặc mắc lỗi trước quy định này. Nên chấp nhận những biến thể trong cách viết i/y. 


Trong hai bài trích dẫn trước, tác giả Đoàn Xuân Kiên có thêm nhận xét rằng Giáo sư Lê Ngọc Trụ đã không có chủ định rõ rệt về khi nào viết I khi nào viết Y:

Có thể nói là về mặt chính tả  chữ i và y thì Lê Ngọc Trụ không phân minh nên đã tự mâu thuẫn với chính mình: cùng một khuôn âm mà ông viết hai cách khác nhau: lý, vĩ ; thậm chí cùng một chữ hán việt (sic) chỉ cái mũi, ông viết tỵ (tr. V) và tị (tr. XIX).

Giáo sư Lê Ngọc Trụ trong bài nghiên cứu Hệ thống tiếng Việt và nguyên tắc chính tả, đăng lại trên Việt Nam thư quán (http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=409301) cũng không thấy đề cập đến qui định về chữ I  Y.

Ở đây, chúng tôi không chủ định nhận xét phải trái các ý kiến nêu trên của các giáo sư và các tác giả, cũng như vấn đề chính trị hay không chính trị, vấn đề công nhận hay không công nhận một quyết định  “phải được [Quốc hội] chấp thuận và chính phủ ban hành thành luật” như nhận xét của tác giả Trần Vinh. Chúng tôi, một người không chuyên môn và không kiến thức dù là cơ bản về ngôn ngữ học, chỉ xin lạm bàn một vài suy tư riêng tư. Khi đi vào một lãnh vực không phải chuyên môn của bản thân, chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi các điều thô thiển. Tuy vậy, cũng xin được phép lấy hết can đảm để lạm bàn, để nói lên được suy tư của bản thân.

  1. Kí âm ngôn ngữ: 
Chúng tôi cho rằng, chữ viết là kí hiệu qui ước để kí âm một tiếng nói, một ngôn ngữ. Các chữ tượng hình (hyeroglyphic) hoặc kí tự kiểu chữ Hán, chữ Nôm, chữ Nhật, chữ Đại hàn đều chỉ là các kí hiệu qui ước để theo đó khi đọc ngược trở lại, chúng sẽ phát ra âm thanh của một tiếng nói. Chúng ta may mắn có được lối kí âm theo kí hiệu gọi là mẫu tự Latin, và ai cũng đã biết kí âm này do các nhà truyền giáo ngoại quốc sử dụng các mẫu tự đã có, noi theo các cách kí âm trong các ngôn ngữ họ đã biết đến như tiếng Latin, tiếng Tây ban nha, tiếng Bổ đào nha, tiếng Ý, tiếng Pháp vv. rồi áp dụng vào cho tiếng Việt. Việc noi theo này để lại một vài dấu ấn, và thành thói quen, nhiều khi gây khó khăn rất nhiều cho người mới học đọc học viết học ráp vần, nhất là các em bé. Ai trong chúng ta khi học đọc, học ráp vần không gặp khó khăn khi ráp cờ-a-ca-sắc-cá nhưng không thể ráp cờ-e-ke-sắc-ké mà phải ráp với chữ K? Nhưng đã thành một thói quen nên nếu có ai đưa ra đề nghị sửa đổi, phản ứng sẽ rất mạnh mẽ.

Xin đan cử vài nhận xét: Cái cây và cái ke. Xin quí vị nhắm mắt lại, và đọc lên cây  ke để nghe hai âm đầu của hai từ này có gì khác biệt nhau chăng? Chúng tôi cho là không. Thế nhưng, mở mắt ra, chúng ta có hai cách kí âm khác nhau, nghĩa là hai kí hiệu qui ước khác nhau, để kí lại cùng một âm thanh. Thử đi xa hơn một chút, loại kí âm dùng cho âm thanh nhiều nhất chính là âm nhạc. Chẳng thể nào trong âm nhạc dùng hai loại kí hiệu qui ước khác nhau để kí lại cùng một âm thanh. Nốt do cao với khóa Sol trên dòng nhạc năm đường kẻ chỉ có thể kí vào giữa hai đường kẻ thứ tư và thứ năm từ dưới lên trên bằng một chấm lớn tô kín hoặc để trống bên trong, không thể có một qui ước thứ hai cho loại dòng nhạc này. Thế tại sao chúng ta lại có hai qui ước cho cùng một âm trong trường hợp này của tiếng Việt chúng ta?

Một lí giải là vì khi các nhà truyền giáo ngoại quốc kí âm ngôn ngữ Việt, một số  trong các vị đó đã quen thuộc với qui ước của tiếng Pháp. Kí hiệu C khi đi với kí hiệu E trong tiếng Pháp được qui ước không thể phát âm là KE mà là . Chữ C không còn âm cứng mà thành âm mềm. Cũng cặp kí hiệu CE trong qui ước tiếng Latin thì lại phải đọc như âm được kí bằng chữ S của tiếng Việt với cách đọc miền Trung, không phải miền Bắc hoặc miền Nam, ví như, benedicere đọc theo âm tiếng Việt là bê nê đi  rê. Vì vậy không thể kí âm là “cáice, mà phải là “cái ke” để tránh đọc nhầm CE thành  hoặc sê. Nếu ce là không được, tại sao co lại được? Hai âm có khác gì nhau đâu? Đó chỉ là một ví dụ. Còn biết bao nhiêu ví dụ khác có thể nêu lên như vậy.

Cùng một áp dụng, khi kí âm từ ngữ  mà hiện giờ ta đọc là qua, các vị đó đã bê ngay tiếng Latin qua vào, trong khi cùng một âm, người Trung hoa chẳng hạn lại kí bằng kwa. Tiếng Latin, và từ đó tiếng Tây ban nha, tiếng Bồ đào nha, tiếng Ý đọc rất gần với tiếng Việt. Giả dụ chúng ta chưa từng học tiếng Latin, nhưng biết rằng kí hiệu tiếng Latin đọc gần tiếng Việt, chúng ta có thể đọc ngày từ vitare thành giống tiếng Việt vi ta re, chỉ khác là âm e tiếng Latin đọc là ê tiếng Việt. Cũng vậy với tiếng Tây ban nha vitado, chỉ khác âm o đọc thành ô tiếng Việt. Giả sử, thay vì kí âm qua, các vị sáng lập đã kí âm là kwa thì có phải chúng ta đã có một hệ thống phụ âm đầu cứng với ka, ke, kê, ki, ko, kô, kơ, ku, kư rồi kwa, kwe, kwê, kwi, kwơ không?

Ngay lúc ban đầu, các nhà truyền giáo cũng đã lúng túng trong việc đem qui ước nước ngoài áp dụng vào cho tiếng chúng ta như vậy. Từ cùng (Ta cầu cùng), câu đầu trong Phép giảng tám ngày của Cha Alexandre de Rhodes, một trong các vị truyền giáo được ghi công nhiều nhất cho việc kí âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin mà ta gọi là Chữ Quốc ngữ, đã được kí âm là , có lẽ sử dụng kí hiệu như là dấu ngã để chỉ phụ âm kép NG theo kiểu tiếng Tây ban nha Bồ đào nha chăng? Chúng tôi nói theo kiểu, vì dấu ngã này trong tiếng Tây ban nha đặt trên phụ âm n để đọc thành NH, ví dụ mañana đọc theo tiếng Việt là ma nha na nghĩa là ngày mai.

Điểm nhận xét này muốn nói rằng, từ ban đầu, các vị tạo ra kí âm tiếng Việt đã đem các kí hiệu qui ước của các ngôn ngữ khác vào thành kí hiệu qui ước để kí âm ngôn ngữ Việt.Từ đó suy ra, việc kí âm tiếng Việt ngay từ ban đầu không phải là một qui luật kí âm từ cách phát âm tiếng Việt mà có. Xin được nói rõ, chúng tôi hoàn toàn không có ý nói rằng các vị sáng lập ra cách kí âm tiếng Việt đã không sáng tạo. Các vị đó rất sáng tạo khi áp dụng các cách kí âm khác nhau vào tiếng Việt, và tạo ra các kí hiệu mới khi không có, ví dụ chữ Ơ, Ư.  Đặc điểm của tiếng Việt chúng ta là có nhiều thanh khác nhau đi với một âm để tạo ra một âm mới. Các vị đó đã sử dụng các kí hiệu dấu có sẵn nhưng cho chúng các qui ước mới dùng vào tiếng Việt. Ba kí hiệu huyền, sắc, và  đã có trong tiếng Pháp, dấu ngã trong tiếng Tây ban nha, nhưng tất cả được dùng với qui ước khác. Dấu hỏi trong các ngôn ngữ khác, được sử dụng trong tiếng Việt với qui ước vốn có khi ở cuối câu để chỉ một câu hỏi, câu tra vấn (khi đọc phải nâng giọng lên), và đồng thời sáng tạo khi đưa dấu đó lên trên nguyên âm với một qui ước mới nhưng cũng tương tự trong cách đọc là nâng giọng từ dưới lên trên. Riêng dấu nặng, chúng tôi cho là một sáng tạo hoàn toàn mới vì chưa thấy có trong ngôn ngữ nào khác chúng tôi biết đến. 

Cách kí âm ngôn ngữ biến chuyển theo thời gian. Trong kí hiệu tiếng Trung hoa, lịch sử cho chúng ta biết Tần Thủy Hoàng dù là một bạo chúa nhưng đã có công ổn định các kí hiệu qui ước kí âm tiếng Trung quốc. Điều đó nói lên rằng, trước nhà Tần, đã có các cách kí hiệu khác nhau. Thời đại này, Mao Trạch Đông cũng đã thành công trong việc làm cho đơn giản các kí hiệu qui ước đó.

Tiếng Anh, nếu chúng ta đọc một bản văn kí âm kí hiệu qui ước cũ, ví dụ kịch của Shakespeare, và hoàn toàn không biết đến các qui ước đó, chúng ta chắc chắn không đọc được. Chúng tôi nhớ thời còn đi học đã vất vả thế nào khi đến bài tập chuyển kí hiệu qui ước này, mà chúng tôi gọi là dịch thành chữ mới. Nhận xét này để nói lên rằng, kí hiệu qui ước của một ngôn ngữ không phải là cố định. Chúng ta đang thấy biến chuyển đó trong tiếng Anh tại Mĩ, mặc dù chưa thành qui luật và chỉ để gây chú ý mà thôi. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp kí hiệu gud nite thay cho good night và rõ ràng kí hiệu mới dễ đọc hơn kí hiệu cũ vì thấy sao biết vậy (What you see [is] what you get-WYSWYG). Cứ nhìn các em mới học đọc viết tiếng Anh tại Mĩ bằng cách sử dụng phonetic (đọc theo phát âm, như chúng ta ráp vần tiếng Việt). Các em viết tiếng Anh y như các em nghe, ví dụ couch thì các em viết kouch, door thành dor, thậm chí nhiều lúc không cần nguyên âm vì phonetic các em kí âm nếu phát âm ngược lại đã thành tiếng các em nghe được. Nói cho đúng, việc cải tổ cách viết tiếng Anh cũng đã được đưa ra đâu đó bên châu Âu, nhưng không đạt kết quả vì bị phản đối. Ai nói chừng vài thế hệ nữa, khi các em lớn lên qua phonetic này làm chủ nước Mĩ, nhớ lại khó khăn lúc còn bé, lại không có người chủ trương viết tiếng Anh-Mĩ bằng WYSWYG?

  1. Qui ước cách kí âm: 
Các học giả khi bàn đến vấn đề N  NG, CH  TR vv. và dấu hỏi ngã trong tiếng Việt đọc các từ Hán Việt, thường trưng dẫn vì đó là các từ Hán Việt nên chiếu theo qui định của các tiêu chuẩn đọc tiếng Trung quốc, trưng dẫn luật thanh trọc của tiếng Hoa, từ điển Khang Hi, Thiều Chửu vv. để qui ra một cách đọc cho là đúng mà tiếng Việt phải theo. Thậm chí, chúng tôi cũng đọc được đâu đó viện dẫn nguồn gốc tiếng Trung quốc để qui định cho cách viết I  Y, với nhận xét ví dụ phải viết li (khai) vì từ này là Hán Việt, còn ly (cái ly uống nước) vì là từ thuần Việt. Chúng tôi thực lòng không hiểu được tại sao lại có qui định như vậy, do một qui ước nào mà có. Chúng tôi cho rằng, như trên đã thảo luận, kí âm là kí hiệu qui ước ghi lại âm thanh của một tiếng nói. Do đó, chúng ta chỉ căn cứ vào phát âm của tiếng nói đó để ghi lại thành kí hiệu và qui ước cho kí hiệu đó một ý nghĩa. Các kí hiệu này phải như thế nào để khi phát âm ngược lại sẽ phát ra âm thanh của tiếng nói đó. Giả dụ chúng ta đến một vùng xa lạ, phải học nói ngôn ngữ xa lạ đó. Nếu họ đã có kí hiệu qui ước, chúng ta sẽ phải học các kí hiệu đó để đọc viết ngôn ngữ của họ. Nếu họ chưa có, chúng ta sẽ  âm tiếng nói của họ bằng các qui ước hoặc của ngôn ngữ của chính chúng ta, hoặc ngôn ngữ nào khác chúng ta biết nếu chính ngôn ngữ của chúng ta không có. Chúng tôi nhớ lúc còn bé học tiếng Anh, vì không thể có qui ước tương đương trong tiếng Việt để kí âm âm TH của mạo từ the, chúng tôi phải tự đặt cho nó một kí hiệu riêng. Không biết người Nhật và người Đại hàn, khi kí âm cách họ đọc các từ Trung quốc có phải suy tính xem người Trung quốc phát âm từ ngữ đó như thế nào để định đoạt cách đọc và việc kí âm hay không. Tiếng Việt chúng ta mượn các từ Trung quốc mà chúng ta thiếu, nhất là thời trước khi nền văn minh của chúng ta còn lệ thuộc quá nhiều vào nền văn minh Trung quốc, và vào đầu thời kì khi chữ quốc ngữ mới hình thành. Chúng ta mượn tiếng Trung hoa nhưng đọc theo cách của chúng ta mà tôi nghĩ nhiều lúc chẳng chút liên hệ nào đến cách phát âm của người Trung quốc, cả âm cả thanh của từ ngữ đó. Một ví dụ có thể đan cử là cụm từ đa tạ. Chúng ta phát âm đa tạ (một bằng một trắc), trong khi người Trung quốc đọc theo giọng Bắc Kinh (quan thoại) là toa xê (cả hai đều bằng). Người Trung quốc nghe chúng ta nói đa tạ, chẳng hiểu chúng ta nói gì, còn chúng ta nghe họ nói toa xê cũng chẳng hiểu, mà còn nghe như họ nói đến toa xe!

Theo thiển ý của chúng tôi, việc chúng ta mượn các từ Trung hoa rồi đọc theo cách đọc của chúng ta, và việc các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, tiếng Tây ban nha vv. vay mượn các từ ngữ Latin và Hilạp hoàn toàn khác nhau trong cách đọc và chính tả. Các ngôn ngữ châu Âu khi vay mượn vẫn giữ lại nhiều phần chính tả của từ gốc vì họ chỉ đọc trại từ gốc chút ít. Họ vẫn giữ kí hiệu qui ước của từ gốc. Ví dụ, từ orchestra (Anh) hoặc orchestre (Pháp) vay mượn từ từ orchēstrā (Hilạp) nên vẫn giữ nguyên từ gốc và phụ âm kép CH vẫn phải đọc với âm K, không đọc theo qui ước của tiếng Pháp chẳng hạn, CH đọc thành âm S tiếng Việt. Lí do là cách kí âm và cách đọc của các ngôn ngữ châu Âu đó nhiều phần giống nhau và nhiều phần giống với ngôn ngữ gốc mà họ vay mượn. Họ không đọc từ orchestra ví dụ trên thành cái gì nghe như “ốc kiệt ta rả,” nói ví dụ. Chúng ta không như vậy. Trung quốc ngày trước vay mượn từ inspiration từ tiếng Anh tiếng Pháp rồi kí âm thế nào đó để chúng ta đọc cụm từ kí âm tiếng Trung quốc đó theo tiếng Hán Việt là yên sĩ phi lí thuần. Cụm từ này được dùng làm định nghĩa cho từ inspiration có ghi trong từ điển tiếng Việt ban đầu! Cả Tây cả Tàu khi nghe người Việt đọc như vậy chắc ngẩn người ra không biết chúng ta người đang nói gì! Chúng ta đọc từ Trung quốc theo âm  thanh hoàn toàn riêng của chúng ta. Không riêng tiếng Trung quốc, các tiếng khác được chúng ta vay mượn nhiều khi cũng như vậy. Ví dụ, từ gendarme (Pháp) được chúng ta vay và đọc là sen đầm, thì nếu truy nguyên từ gốc để viết chính tả, chúng ta sẽ phải truy nguyên làm sao? Tại sao lại kí âm bằng chữ S (sen) trong khi trừ vùng Bình Trị, đâu đâu cũng đọc là xen đầm phải kí âm bằng chữ X. Cũng vậy, trong các từ điển thuở tiếng Việt phôi thai, từ ngữ tiếng Latin episcopus được vay mượn và kí âm thành vít vồ để chỉ vị giáo sĩ đứng đầu một giáo phận của Giáo hội Công giáo mà ngày nay gọi là vị giám mục. Như thế cho thấy cách đọc từ Hán Việt của chúng ta không noi theo cách đọc của người Trung quốc khi họ đọc tiếng của họ. Nếu nhận xét này là đúng, thì tại sao chúng ta phải quay lại tìm hiểu cách đọc của người Trung quốc để định rằng từ Hán Việt này phải viết bằng TR, từ kia CH, từ này dấu hỏi, từ kia dấu ngã, hoặc phải đọc thế này thế nọ mới đúng?

Chúng tôi cho rằng, việc qui định cách phát âm tiêu chuẩn cho tiếng chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta công nhận cách phát âm nào trong đất nước chúng ta là đúng nhất, theo qui ước  thỏa thuận. Đất nước chúng ta có ba miền nam trung bắc với ba cách phát âm khác nhau nhưng tương đối chung cho mỗi miền vì trong mỗi miền lại có nhiều phụ miền khác mà cách phát âm biến đổi nhiều ít. Cách phát âm đó là tiếng nước ta, bất kể gốc gác từ đâu chúng ta đã vay mượn. Tại sao chúng ta lại phải đi tìm một cách phát âm nào đó để bảo rằng đó mới là cách phát âm chuẩn cho tiếng Việt chúng ta? Người Tàu người Tây phát âm tiếng nói của họ, có phát âm thành tiếng Việt cho chúng ta đâu, dù chúng ta vay mượn tiếng của họ? Chúng ta nói tiếng Việt của chúng ta và phát âm như thế đó, sao lại gọi là không chuẩn cho chính chúng ta? Dù có qui ước này nọ được đưa ra, thì cũng chỉ là qui ước cho các văn kiện chính thức (học đường, hành chánh), còn địa phương vẫn phát âm tiếng Việt theo cách phát âm của riêng địa phương đó mà chẳng cần tra cứu Tàu Tây nào cả. Giả sử chúng ta không có được cái may mắn kí âm bằng mẫu tự Latin như hiện nay, và vẫn phải kí âm bằng các kí hiệu gọi là chữ Nôm, Truyện Kiều sẽ mở đầu bằng các kí hiệu chữ Nôm thế nào đó để người Miền Bắc sẽ đọc là Chăm năm trong cõi người ta, còn Miền Trung Quảng Bình Quảng Trị sẽ đọc Trăm năm trong cọi người ta, Thừa Thiên đọc Trăm năm trong coại người ta, Quảng Nam Quảng Ngãi đọc Trem nem trong coãi người toa. Và ai bảo tất cả cách phát âm khác nhau đó không phải là tiếng Việt? Và lúc đó cũng chẳng có vấn đề tranh cãi về chính tả, vì kí hiệu Nôm đọc cách nào cũng được. Có tranh cãi chăng là tranh cãi kí hiệu Nôm nào được qui ước là chuẩn nhất để mọi người kí âm theo.

Nói thì nói cho cùng lí lẽ nhưng chắc cũng không còn nhiều từ phải san định cách phát âm để từ đó qui định kí hiệu chính tả vì đã có nhiều từ ngữ đã được đọc cách này cách khác thành thói quen rồi. Một vài ví dụ về các từ còn có thể tranh cãi:  chia xẻ hay chia sẻ; xử dụng hay sử dụng? Trước kia vẫn viết với xẻ  xử, rồi đùng một cái có qui định khác. Tại sao lại phải qui định khác khi khắp nơi đều đọc là xẻ  xử ngay cả vùng Bình Trị? Xán lạn hay sán lạn? Hình như qui định là xán vì từ điển Trung quốc ghi là phải đọc như thế!

 4. Viết I hay Y:


Chúng tôi cho rằng không có cách đọc I  Y phân biệt khác nhau trong tiếng Việt. Cả hai chữ khi được dùng như nguyên âm đều được phát âm thành I nghe như nhau. Cách đọc I ngắn hơn Y có thể có trong ngôn ngữ khác, nhưng không áp dụng cho ngôn ngữ của chúng ta. Khi được dùng như nguyên âm kép thì Y lại không còn giữ âm I nữa mà đi với nguyên âm cùng đi với nó tạo thành một âm hoàn toàn khác biệt. Đây là một qui ước về cách phát âm một tập hợp kí hiệu, hoặc cách phát âm liền mạch hai nguyên âm đi với nhau trước sau, thay vì sáng tạo ra một kí hiệu khác. Nếu I  Y khi dùng làm nguyên âm đều phát âm là I, thì tại sao phải rườm rà khi I khi Y để không tạo ra một cái gì hơn lên ngoại trừ gây thêm bối rối?

Do đó, chúng tôi xin mạn phép nói là sau một thời gian viết lách với chữ I  Y  theo thói quen thông thường và theo các từ điển có thể có được, bản thân chúng tôi tự cho phép mình viết tiếng Việt với I (i ngắn) ngoại trừ các trường hợp sau đây:

- Viết Y khi đi với một nguyên âm khác để làm thành  nguyên âm kép (tác giả Đoàn Xuân Kiên gọi là tổ hợp nguyên âm) tạo ra một âm khác ví như AY, OAY, UY. Điều nàychúng tôi cho là hiển nhiên vì chữ Y trong trường hợp này không còn giữ âm I nữa mà tạo ra một âm hoàn toàn khác. Nếu không dùng kí hiệu Y thì chắc chắn sẽ tạo ra một âm không đúng với âm mà từ ngữ đó chuyên chở, ví dụ lay và lai; loay và loai; thụy và thụi. Điều này cũng đúng với các ngôn ngữ khác sử dụng chữ Y khi không xem Y là một nguyên âm phát âm thành I hoặc thành âm nào khác, ví dụ AI trong tiếng Anh (try), mà xem như một thành tố làm thành nguyên âm kép, ví như trong từ day tiếng Anh, hoặc xem là một phụ âm như trong từ Yamaha kí âm tiếng Nhật, hoặc Yankee tiếng Anh. Trong trường hợp sau, phụ âm Y sẽ đọc nghe như phụ âm kép GI của tiếng Việt trong từ giờ.

- Viết I (i ngắn) khi đi với QU vì chúng tôi nghĩ rằng I trong trường hợp này vẫn giữ âm I mà không làm thành một âm nào khác. Không thể có lầm lẫn nào xẩy ra khi viết qu với I(i ngắn) mà không viết với Y (i dài). Chúng ta không thể viết qui để đọc cách nào khác biệt với quy, và cũng không thể lầm lẫn giữa qui với cui.

Riêng âm ghép (U)IT khi đi với QU, chúng tôi nghĩ vẫn viết với I (i ngắn), ví dụ quấn quít chứ không viết với Y như qui định (trường hợp theo sau QU) trong Bách khoa toàn thư đã trích dẫn ngay từ đầu bài. Cũng xin nói thêm, hình như chưa từng thấy ai viết quấn quýt, hoặc quả quýt với chữ Y (i dài) để theo đúng qui luật qui định trong Bách khoa toàn thư. Trong hai cuốn từ điển cùng do Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia—Viện Ngôn ngữ học xuất bản, Từ điển Việt Anh viết (quả) quýt, Từ điển Anh Việt thì viết (quả)quít!

Viết Y khi đi một mình hoặc đứng đầu từ ví như Y, Ý, Yên. Ở đây chúng tôi xin đồng ý với GS. TS. Nguyễn Đức Dân về lí do hoàn toàn thẩm mĩ hoặc thói quen, nhìn quen mắt. Viết đồng ý hay đồng í, iên hay yên, thì khi đọc lên chẳng có gì khác biệt, nhưng chỉ thấy không đẹp mắt, hoặc đúng hơn nhìn không quen mắt mà thôi. Tự nó, lí do thẩm mĩhình như không phải là thành tố quyết định mà chính là vì lí do thói quen, nhìn quen mắt, như đề cập trong Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoàitrích dẫn trước. Chúng ta vẫn thấy các từ với âm I đứng một mình hoặc đứng đầu từ vẫn viết với I (i ngắn) ví như ỉ ôi, ầm ỉ, như im lặng, inh ít vv. Vì đã quen mắt nên chẳng ai cảm thấy khó chịu, hoặc cho là trái qui tắc. Ngược lại là khác, chúng ta sẽ khó chịu ngay nếu các từ vừa kể được viết bằng chữ Y (i dài).

Cũng như thế, với nguyên âm ghép UYCH, UYÊN, UYẾT, UYNH, UYT, chỉ vì lí do thẩm mĩ hoặc thói quen, nhìn quen mắt.

  1. Ý kiến đề nghị: 
Theo thiển ý của chúng tôi, quyết định về chính tả của một tiếng nói không thể  là một quyết định đơn thuần hành chánh được chính phủ, quốc hội, hay bộ, ủy ban, cơ quan, nào ban hành như ban 
hành một đạo luật, một sắc luật, như tác giả Đoàn Xuân Kiên đã viết trích dẫn trước, xin được dẫn lại: 
Về mặt chính tả thì ban chủ biên nêu rõ là họ theo đúng các Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa, được ban hành theo Quyết  định số 240/QРNgày 5.3.1984 của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, hoặc như tác giả Trần Vinh viết cũng đã được trích dẫn bên trên. Các cơ quan hành chánh, dù đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nếu có ban hành một quyết định cũng chỉ có tính cách thừa nhận một quyết định đã do ai khác, nơi nào khác đưa ra. Ai khác, nơi nào khác ở đây cũng không thể chỉ là một số người được các cơ quan hành chánh ban cho quyền đưa ra quyết định. Qui ước cho kí hiệu gọi là chính tả để kí âm một ngôn ngữ không thể là một “luật bắt buộc mọi công dân phải tuân theo” như tác giả Trần Vinh viết. Luật tư pháp nếu không tuân theo sẽ bị trừng phạt, còn qui luật chính tả, nếu có người công dân không tuân theo thì sao? Bị bỏ tù chăng? Có phải công dân nào cũng là học sinh đi thi để bị người buộc người khác thi hành luật (law enforcer) đánh rớt vì phạm “trường qui.”

 Chúng tôi nghĩ rằng, quyết định này phải do nghiên cứu và đề nghị của các học giả, các nhân vật nhìn xa trông rộng quan tâm đến chính tả tiếng Việt, hay nói cách khác quan tâm đến việc đưa ra các kí hiệu qui ước để kí âm tiếng Việt cách nào cho đúng và thuận tiện. Các học giả, các nhân vật này không chỉ giới hạn trong một tổ chức, một cơ quan, một nhóm người được chỉ định mà phải thoáng rộng đều khắp. Căn cứ vào đâu? Trước hết vào chính cách phát âm tiếng Việt của người Việt qua các miền, các vùng, để rút ra một cách phát âm gọi là tiêu chuẩn. Chúng ta không thể căn cứ vào một cách phát âm nào đó, dù đó là phát âm qui ước rút ra từ qui ước của một ngôn ngữ nào khác, ví dụ như tiếng Trung quốc hoặc tiếng Pháp hay tiếng Anh, để qui định rằng đó là cách phát âm đúng cho chúng ta. Đúng nghĩa là gì? Có phải là được nhiều người chấp nhận không? Thế cách phát âm của một miền nhiều người như thế tại sao lại không là đúng để phải theo cách phát âm của miền khác? Theo định nghĩa “đúng” tương đối như vừa thảo luận, chúng ta cho rằng Miền Bắc phát âm các cuối âm ví như N, NG, C, T vv đúng nhưng lại không đúng các âm đầu như TR, S vv., Miền Trung vùng Quảng Bình, Quảng Trị phát âm các âm đầu và âm cuối đúng, nhưng lại không phân biệt dấu hỏi dấu ngã, thậm chí đôi khi còn khó phân biệt giữa dấu huyền và dấu nặng, vân vân và vân vân.
Tiếng Việt chúng ta, về phát âm, khó mà  qui định phát âm của một  miền nào làm phát âm chuẩn như trình 
bày trên. Khi phát âm đã  không có tiêu chuẩn, thì làm sao có được kí hiệu qui ước tiêu chuẩn  cho ngôn ngữ? Tiếng Pháp lấy cách phát âm của người Paris làm  chuẩn có phải vì người Paris phát âm tiếng Pháp đúng với tiếng  Pháp chuẩn được Hàn lâm viện qui định chăng? Hay ngược lại, Hàn lâm viện chấp nhận cách phát âm của người Paris làm chuẩn vì  Paris là thủ đô, rồi cho đó là cách phát âm và chính tả chuẩn của tiếng Pháp? Tiếng Anh tại nước Anh không theo cách phát âm của một vùng nào rõ rệt, dù là London, mà theo qui ước của từ điển. Tiếng Anh tại Mĩ cũng vậy, chỉ theo từ điển. Kí hiệu qui ước chính tả cũng do đó mà đi theo. Nhưng rồi chúng ta thấy có biến chuyển.

 Ví dụ, từ often, tiếng Anh nước Anh chỉ có một cách đọc, còn tiếng Anh nước Mĩ lại có hai cách. Khi du nhập tiếng nước ngoài vào, ví dụ vice versa, người Mĩ không giữ cách đọc nguyên thủy của tiếng Latin (phiên âm tiếng Việt vi-sê ver-xa) mà đọc theo cách người Mĩ vaixơ y như cách đọc từ vice nghĩa là cấp phó của cấp trưởng, và vớcxa y như cách đọc từ versus họ đã có, hoặc ví dụ de luxe tiếng  Pháp, họ đọc thành đi lớcx y như từ luxury mà họ đã có. Nghĩa là , họ không lệ thuộc vào cách phát âm qui ước của ngôn ngữ gốc để từ đó qui định cách phát âm của ngôn ngữ của họ. Từ con nít con nôi (nít nôi) tiếng Việt cũng đã được người Mĩ đưa vào và kí âm  thành nitnoid, để chỉ chuyện không đáng kể, không quan trọng, và chắc chắn họ cũng chẳng quan tâm đến tiếng Việt chúng ta đọc nó  như thế nào mà chỉ quan tâm đến cách đọc nó cho người Mĩ hiểu. 


Tại sao chúng ta chưa có được một từ điển có đủ uy tín để mọi người nhận đó là tiêu chuẩn? Đó có phải là vấn đề chúng ta phải đặt ra và giải quyết không? Tại sao chúng ta không thể thừa nhận từ 

điển này, từ điển kia đủ uy tín để được nhận làm tiêu chuẩn? Có phải tại vì những người làm ra các cuốn từ điển đó chưa đủ uy tín cho chúng tin rằng chính tả và định nghĩa trong đó hội đủ tiêu chuẩn cần có không?
Sau khi đã định cách phát âm tiêu chuẩn, chúng ta sẽ định ra các kí hiệu qui ước theo phát  âm tiêu chuẩn đã định. Sao kí hiệu qui ước này lại đúng hơn kí hiệu qui ước khác, trong khi như thảo luận trên, kí hiệu chỉ được qui ước cho một ý nghĩa để kí lại một âm thanh? Liên hệ trở lại qui ước kí hiệu âm nhạc, giả sử trước đây một ai đó đã qui ước một kí hiệu nào khác (ví như kí hiệu của nhạc bình ca Giáo hội Công giáo Rôma trên đường kí âm gọi là dòng nhạc chỉ có bốn hàng kẻ), thì kí hiệu đó có phải là qui ước đúng hay không? Riêng kí hiệu nhạc bình ca vẫn được cho là đúng nên hiện thời vẫn tồn tại song song với một loại kí hiệu khác gọi là kí hiệu quốc tế. Như thế cho thấy đúng hay không đúng chỉ là một tiêu chuẩn qui ước được mọi người hoặc một đa số chấp nhận.
Các kí hiệu qui ước đó phải gọn gàng nhất, đọc ngược trở lại đúng với tiếng nói nhất, và không gây phiền toái nhất cho người học đọc học viết, nhất là trẻ em. Chỉ thêm một thế hệ trẻ nữa thôi là không mấy ai biết đến truy cứu Khang Hi Thiều Chửu để tìm ra cách đọc tiếng Trung quốc của người Trung quốc rồi qui về cho cách đọc tiếng Hán Việt của tiếng Việt chúng ta. Và chỉ vài thế hệ nữa, từ Hán Việt mượn từ tiếng Trung quốc chắc chắn cũng giảm đi rất nhiều vì thế hệ tương lai không còn chịu ảnh hưởng nhiều của tiếng Trung quốc nữa.
Khi đã ổn định cách phát âm và kí hiệu qui ước tiêu chuẩn, chắc chắn sẽ không còn thắc mắc viết I hay Y, có G hay không G, TR hay CH, dấu hỏi hoặc dấu ngã vv. nữa.
Lời nói sau cùng của chúng tôi là rằng, như  đề bài đã nêu lên, đây  không phải là một nghiên cứu về nguồn gốc kí âm qui ước của  tiếng Việt chúng ta, mà chỉ là một vài suy nghĩ thô thiển về cách kí âm tiếng Việt của một người thô thiển không một chút chuyên môn nào về ngôn ngữ học. Chúng tôi chỉ xin mạo muội lạm bàn các điều mà bản thân chúng tôi vì là người Việt viết tiếng Việt không thể không suy nghĩ đến.

TRẦN HỮU THUẦN
jbtranthuan@hotmail.com



READ MORE - CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT: VÀI SUY NGHĨ TỪ CHUYỆN I HAY Y - Trần hữu Thuần