Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 24, 2012

NHỮNG MẪU CHUYỆN VUI VỀ NHÀ THƠ XUÂN SÁCH - Lê Thiên Minh Khoa

Nhà thơ Xuân Sách
Nhà thơ Xuân Sách là một tài hoa độc đáo của văn học hiện đại Việt Nam. Người Việt Nam biết nhiều về ông qua truyện "Đội du kích thiếu niên Đình Bảng" được đưa vào tác phẩm giảng dạy trong nhà trường phổ thông, rồi qua các ca khúc truyền thống "Đường chúng ta đi", "Cùng anh tiến quân trên đường dài " (nhạc Huy Du) mà ông là tác giả ca từ . Vào cuối thiên niên kỷ trước, ông lại làm xôn xao dư luận với tập thơ Chân dung nhà văn (1992) nổi tiếng khi không những gây ra những cuộc tranh luận trong giới sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học, mà còn khơi gợi sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị và công chúng yêu văn học trong và ngoài nước.
      Sống ở Đông Nam bộ hơn 20 năm cuối đời (1984- 2007), ông có nhiều công lao trong bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và góp phần làm khởi sắc văn học vùng nầy. Riêng ở Bà Rịa Vũng Tàu , ông là người có những đóng góp lớn lao cho nền VN của tỉnh nầy: người tập hợp VNS, sáng lập, xây dựng Hội và 10 năm liền gánh vác công việc Chủ tịch Hội Văn nghệ đầu tiên cùa VT-CĐ (1987- 1997), tiền thân của Hội Văn nghệ tỉnh BR-VT ngày nay.
      Năm nay là dịp Kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà thơ, nhà văn Xuân Sách (1932 – 2012) và Tưởng niệm 5 năm ngày ông mất (2007- 2012).

Lê Thiên Minh Khoa giới thiệu




NHỮNG MẪU CHUYỆN VUI VỀ NHÀ THƠ XUÂN SÁCH
                                                       
Lê Thiên Minh Khoa
 

Lê Thiên Minh Khoa
                                                
                       

1. Đời thiếu gì viết nấy

   Tôi sinh sống ở miền Nam nên khi "Đội du kích thiếu niên Đình Bảng" được  đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông, tôi không biết và sau 30.4, thì đã  qua cái  bậc học đó rồi. Tôi gặp ông vào nửa đầu thập niên 80 của TK trước, khi ông vào làm việc tại Nhà XB Đồng Nai    Hội VH-NT tỉnh Đồng Nai. Bên chung trà và trong khói thuốc Vàm Cỏ ngập tràn  phòng làm việc mà  ông và cô Tú, vợ ông dùng làm phòng ở gia đình, tiếp khách, chúng tôi- VNS  Đồng Nai thời đó: Lớp đàn anh: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Anh Hoàng, Văn Luơng, Nguỵễn Bính...  Lớp sàn sàn và trẻ :Vũ Xuân Hương, Khôi Vũ, Lưu Gia Ân, Trần Viết Bính, Vũ Đan Huyền, Đỗ Minh Dương, Luơng Định, Haỉ Ba, Đỗ Hoàng, Phương Hà, Nguyễn Đức Thọ, Phan Văn Tú, Bùi Quang Huy, Huỳnh Tới, Bùi Thuận, Trần Phi Châu, Lê Viết Dưong, Huyền Anh, Phạm Hoan, Nguyệt Cầm, Đào Thanh Chương, Đào Trọng Thử, Lê Giáo, Phan Nam Sinh, Phan Văn Tú, Lê Tuấn Đạt, Nguyễn Tử Hiền, Trương Nam Hương, Lê Tuấn Đat, Phạm Hoà Việt, Lê Thanh Xuân, Thiết Phương, Cao Xuân Sơn, Phạm Minh Hà, Bùi Quang Huy, Lê Đăng Kháng, Hồng Thanh Quang, Thanh Dạ, Tiêu Thanh Giang, Nguyễn Thanh Văn, Phạm Phú Yên, Dương Cao Tần, Hoàng Vũ Hoài, Hoàng Ngọc Điệp, Hoàng Dương Thu Anh, Đào Minh, Thu Trân, Hoài Tố Hạnh, Nguyễn Thị Tư, ... và tôi (nhắc lại để nhớ người còn người mất!- LTMK) v.v.. thuờng ghé thăm cô chú. Đó là tôi gọi vợ chồng ông, còn VNS bạn bè trẻ hơn tôi, nhiều đứa cứ "bố láo" gọi ông là anh ngọt xớt.
    Ông là người từng trải, tinh đời, đọc nhiều, hiểu sâu và biết rộng và "đa hệ", thường kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện vui hóm hỉnh, ý vị và sâu sắc về văn chương và cuộc đời, những câu nói có hàm lượng thông tin và triết lý cao, những câu nói như chiếc bánh ít có nhân dồn nén những tâm sự và trãi nghiệm của ông.
  Ông kể: Thập niên 70, ông thường tiếp xúc, làm việc với các nhà văn Liên Xô và Đông Âu.
   Trong buổi họp mặt, một nhà văn nổi tiếng của Liên Xô thời đó thân mật hỏi:
   - Ông hay viết về đề tài gì?
   Xuân Sách trả lời:
   - Đời thiếu gì viết nấy!
    Nhà văn đó nói vui:
  - Thế là các anh - các nhà văn VN thì viết về lúa gạo, còn chúng tôi- nhà văn Xô Viết - viết về... thịt và chuối rồi!

 2. Đời khi cần không có, khi có không cần...

  Giữa  thập niên 80, khi ông dời về ở tại trụ sở Hội VH-NT Đồng Nai, 30 A , QL1, Vuờn Mít , Biên Hoà. Thời bao cấp còn khổ lắm, nhưng mỗi lần từ Bà Rịa lên Biên Hoà, chúng tôi thường mời ông ra Cửa hàng ăn uống Vườn Mít nhậu bia lên cơn với mồi đậu phụng và vài món xào bán kèm bia, nhưng chưa bao giờ chú cháu tôi say cho đã cả, vì bia lên cơn thì nhẹ độ mà tiền đâu mà mua nhiều bia kèm mồi! Nhưng ông lại hay nói: Uống bia đừng để say , khi ở Nga, ông thấy dân Nga coi bia chỉ như là một thứ nước giải khát (!) ...
   Đầu thập niên 90, khi ông thôi giữ chức Chủ tịch hội và sống trong một con hẻm ở  khu chợ Mới Vũng Tàu, tôi thường ghé nhà thăm cô chú và  mời chú đi lai rai nhà hàng. Lúc này đã U.70, ông sống rất điều độ: ngày nào cũng đánh bóng bàn và uống bia lon với rất chừng mực.
  Uống đa đã, ông bảo thôi, tôi nhắc lại chuyện cũ và mời ông thêm một lon, ông cười:       
  - Đời khi cần không có, khi có không cần!...

3. Nhà thơ lý lẽ: Tập thơ Chân dung nhà văn là... thuộc chế độ ta

    Tập thơ Chân dung nhà văn gồm 100 chân dung 100 nhà văn, nhà thơ được viết bằng thơ (đa phần là thơ tứ tuyệt) được Xuân Sách viết dần từ đầu thập đến năm 1992, nhưng trước khi được in thành sách, thì chân dung các nhà văn đã được chép tay, “truyền miệng” rộng rãi từng chân dung ngay ông vừa viết xong, không chỉ trong giới văn nghệ mà cả trong đông đảo công chúng yêu văn chương. Năm 1992, khi được in thành sách, nó gây xôn xao dư luận trên văn đàn và trong công chúng, Sách in tới 3000 cuốn, chi mấy ngày sau, bán được 600 cuốn rồi nhưng lại nhận được những thông tin không tốt lành: có lệnh mồm xuống nhà xuất bản, phải giữ lại và niêm phong những tập thơ chưa kịp phát hành. Một cuộc họp của Bộ Văn hóa diễn ra, với năm đại diện: Ba thứ trưởng (Phan Hiền, Huy Cận, và Nông Quốc Chấn), đại diện Hội Nhà văn Vũ Tú Nam, cùng Giám đốc NXB Văn học Lữ Huy Nguyên. Ở Hà Nội có nhiều cuộc họp phê phán tập thơ, nhà xuất bản; viết kiến nghị xử tội tác giả của 41 chữ ký của những người được viết và không được viết trong tập thơ đòi kết tội Xuân Sách, đòi "phải có biện pháp thực sự thu hồi và hủy bỏ cuốn sách, xem xét tư cách của nhà văn Xuân Sách và có kỷ luật thích đáng"
    Tuy nhiên, tác giả không nhận được trực tiếp bản kiến nghị ấy. Họ gửi vào một số cơ quan Trung ương và hai bản gửi về Vũng Tàu, một cho lãnh đạo và một cho Hội Văn nghệ.
   Xuân Sách vẫn bình chân như vại và thân hữu, độc già vẫn lùng sục tìm và photo thơ ông, nhà ông cũng chẳng còn một bản, nhưng nhiều người cũng có thể hình dung ra cái khó khăn của ông thời ấy.
  Khi Đại hội VHNT tinh BR-VT vào 23 và 24.12.1992, Chân dung nhà văn vừa phát hành trong cùng năm nên   mang tinh thời sự  nóng hổi. Tôi còn nhớ ông trả lới chất vấn ở Hội trường Đảng tỉnh tại đường Trương Công Định- TP Vũng Tàu trước lảnh đạo văn nghệ trung ương; lảnh đạo tỉnh và các VNS: "Các bài thơ tôi viết từ năm 1962- 1992 dưới chế độ ta, có giấy phép xuất bản của chế độ ta là Nhà Xuất bản Văn Học cấp; in công khai tại nhà in Bộ Nội Vụ của chế độ ta; có Số xuất bản: 08/VII hẳn hoi ; in xong nộp lưu chiểu cho Bộ VH -VH thông tin chế độ ta đàng hoàng; có ngừơi nhà nuớc chế độ ta chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc NXB - Lữ Huy Nguyên. Thế thì sao lại ...?"
 

 4. Nhà thơ ký hoạ chân dung tôi
Lê Thiên Minh Khoa qua ký họa của
HS Huỳnh Phương Đông

  Tôi nhiều lần đi dự trại sáng tác cùng ông ở nhiều nơi: Vũng Tàu, Long Hải, Biên Hoà, Đà Lạt... Lần cuối là hè 2006, hai năm trước khi ông mất. Lần đó, đoàn BR-VT có 14 VNS vừa tròn 14 tiếng trong một cặp câu lục bát  trong bài thơ vui của Lê Huy Mậu:

VIẾT Ở NHÀ SÁNG TÁC ĐÀ LẠT

Mậu Khoa Lương Sách Phụng Bường
Quí Thủy Nguyễn Phúc Tần Hoàng Hoa Quang(*)
Sáng tác, tối tác oang oang
Chẳng thằng nào thiết l. hoang làm gì!...
Khật khừ một bữa vài ly
Thương cho mấy chú không đi, thiệt thòi…
                                 Đà Lạt, 5.2006


    Thơ đến tai Tùng Bách. Thù cá nhân, từ Vũng Tàu, Tùng Bách cũng làm thơ đuổi theo tới NST Đà Lạt:
  Mấy hôm, tối tác lung tung
Kể ra chính phủ chơi ngông quá trời
  Thừa tiền nuôi bọn ham chơi
Ăn rồi quay lại chuởi người nuôi ăn!


   Vì nhiều lần gần gũi nhau, ở chung, ăn chung,  nên ông  chịu đựng được các "thói hư tật xấủ" của tôi và lần  nầy ông biến chúng thành thơ:

(I)
Tú ông cùng với Tú bà
OK mạnh quá văng ra vỉa hè
Minh Khoa say xỉn bét nhè
Nhặt lên bỏ túi mang về xài chơi!

(II)
Lê Thiên Minh Khoa tài hoa đa hệ
Biếng tắm biếng ăn biếng cạo râu hớt tóc
Lên Đà Lạt hai tuần “tối” tác
Không mang vợ theo ai tắm cho Khoa?
                                             Nhà Sáng Tác Đà Lạt, 15.5.2006

   Tối hôm đó, 15.5.06, mấy chú cháu ngồi uống rượu vang ĐL do nhà sáng tác đãi. Có người khen bài thơ viết ngẫu hứng mà hay, tứ thơ chặt: câu 2 chuẩn bị cho câu kết để kết tứ  câu 4)
   Tôi đùa với ông: "Chú làm cháu chết danh rồi! Sau nầy, cháu có đàng hoàng trở lại cũng không ai tin nữa! Nhưng chú đã phá tiền lệ do chú tạo ra rồi: không bao giờ nhắc tên "đối tượng" vào trong bài  thơ  mà!". Anh em có cớ chúc ông một ly mừng "cái sự phá lệ" đó. Ông nói: "LTMK sống như thế! Ngại ngần gì mà giấu tên MK!"
   Rồi ông cạn với tôi một ly vang Đà Lạt.

(*): Tên 14 trại viên: Lê Huy Mậu. Lê Thiên Minh Khoa, Hoàng Lương, Xuân Sách, Trần Ngọc Phụng, Nguyễn Đại Bường, Hoàng Quí, Mỹ Thuỷ, TRrơng Nguyễn, Bùi Ngọc Phúc, Dương Cao Tần, Nguyễn Hoàng,..

5. Nhà thơ kể chuyện bóng đá địch-ta 

    Nhà thơ Xuân Sách rất mê bóng đá, các trận túc cầu có truyền hình trực tiếp ông cũng ngốn hết trơn. Năm 1985, một buổi chiều, ông, nhà thơ - luật sư Phương Hà và tôi đi xem trận đấu trong giải VĐQG giữa hai đội Sông Lam Nghệ Tĩnh và Hải Quan TP HCM.  Trận đó, đội Sông Lam Nghệ Tĩnh, cầu thủ to con đá rất "nặng chân", còn Hải Quan thì nhỏ con hơn nên dùng kỹ thuật. Phương Hà người Nghệ An đương nhiên ủng hộ đội bóng đồng hương, tôi là fan của đội Quan Thuế từ trước 1975 dĩ nhiên là cổ động viên của Hải Quan, hai hằng tôi mạnh mồm nào hét mồm nấy để ủng hộ đội nhà, còn Xuân Sách quê Thanh Hóa, sát tỉnh Nghệ An, nay vào Đồng Nai, cạnh TP HCM nên cứ trung dung trầm lặng ngồi xem.
   Tan trận, ba chú cháu tôi trên đường về (bằng hai xe đạp) Hội Văn Nghệ là nơi Xuân Sách ở, ghé quán Cờ Tây ở Phúc Hải (sát nhà của nhà văn Khôi Vũ Nguyễn Thái Hải ) chén thịt cầy. Rượu vào, lời ra, tôi có "khịa" ông về thái độ "trung dung trầm lặng" của ông khi xem trận đấu. Nhân đề tài đó, ông mở rộng chủ đề:
    Trước nay, dưới chế độ ta mọi người được tuyên truyền giáo dục theo kiểu phân cực: địch và ta, không ta thì địch, không ta là địch, không được lưng chừng đứng giữa, đứng giữa là dao động ... Mà ta thì cao cả, thông minh, dũng cảm ..., đánh đâu thắng đó hào hùng; còn địch thì xấu xa, ngu si, hèn nhát ..., luôn luôn thất bại thảm hại. Do đó, trẻ con vào rạp chiếu bóng, khi phim vừa mở màn, câu đầu tiên mà chúng hỏi nhau khi nhân vật vừa xuất hiện là: "Thằng nầy địch hay ta?". Mình thử hỏi đứa cháu: "Làm thế nào để phân biệt thằng nào địch, thằng nào ta trong phim?".  Nó trả lời: "Dễ ợt! Cứ thằng nào đẹp trai, oai phong, dáng điệu hiền từ, đạo đức, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, chiến đấu kiên cường là ta; còn thằng nào mặt mũi xấu xí, bần tiện, dáng dấp dữ dằn, ác độc, ăn nói cộc cằn, thô lỗ, ra trận nhút nhát ... thì dứt khoát là thằng địch rồi ". Hèn gì trong các phim, gián điệp địch hoạt động trên đất nước ta mà mặt mày dữ tợn, râu ria xồm xoàm như thằng Phun - rôì, đến đứa con nít cũng nhận ra, huống chi là công an! Địch thua là phải rồi! (Ông cười lớn) .
   Nhân ngày 20.11, trường cấp 3 nọ tổ chức trận đấu giữa đội bóng HS và đội bóng GV trường. Các thầy thì thư sinh lại ăn theo tiêu chuẩn 13 kg lương thực độn một tháng nên xanh xao, lỏng khỏng , chạy không muốn nổi, còn HS thì tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu nên dĩ nhiên là đội các cháu thắng đội của các thầy. Ra về HS, HS kháo nhau: "Phe ta thắng đậm, tụi nó thua rồi!" .  Dạy trẻ như thế thì phải nhận như thế!
    Lần nầy ông cũng cười, nhưng là cười buồn!

Lê Thiên Minh Khoa
117, CMT8, TP Bà Rịa
ĐT: 0908274494

No comments: