Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 5, 2012

CÁ ĐÔ LÀNG HƯNG NHƠN - Nguyễn Thanh Xuân

Đồng làng Hưng Nhơn


    Cá Đô có nhiều tên gọi: cá Tràu cá Quả cá Chuối cá Lóc…cá ma ma. Trong bài viết này tôi gọi theo quen gọi ở quê tôi lúc tôi còn nhỏ.
    Nguồn gốc : Sau tiểu mản, tháng tư tháng năm âm lịch, cặp cá đô đực, đô cái trưởng thành, rủ nhau tìm nơi có đám bèo, cỏ lùng yên tĩnh, mát mẽ,xây dựng tổ ấm. Cá cái đẻ một bọc trứng bùng nhùng được cá đô đực tưới cho một ”dung dịch” tràn trề để bọc trứng ấy thụ thai rồi nở ra một đàn con đỏ hỏn, đông ơi là đông. Dân làng gọi là cá ma ma, Sao lại ma ma, có lẽ khi có bóng người cả đàntheo ”hướng dẫn” của cá bố cá mẹ túc trực bên dưới, chúng lặn mất tăm không thấy gì nửa, như ma. Cá bố mẹ cam con lắm, có khi há mồm cho đàn cá con và bụng sau khi yên tĩnh nhã ra Khi lớn lên bằng ngón chân cái thì gọi là cá lóc, lớn to bằng bắp tay mới gọi cá đô, cá tràu, cá qủa, cá chuối…và khi đã thành thân rồi người ta quên đi nó đã từng có cái tên cúng cơm: Ma Ma. Cũng tương tự trường hợp con trâu, lúc còn nhỏ gọi là nghé, lớn lên gọi là Trâu, quên nghé.
    Cá ĐÔ, nhìn dáng nó như một đô vật; CÁ CHUỐI nhìn dáng nó như bắp chuối,
   CÁ LÓC chỉ gọi khi nó bằng ngón chân cái thôi vì ở tuổi ấy nó phóc nhanh lắm,người ta dành cho nó tên đặc biệt: o, (mệ) bán cho tui con cá lóc, người bán bắt ngay cho con cá bằng ngón chân cái.
  CÁ TRÀU  không tưởng tượng nó giống hình dạng nào nhưng lại gọi thông dụnghơn. Sau này được gọi chung là CÁ LÓC.

    Năm 1947 tôi làm ruộng, khoái nhất là bắt cá tràu.Tháng tư tiểu mản, nước mênh mông, đầu tháng năm nước rút, ăn mồng năm xong là ra đồng cắm trại. Trước lúc cày là đắp bờ kín cả thửa ruộng, những chổ dường lở nhiều đắp thành cái máng, bên trong có nhiều bùn sền sệt. Trong ngày trâu cày nước xao động, thế là đêm ấy cá tim đường tẩu thoát. Đến nơi thường ra vào cũng bị chặn kín chỉ có cách nhảy ra. Nhảy là vào máng, trong máng bùn sền sệt dính đầy thân không nhảy được nửa đành nằm im chờ đợi. Chúng tôi dùng bao tải đi hết máng này sang máng khác. Ôi nhiều thật là nhiều, chẳng khác gì cá ở bờ biển Hồ (Căm pu chia). Chuyện rằng một người ngủ gật trên thuyền đậu bên bờ hồ, đêm nước rút, anh ta ngủ quên rơi tõm xuống đất, sáng dậy hoá ra anh ta nằm trên những lớp cá dày đặc.

   Để tối bắt cá tiếp, chiều phải sửa lại máng chủ yếu là trộn  bùn cho nhảo.Những đêm sau tuy có ít dần, nhưng do cày nhiều thửa ruộng nên nhiều cá lắm. Cá phơi đầy cồn. Khô thật là khô mới gói cât.
    Không phải nhảy ra hết, có những con vẫn chưa tìm cách ra được, những con này sẽ đến lượt mình là khi bác thợ cày chuyển sang bừa, loại bừa đạp (bừa thì nước sền sệt) thanh bừa trượt qua thân cá, cá “đau” nằm giảy nảy phơi bụng trắng hếu, thợ cày nhanh như chớp trở ngọn roi quất một phát, cá giảy đành đạch, túm gọn thả vào oi.



     Cá khô, không dùng trong mùa nắng, cất kín dự trử đến mùa lũ ngồi trên giàn chống lũ mới đem dùng.
    Thịt cá tràu quê tôi có vị ngọt đặc biệt, có lẽ nó được ăn ngon nhiều chất bổ là lúa chín rụng giữa đồng ruộng. Giỗ chạp không thể thiếu bát canh CÁ ÁM. Món canh chỉ cần đầu con cá tràu với mấy lá chua me đất. Hai má cá tràu ngon đến nổi đã thành cổ tích.
    Có thể do nhiều cá tràu mà có món CHÁO BÁNH CANH, món đặc sản quê tôi. Ở Quảng Trị ai mà chẳng biết chứ ở địa phương khác có người tò mò hỏi tôi món ăn gì mà lạ vậy.Tôi tự lý giải rồi trả lời: bởi nó có ba hương vị và ba tác dụng khác nhau. Ăn cháo cá, bánh bột cá, canh cá. Đã gọi là cháo bánh canh nhất thiết phải có cá tràu, ít nữa cá lóc cũng được (cá nhỏ) Không có cá tràu thì không thể gọi là cháo bánh canh được. Bây giờ nhiều mặt hàng quà bánh, xem ra chưa loại quà nào cạnh tranh nổi với nó. Bát cháo nóng, rắc lên tí hạt tiêu nóbốc lên và toả rộng ngào ngạt, vị ngọt và thơm đặc trưng mà tôi không tả nổi chỉ biết ngon và thú vị.
    Để nhớ lại những lần đi ngang quán cháo bánh canh, trong thơ tôi, đã có câu tặng hương vị quyến rũ của món này: “Có ai mời đón đâu anh/ Mà chân như đã trở thành tri âm”.



   Bắt cá tràu có nhiều cách:
-         Chiều tối cắm cần lưỡi câu móc con nhái nhỏ, nhái chạm mặt nước, chân vẫy vùng kêu gọi. Cá tràu đến, gặp nhái đớp ngay thế là chú cá tràu bị treo lơ lững, chờ người đến bỏ vào oi (giỏ)
-         Người đi câu có kèm con vịt:  Đám cỏ lùng này có lớp trứng cá vừa đẻ,hoặc có đàn cá ma ma, người đi câu thả con vịt xuống (vịt đã được huấn luyện), vịt bị cá mẹ, cá bố cắn vội lên bờ, chắc rồi, chỉ cần ngồi xa thả lưỡi câu có mồi nhái xuống là giật lên con cá tràu to đùng.
-         Người bơi chiếc ghe nhỏ (chỉ một người ngồi). Bơi dọc hai bờ sông dùng cần câu, gọi là câu nhắp. Cá tràu này thì ngon và ngọt hơn cá tràu ngoài đồng bởi nó ở nước mát và sâu.
-         Câu cá theo ròng rọc. Đứng xa quăng dây qua bên kia bờ hoặc dọc bờ, con nhái móc ở lưởi câu rê trên đám bèo nhấp nhỏm gây cái thèm cho cá,cá đớp thế là theo dây câu lôi về với giỏ.
-         Cũng còn những hình thức khác nữa nhưng tôi không nhớ hết.
    Hồi đó chưa có cách bắt lưới quét, chưa biết cách bắt bằng điện v.v… vì thế cá lúc nào cũng nhiều. Hy vọng cách bắt có tinh “huỷ diệt” sẽ giảm dần để có đàn cá ĐÔ như xưa.

Nguyễn Như Xuân
Email: nhuxuan29@gmail.com.

No comments: