Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 21, 2012

CHỢ CẠN: QUÊ HƯƠNG NỖI NHỚ KHÔN CÙNG - Trần Quốc Phiệt


Để tặng những người cùng gốc gác với tôi

Quê hương mãi là nỗi nhớ khôn cùng, tôi xa quê từ khi còn nhỏ; về với làng mạc ruộng đồng chỉ trong những tháng Hè không trọn vẹn, những hình ảnh thôn làng từ con đường, khe nước, đồi cát, bụi cây, ngõ làng, xóm chợ mãi hằn sâu trong ký ức, đặc biệt giọng nói với cách phát âm rõ ràng, chỉ người Quảng Trị mới có; là nét đặc thù rất dễ nhận nhau, do vậy cách nói năng của tôi không thay đổi bao nhiêu, dù qua biết bao năm tháng đó đây đủ mọi miền tôi vẫn giữ lấy nó, lý do vì tôi yêu mến những ngữ âm như thế; có lẽ chỉ bớt đi cái hơi Quảng Trị một tí trên bước đường lưu lạc tha phương, cho nên người nào rành về âm giai giọng nói thì nhận ra liền. Ví như có một ai đó hỏi: “anh là người Quảng Trị mà ở chỗ mô”.  Nếu tôi trả lời xóm này làng nọ, chắc chi họ đã biết, nhưng chỉ ngắn gọn chợ Cạn, người nghe có thể nhận ra địa danh dễ dàng, cho nên dù chợ Cạn nhỏ nhoi của miền quê nghèo nhưng cái tên của nó mang tính phổ thông thân thuộc. Bởi thế, khi tuổi đời xế chiều chếch bóng, ngồi ngẫm nghĩ lại những bước lưu lạc giữa chợ đời lòng bồi hồi nhớ lại ngôi chợ nghèo quê nhà: Chợ Cạn.


Tôi viết những dòng này để ghi lại những kỷ niệm về một địa danh, nơi mà tôi đã từng trải qua một chặng đời với những gắn bó liên hệ tình cảm thiêng liêng gia tiên giòng tộc. Bằng những tâm tình này xin san sẻ phần nào nỗi nhớ nhung của kẻ lâu ngày xa xứ, cũng để thay lời tri ân đến những thế hệ tiền nhân đã dày công dựng xây cho mảnh đất ấy có được như hôm nay, và là những dòng hoài niệm về quảng đời niên thiếu, nét đơn sơ nghèo nàn nơi chợ quê mà chắc một con người bình thường không dễ gì nguôi ngoai thương nhớ. Tôi viết về chợ, mà đặc biệt xin gởi chút tâm tình về quê hương chợ Cạn một nắng hai sương. Để chuẩn bị cho bài viết tôi có hỏi ý kiến vài đồng hương quanh vùng cùng trang lứa hay lớn hơn tôi để lấy thêm tài liệu, nhưng tất cả những người được hỏi không ai cho thêm một điều nào về ngôi chợ quê nghèo ấy, dù sao tôi cũng viết, viết những gì tôi đã biết; những gì còn đọng lại trong ký ức sau gần năm mươi năm chân trời góc bể đó đây.


Nói đến chợ người ta tưởng tượng ngay đến cảnh huyên náo ồn ào xô bồ và lắm chuyện, tốt xấu tùy cách luận giải của miệng người, “khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi, hẳn hoi chưa hết một bàn tay”, mọi chuyện ở đời đều do con người tạo ra , tốt xấu cũng do lời người đàm tiếu, cho nên khi nói về chợ thì cái tốt và cái xấu nằm cận kề bên nhau “Trai khôn tìm vợ chợ đông…”, “thứ đầu đường xó chợ..”;  “đem con bỏ chợ”; “cơm chợ ở hè” ….Mặt khác trong thơ văn chợ cũng được ghi lại bằng những câu thơ dạt dào tình ý: “Thân em như gánh hàng hoa, sáng ra chợ sáng, chiều ra chợ chiều” (GHH);   “Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”(ĐVC). “ Giữa chợ ai mà khóc nhận thây”(NB); “ Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén”…(NB); ”Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ, ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau” (BG)…Vào những dịp Tết Nguyên đán, có thể tìm thấy những bức tranh dân gian như chợ Tết, Chợ quê … thế thì chuyện chợ cũng rất phong phú không những chỉ trong sinh hoạt thường nhật mà nó còn mang hình ảnh với đặc tính văn hóa dân tộc tuy dung dị mà rất hàm súc.


“Nhất cận thị, nhì cận giang”: vậy phải hiểu rằng trong những nhu cầu thực tế cuộc sống chợ được xếp hàng đầu. Khi kể về những thành phố lớn tấp nập, sầm uất, người ta thường nhắc đến những cái chợ nổi tiếng mà dường như đã dính liền với thành phố ấy, như Sài gòn thì chợ Bến Thành, Chợ Lớn thì chợ Bình Tây, Nha Trang có Chợ Đầm, Đà Nẵng thì Chợ Cồn, Huế thì chợ Đông Ba, Hà Nội thì chợ Đồng Xuân v.v và.v.v. Những cái chợ đã là dấu ấn rất đậm nét về những địa danh từng vùng. Đủ biết chợ đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử, địa lý nhân văn, giao dịch thương mãi, sinh hoạt của cư dân và cả những người vãng lai.


Quảng Trị quê hương núi Mai sông Thạch tuy nghèo nàn, chiếc áo phủ thân xứ “chó ăn đá gà ăn muối”, cuộc sống còn cũng lắm cam go nhưng đã tồn sinh từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa vùng đất khô cằn, hai mùa cơ cực ruộng đồng nắng cháy, gió Lào rát da và mùa đông dầm dề mưa gió bùn lầy lụt lội, trơn trượt đường quê. Chợ cũng nhan nhãn đây đó khắp mọi nơi đâu đâu cũng có chợ, chợ như nồi cơm san sẻ, dòng nước luân lưu cung phát nhu cầu trong cuộc sống, nhìn vào cách họp chợ người ta có thể biết được mức sống kinh tế người dân trong vùng và phụ cận. Quảng Trị cũng có những chợ lớn - lớn ở địa phương - như chợ Quảng Trị, chợ Đông Hà, chợ Sãi, chợ Diên Sanh… Chợ Cạn tuy nhỏ nhoi ở xứ quê nghèo nhưng là trung tâm mua bán giao dịch mà cái tên của nó đã trở thành biểu trưng cho cả một khu vực làng mạc quần cư đã trải qua bao thế hệ. Nơi đó gợi lại trong tôi những kỷ niệm của một quãng đời.


Chợ Cạn được nhóm họp như một nhu cầu trao đổi giao dịch đã có rất từ lâu,  thuở nào thì không ai biết, cũng không có tài liệu sách vở để tra cứu tìm hiểu, đó là một địa điểm thuận lợi trong vùng và các khu phụ cận, từ biển Gia Đẵng, Ba Lăng, An Hội vô, từ ngoài Lệ Xuyên, Vân Tường, Long Quang, Linh Yên…vào và trong Cỗ Lũy, Phương Lang…ra.  Địa thế chợ Cạn nằm trên trục giao lưu thuận tiện, liên làng liên xã, đó cũng là nơi xuất phát để đi lên các vùng trên và thị xã, tỉnh lỵ.


Trong tâm tình của một người sống nơi phương xa khi nhắc đến quê nhà làm sao quên được làng mạc xóm phường, những buổi nhóm chợ quê…với đặc thù hai mùa mưa nắng, những trưa hè dưới bóng mát tàn cây gật gù đều đặn tiếng gáy gọi của những chú chim cu, những cánh đồng sâu cạn vàng hoe mùa lúa chín loang loáng trong ánh nắng chiều vàng nhạt nhòa chập chờn văng vẳng tiếng hót chim chiền chiện lên cao vút, hay những ngày lênh láng lũ lụt ngập nước mênh mông, những đêm về chập chờn ánh đuốc đèn soi, rời rạc tiếng chim bay đi tìm tổ, tiếng ếch nhái ểnh ương lào xào buồn thản. Những buổi sáng tinh mơ, sau tiếng gà réo gọi bình minh, tiếng dế rân ran đều đều bên “dường” ruộng lúa, khi ánh hừng đông vừa hé dạng, những thôn nữ thoăn thoắt bước chân, trên vai quẳng đôi gánh bon bon nhanh nhẩu đến cho kịp buổi họp chợ sớm ngày.  Nhiều  điều vẫn hằn trong nỗi nhớ, không dễ gì phai mờ theo năm tháng. Cái chợ quê mộc mạc ấy đã được ghi lại như một vết hằn trong ký ức, những hình ảnh đơn sơ hiền hòa và thân thiết nơi họp chợ hằng ngày như vỡ tuồng diễn mãi, nhìn mỗi lần đi qua thì chẳng gì khác nhưng khi xa rồi, nó trở thành một bức tranh quê trìu mến thân thương.


Hình ảnh những buổi sáng nhộn nhịp giữa chợ làng chợ xã, những gánh cá kẻo kẹt nhanh nhẩu từ vùng biển chạy vô, nếu sớm được giá thì bán ở chợ Cạn, trễ một chút chạy lên chợ Cống, không thì chợ chồm hỗm Gốc Bầu và sau cùng là chợ Quảng Trị. Cái lộ trình buôn bán bằng nghề chạy cá thật là vất vã nhiêu khê. Đặc biệt chợ Cạn nhóm rất sớm vào buổi sáng, sau chừng nửa buổi là tan chợ, nhưng những sinh hoạt mua bán hàng quán vẫn kéo dài trọn ngày. Sinh hoạt chợ Cạn chỉ giản dị vậy thôi, nhưng vì nó lại nằm trên trục lộ di chuyển tám phương tứ hướng đông tây nam bắc nên mấy ai đi xa về gần mà không bước chân qua chợ Cạn.


Chợ Cạn như là điểm hội tụ và chia tay; vào cái thời xa xưa ấy quanh quẩn mấy làng số người đi học trường tỉnh hoặc học Huế cả nam lẫn nữ chỉ đếm được đầu ngón tay. Học trò buổi sáng thường hẹn gặp nhau ở chợ Cạn để cùng đi, khi về thì cũng đến chợ Cạn là xé ra ai về làng nấy. Những tháng ngày nắng mưa cùng đi về trên con đường quê bằng phẳng thì ít mà gập ghềnh lổ chổ lại nhiều, đã ghi lại biết bao kỷ niệm thân thương để đến bây giờ gần năm chục năm sau ngồi ngẫm nghĩ lại đoạn đời đi qua thật là những hình ảnh đẹp của một thời nhọc nhằn nhưng hồn nhiên không thể phai mờ trong tâm tưởng. 


Từ thị xã Quảng Trị, đi về hướng Đông theo con đường sát bên hông làng Trí Bưu, đối diện Hạnh Hoa, xuôi hướng cầu Ba Bến, theo sông đào Vĩnh Định, xuyên Thâm Triều, An Trú, Đạo Đầu đi thẳng ra vùng biển Gia Đẳng, trên đường đi sẽ gặp chợ Cạn. Mặc dù có tên là Cạn, nhưng nhìn quanh chẳng có nơi nào là sâu, sâu hơn một tí thì chỉ có ruộng lúa, ngoài ra nương vườn và những khu cư dân hầu như bằng phẳng ngang nhau, thế thì Cạn cứ hiểu là cái tên gọi, như con người sinh ra phải mang cái tên vậy. Nhưng dù hiểu cách nào thì chợ Cạn cũng là môt địa danh đã được ghi đậm nét trên bản đồ địa lý từ lâu, là ngôi chợ của cả một vùng và đặc biệt nó đã đi vào “lịch sử chiến tranh”, đối với giới quân nhân ai đã có lần qua Triệu Phong mà không bước chân lên chợ Cạn, nói chung chợ Cạn là nơi rất dễ nhận biết. Trên đường đi từ tỉnh về sẽ ngang qua chợ Cống, chợ Hôm rồi mới đến chợ Cạn.


Vị trí nguyên thủy của chợ Cạn nằm trên khu đất thuộc xóm phường Đạo Đầu, làng Đạo Đầu thuộc xã Triệu Trung, nhưng chợ Cạn lại là trung tâm giao dịch mua bán của xã Triệu Sơn, thuộc quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là nơi tụ hội giao thương mua sắm cho dân cư các làng quanh đó như Phương Sơn, An lưu, An Phó, Thượng Trạch, Linh Chiểu, Văn Phong, Đồng Bào, Trung Yên.  Ngày nay sự phân chia địa giới đã khác đi, chợ Cạn cũng đã được di dời qua bên kia con khe thuộc đất làng An Phó, chỉ cách nơi cũ mấy chục thước, vẫn là nơi tụ hội quây quần bán mua của cư dân quanh vùng, cũng là địa điểm thuận lợi đường đi ngõ về mọi hướng.


Vào buổi sáng tinh sương mở cửa ra khỏi nhà, nhìn xuống cánh ruộng đồng trước làng, trên con đường “liên làng, liên xã” mà dân địa phương gọi là “đường bạn”, những người đi họp chợ gánh hàng nặng trĩu kẽo kẹt trên vai, những gánh thơm (dứa) từ miền ngoài vào những gánh lá chè từ Lệ Xuyên cũng nhanh nhẩu cho kịp họp buổi chợ sớm. Những cư dân quanh vùng thì mang các loại nông sản hay hoa màu ra chợ bán và mua về những nhu yếu khác. Cũng như những người đi buôn cá, các bà bán chè lá cũng tất bật bươn chải, nào là bán chợ Cạn, vào chợ Phương Lang, lên chợ Ngô Xá, trở về chợ Hôm Đạo Đầu…

Thuở còn nhỏ, tôi chỉ sống lẩn quẩn loanh quanh trong làng. Hồi đó đi từ đầu làng Đông đến cuối làng Tây, đối với tôi đã là quá xa, dăm khi mười họa có việc gì cần tôi mới ra chợ Cạn. Nhà tôi ở tận cuối đầu Tây làng mà chợ Cạn lại nằm bên kia phía Đông, cách một con khe, lúc đó chưa có ống cống bắc qua, phải đi ngang trên cây cầu bằng hai cành cây khá lớn thô sơ, người đi qua đôi khi phải cần đến tay vịn.

Để theo đuổi việc học hành, tôi đã rời vùng chợ Cạn để làm cậu học trò giữa đất thần kinh năm lên mười, chỉ trở về thăm chợ Cạn vào những ngày Tết hoặc ít ỏi vài tuần nghỉ hè, may cho tôi đã có hai năm trở về học đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng, đây là thời gian chợ Cạn trở nên thân thương gần gũi với tôi như kỷ niệm học trò còn xếp trong tờ lưu bút có cành hoa phượng ướp lại làm tin. Trong nét vẽ đơn sơ một ngôi chợ quê nghèo không có gì đặc sắc, chỉ những hàng quán quen mặt biết tên, những người bán buôn xuôi ngược hay những kẻ bán người mua trong vòng luân lưu trao đổi. Tất cả với tôi là một bức tranh quê trìu mến thân thương mỗi khi nhớ đến.


Thời còn Tây đô hộ, khu họp chợ có lúc bị lính Pháp lấy đất để làm đồn, không còn nhóm ở đó, ban ngày chẳng ai qua lại, ban đêm chỉ nghe tiềng “tắc xùm” , “lum đum” thỉnh thoảng đệm tiếng “ì ầm” đạn “móc chê”, vài ngày lính “Lê dương” đi lùng, xóm làng tiêu điều, người dân luôn sống trong phập phồng lo sợ. Cho đến trước năm 1954, đồn Tây triệt thoái, khoảnh đất đó lại họp chợ trở lại. Vùng chợ Cạn trở nên nhộn nhịp, cư dân trở về đất cũ làm nhà, mở quán, bày gian hàng, chợ Cạn từ từ thay da đổi thịt.  Từ cuối thập niên 1950, trụ sở hành chánh xã Triệu Sơn được xây lên bên kia con khe.  Chợ Cạn nhóm vào buổi sáng sớm, đêm về thường là nơi tụ hội sinh hoạt văn nghệ giải trí cho cư dân trong vùng sau một ngày ruộng vườn vất vã. Những đoàn chiếu phim lưu động của thông tin thường đến công tác nơi đây, những phim hoạt họa về y khoa phòng ngừa hoặc phim hài hước ngộ nghĩnh rất vui, đó là khởi điểm những ngày “phồn vinh” của chợ Cạn. Ban ngày, phần đông trẻ nhỏ rất thích ra chợ xem những toán bán thuốc quảng cáo “Mãi võ Sơn Đông”, cùng nhau quây quần quanh người bán hàng để xem diễn trò với những lời nói vui tai, trò xiệc lạ mắt.


Đây có lẻ là giai đoạn phồn hưng nhất của chợ Cạn. Chợ được xây đình quán nền lát, mái lợp tôn xi măng, một số người có vốn chuyên sống bằng kinh doanh buôn bán đã cất nhà ở và mở những gian hàng quanh khu chợ, những dịch vụ như quán may, quán hớt tóc, lò rèn chuyên làm và sửa chữa nông cụ… nói chung sinh hoạt chợ trở nên đa dạng và sầm uất hơn trước kia rất nhiều. Hình trạng này được giữ lại cho đến cái ngày, khi bóng dáng những người bên kia bắt đầu thập thò cuối khe vào những buổi chiều vắng sự kiểm soát của toán dân vệ đi tuần tiểu, và cũng từ đó cuộc sống người dân phải kinh qua nhiều biến chuyển bởi cuộc chiến, chợ Cạn vẫn họp nhưng độ thăng tiến không còn nữa, nó trở nên nơi trao đổi mua bán hàng hóa, nhu yếu qua ngày đoạn tháng, cho đến một lúc chỉ còn tên mà không còn chợ nhóm vì đất đai làng mạc thành bình địa, ruộng vườn khô cháy, đồng lúa bỏ hoang, quang cảnh hoang tàn xơ xác. Mãi đến sau ngày tàn cuộc chiến chợ mới nhóm trở lại, nhưng thật bèo nhèo nghèo nàn tả tơi giữa đám đất khô khan, hàng quán xiêu vẹo tồi tàn, mãi tận hai chục năm sau, chợ Cạn mới có hơi thở hồi sinh, nhưng lấy lại phong độ như thuở nào cũng gay go trần khổ.


Sau bao nhiêu năm lưu lạc, tôi trở về thăm lại quê hương đúng mười năm từ ngày ngưng tiếng đạn xéo bom gầm, về thăm lại Quảng Trị để lần nữa tận mắt nhìn đổ nát hoang tàn của cổ thành, dấu vết trường xưa Nguyễn Hoàng không còn nữa. Bùi ngùi nhớ nhớ thương thương, tôi háo hức về xem lại thôn làng, thăm lại mảnh đất hương hỏa, nơi tôi có những tháng năm buồn vui khổ đau của tuổi thơ. Trời nhá nhem tối không còn chuyến xe về chợ Cạn, đang giữa tiết Đông với giá buốt lạnh lùng không thể đi bộ; đành hỏi nhà một người bà con trú tạm qua đêm, sáng hôm sau người bà con này lại cho tôi chuyến xe Honda về tận làng.


Về đến chợ Cạn chúng tôi dừng xe vài phút , nhìn lại cảnh cũ, mảnh đất ấy đã hiện về trong tôi những tháng năm hai mùa mưa nắng chúng tôi tụ hội nơi đây cùng đi cùng về, biết bao kỷ niệm còn đây khi trên đầu có hai thứ tóc mà muối nhiều hơn tiêu, cuộc đời thăng trầm xuống lên bầm dập, nhưng hình ảnh những ngày tháng xa xưa ấy sao mà dễ thương, hồn nhiên và đẹp đến thế!  Những ngày lưu lại với làng, mấy dạo lân la ra chợ Cạn, tìm về kỷ niệm ngày nào, hình ảnh những cô nàng thôn nữ duyên dáng má ửng sắc hồng dưới vành nón quai đen nụ cười e thẹn long lanh đôi mắt huyền mộc mạc, những nàng nữ sinh áo trắng trường tỉnh đạp xe qua về trên đường chợ quê, tay mân mê sách vở, lòng xây đầy mộng đẹp ngập tràn ước mơ.  Và những cậu con trai trong vùng được học hành, có tí văn minh tỉnh thành đô hội, ra với đời thì chả bằng ai nhưng về quê đã là “tài hoa trí thức”.


Nhìn cảnh cũ nhớ lại người xưa, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thiếu thời hiện về, tìm ai không biết hỏi ai, bạn bè cùng trang lứa một thời người còn kẻ mất, ngậm ngùi trước bao đổ nát của quê hương sau những năm tháng dài triền miên quằn mình trong khói lửa, xót thương những thằng bạn đã nằm sâu trong lòng đất, số khác đa phần lưu lạc tận nhiều vùng xa xôi dẫu có nghe tin nhưng dễ gì liên lạc, một nỗi buồn rười rượi len vào tâm tư, để rồi mang đi từ đó… Mỗi lần nhớ về quê nhà ngoài làng mạc ruộng vườn đường đi lối xóm, chợ Cạn cũng hiện về với tôi qua nụ cười người con gái ngây thơ, tất cả đã để lại nỗi nhớ suốt đời cho người xa xứ. Như đã nói: đến nay chợ Cạn đã được di dời qua một địa điểm cách vị trí cũ không xa , bên kia con đường nơi trước kia là trụ sở hành chánh xã Triệu Sơn, dù chỗ mới hay cũ chợ Cạn vẫn là chợ Cạn, chợ Cạn của tôi những ngày xa xưa ấy là môt bầu trời kỷ niệm, là niềm vui của tuổi hoa niên, là niềm thương nỗi đau của những ngày ly tán, và nỗi nhớ khôn nguôi của ngày biền biệt ly hương.


Chợ Cạn mãi còn giữ lại trong tôi một vòm trời riêng rẽ với nét vẽ quê hương xuyên những con đường rợp bóng mát cành tre, những đêm hè oi ả rong chơi dưới ánh trăng lồng qua cành lá, những ngày thu se lạnh với lá vàng nhẹ nhàng bay lất phất trên lối về, những mùa đông lạnh lùng dầm dề mưa lụt, và những ngày lễ hội rộn ràng trên con đường quê trải dày cát mịn lối đi ngõ về xuyên ngang chợ Cạn, bao nhiêu hình ảnh quay lại từ những tháng năm xa xưa, tất cả đều đầm ấm hiền hòa của một thời an bình từng có trên vùng trời quê hương yêu dấu.


Trên vùng đất quê hương hầu như tôi đã đi qua khắp mọi miền đất nước, từ những thành phố lớn với những ngôi chợ sầm uất tiếng tăm, rồi trên bước đường chiến chinh, tôi cũng từng biết đến nhiều chợ quê nghèo và cả những ngôi chợ đã tả tơi sau chiến trận, những gì đã thu góp được dưới đôi mắt mãi còn lưu lại trong tim như món hành trang giữ vào ký ức mang theo khi rời quê mẹ, nhưng đặc biệt hình ảnh chợ Cạn quê tôi gợi lại đậm đà qua quãng đời niên thiếu nơi thôn dã, một ấn tượng sâu sắc khắc dấu vết hằn in thành nỗi nhớ không nguôi. Đôi lần đọc được trong bút ký thời binh lửa của vài tác giả đã nhắc đến chợ Cạn quê tôi, lòng cứ bồi hồi nhớ nhớ thương thương về chân trời dĩ vãng.  Xin cám ơn người! đã dành cho mảnh đất khô khan cằn cỗi ấy một mảnh vụn nhớ nhung dù cho nhỏ nhoi bằng những lời văn mượt mà gợi cảm.
Và giờ đây, tôi đang viết về chợ Cạn như một lời tâm tình: với những ai đã từng có lần dẫm bước đi qua; với những đồng hương vùng của tôi và cũng xin chia xẻ với mọi người về nơi quê nghèo nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời, để rồi lớn lên chứng kiến cảnh quê mình phải gánh chịu bao đắng cay trần ai thế cuộc.  Tôi không thể nào tả nó đầy đủ qua từng giai đoạn đổi thay tường tận, nhưng tựu trung chợ Cạn là môt chợ quê xứ nghèo, tự nó đã mang đầy đủ tính văn hóa dân gian Việt Nam thuần khiết như bao nhiêu cái chợ quê trên khắp quê hương mình, với tôi và có thể với tất cả những người vùng của tôi thì chợ Cạn là một vòm trời kỷ niệm khó quên, cho nên dù xa xôi cách mấy khi nhớ về quê nhà không thể quên được ngôi chợ quê nghèo nàn đơn sơ mà đậm đà thương nhớ.

Trần Quốc Phiệt

No comments: