Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 17, 2012

Trương Nguyễn - THI NHÂN VỚI MÙA XUÂN



Mùa Xuân đến với con người, thông thường mà nói đó là quy luật của thời gian. Nhưng đối với thi nhân thường gợi lên những ý tưởng mới lạ, chờ mong- ước mơ một hạnh phúc tươi sáng tốt đẹp sau những ngày tháng miệt mài khó nhọc.

Khi ta nhìn ngắm mấy chiếc lá vàng tàn úa sau mùa đông dài lạnh lẽo, để khai sinh nẩy mầm cho các chồi non, lộc mới tạo nên hương Xuân mượt mà hòa cùng với đất trời, với nhân loại, và cái thế gian đầy dẫy khổ đau thành một mùa Xuân vĩnh cửu, hạnh phúc mãi mãi, không còn thù hận chia ly, không còn tang tóc đau thương nữa.

Mỗi sớm mai thức dậy ngọn gió Xuân dịu mát nhè nhẹ lung lay những giọt sương còn đọng lại trên cành lá, cây mai đầy ắp nụ, chiếc lá non mỏng manh xanh mướt, không khí trong lành, đôi bướm nhởn nhơ lượn bay trên những đài hoa mới nở. Đức vua Trần Nhân Tông không thốt nên lời trước một cảnh Xuân huy hoàng mở ra trước mắt, người đã viết lên đoản khúc Xuân bằng phong thái lạc quan yêu đời.
“Ngủ dậy mở cửa sổ
A ! Xuân về rồi đây
Kìa một đôi bướm trắng
Nhằm hoa phơi phới bay”
(Trần Nhân Tông)

Thi sĩ Tản Đà nhìn mùa Xuân như một hiện tượng đẹp của đất trời giữa một thế gian mù sương khói ám, mọi người bị cuốn vào cơn lốc xoáy bụi bặm của quyền lực, danh vọng, bạc tiền mà quên đi những khoảnh khắc xuân tươi sáng rạng ngời. Mùa Xuân gợi lên cho ông một mơ ước, cái cảm xúc tuyệt vời ấy, mong xuân cứ vĩnh hằng diễm tuyệt.
“Mùa Xuân còn mãi không thôi
Tuổi xanh đâu dễ xanh rồi lại xanh”
(Tản Đà)

Đúng vậy tuổi thanh xuân cho mỗi đời người chỉ có một lần thôi, bởi vậy thi sĩ Trúc Diệp có chung cái nhìn của thi sĩ Tản Đà là:
“Bốn bề nam bắc tây đông
Đố ai tắm được khúc sông hai lần”
(Trúc Diệp)

Với thi nhân mùa Xuân không phải là mùa Xuân bình thường nữa. Các thi sĩ đã cách điệu thành mùa Xuân của đời người và mong ước tuổi thanh xuân ấy sẽ “Thiên trường địa cửu”.

Riêng nhà thơ Xuân Diệu có cái nhìn tinh tế hơn, thấy được cuộc sống là một dòng chảy thiên thu bất tận, không có gì ở nguyên vị trí, mà tất cả mọi sự kiện trên đời là một trường biến dịch, luôn luôn thay đổi, cái giây phút bây giờ thì ngày sau không gặp lại. Xuân đến với ông như một khoảnh khắc nhất thời. Bằng suy tư ấy ông lại viết lên.
“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết thì đời ta cũng mất”
(Xuân Diệu)

Viết như vậy ông đã thấy cuộc trăm năm cũng chỉ là khoảnh khắc, dù chỉ là khoảnh khắc nhưng đầy hương vị ngọt ngào, cay đắng đi suốt tiến trình thơ ông.

Còn Chế Lan Viên có cái nhìn về Xuân khác lạ, một cái nhìn nhân bản. Thật là ngốc nghếch khi ta nói lên những điều không thể và lại càng không thể.

Khi xuân vẫn hiền hòa nhẹ nhàng gần gũi, thì biết bao nhiêu thân phận đắng cay nghiệt ngã của kiếp người, đang ngóp ngoi chạy vạy, tìm cho bản thân và gia đình một cái Xuân tạm bợ, như là niềm trắc ẩn.
“Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả điều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”
(Chế Lan Viên)

Với mùa Xuân thì điềm lành hay điềm dữ vẫn là một ẩn ngữ giữa cuộc đời bao la vô tận. Nhưng nếu chúng ta biết suy tư, chiêm nghiệm, nhìn thẳng, để nhận diện tiếp xúc với thực tại sống và khám phá ra rằng: Xuân có đến thì Xuân sẽ ra đi. Nhưng đằng sau những cánh hoa tàn lụi kia một sức sống đang hiện hữu, đang trổi dậy, đầy đủ uy lực để tạo ra một mùa Xuân miên viễn.
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Thiền sư Mãn Giác)
“ Chớ Bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”
(Ngô Tất Tố dịch)
Một cánh hoa hiện hữu đêm qua ấy là một cành mai “Vô tướng” nằm ngoài cái định luật thịnh- suy, mất- còn, bởi vậy ông Ngô Tất Tố cảm nhận được sự thâm diệu sâu xa, câu thơ của ngài Mãn Giác, chuyển hóa cái bi thiết thế gian đến cái phạm trù trác tuyệt của thơ ca.

Dù xuân đến hay đi đó là quy luật tự nhiên, nhưng con người vẫn sống, vẫn phấn đấu để hướng thiện, hướng thượng, lấy tình yêu làm lẽ sống để cứu chuộc thân phận hiện hữu của mình..

Trương Nguyễn 
truongnguyen49@yahoo.com.vn

No comments: