Vào những ngày hè năm 2006, tôi được vào thực tế ở thôn Ro ró, thuộc xã
A-Vao, huyện Đakrông. Đường vào thôn khoảng hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ mệt
đến bở hơi tai, hai chân nặng trịch như không thể đứng được, tuy nhiên
tôi quên hết mệt nhọc sau khi được tiếp xúc với mọi người nơi đây. Bằng
một tình cảm đầy chân thành và mộc mạc của các bố, các mẹ, anh em bạn
bè làm cho tôi cứ nghĩ là họ đã là người thân thiết lâu lắm rồi. Chỉ một
tuần, tôi may mắn được sống cùng đồng bào, được các cụ, các anh các chị
kể chuyên về cuộc sống sinh hoạt văn hoá dân gian ngày xưa và một số
sinh hoạt còn được duy trì đến ngày nay. Tôi vô cùng xúc động khi được
tận mắt nhìn thấy nhưng chiếc cồng, chiêng, thanh la, trống còn rất cổ
và thô sơ, được nghe những cụ già hát lên nhưng âm điệu quen thuộc của
đồng bào mình. Qua sự tiếp xúc và trao đổi bản thân tôi nhận thấy một số
đặc điểm về âm nhạc của họ mà trước đây tôi còn mơ hồ.
Âm nhạc dân gian của tộc người PaKô ở Quảng Trị thường xuất phát
từ những lễ hội dân gian. Lễ hội người PaKô xuất phát từ tín ngưỡng
thờ cúng và đều được liên quan đến đối tượng thần được thờ. Các lễ hội
như A riêu pin ( lễ bốc mồ mả ) được tổ chức khá rầm rộ, đó
là ngày hội lớn của làng và các làng lân cận. Ngoài ra đối với người
PaKô, hàng năm có hai lễ hội chính đó là ngày lúa mọc bằng ngón tay và
vào kỳ thu hoạch, lễ hội to hay nhỏ đều có vật hiến sinh, năm được mùa
thì có tổ chức đâm trâu, đánh cồng, chiêng, uống rượu cần và múa hát tập
thể.
Dân
ca của người Pa Kô là những giai điệu đơn giản, hoang sơ và dân dã. Tuy
không được biết đến nhiều như các tộc người khác, nhưng nó thể hiện một
cách rõ nét về tính bản địa, tính độc đáo riêng biệt của mình. Qua sinh
hoạt và nghệ thuật diễn xướng, hình thức và cấu trúc, tính chất và thể
loại chúng tôi thấy có những điểm nổi bật sau:
Người PaKô thường có các làn điệu dân ca như: Cà lơi, Cha chấp, Adên, Xiêng(Bắt nguồn từ Lào). Các điệu múa của cộng đồng trong các ngày hội như: A dưn, Căn A unr, A Riêu.
Về nhạc khí, người Pa Kô có những chủng loại như: Bộ gõ gồm Trống(Acưk), Cồng(Coong), Thanh la(Tale). Bộ hơi gồm Sáo đôi(Amam), Tarial (Tiare), Kèn Pi (Sáo Pi mo), Kèn môi (Adon), Tù và (Tăng coi) và Khèn bè. Bộ dây có Abel, Ta lư a trum. Ngoài ra còn có Lục lạc, Chuông, Mõ.
Dân ca nổi rõ tính ứng tác làn điệu:
Hầu hết những làn điệu dân ca của người Pa Kô so với Vân Kiều có những điểm chung về tên gọi (Thể loại)
Tuy nhiên tuỳ cảm xúc cá nhân sẽ có sự thay đổi trong cách trình bày
hoặc ứng tác. Họ sáng tạo nội dung tuỳ theo môi trường diễn xướng khác
nhau Đặc biệt, đặc điểm ứng tác cũng thấy rõ ở những thể loại hát dao
duyên (Cà lơi, Cha chấp, Xiêng) Đây là ngững làn điệu để bày tỏ tâm tình của thanh niên nam nữ.
Thể hiện tính chất hát nói:
Từ đặc điểm ứng tác làn điệu, thì dân ca của Họ, tính chất hát gần như
nói được thể hiện khá rõ nét. Băng ngôn ngữ của mình, đồng bào thể hiên
những nguyện vọng của minh thông qua âm nhạc, do ngôn ngữ nói của họ có
âm vực cạn hẹp, hầu như không có dấu, chính điều nay làm cho nhưng làn
điệu hát gần như nói.( Hát cùng A mam,Khèn bè, khi diễn tấu những câu hát gần như trở thành nói)
Hát và nói trong dân ca Pa Kô gần như một sự đồng điệu nhất định , điểm
quan trọng đặc biệt nói có giai điệu lên xuống để phù hợp với âm điệu
của nhạc cụ đi kèm. Như vây, dân ca của họ được diễn xướng theo lối tự
do.
Đặc điểm dân nhạc:
- Nhạc cụ ít dây, ít nốt và tính chất ngẫu hứng.
Nói đến dân nhạc trong âm nhạc Pa Kô tuy chưa phong phú, đa dạng và hấp
dẫn, nhưng phần nào đã khắc hoạ được những nét nhân bản sâu xa, sự rung
cảm tự nhiên trước cuộc sống. Do điều kiện thiên nhiên, cuộc sống, nét
văn hoá , nhạc cụ của họ kỹ thuật sáng chế chưa cao, nhưng những nhạc cụ
đó là một nét cơ bản trong sinh hoạt âm nhạc. Sự kết hợp giữa dân ca và
dân nhạc là nét đặc trưng.
Đặc điểm của dân nhạc là thường đi kèm với hát trong mọi lễ hội, sinh
hoạt cộng đồng, vì vậy mang đậm tính tự do. Trong quan niệm của họ, hoà
tấu là nhiều người chơi , chứ ít có sự hoà hợp các nhạc cụ. Một điểm
khác đó là nhạc cụ của Họ ít dây, ít nốt, nên dân nhạc còn mang đậm tính
nguyên sơ, về hình dáng, cấu tạo còn thô sơ, thể hiên sự ít lai tạp các
âm nhạc khác.(A bel chỉ có 1 dây, sáo chỉ có 3 đến 4 lỗ bấm) nên về cao độ các bài dân nhạc đơn giản, quãng đặc trưng có khi lặp lại, chỉ thay đổi về tiết tấu.
- Vấn đề về thang âm
Âm nhạc PaKô là âm nhạc dân gian thuần tuý, không pha tạp, vì vậy âm
nhạc đơn giản, mộc mạc không có điểm chuyên nghiệp như âm nhạc Bác học,
âm nhạc người Kinh (Hò, Lý, Hát quan họ, Ví, Ca Huế…) Qua khảo sát chúng
tôi nhận thấy, thang âm của Họ không cùng họ với thang âm điệu thức
bình quân trong âm nhạc cổ điển và cũng không hoàn toàn giống vơi các
thang âm điệu thức âm nhạc dân gian các tộc người khác. Các thang âm chủ
yếu đó là: thang 3 âm, 4 âm, 5 âm.
Như vậy qua những thang âm trong âm nhạc Pa Kô- Vân Kiều chúng tôi nhận
thấy được tiến hành theo những quãng đó là: Quãng 5 đúng đi lên và
quãng 4 đúng đi xuống, ngoài ra láy nửa cung và quãng 2 cũng được sử
dụng nhưng không nhiều. Hầu hết các bài dân ca, trong giai điệu thường
thấy xuất hiên các âm trì tục một âm làm cho yếu tố hát gần như nói nổi
trội hơn, điều này liên quan đến ngữ âm, ngữ điệu của ngôn ngữ tộc
người.
Với
những vấn đề nêu trên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, do đặc điểm về
địa vực, địa bàn cư trú, thành phần tộc người và đời sống văn hoá vật
chất, tinh thần, người PaKô có mối giao lưu với các tộc ít người trên
dãy Trường Sơn, biên giới Việt - Lào, cho nên không tránh khỏi vấn đề bị
lai hoá. Tuy nhiên âm nhạc dân gian người PaKô vẫn có những điểm riêng
biệt, nét độc đáo của mình.
Rời thôn Roró sau một thời gian cùng ăn, cùng uống rượu với mọi người,
tôi không thể nào quên những tình cảm của những con người chân chất
thật thà với những tâm tư, nguyện vọng của họ về một cuộc sống vật chất
cũng như tinh thần của đồng bào mình. Thời gian không dài tuy nhiên
những tình cảm đó đã in đậm trong tôi và đã cho tôi những hiểu biết
không nhỏ về những nét văn hoá dân gian vô cùng quý giá của đồng bào
Pakô.
Lê Đình Trí-GV âm nhạc- Trường CĐSP Quảng Trị
No comments:
Post a Comment