Cứ bị cuốn vào dòng trôi của cuộc sống nơi phương xa, mãi đến
một hôm hội ngộ lớp bạn bè ấu thời, ước muốn tìm gặp lại cô giáo cũ
trong tôi mới trỗi dậy mạnh mẽ.
Nhưng soi lại ký ức, lục tung hồ sơ, sổ sách liên quan… chúng tôi cũng chỉ biết chung chung quê cô ở Quảng Bình.
Cho đến một ngày thằng bạn giờ đã là bác sĩ bỗng hét toáng
lên: “Tìm ra cô Tiu rồi, cô Phan Thị Tiu ở Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh,
tỉnh Quảng Bình…”.
CHÙM VẢI THỜI ĐÓI NGHÈO
Gần 30 năm qua, mỗi lần chợt nhớ đến cô là hình ảnh chùm vải
thiều lại hiện lên trong tâm trí tôi với một câu hỏi đeo đẳng. Giờ đây
gặp lại cô, câu hỏi ấy dường như càng thôi thúc hơn: “Tại sao lúc ấy đói
kém như thế, tại sao ở Quảng Trị không có vải mà cô lại có được chùm
vải để minh họa cho bài học trên lớp?”.
Cô vẫn cười hiền lành: “Nói thật lúc ấy rất khó khăn, khó
lắm, nhưng nghĩ mãi: chẳng lẽ học về trái vải mà HS chưa bao giờ thấy
vải thì làm sao cảm nhận được. Thế là cô lấy ra vài đồng dành dụm gửi
người đi chợ trong Huế mua về để bài giảng thêm sống động”.
Quả là chùm vải hôm ấy đối với lũ trẻ chúng tôi hết sức “trực
quan sinh động”, nhờ thế mà những bài giảng của cô luôn có một sức hút
kỳ lạ. Không những thế, cô còn dạy chúng tôi nhiều kỹ năng khác, từ may
vá, thêu thùa, đơm nút… cho đến làm thơ! Những câu thơ thô vụng ngày nào
như Lớp em là lớp 5A. Học hành tấn tới mới là trò ngoan đã nâng bước tâm hồn cho bao lớp bạn bè tôi, giúp họ biết sống đẹp trong và hồn hậu nơi chân trời góc bể.
Ngày ấy nghèo, rất nghèo nhưng cái tình thầy trò luôn thấm
đẫm và gần gũi. Sau năm 1975, cha tôi mất, từ miền Nam trở về quê (Quảng
Trị), mẹ tôi một nách bốn đứa con thơ trong bối cảnh đất nước đang gặp
nhiều khó khăn, gia đình tôi dường như túng bấn đến cùng cực.
Tôi một buổi chăn trâu, một buổi đến trường với bộ quần áo
tận dụng từ vải bao cát, chiếc cặp táp chỉ đơn sơ là túi lác, vở viết
qua một lần phải ngâm nước cơm phơi khô viết lại (thường bị nhòe nhoẹt),
rồi mực viết cũng phải “chế biến” từ hạt mồng tơi… Cơm không đủ ăn, các
anh em tôi phải thay nhau chăn trâu cho hợp tác xã mà vẫn cứ đói. Đói
đến độ phải thường xuyên ăn cháo rau (các loại rau tập tàng ở vườn nhà,
một ít khoai và chỉ nhúm gạo), khoai sắn, thậm chí phải ăn cả cám, gốc
chuối, gốc đu đủ… thay cơm. Ngày nào chủ nợ cũng rậm rịch và eo éo đòi
nợ bên hiên nhà.
Trong tình cảnh ấy, một đêm mẹ tôi ôm tôi vào lòng rưng rức:
“Mẹ tiếc là đã không thực hiện được lời hứa với cha con lúc sinh thời.
Đến nước này rồi, con phải nghỉ học để đỡ đần thêm với các anh chị, mẹ
xót xa lắm…”. Đứa trẻ 9 tuổi chỉ biết gạt nước mắt từ bỏ giấc mơ trở
thành kỹ sư, xa bạn bè, thầy cô… nhận lấy con trâu của hợp tác xã –
chính thức trở thành mục đồng chuyên nghiệp để có thêm 4 ang lúa (khoảng
17 kg/ang) mỗi vụ.
Nhưng rồi một đêm khi biết chuyện, cô Tiu đã đến tận nhà tôi
động viên, thuyết phục mẹ cho tôi trở lại trường. “Nếu không có gạo ăn,
cô và giáo viên trong trường sẽ góp vào nuôi em, chị đừng lo…” – cô Tiu
tự tin nói. Không đứng vững nổi trước lời thuyết phục tha thiết của cô,
mẹ tôi không cầm được nước mắt, đành gật đầu. Riêng tôi vui sướng đến
nghẹn ngào vì đã được trở lại trường lớp với thầy cô và bạn bè thân yêu
của mình.
Tôi may mắn được học cô Tiu liên tục đến ba năm, từ lớp 3 đến
lớp 5. Trong ký ức của mình tôi vẫn nhớ về ngôi trường nhỏ bé – nơi mà
nhiều giáo viên, trong đó có cô – được lũ trẻ chúng tôi xem như một
người mẹ thứ hai. Cô tỉ mẩn đơm lại từng chiếc nút bị đứt cho đứa này,
cẩn thận dặn dò đứa kia nhớ mang áo ấm khi trời trở rét, lo lắng về đến
tận nhà HS kèm cặp thêm mỗi khi có ai đó chưa hiểu bài…
Có lần đưa chúng tôi đi thi HS giỏi ở tận thị trấn huyện lỵ,
cô trò cơm đùm cơm nắm đi bộ đến 12km, mệt đến rã rời. Biết vậy nên chốc
chốc cô lại dừng chân lấy nước cho chúng tôi uống, động viên chúng tôi
cố bước lên phía trước… Đêm trước ngày thi, cô trò phải vào nhà dân xin
ngủ nhờ. Ba cô trò một giường và khi say giấc, bạn N. còn vô tư quờ tay
sờ tí cô như vẫn quen với mẹ (!).
HÒN ĐÁ LĂN HOÀI, KHÔNG ĐÓNG RÊU…
Năm 1994, cô trở về quê sau đúng 20 năm đằng đẵng gắn bó với
mảnh đất Quảng Trị. Về lại Hàm Ninh, Quảng Ninh (Quảng Bình) quê hương,
cô vẫn tiếp tục đứng trên bục giảng, dù sau đó được cất nhắc lên hiệu
phó Trường tiểu học số 1 Hàm Ninh.
“Hòn đá lăn hoài, hòn đá không đóng rêu”. Sau gần 30 năm gặp
lại cô, câu ngạn ngữ ấy cứ khiến tôi day dứt, bùi ngùi… Ngày cô rời ngôi
trường Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị), nhiều cán bộ xã và người dân đã
tiễn cô trong nước mắt. Người ta không khỏi xúc động vì cô đã để lại
trọn tuổi thanh xuân cho mảnh đất này – một sự dâng hiến không chút đòi
hỏi, đắn đo – và cả chạnh lòng cho nỗi chiếc bóng của thân phận.
“Hòn đá lăn hoài, hòn đá không đóng rêu”. Ra đi một bóng trở
về một bóng. Phải khó khăn lắm tôi mới đặt được câu hỏi với cô về chuyện
chồng con, vì vẫn không tin một nhan sắc mặn mà, một tính cách sôi nổi
như cô thời trẻ lại phải chịu sự hẩm hiu của số phận. Cô cười mà ánh mắt
xa xăm: “Có lẽ cái số cô nó thế…”.
CÓ BAO GIỜ CÔ ÂN HẬN VỚI CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN?
- Không, cô chưa bao giờ có suy nghĩ ấy, ngay từ ngày đầu
nhận quyết định đi B vào Nam. Nếu được lựa chọn lại, cô vẫn chọn nghề
giáo…
Khi tôi tìm gặp được cô cũng là lúc cô chuẩn bị nhận quyết
định nghỉ hưu. Cũng may, năm 1994 từ Quảng Trị trở về cô còn lận lưng
được 9 triệu đồng nhờ tăng gia… nuôi heo miệt mài trong 20 năm ở đây. Số
vốn ấy cùng với sự trợ giúp của họ hàng, người thân, cô đã xây được một
ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của người anh trai. Phía trong trang thờ,
hàng chồng bằng khen, giấy khen cô vẫn còn cất giữ.
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, trong đó có 25 năm là “chiến
sĩ thi đua”, rồi nào là bằng khen dạy giỏi, bằng khen về công tác phổ
cập giáo dục và cả bằng khen “giỏi việc nước, đảm việc nhà”! Và có lẽ
quí giá nhất đối với cô vẫn là tấm Huân chương Kháng chiến hạng 3 do Chủ
tịch nước trao tặng năm 1997, được treo trang trọng ở góc tường.
Đó là tất cả gia sản của một đời người dạy học.
Chia tay cô, đêm đã bắt đầu xuống nhanh. Nhìn ngôi nhà hai
gian trống trải giữa vùng chiêm trũng mênh mang mà không khỏi ái ngại.
Không hiểu cô sẽ sống ra sao với những năm tháng còn lại phải rời phấn
trắng bảng đen vốn đã thành nghiệp, trong khi căn bệnh đại tràng 10 năm
qua vẫn chưa buông tha cô?
Dẫu biết thời gian không bất biến, dẫu biết cái nghiệp cầm
phấn vốn không so đọ thiệt hơn, được mất… nhưng sao vẫn thấy cay cay nơi
khóe mắt khi chạnh nghĩ về nỗi quạnh quẽ, đơn côi khủng khiếp của một
kiếp người.
***
- Tháng 10-1974, từ Quảng Bình, cô được điều động vào
Quảng Trị giảng dạy ở vùng giải phóng theo chế độ đi B (dân chính). Năm
1975, cô chuyển vào Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị và dạy một lèo
đến 20 năm.
- Sau giải phóng, đời sống người dân nói chung hết sức cơ
cực, riêng miền Trung còn cơ cực hơn. Lương giáo viên tiểu học chỉ
khoảng 40 đồng/tháng, trong đó có những năm như 1979-1980, giáo viên
phải thường xuyên ăn bo bo, bột mì thay cơm. Đó cũng là thời kỳ mà trong
khi không ít giáo viên đã phải “nhảy” sang ngành khác thì cô vẫn đều
đều ba bữa bo bo đến lớp.
- Hơn 30 năm dạy học đối với cô, dường như chỉ có cho mà
không hề nhận lại gì cho mình, nếu có cũng rất ít. Đó là nét đẹp nhân
văn cao cả của nghề giáo và cũng là nỗi nghiệt ngã của nghề.
(Tháng 11-2007)
Hà Thạch Hãn