- Mùa Vu Lan nhớ tao nôi và tiếng ru của mẹ -
Tôi lớn lên lúc nào không biết, một hôm lạc chân đi xa lắm mới thấy mình không còn là đứa bé ngày xưa. Chợt thèm cái nũng nịu nằm nôi để mà nghe tiếng ru ạ ời của mẹ. Nhớ cái tiếng ru vừa buồn vì cái nghèo, thương vì cái tình, nhà quê trọng nghĩa khinh tiền cũng thấm vào trong lời ru ấy. Và mỗi khi có ai đó cất lên một tiếng dỗ con tôi đều thấy hình như mình cũng đang được dự phần.
Không biết cái tiếng ru có tự bao giờ nhỉ? Nhiều lúc vẩn vơ tôi tự nghĩ chắc nó có từ cái thuở xa xưa trước khi xuất hiện âm nhạc. Và phải chăng, đó là một thứ âm nhạc tiền thân, âm nhạc của lòng mẹ dẫn dắt trẻ thơ vào thế giới của thanh điệu. Tôi thích cái tiếng ru của mẹ của bà bởi chính nhờ tiếng ru ấy mà Đất nước tôi là "Đất nước của những nhà thơ". Tôi yêu tiếng ru ấy bởi trong đó mẹ đã truyền cho con những gì rất đỗi bình dị nhà quê. Tiếng bà ấm áp "ầu ơ" khi cái miệng đang nhỏm nhẻm trầu đỏ hồng, phả ra cái thơm thơm cay nồng vỗ về giấc trẻ thơ.
Dân tộc ta có một kho tàng ca dao tục ngữ phong phú, không phải dân gian sinh ra đó để trưng đâu, cũng không phải để sách sử ghi lại là "chúng ta có một kho tàng lớn"... Ca dao dân ca sinh ra cho mẹ cho bà, rồi bà và mẹ truyền lại cho chị để mai mốt chị đi lấy chồng... Cứ thế, dân tộc ta có một cuộc truyền khẩu nối tiếp qua thế hệ, bảo tồn đến hôm nay. Những bà những mẹ những chị cứ lấy cái dân ca đó mà hát ru.
Mạn phép đưa ra một giả thiết thế này về các hội Lim Quan Họ, hội hát đối đáp ngày xuân, hay hò chọn vợ... Tất cả cũng đều có dính líu một ít đến chuyện hát ru. Người phụ nữ xưa nay có việc sinh con và nuôi con - đó là bổn phận và thiên chức cao quí của họ. Người xưa chọn con gái làm dâu ngoài việc xem tông giống còn chú ý đến ngoại hình tính nết và quan trọng là "ngôn" (một trong tứ Đức: công-dung-ngôn-hạnh). Chọn "Ngôn" tức là chọn cái tiếng ru để cho con cháu dòng họ mình được khôn lớn trong nguồn văn hoá Việt. Có thể từ đó mà sinh ra chuyện hò hát trong các lễ hội dân gian ở ta chăng (?).
Giả thiết đó tôi dùng vừa để tôn thêm nét đậm đà bản sắc văn hoá Việt, vừa để ghi nhận ý thức hệ văn hoá trong ngôn ngữ, và tất nhiên có mục đích ân sủng cho tiếng ru thêm một cội nguồn. Để rồi bắt đầu từ các lễ hội, chàng nào chọn được một cô có giọng hò hay thì coi như có phước. Người Việt mình là vậy, cái đẹp không phải chỉ từ ngoại hình bên ngoài mà còn cái đẹp của tâm hồn tính cách. Cái đẹp của gái làng thì nhất quyết phải hợp ý của các cụ, mà các cụ thì trọng cháu hơn trọng dâu nên chú ý đến "ngôn" thổi vào tai trẻ. "Chim thanh hót tiếng nỉ non/ người thanh nói tiếng ôn tồn dễ nghe" là vậy!
Trẻ con sinh ra cất tiếng khóc rống lên là ngay lập tức người sản phụ "à ơi" dũ con nín. Vậy là tiếng ru và tiếng khóc đồng hiện tại một thời điểm mà ở đó sản sinh ra loài người. Nếu cái tiếng khóc chào đời ta gọi là "tiếng kêu đời đau khổ" thì tiếng ru của mẹ có thể nói là "lời an ủi" cho một sự đối diện dài sắp tới. Những lần đến bệnh viện, đứng ngoài cửa phòng sản phụ, tôi đều nghe thấy các mẹ ầu ơ nịu con rất tài. Vừa mới sinh xong, sức khoẻ con yếu, nhưng thấy đứa con đỏ hỏn là cái bản năng làm mẹ ngàn đời trong lòng tự dưng bật lên tiếng "à ơi!" xen giữa những hơi thở mệt nhọc sau cuộc vượt cạn. Tiếng ru từ đó bắt đầu theo sơ nhi lớn lên và đi suốt cuộc đời...
2. Tiếng ru thường gắn liền với tao nôi cánh võng. Thích cái hình ảnh mẹ ngồi đong nôi nũng nịu con. Hay dáng bà gầy còm ngồi bên cánh võng, tay cầm quạt vừa phây phẩy vừa hát ru cháu mỗi chiều thu. Một lần nữa hình ảnh những người phụ nữ hiện lên trong ý nghĩa bảo tồn văn hoá dân gian. Cứ mỗi khi gió phây phẩy, tiếng ru đâu đó vẳng lại nghe thân thương đến lạ. Nhà tôi ở làng, quanh đó lối xóm thỉnh thoảng có cưới hỏi, vậy là vài tháng sau bắt đầu bật lên những tiếng nịu con. Những tiếng ru cứ thế thay phiên nhau quanh năm ru ngủ bóng tre làng. Cây lúa đơm bông, hoa cải ngồng lên vụ cũng theo tiếng ru đó.
Ông tôi có nghề đan, thực ra là "vô nghề đan thúng, túng nghề đan nia", người quê rảnh rỗi thường bày tre ra chuốt rồi đan lát cho qua ngày đoạn tháng nên thành ra nghề. Tôi cũng được ông dạy cho cách đan, cách lên vành và nức cước. Song, cái khoản đan nôi thì chưa bao giờ ông cho làm. Đan nôi thực ra không khó, giữa đan nồng mốt chốt rìa nong hai thôi. Ông không cho tôi làm là vì cái quan niệm tuổi tác, đan nôi phải là người đứng tuổi tự tay làm, như thế thì cái hơi ấm và phước đức của người đan sẽ truyền sang cho cháu.
Ông nội tôi có cả thảy mười bảy đứa cháu nội, tôi thứ tôn nên cũng chứng kiến tất cả mười mấy cái sơ nhi còn lại. Và mỗi lần như thế, các em tôi đều được nằm trong nôi của ông đan mà lớn. Tất nhiên, không phải đứa nào cũng được nằm nôi mới. Ông tôi vốn cẩn trọng, đan lát chọn tre rất kĩ nên chiếc nôi bền lắm. Nằm đến mấy lứa trẻ vẫn không hư, ấy vậy mà chiếc nôi đan cứ lần lượt lót lưng cho lũ em. Mấy chị trong làng vẫn cứ thích mượn cái nôi đan của ông tôi về nịu con. Và rồi những đứa trẻ đó lớn lên cũng quí ông lắm!
Có một cô bé bên kia đê làng, tuổi với tôi, tên là Nhàn, tôi nhớ rõ vì Nhàn học chung với tôi từ mẫu giáo cho đến hết cấp một. Ông tôi kể lại, ngày Nhàn mới lên ba bốn tuổi là cứ chạy ra nhà tôi chơi, rồi ở lại nhà tôi mấy hôm không chịu về. Sau này, thỉnh thoảng Nhàn ra nhà chơi, ông tôi đều xem như cháu nội. Có lẽ cái hơi tay chuốt tre đan nôi đã truyền sang những đứa bé ấy, để rồi "hạp hơi" mà chúng quí người đan. Mấy đứa trẻ trong xóm mỗi khi bị ba mẹ chúng đánh cũng đều chạy sang nép vào ông nội tôi. Nhiều khi nghĩ tôi tị nạnh dễ sợ, ai bảo cái mát tay hay đan của ông thấm vào nôi làm chi?
Khi tôi nhìn thấy hình ảnh mẹ bồng con trên tay, mắt đăm nhìn xa xăm và hát ầu ơ là tôi tưởng đến cái nghèo. Hình ảnh ấy nó thương đến lạ, cái nghèo dìu dặt rủ nhau kéo vào trong ánh mắt ngóng trông mùa gặt, cái nghèo khó cất lên trong tiếng hò ru nghe da diết. Chính cái dáng mẹ ngồi tựa cửa, ôm con mỗi chiều ấy mà tôi thấy yêu quê hương tha thiết.
Mẹ ta xưa hát ru hay hơn bây giờ, tình mẹ thì thời nào cũng như nhau, mẹ nào cũng thương con. Nhưng cái tiếng xe cộ đổi khác thì tiếng ru của mẹ cũng không còn như xưa được. Cái đó gọi là thời thế vậy!
Ngày mẹ tôi sinh thêm em nhỏ, lúc đó tôi cũng lớn lắm rồi. Đến giờ tôi còn nhớ rõ cái giọng hát ru của mẹ trong thanh lắm! Trước đó, tôi chưa bao giờ nghe mẹ hát, mẹ tôi ít nói, nhưng khi hò ru thì như thể cái mượt mà con gái xuân ngày nào vẫn còn đây. Cánh nôi xoay xoay cuốn lời ru mẹ vào giấc ngủ em. Nghe mẹ hò, rồi đến khi mẹ chạy chợ thì tôi cũng thử làm một "người chị" vỗ về.
"Ru em em ngủ cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh..."
Rồi cứ thế, những câu ru của mẹ lọt vào tai tôi, hoá ra tất cả là ca dao dân ca cả đấy! Hồn dân tộc, văn hoá làng mẹ tôi truyền lại qua lời ru ấy.
3. Một góc nhìn khác trong tiếng ru, không ở phương diện mẫu tử tình thương mà lại một sự "buồn tình". Chuyện này thường xẩy ra ở làng, "khổ nhất là lấy chồng xa/ đau nhất là nghe người ta ru hời". Vế thứ hai trong câu ca trên gắn với vế thứ nhất mới hiểu đúng nghĩa, nghe người ta ru hời tức là người yêu mình đã đi lấy chồng và có con.
Có những người yêu nhau không lấy được nhau , đến khi người yêu mình đi lấy chồng thì ngậm bồ hòn mà ngọt. Ngày xưa, dựng vợ gả chồng thường đóng khung trong khuôn khổ làng xóm. Ấy vậy nên nhiều khi người mình thương đi làm dâu cho một nhà rất gần. Rồi một chiều, nàng cất tiếng ru con thơ khiến chàng tủi thân. Tiếng ru đến đây đánh vào cảm thức của một người lớn chứ không chỉ là ru con ngủ nữa. Vậy là tiếng ru có hai tác dụng trái ngược nhau, "ru con con ngủ cho muồi/ để anh nghe được bồi hồi mấy đêm". Trách cái tiếng ru kia cứ khiến người ta phải não lòng. Đau!
Khi đã đi xa, vượt ra ngoài biên giới Quốc gia, cũng đồng nghĩa không còn được nghe tiếng ru của người phụ nữ Việt. Song, cái tiếng ru ấy hình như vẫn văng vẳng đâu đây để trói buộc tôi với vành nôi ngày xưa. Một chút bình dị quê mùa, yên ả mà ấm áp trong lời ru mẹ. Một thoáng tình trong điệu hò của cô bé hàng xóm nựng em. Rồi cả cái ngậm ngùi của anh trai làng tẩn ngẩn buồn hắt hiu mớ tình xưa... Tất cả những điều ấy cứ nhắc tôi về một tiếng làng trong tiếng ru, tiếng dân tộc tôi - hồn cốt quê nhà.
Có một tiếng oa oa vừa cất lên ở bên hàng xóm, cũng đồng thời giữa chiều thinh không vẳng một tiếng "ạ ời!" thân thương. Và bắt đầu những cuộc sinh sôi từ tiếng ru ấy...
Minsk, 23.5.2008
HOÀNG CÔNG DANH
hkzanh.vnweblogs
No comments:
Post a Comment