Nguyễn Tường (người bên trái) và ba bạn Dũng, Thông, Lư cùng tổ chức sinh nhật 27/8 tại SG 2009
Nhân sinh quý thích chí. Ở tuổi 60, Nguyễn Tường tự chọn cho mình một việc xưa nay hiếm: đó là chuyển những câu chuyện anh thích sang văn vần hay chuyện thơ. Trong khoảng thời gian chừng 5 năm trở lại đây, anh đã chuyển hàng chục bài ngụ ngôn, hàng chục câu chuyện trong thánh kinh, và một số chuyện anh tình cờ đọc được trên báo, kể cả báo bằng tiếng nước ngoài. Hầu hết đều có tính giáo dục rất cao. Nguyễn Tường đã đưa toàn bộ tác phẩm của mình lên Blog Yahoo của anh, một số được in và phát hành nội bộ để tặng bạn bè. VNQT xin gới thiệụ bài phỏng vấn Nguyễn Tường do Nguyễn Khắc Phước thực hiện qua mạng Internet.
NKP: Thưa anh, cái duyên nào đưa anh đến với cái thú chuyển văn xuôi thành thơ, một hoạt động văn học hiếm ai đeo đuổi trong thế kỷ 21 này. Trong gia đình anh có ai cùng sở thích với anh không?
NT: Tôi thích sử dụng văn vần từ kinh nghiệm cá nhân. Về gia đình, có lẽ tôi thừa hưởng gene di truyền từ mẹ tôi. Bà là người có năng khiếu bẩm sinh về hò đối đáp rất thông minh và ý nghĩa sâu sắc, biết dùng những câu ca dao, tục ngữ để dạy con dù bà không biết chữ. Chị tôi thích đọc Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên. Một kinh nghiệm nữa là khi tôi sinh hoạt tôn giáo, đối tượng có rất nhiều lứa tuổi, trình độ văn hóa khác nhau, những bài văn vần khi được sử dụng đã có hiệu quả cao. Theo tôi, văn vần mang tính giáo dục phổ quát, đại chúng cao.
NKP: Cho đến nay, anh đã viết được bao nhiêu bài theo thể loại này?
NT: Về số bài thì thật sự tôi không nhớ rõ, tuy nhiên, con số đó có thể đếm được trên trang blog của tôi. Trong blog, có một số bài nữa, tôi giữ ở chế độ riêng tư.
NKP: Anh thường chọn những bài có chủ đề gì để chuyển sang văn vần?
NT : Phần lớn các bài của tôi hướng về chủ đề Ki tô giáo và Nhân bản. Về Thánh Kinh, bài dài nhất là bài Tin Mừng theo Thánh Lu ca, gồm 3.300 câu loại tám chữ. Ngoài ra tôi cũng đã chuyển Luật Dòng, Kinh Mân Côi, một số bài Phúc âm ra nhiều thể loại văn vần như bảy chữ; tám chữ; sáu tám; hai bảy, hai tám ...
NKP: Ngoaì chủ đề về tôn giáo, anh còn chuyển thể những bài thuộc đề tài khác nữa không?
NT: Về ngụ ngôn, đầu tiên tôi thử chuyển các ngụ ngôn của Aesop, La Fontaine, và đã viết khá nhanh, tôi đã in tặng nhiều người. Khám phá được khả năng của mình, sau đó những ngụ ngôn nào tôi bắt gặp trên net, tôi liền chuyển qua văn vần. Số lượng này hiện rất nhiều và đều có trên blog. Tôi chú trọng ngụ ngôn do ở giá trị giáo dục nhân bản của nó.
NKP: Anh có bao giờ xuất bản tác phẩm của mình hay chưa?
NT: Tôi chưa xuất bản bao giờ, tôi chưa nghĩ tới điều đó. Tôi chỉ bỏ tiền ra in bằng photocopy để tặng bạn bè, đoàn thể. Số tiền này cũng không nhỏ nhưng tôi làm việc có mục đích là đóng góp cho đời. Tôi cũng phổ biến trên net và mọi người có quyền sử dụng tự do.
NKP: Tác phẩm nào anh đắc ý nhất?
NT : Tập văn vần mà tôi thích nhất là 3.300 câu Tin Mừng, tôi đã viết xong trong 21 ngày, đúng ước nguyện của tôi khi mới vào đạo Công giáo ngày 21/6/1975: Lạy Chúa, xin giúp con làm được một việc gì có ích cho quê hương, dân tộc.
NKP: Theo anh, văn vần khác với thơ thế nào? Văn vần được sử dụng trong những nội dung gì? Có tác dụng gì?
NT: Tôi xin được miễn trả lời những câu hỏi mang tính nghiên cứu, phân tích
NKP: Theo anh, truyện thơ đầu tiên bằng tiếng Việt là tác phẩm nào?
NT : Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học và cũng không phải là người làm văn học. Tôi chỉ là người gieo hạt - văn chương chỉ là phương tiện - với ước mong biết đâu sẽ có hạt giống sinh hoa kết quả tốt. Đó là lý tưởng sống của tôi.
Xin cám ơn bạn Nguyễn Khắc Phước đã đặt cho cho tôi những câu hỏi để tôi có dịp chia sẻ.
Nguyễn Khắc Phước thực hiện.
MỜI CÁC BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN TƯỜNG.
No comments:
Post a Comment