TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Tuesday, June 7, 2011
MINH TỨ - BẠN CŨ
Truyện ngắn
Tôi có cố tật không sửa được là hay về nhà muộn. Làm cái anh công chức làng nhàng lương ba cọc ba đồng không đủ sống nhưng rất mê văn chương và có tham gia viết lách đủ thứ. Hầu như tuần nào tôi cũng có cuộc tề tựu với cánh văn nghệ để đàn đúm thơ ca, và dĩ nhiên cuộc nào cũng phải lai rai cho đẫm chất thăng hoa, tìm cảm hứng cho cái dây thần kinh bị chùng xuống từ lâu lắm rồi do dùng quá nhiều thuốc lá, bia rượu.
Mà nghĩ cho cùng vướng vào cái nghiệp viết lách cũng hay hay. Viết được cái gì dù to hay nhỏ cũng đem khoe ngay với bạn bè. Bạn khen thì giả vờ như không nhưng bụng thì tỏ ra thích thú, tỏ ra hào phóng. Khi bạn chê thì dù có khó chịu, bứt rứt cũng phải cố nén vào trong để nở nụ cười thân thiện. Vui nhất là khi bốc lên, viết được cái gì, nốc bia rượu vào, cái tôi trỗi dậy, cứ tưởng mình là trung tâm vũ trụ, có thể đứng trên thiên hạ. Khi tỉnh lại mới thấy giật mình. Về nhà vợ hỏi lương tiền, cứ cào đầu bứt tai. Tuần này anh gặp anh bạn thân, thầy giáo cũ, tuần kia chơi với anh em ở báo này, tạp chí nọ...để quan hệ in cái này cái kia. Rồi cố an ủi vợ, nay mai tác phẩm in xong, tha hồ mà lĩnh tiền nhuận bút, rồi danh tiếng nổi lên như cồn, rồi người ta mời mọc, đặt hàng...có mà việc làm không hết. Vợ nghe ngao ngán chỉ biết lườm nguýt cái gã chồng vô tích sự, không lo nỗi cái nồi cơm cho vợ con lúc nào cũng đòi tiền ăn, tiền học, tiền chơi.
Cánh bạn bè cùng trang lứa bây giờ làm doanh nghiệp giàu phất lên thì nhìn tôi với con mắt vừa nể phục vừa lo lắng. Có dạo chúng tụ tập nhau lại khuyên tôi nên bỏ thơ ca, đàn đúm để lo làm kinh tế, kiếm tiền nuôi vợ con, có gì chúng giúp thêm cho, nhưng tôi thì khăng khăng không từ bỏ cái thiên chức cao quý mà người đời đã gán cho tôi. Tôi nguyện sống chết với cái nghiệp "Người hát rong", như tiêu đề tập thơ của một nhà thơ tặng tôi. Mà nghĩ suy gì cho mệt mỏi, nói cho cùng thì tôi có thể làm được gì kia chứ. Trời sinh ra tôi là để vắt óc làm thơ, viết văn, làm đẹp cho đời chứ không thể xắn tay sấp mặt để kiếm tiền như người ta. Tôi còn cao giọng tuyên chiến với đám bạn bè rằng: "Sống như tụi mày tao không sống nổi. Làm gì mà suốt ngày đêm sấp mặt nô lệ đồng tiền. Tiền tỉ chúng mày làm ra để làm gì, xe ư, nhà ư...tất cả với tao đều vô nghĩa. Tao không có nhiều tiền nhưng tao sướng, có chết ai đâu". Bực quá, thằng bạn nói như thét vào mặt tôi, không biết vì giận hay vì say: "Thôi, chào ông nhà văn nhé. Sống như các ông chúng tôi cũng không sống nổi. Thơ ca văn vẻ nghe bóng loáng, bước ra đường cưỡi xe cọc cạch, vợ con xin đồng tiền lẻ mua rau, vét túi mãi không có, thế mà sĩ, chỉ có uống là nhanh, là hào phóng. Thôi xin chào. Ai trả tiền đây ?" - Hắn buông một câu lơ lửng, ném mấy trăm bạc trước mặt chủ quán rồi biến ngay. Tôi không giận nó. Ừ, suy cho cùng sướng khổ là do quan niệm của mỗi người.
Một chiều như bao buổi chiều, tôi trở về nhà muộn trong men say chếnh choáng. Hôm qua thằng bạn thân "trúng quả", hắn bao một chầu bí tỉ. Trời chập choạng tối, tôi mò lên cầu thang tối lần về căn hộ của mình. Bỗng xuất hiện một cái gì đó lù lù trước mặt. Một lũ trẻ nít chạy ùa ra: "Chú T. ơi! Chú có bạn đến là hay, ơ...ơ...ơ". Cái đống lù lù kia bỗng nhiên bật dậy bay đến ập vào người tôi.
Tôi sững sờ nhận ra Long, thằng bạn thời chăn trâu cắt cỏ ở quê. Đúng là hắn rồi. Tôi ôm lấy hắn, có chất men trong người, nước mắt cứ thế tuôn. Nhìn hắn thật thảm thương, mặt sạm đen vì nắng gió, bộ áo quần sờn cũ te tua. Một tay nải bằng bao tải đựng đồ với cây gậy bẻ vội nhành cây dọc đường, nhìn có vẻ như dân "cái bang". Sau vài câu chào hỏi qua loa, tôi vội lôi hắn vào nhà để tránh những ánh mắt nhìn chằm chặp của lũ trẻ.
Vợ tôi chưa về, chắc là lại tranh thủ làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Con trai tôi chạy chơi đá banh đầu phố về lấm lem mặt mày nhìn khách lạ. Tôi ra lệnh cho nó:
- Chào bác Long đi con, bác Long là bạn của ba thời ở quê.
Nó sợ tôi la mắng về tội chơi nghịch ngoài phố, khép nép ở góc nhà vòng tay chào bác rồi chạy biến về phòng. Chờ vợ về làm bếp, tôi sai thằng nhỏ ra phố xách bia về mời bạn. Qua mấy lượt cạn ly thì vợ tôi về. Ý chừng nhìn thấy nhà cửa bề bộn chai lọ, tay nải hành trang của bạn, nàng chau mày tỏ ý khó chịu. Tôi chủ động vừa to tiếng vừa dịu ngọt:
- Này em, đây là anh Long bạn anh hồi ở quê. Lâu không gặp nay anh ra chơi. Em ra chợ coi có cái gì mua về chiêu đãi bạn một bữa.
Nàng thay đổi sắc diện, ý tứ chào hỏi rồi xin phép ra chợ đêm. Khi còn lại tôi với Long, tôi phấn khích cao giọng rằng trong nhà này tôi là nhất, nói gì vợ phải nghe nấy. Tôi làm không nhiều tiền nhưng là thằng đàn ông, tôi phải là chủ nhà, là quyền lãnh đạo chi phối toàn bộ gia đình. Long không nói gì, vẫn kiệm lời như thời nào còn chơi với nhau. Thỉnh thoảng Long nhắc tôi uống vừa thôi, ý chừng còn nể vợ con. Tôi được thể làm tới, nâng lên đặt xuống trăm phần trăm: Ly này mừng ngày tao ngộ, ly này mừng vẫn mạnh khỏe, ly này mừng tao vừa in tập sách, ly này...
Vợ tôi bưng mâm cơm lên. Tôi và Long chống đũa nhìn. Nàng xới cho tôi và Long mỗi đứa một bát cơm đầy. Tôi đổ cơm lại vào nồi vì không thể ăn được nữa. Long có vẻ đi đường xa bụng đói và mệt nên ăn được lưng bát. Tôi lại rót bia, nâng lên đặt xuống. Long nể tôi cứ ngoan ngoãn làm theo. Nàng can ngăn tôi thôi uống nữa để mời bạn ăn cơm. Tôi gạt đi. Xem chừng lườm nguýt không hiệu quả, nàng bèn sớm vào phòng trong để hai chúng tôi dốc bầu tâm sự.
Long bảo thôi uống bia, chuyển qua nước chè để nói chuyện. Ừ, thì uống nước vậy. Mắt tôi bắt đầu hoa lên, đầu cứ nghe ong ong. Mở chiếc bị lè kè bỏ ở góc nhà, Long kể:
- Lâu quá rồi, nhớ bạn bè, nghĩ cậu không khinh mình nghèo hèn nên quyết định bán ít dạ lúa mua vé tàu lên thăm chơi. Biết cậu bận việc ít dịp về quê nên hôm rồi đi chăn vịt qua đồng mình có rẽ thăm các cụ. Ông cụ đau ốm thường xuyên, yếu lắm rồi, vợ chồng cậu thu xếp mà về thăm. Lên thăm cậu, vợ chồng mình con đông, cực quá không có gì, chỉ có ít gạo nếp làm mùa được biếu vợ chồng cậu.
Tôi sực tỉnh:
- Cảm ơn vợ chồng cậu, thăm nhau là được rồi, quà cáp gì, ở đây cũng có đủ cả. Lên chơi thôi chứ còn có việc gì nữa không ?
Nói xong tôi thấy lỡ lời bởi quen với cảnh nhiều người nhờ vả nói cho tiếng to tiếng nhỏ với ông này bà kia giúp đỡ đủ thứ việc.
Long ôn tồn:
- Lên thăm gia đình cậu thấy vợ chồng con cái khỏe mạnh là mừng rồi. Ngày mốt mình về sớm để còn làm công ruộng vụ hè thu, cũng tiện ra chợ trung tâm tính sắm cho mấy thằng nhóc ở nhà mấy bộ áo quần vào năm học mới. Ở nhà quê cái gì cũng thiếu.
Đêm về khuya, tôi bảo Long đi nghỉ để mai còn đi thăm bạn bè cũ giờ đang làm ăn khấm khá. Nhà chật, chỉ có mỗi phòng ngủ, tôi mắc màn ngủ cùng Long ở sàn phòng khách. Khuya, sương xuống lành lạnh làm tôi tỉnh giấc, giật mình. Tôi vào phòng ngũ, vợ tôi nằm quay mặt vào tường. Tôi xin lỗi nàng vì hơi quá chén rồi nhỏ nhẹ với nàng:
- Này mình, ngày mai mình rẽ chợ mua cho mấy nhóc của Long mấy bộ áo quần làm quà. Trưa mình làm cơm mời khách, tôi mời thêm thằng Lũy, thằng Chiến bạn học đến ăn cơm cho vui. Chiều cả nhà đi ngoại thành ăn đặc sản cho biết...
Nàng trở mình:
- Nhà này anh muốn làm gì thì làm, tôi hết chịu nổi với anh rồi. Anh xem trong túi tôi còn đồng nào nữa không. Thằng cu Tý đang đòi tiền đi học thêm, rồi sắm đàn, sắm máy, anh xem lấy tiền đâu ra ?
Ngoài phòng khách có tiếng trở mình. Tôi nói khẽ với nàng:
- Mình giúp tôi, giật đâu đó ít tiền tạm cho tôi đã rồi tính sau. Mai tôi qua nhà xuất bản xin ứng tiền nhuận bút cuốn sách vừa phát hành. Có gì nói sau nhé.
Nàng yên lặng không nói gì nữa. Tôi thiếp đi.
*
Trời hửng sáng, ánh nắng chói chang xuyên qua tấm cửa kính. Cả nhà ngủ khuya nên dậy muộn. Tôi lồm cồm bò dậy khỏi chăn dụi mắt. Giật mình, Long đi đâu rồi nhỉ ? Hỏi vợ, nàng cũng vừa dậy, bảo có thể bác ấy đi quanh đâu đó. Nhưng túi xách, gậy bị đâu rồi. Một mảnh giấy nhỏ chữ ngoằn ngoèo viết vội được đặt trên bàn trà đập vào mắt.
"Gửi vợ chồng T.
Xin lỗi hai bạn, sáng nay mình dậy sớm, tranh thủ ra chợ rồi về luôn cho kịp chuyến tàu trưa. Khi nào ra chơi lại hoặc hai bạn về quê, có thời gian tâm sự nhiều hơn - Long".
Tôi chưng hửng. Vợ tôi cũng hốt hoảng lên: "Tìm bác ấy ở đâu nhỉ ?". Qua hàng xóm nhờ gửi cu Tý đi học, tôi với vợ phân công nhau, nàng ra chợ trung tâm, tôi ra đón lõng ở ga.
Phố xá tấp nập người qua lại, làm sao có thể tìm được thằng bạn thuở thiếu thời giữa dòng đời xuôi ngược. Khi chuyến tàu rời ga, tôi thẫn thờ nhớ bạn, nhớ quê. Bao năm phù du chốn thị thành, tôi như quên lãng bạn bè, quê kiểng. Lửng thững trở về, tôi bắt gặp thằng bạn văn. Mời tôi vào quán uống cà phê, hắn cho biết tin vui vừa kiếm được hợp đồng viết kịch bản sân khấu. Hắn bảo tôi tranh thủ thời gian tham gia viết kiếm ít tiền. Nhưng lúc đó trong tôi chỉ còn ám ảnh hình ảnh của Long với tay xách tay mang trốn chạy khỏi cõi người ở phố...
Minh Tứ
Nguồn: www.vanchuongviet.org/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment