Thế là tôi và Lê Lự, mấy đêm nay, lại được nằm chỏng khoèo trên mấy tấm ván nóc chuồng trâu nhà mẹ An tại Khe Giữa để đón một cái Tết thứ hai ở chiến khu Ba Lòng.
Sau trận càn Phong Thu, Phòng Chính trị Phân khu bị tổn thất một số cán bộ bị địch bắt, trong đó có anh Đàm Viết Bằng ở Đoàn Văn công chúng tôi. Họ bị đầy ra Côn Đảo, năm 1954 mới được trao trả. Ở đồng bằng, trận càn Phú Vang, Đội Tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên bị địch vây. Các anh Trọng, Thuyên, Ngọc, Chung... bị bắt và cùng bị đầy ra Côn Đảo. Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Hồng bị Tây bắn chết. Chúng dẫm nát cây đàn ghi ta của anh. Sau trận càn, nhân dân đã chôn mộ cây đàn giữa 2 ngôi mộ vợ chồng nhạc sĩ.
Năm ngoái, ở nhà mẹ An, tổ văn nghệ báo chí còn cùng nhau đón giao thừa. Bấy giờ, anh Nguyễn Khắc Thứ và anh Trần Quốc Tiến cùng anh Văn Tôn được phái vào nhà in Mặt trận, trông nom việc ra báo. Anh Đình Quang và anh Bửu Tiến được cử ra vùng tự do Thanh Nghệ để thành lập đoàn văn công mới. Các anh khác được điều động về đơn vị. Trước đó, tôi và Lê Lự được về công tác ở Trung đoàn 95 dưới đồng bằng, nên thoát được trận càn. Nay lên lại chiến khu, chính thức cầm quyết định về Trung đoàn, thành lập Đội Tuyên truyền Văn nghệ. Trong khi chờ anh Vũ Lân, bí thư chi bộ, hiện đang công tác ở đồng bằng về ký giấy giới thiệu sinh hoạt đoàn thể, chúng tôi được ra ở nhà mẹ An và được phát mỗi người 5 kilôgam "gạo thối". Tây càn quét phá mùa, trận lụt lịch sử năm 1950 như muốn thử thách ý chí của quân dân ta. Thóc chôn dưới đất bị ngập nước, phơi khô, chỉ được xay hết lớp trấu. Gạo nấu lên có mùi thum thủm, phải quạt cho nguội hết mùi mới ăn được. Xin lỗi, khi đi đồng, hạt cơm còn nguyên.
Mấy đêm qua, mưa lạnh, ôm nhau, đặp mấy tấm phông màn làm chăn, rét quá, không ngủ được, nên đêm nay, mệt quá, ngủ thiếp đi từ đầu hôm, không nghe được tiếng súng đón giao thừa ở Phòng Tham mưu.
Sực tỉnh dậy, trời đã sáng. Một ngày nắng đẹp bắt đầu. Ánh nắng từ phía biển, tuy bị rặng núi Trấm che lấp vẫn tràn vào vùng núi chiến khu. Rừng sáng bừng lên. Hai cánh đồng hai bên bờ sông Thạnh Hãn, đồng bào vừa trỉa bắp. Cây bắp đã cao bằng gang tay. Những chiếc lá màu xanh non rung rinh theo gió trên nền cao đất đỏ tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Trong lớp tán cây rậm rạp ở dốc làng Hạ, lũ vượn vẫn kéo dài tiếng hú nghe lảnh lót, đón một ngày nắng đẹp.
Đêm qua, chúng tôi đã cố ý gấp gọn bộ quần báo bằng vải si ta (Liên khu 5) đặt lên gối ở đầu giường, để có được nếp là, diện vào ngày đầu xuân.
Hai chúng tôi chuẩn bị xuất hành, trong túi rủng rỉnh mấy chục đồng phụ cấp mới được phát.
Ra khỏi nhà, định sang cơ quan Tỉnh đội ở ngay sát cạnh, chúng tôi gặp ngay Khánh, người của Tỉnh đội đang giặt dưới bến. Đợi Lự đi trước vài bước, Khánh dúi vào tay tôi mấy chiếc bánh thuẩnn (bánh quả bàng) và mấy chiếc bánh in, bọc giấy xanh đỏ. Khánh đã có người yêu là anh Chẩn cũng ở tỉnh đội. Nhưng đối với anh lính miền Bắc xa nhà là tôi, Khánh vẫn có cảm tình riêng! Sau 1954, Khánh và Chẩn cưới nhau và hình như ở thị xã Đông Hà.
Cán bộ tỉnh đội đi chúc Tết gần hết, chúng tôi gặp anh Nguyễn Viêm. Anh Nguyễn Viêm, sau 1954 ra Hà Nội được cử đi học nhạc ở nước ngoài và về công tác nghiên cứu ở Viện Âm nhạc và đã mất ở Hà Nội.
... Đến Đá Nổi, chúng tôi vào chúc tết đầu tiên nhà anh Bùi Tá Bàng, ty trưởng ty Công an Quảng Trị. Dạo mới vào chiến trường (đầu năm 1949), chưa có nhà cho Đoàn, chúng tôi được chia nhau ở nhà dân tại Đá Nổi. Tôi ở nhà anh Bàng, vợ anh, chị Bốn có 2 cô em là o Năm và o Sáu. Chị mở quán bán xôi thịt hoong, chè hoa cau, chè đậu xanh đánh, kẹo lạc đổ trên bánh đa.. Vì sợ lũ, nhà nào cũng đổ nền cao, muốn lên nhà phải trèo mấy bậc. Anh Bàng trực cơ quan, các anh tiếp chúng tôi miền nở, ân cần mời ăn đủ thứ. Chúng tôi trả tiền, các anh không nhận... Tết mà!...
Chúng tôi ghé Quân y Trung đoàn thăm chị Quý, y tá, người yêu của anh Kinh Kha, cán bộ tiểu đoàn E95. Anh Kha người Huế, hào hoa, tiếng Pháp rất giỏi. Nhớ nhất là bài hát "Bao giờ anh lấy được đồn Tây" (Phạm Duy) anh dịch nguyên văn ra tiếng Pháp và hát rất đúng nhạc" "Mà tanh (matin) căng (quand) rô-dê (rosée) Phờ lù (Floue) mông-ta-nhơ (montagne) - dịch câu:
"Buổi mai khi sương rơi mờ trên núi!"
Anh Kinh Kha sau công tác ở Bộ Ngoại giao, lấy vợ Hà Nội ở phố Tôn Thất Thiệp và đã mất được 6 năm.
Chúng tôi ghé ty thông tin Quảng Trị, gặp anh Lương An đang ngồi một mình.
Anh Lương An khoe với chúng tôi, báo tỉnh vừa in bài "Ba Lòng" của anh. Đến giờ những câu thơ:
"Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ lên vùng chiến khu..
... Ai về bến Trấm thì lên,
Về cho sơm sớm, mưa đêm khó chèo... tôi vẫn nhớ!
Chúng tôi nhắc đến anh Văn Tôn tức Vĩnh Tôn (một hoàng thân). Ba anh là ông Bửu Phu, tri huyện Cam Lộ, sau thăng lên tỉnh trưởng, anh ruột là Vĩnh P. hay làm thơ, lấy bút danh là "Tú bạc nhạc" từng là cán bộ chính quyền ngụy. Chỉ nửa ngày đường về Huế, là Tôn sẽ được sống trong nhung lụa! Anh Tôn vẫn ở với kháng chiến cho đến hoà bình, tập kết ra Bắc ở Hà Nội, công tác ở nhà xuất bản Phổ Thông. Thập kỷ 60, xin ra ngoài biên chế, về sống ở Cảnh Dương (Quảng Bình). Hàng ngày, vị hoàng thân ấy, cởi trần, mặc quần đùi, ra biển câu cá, chiều đem ra chợ bán, lấy tiền đong gạo nuôi thân. Còn nhớ các mẹ thường kêu nhau: "... Ra mua cá của thằng Tôn mà nghe nó đọc thơ!. Tôn! đọc thơ đi mi!". Cho đến khi bài thơ "Cồn Cỏ" được giải thưởng báo Văn Nghệ Trung ương ký tên Hải Bằng, ta mới biết Hải Bằng là Văn Tôn (Vĩnh Tôn) một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Hải Bằng đã đi xa hơn 5 năm...
Một ngày đầu xuân nắng đẹp cực kỳ, hai chúng tôi làm một cuộc du xuân vòng quanh hai bờ sông Thạch Hãn. Lúc trở về, qua con đò ở Khe Giữa, ánh nắng chiếu trên mặt sông loang loáng. Chúng tôi chúc Tết bác lái đò. Mái chèo đưa nhẹ. Những giọt nắng tranh nhau nhảy múa, hoà tan, chạy nhanh trên mặt sông.
Đã quá trưa, mệt nhưng không muốn nghỉ. Vừa lúc ấy, anh Lân đem quyết định và giấy giới thiệu sinh hoạt, phân công chúng tôi về xây dựng đội tuyên truyền văn nghệ của Trung đoàn 95. Niềm vui bừng lên trong tôi. Nhìn về phía dốc làng Hạ, lũ vượn thôi không hú và cắn nhau riu ríu nữa. Chim trong các vòm cây đua nhau hót. Tôi lấy cây đàn ghi ta và giấy bút, nắn nót viết hai chữ thật to "Xuân rừng":
- "Núi nằm im trong nắng mới xuân về, rừng rung theo làn gió nhẹ lay.
mây lờ trôi lang thang như mang nỗi sầu oán để lãng quên ngày tháng.
Líu líu líu, lo lo chim hót khắp trời hoà cùng tiếng suối reo.
Róc rách, rót đều vào vách đá rêu xanh như muôn tiếng đàn.
Bài hát viết ở giọng Rê thứ, tiết tấu vui, rộn ràng, tôi đệm theo điệu Bô lê rô. Thời gian này, các điệu nhạc khiêu vũ như Fox, Rumba, Cha cha cha... bị cấm kỵ. Nhưng niềm vui trong lòng tôi vào một ngày đầu xuân nắng đẹp thôi thúc tôi không thể làm khác. Lời 2 quay lại:
"Bao ngày, năm với tháng cách xa quê nhà ta yêu dấu mãi từ lâu
Lên rừng ta vui với cây, với lá, cùng với tiếng suối trong ngàn lau.."
Đoạn 2, chuyển điệu sang Rê trưởng, tươi sáng:
"... Mong sao ngày mai, nhân dân vui trong tiếng hò
Tô bao lòng trai, cùng mừng cuộc đời tự do.."
Tiếng hát lên cao trào:
"Ta vui ngày mới, phấp phới dưới ánh cờ hồng
Xuân sang tràn lan, Hoà bình vui khắp non sông!"
Bài hát hoàn thành ngay trong ngày mùng 1 Tết năm ấy. Về đến Trung đoàn, lo xây dựng đội tuyên truyền với các anh Tuyến, anh Xuân Lư, anh Lê Lự, (thời chống Mỹ tham gia đoàn Văn công Giải phóng Trị Thiên, về hưu ở Thanh Hoá và đã mất vì đau tim gần 10 năm) cùng anh Thắng... nên không có điều kiện dựng bài "Xuân rừng". Phần khác, bài hát hơi khó hát, tiết tấu hơi xa lạ, nên anh em cũng không ủng hộ nhiệt tình.
Hoà bình năm 1954, cùng với bài "Gặp nhau dưới trăng" ban ca nhạc Đài TNVN giới thiệu trên sóng. Chị Minh Đỗ và Thanh Hiếu hát "Gặp nhau..", tôi đệm sáo, chị Thái Thị Sâm đệm Pianô. Sau thu đĩa, anh Nguyễn Hữu Hiếu phối âm, chị Thương Huyền và Mai Hanh hát.
Riêng ban nhạc đài có đem hai bài ra phối theo điệu Rumba và Bô lô rô tập chơi vui với nhau.
Ôi! thời gian.. nửa thế kỷ đã qua! Ở cái tuổi gần 80, ngồi nhớ lại những kỷ niệm xưa. Gần đây, xem bộ phim tài liệu về Ba Lòng, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ về những đồng đội, đồng chí đã đi xa, những người bạn học như anh Nguyễn Quán, anh Lê Thanh Ban, anh Nguyễn Vược, anh Đỗ Xuân Bảng đã nằm lại ở mảnh đất này, một mảnh đất đã từng là "thủ đô" của cuộc kháng chiến chống Pháp gọi là Bình Trị Thiên khỏi lửa.
Xin cho tôi thắp nén nhang nhớ về những đồng đội, những người bạn ấy và cũng mong một ngày nào đó, Ba Lòng sẽ được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp như mảnh đất Củ Chi anh hùng ở miền Nam thời chống Mỹ.
Một đêm mùa thu ở Hà Nội 2003
M.H
tapchisonghuong.com.vn
No comments:
Post a Comment