Thạch Hãn, con sông đẹp và dài nhất tỉnh Quảng Trị. Mùa mưa lũ đục ngầu nhưng khi mùa xuân về, sông lại hiền hòa, xanh thẳm. Dòng nước cứ mải miết chảy về với biển khơi, để lại những bãi bồi phù sa với những luống khoai, bãi ngô non xanh mướt. Vượt qua một quãng sông, cách Thành Cổ chừng 5 km, ông lão chèo thuyền chần chừ một lúc rồi bộc bạch: “Trước mặt là bến đò Như Lệ, nếu các cháu muốn nghe điệu hò Như Lệ thì xin mời ghé vô đây!”.
Đường vào làng Như Lệ
Thuyền chưa cập bến, bên tai chúng tôi đã vẳng nghe một điệu hò ấm áp, thiết tha, vút cao hòa quyện vào làn gió xuân cất lên bên sông:
Ai về Hải Lệ quê tôi
Nắng dòng Thạch Hãn bãi bồi dưa non
Đâu đây vọng tiếng ru con
Giọng hò Như Lệ vẫn còn vấn vương"
Điệu hò như có sức mạnh vô hình níu kéo bước chân bao khách lãng du.
Tôi chợt nhớ đến nhận xét của một bậc tiền bối khi nghiên cứu về văn học dân gian Quảng Trị, rằng văn nghệ dân gian là một chất liệu ngôn ngữ hòa tan trong tâm thức của mọi người, nó như mạch ngầm ẩn giấu đâu đó tưởng chừng quên lãng nhưng chỉ một giây lắng đọng khắc khoải sẽ bừng dậy những nỗi nhớ niềm thương da diết. Đó là một kho tàng vô tận tiềm ẩn trong mỗi người con Quảng Trị.
Hò Như Lệ cũng vậy, nó chỉ tồn tại trong lòng những người dân sinh ra trên mảnh đất này như một thứ tài sản tinh thần vô giá mà dù đi nơi đâu họ vẫn nhớ về đất mẹ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người biết điệu hò và sáng tác được lời mới cho hò Như Lệ bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những nghệ nhân mà chúng tôi gặp hôm nay đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng trong họ vẫn đầy ắp bầu nhiệt huyết, lòng đam mê sáng tạo chỉ với một ước mơ duy nhất: mang điệu hò quê nhà truyền lại cho thế hệ sau.
Bà Ngô Thị Huế là một trong số các nghệ nhân hò Như Lệ hiếm hoi còn lại ở Hải Lệ. Sau một ngày tất bật với cái quán nhỏ nằm bên bến đò Như Lệ, bà thường tranh thủ thời gian rảnh để nhẫm lại mấy bài hò. Niềm vui tuổi già của bà Huế chỉ giản đơn như vậy. Mỗi khi cất lên điệu hò, bà Huế thường nhớ về quá khứ, cái ngày bà còn tuổi mười lăm mười bảy theo các chị Ngô Thị Gái, Ngô Thị Khuyến, Phạm Thị Kính…tham gia hò địch vận:
Lòng đau xem lên chiến khu
Thấy anh em vệ quốc đoàn ở nơi sương mù cực khổ
Xem về đồng bằng thấy máu chiến sĩ lụy đổ lòng đau
Em trách anh không suy trước nghĩ sau
Cứ theo chân giặc Pháp để bắn nhau sao đành!
Trên cơ sở làn điệu, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, các chị trong đội hò địch vận tự đặt lời mới cho phù hợp. Ban ngày lao động, ban đêm các chị biết hò thường tập trung nhau lại ở một hầm bí mật gần bốt chiếm đóng của địch, hướng loa về phía địch và cất lên điệu hò Như Lệ. Chính chất giọng ngọt ngào, thiết tha của những người con gái Như Lệ ngày ấy đã có sức cảm hóa rất lớn. Binh lính trong bốt cứ im lặng lắng nghe. Qua nỗi niềm như vậy, sáng hôm sau lại có mấy người bỏ trốn khỏi đồn địch, về với cách mạng. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, đã có hàng trăm trường hợp từ bỏ hàng ngũ kẻ thù trở về với cách mạng, lập được nhiều chiến công góp phần giải phóng quê nhà.
Theo bà Huế, người hò Như Lệ phải thực sự có lòng đam mê, yêu quê hương đất nước thiết tha thì khi cất tiếng hò lên mới trong trẻo và có sức truyền cảm. Cũng như nhiều làn điệu khác, để chuẩn bị cho một cuộc hò, tâm hồn người hát trước hết phải trong sáng, không có bất cứ sự phân tâm nào để tập trung hoàn toàn vào mỗi ca từ. Các khâu phục trang như áo khăn chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng cũng góp phần làm nên sự tự tin cho người hò. Chính vì vậy, điệu hò Như Lệ trở nên có sức lan tỏa lớn trong mọi đối tượng, kể cả những người ở bên kia chiến tuyến.
Nếu bà Huế ghi chép tỉ mỉ từng câu hò Như Lệ vào cuốn sổ tay với mong muốn giữ lại cho thế hệ sau vốn văn hóa quý báu của quê hương thì bà Ngô Thị Thời lại chọn cách hát và liên tục sáng tác thêm lời mới nhằm truyền điệu hò cho thế hệ trẻ. Được lớn lên trong lời ru ngọt ngào của mẹ bằng điệu hò Như Lệ, các con gái của bà Thời hôm nay đang tiếp tục “giữ lửa” để giọng hò quê hương không bị mai một theo thời gian. Chúng tôi tìm đến nhà bà Ngô Thị Thời, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Ngôi nhà nhỏ nằm lấp sau mấy gốc mai vàng. Chưa gặp người nhưng chúng tôi đã nghe tiếng hò quen thuộc cất lên từ cuối hiên nhà:
Ai về Như Lệ quê tôi
Dừng chân ngắm cảnh đất trời đổi thay
Nhà xây mái ngói đủ đầy
Đường làng ngõ xóm toàn bêtông đường nhựa chẳng bùn lầy như xưa.
Sắp bước qua tuổi bảy mươi song bà Thời vẫn giữ được nét trẻ trung, tươi tắn của một thời con gái. Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về điệu hò Như Lệ, niềm vui hiện rõ trong đôi mắt của bà: “Rứa thì tốt quá rồi, trải qua bao năm tháng, điều mệ tâm huyết nhất là làm sao giữ lại điệu hò Như Lệ khỏi bị mai một. Bây chừ nếu các cháu muốn tìm hiểu thì ngồi xuống đây mệ kể cho nghe”.
Trong ánh nắng xuân ấm áp, têm miếng trầu khai vị cho làn môi thêm đỏ, bà Thời dần đưa chúng tôi vào thế giới nghệ thuật mang đậm dấu ấn dân gian- điệu hò Như Lệ. Từ năm l2 tuổi, cô bé Thời ngày ấy đã theo mấy chị trong làng đi hò khắp quận Mai Lĩnh (nay là thôn Như Lệ). Vừa hò, bà vừa tập đặt lời hò mới căn cứ theo bốn vế đối chỉnh bằng, trắc, có cùng số lượng âm tiết, phù hợp với hoàn cảnh và tình cảm của từng buổi hò.
Hò Như Lệ đã theo suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bằng những làn điệu êm ái, trong trẻo như nước con sông Thạch Hãn chảy ngang qua làng. Những khi lao động sản xuất trên đồng, tiếng hò lại cất lên, quyện vào giữa mênh mông bờ bãi, xua đi sự nhọc nhằn giúp người dân Như Lệ lao động có hiệu quả hơn. Và từ đấy, niềm vui được mùa cũng hoá thành những câu hò tươi tắn, ngọt ngào:
Nhìn ra ngoài đồng lúa thơm ngào ngạt
Ở làng quê nghe giọng hò tiếng hát vang lên
Hỡi bà con ơi phải cố gắng làm ruộng làng thêm
Để cho được mùa dân no ấm, anh em nông dân chớ quên điều này
Vừa lao động sản xuất, những người dân Như Lệ vừa làm nhiệm vụ nuôi quân, liên lạc, tiếp tế, vận tải để phục vụ cho cách mạng. Dù trong hoàn cảnh nào, hò Như Lệ vẫn theo sát các chị, các mẹ như một thứ vũ khí tinh thần hữu ích phục vụ đắc lực cho cách mạng. Sau năm 1954, trong cảnh chồng Nam, vợ Bắc điệu hò Như Lệ đã chuyển nỗi nhớ thương tha thiết của người vợ vượt giới tuyến đến với chồng:
Bóng cây dừa năm xưa vẫn còn đó
Chiếc khăn thêu hoa hồng đỏ còn đây
Vì ai nên nỗi thế này
Én Nam nhạn Bắc tràn đầy nhớ thương
Ngoài tình cảm lứa đôi, điệu hò Như Lệ còn thể hiện được tinh thần kiên cường, sự kiên gan vững chí, niềm tin lạc quan của mỗi người con Hải Lệ đối với cách mạng. Ngày đất nước thống nhất, cả Hải Lệ như vỡ oà trong niềm vui tự do, độc lập, điệu hò Như Lệ lại tiếp tục cất vang những lời ca chiến thắng:
Niềm mơ ước bao ngày đã đến
Bốt đồn thù thành bụi tro bay
Quê mình giải phóng từ đây
Tiếng reo vang dội cờ bay khắp miền
Ngoài việc lưu giữ những câu hát ngày xưa, những nghệ nhân hò Như Lệ như bà Huế, bà Thời thường xuyên cùng nhau đặt thêm nhiều lời mới để ca ngợi sự đổi thay trên quê hương:
Thạch Hãn một dãy lượn vòng
Quê em Hải Lệ anh hùng xứng danh
Hải Lệ dậy sóng đấu tranh
Hai thời kháng chiến quân dân nghĩa tình
Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào cho biết hò Như Lệ hình thành từ bao giờ. Trong kháng chiến chống Pháp, điệu hò này được phổ biến rộng rãi, lực lượng dân quân du kích xã Hải Lệ đã sử dụng điệu hò với những câu chữ chứa chan ân tình để thức tỉnh, cảm hoá những người bị ép buộc phải cầm súng theo giặc quay trở về với nhân dân. Đó là nguyên nhân để hò Như Lệ được mang thêm một tên gọi khác là “hò địch vận”.
Kể từ đó, hò Như Lệ trở thành di sản văn hoá phi vật thể của quê hương Quảng Trị. Xét về làn điệu, điệu hò này được bắt nguồn và phát triển từ hò mái nhì nên có nét tương đồng về giai điệu và cấu tạo lời ca. Tuy nhiên, hò Như Lệ không chỉ bó hẹp trong không gian của “hò sông nước” mà nó mở rộng phạm vi đề tài và cách thể hiện. Ra đời từ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong lao động sản xuất cũng như quá trình tái thiết quê hương nên cuộc sống sinh động, chân thực của người dân quê cũng đi vào từng lời ca của điệu hò Như Lệ.
Người nghệ sĩ của điệu hò này chủ yếu tự sáng tác lời, tự biến tấu nhạc cho phù hợp với hoàn cảnh dựa trên làn điệu sẵn có. Hò Như Lệ có chất giọng khoẻ khoắn, dài hơi và mang nhiều sắc thái cảm xúc hơn so với các điệu hò khác như hò giã gạo, hò mái nhì…Không man mác buồn như “hò đò dọc”, hò Như Lệ mang đa sắc thái tình cảm: hát trong lúc tiễn quân ra trận thì mang sắc thái cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ; hát để khuyến khích binh lính về với cách mạng thì đầy tâm trạng của người lầm đường lạc lối; hát trong lao động, sản xuất thì trong sáng, tràn đầy niềm tin vào vụ mùa thắng lợi; hát cho người thân cách xa thì chan chứa tình yêu thương…Về cấu tạo lời ca, mỗi bài hò Như Lệ thường có bốn câu trở lên, viết theo thể song thất lục bát hoặc song thất lục bát biến thể. Do vậy, lời ca rất gọn gàng, cô đúc và khoẻ khoắn hơn so với hò mái nhì:
Bỏ súng về đi anh
Đồng xanh đang còn chờ đợi, thắng lợi vui chung
Về đây cho cha yên dạ, cho mẹ thoả lòng
Trước xứng đáng một người con yêu Tổ quốc
Sau lại xứng đáng một người chồng của em
Được một lần thưởng thức điệu hò Như Lệ giữa đất trời đang tràn ngập xuân sang, chúng tôi mới phần nào cảm nhận được hết cái tinh tuý, sự tài hoa của mảnh đất và con người nơi đây. Hò Như Lệ xứng đáng là một tài sản phi vật thể có giá trị và mang bản sắc riêng của vùng quê đã sản sinh ra nó, quê hương Hải Lệ anh hùng. Và trong lòng những người gần trọn cuộc đời gắn bó, chung thuỷ với điệu hò quê hương như bà Huế, bà Thời luôn dâng lên một niềm tự hào, bởi họ là lớp người giữ gìn một nét văn hóa đặc sắc, góp phần bồi đắp văn hoá cộng đồng trong quá trình xây dựng cuộc sống mới hôm nay.
Lệ Như
No comments:
Post a Comment