Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 18, 2010

HOÀNG CÔNG DANH - MẠN ĐÀM VỀ THƠ



“Đất nước của những nhà thơ” - đó là điều không còn chối cãi khi nói về nước Việt ta. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, ra ngõ là gặp nhà thơ. Cái vinh hạnh của tôi là được sinh ra trong một đất nước như thế, mầm thơ được ấp ủ từ những ngày còn nằm trong bụng mẹ, “Con lớn lên trong hạt gạo cưu mang / tâm hồn lúa nở mầm vần thơ chín”.
Mỗi người làm nghệ thuật nói chung và làm thơ nói riêng đều chọn cho mình một kiểu lập ngôn khác nhau. Người nào nói hay thì được gọi là “tuyên ngôn nghệ thuật” của đời mình. Người làm thơ không thể không suy nghĩ về chuyện làm thơ, chuyện ngoài những bài thơ, tức là vấn đề sự kiện ảnh hưởng đến thơ. Ở bài viết này, tôi xin phép mạn đàm một chút về thơ, đó là những suy nghĩ trở trăn sau mấy năm trời theo đuổi cái “nghiệp” (Karma) thơ này!
Khởi đầu của những nhà thơ là gì?
Ngay từ cái ngày ấu thơ, ai cũng được bà và mẹ hát ru ầu ơ những điệu dân ca những làn quan họ mượt mà. Đó là những thứ văn vần dễ nghe được phối hợp với thanh điệu mượt mà của giọng ngâm mềm nhũn khiến những đứa bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Đó là những cảm nhận đầu tiên của thơ, dường như thơ là thứ văn hoá được con người ta tiếp nhận đầu tiên trong cuộc đời của mình. Chưa nhai được cơm, chưa biết được chữ, thế mà nghe thơ vẫn có thể hiểu. Chính cái sự dễ dàng trong cách tiếp cận thơ Việt này là mầm mống nảy sinh ra mỗi nhà thơ trong từng con người Việt.
Có những cái ngấm ngầm đi vào trong con người mình mà ta không biết. Thơ trong lời mẹ ru giống như những hạt mưa trời sa xuống biển Đông, chả ai biết mưa rơi trên biển cả nhưng nếu không có mưa ở đó thì làm sao nước biển đầy mãi được? Cái thầm lặng của thơ trong tâm hồn con người ta cũng kín đáo như thế! Nó góp phần xây dựng nét đẹp cho đời sống tinh thần con người nhưng nhiều lúc ta chưa đánh giá đúng vai trò của nó. Ai cũng được mẹ hát ru, nhưng chả ai nói đó là thơ. Không những thế khi nhắc đến thơ có người coi đó là thứ nghệ thuật bậc cao mà chỉ những ai cực kì thông minh mới làm được. Những nhận định sai lầm này khiến cho họ tự phủ định mình mà không hay biết. Họ đâu có ngờ rằng trong con người mình cũng đã có những “hạt giống” của thơ, nếu biết chăm tỉa đúng thì sẽ trở thành một cây thơ cho ra hoa-lá-cành đều toàn thơ là thơ.
Khởi đầu nguyên thuỷ của những nhà thơ đều giống với những người bình thường khác, cũng như cái lúc chào đời của Thái tử Siddhattha (Đức Phật sau này) cũng giống hệt bao người. Vấn đề cho thơ phát triển trong con người mình - đó là do giáo dục và rèn luyện. Môi trường sống và các điều kiện nghe nhìn. Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nhiều kinh sách sẽ dễ trở thành một nhà triết học, một đứa trẻ sinh ra trong gia đình toàn được nghe những lời ru câu ca không trở thành nhà thơ thì thành cái gì? Đôi lúc chỉ cần những “cú hích” rất nhỏ thôi cũng đã dẫn đến một nghiệp thơ. Ngày ấy, tôi không có ý định làm thơ đâu. Nhưng rồi một người bác đã làm thơ, đóng thành tập, đọc rất xuôi lưỡi nên tôi cũng tập tành thử xem. Ban đầu thì lấy thơ của bác rồi nhái lại giọng điệu hoặc chắp thêm vào cuối bài mấy câu. Khởi nghiệp cái gì người ta cũng cần nơi nương tựa và vốn liếng. Tôi coi người bác của mình là nơi nương tựa còn mấy câu thơ tạm mượn là vốn liếng đi vay đi dặm ban đầu. Những mầm thơ bắt đầu như thế cứ chín dần chín dần lên…
Chúng ta được đến trường đi học. Từ lớp mẫu giáo đã được cô dạy cho những bài thơ về chú lính biên giới đảo xa, về con mèo nhà em, về bông hoa màu tím… Những ngày đó ta biết khái niệm đích thực của thơ là phải có vần. Thường viết cho trẻ em thì phải là thể thơ lục bát hoặc thơ năm chữ để dễ đọc dễ thuộc. Đã có khái niệm thơ, trẻ con đến trường cũng chỉ thích hát và đọc thơ thôi! Vậy là cái tình yêu dành cho thơ đã nẩy sinh. Thơ những ngày con nít vừa đọc vừa múa tay theo minh họa rất sinh động biểu cảm. Đứa bé như một “cây thơ” đang vừa uốn vừa nhún vừa phát ra thơ.
Thơ của những ngày ấy gắn liền với những trò đồng dao, những bài ca hát để chơi trò chơi trên cánh đồng làng. “Rồng rắn lên mây” rồi thì “Mèo ghé thăm nhà chuột” hay như trò “Chặt cây nắm tay” thì đều có thơ minh họa. Trên lưng trâu ê a đọc thơ, trần truồng dưới nắng trưa chảy cả mồ hôi vẫn đọc thơ, chiều về xuống sông tắm cũng đọc thơ. Hình như thơ đã gắn liền nơi miệng môi những đứa trẻ. Thơ đọc ra để phá tan cái không khí tĩnh lặng chốn đồng quê.
Những ngày còn nhỏ đã biết yêu thơ, thế nên người ta dùng hai chữ “trẻ thơ” không phải vô cớ. Đã trẻ con thì phải có thơ, không thơ sao thành trẻ con được. Mầm thơ khai sinh từ độ đó, trong mỗi con người ta, thơ ca nở ra tự bao giờ?
Từ yêu đến tán tỉnh!
Cái hành trình của một người đến với thơ cũng như hành trình để một chàng trai tiếp cận với cô gái. Thơ lại là một cô gái đẹp nên dĩ nhiên để tán tỉnh là rất khó. Ban đầu con người ta yêu thơ, mức độ nhiều ít khác nhau nhưng không thể phủ định trống trơn. Giống như đứng trước một cô gái đẹp mà bạn không hề mảy may rung động thì quả bạn có vấn đề. Người yêu thơ mạnh mẽ sâu sắc thì tìm cách đến với thơ khéo léo và nhanh hơn.
Từ yêu thơ, người ta bắt đầu làm thơ để trở thành những nhà thơ. Quan niệm buổi đầu là làm thơ vì thấy thơ hay, làm thơ để chứng tỏ mình có biết thơ và tất nhiên cũng nhen nhóm hy vọng một ngày thơ lên trang báo và được in sách. Ban đầu làm thơ rất dễ! Tôi phải nói điều đó vì chỉ cần đặt bút là người ta viết được ngay vài câu. Những câu viết ra một cách dễ dàng vì họ không bị trói buộc bởi một niêm luật qui tắc và một mớ lí luận như những nhà thơ thực sự. Cái thuở ban đầu làm thơ rất hồn nhiên, nhìn nắng mưa cây cối bên ngoài là đã có thể viết vài ba câu đọc chơi - như vậy cũng gọi là thơ. Viết được đôi ba bài thấy hay hay thì làm tiếp. Đề tài được “khai thác” mở rộng biên độ hơn, không còn tả những vật quanh nhà mà đã vươn ra tận ngoài đồng để tả hạt gạo, rồi cảnh mẹ em ra đồng đi gặt. Thơ bám đũng quần nâu sồng của người nông dân lam lũ ra tận ruộng.
Thường thì người Việt đều bắt đầu bằng thể thơ lục bát. Dễ hiểu bởi đó là thể thơ cổ truyền dân tộc. Niêm luật nếu phân tích thì mới thấy rối nhưng nếu cứ bắt vần cho chữ thứ sáu câu lục hiệp với chữ thứ sáu câu bát là ra thơ lục bát. Đó là một quy tắc duy nhất mà người bắt đầu làm thơ biết và vận dụng thành thạo. Người bắt đầu làm thơ không có chuẩn bị lập ý lập ngôn. Cứ viết ra một câu rồi tìm chữ lắp tiếp câu khác sao cho đúng chữ thứ sáu có vần với câu trên là được. Nghĩa là chỉ cần chọn được một chữ hiệp vần là coi như xong một câu. Mà cái tiếng Việt ta “hơi bị” phong phú nên chi để chọn một chữ hiệp vần cũng dễ dàng. Thơ lục bát thuở đầu mọc ra như nấm.
Thơ của sự khởi đầu vô tư và trống rỗng. Đọc thấy vần và điệu, dễ nghe dễ thuộc nhưng không hàm chứa một ý niệm nào cả. Đó là loại thơ tả chứ không phải thơ hàm ngôn. Điều này dễ hiểu bởi cái thuở ban đầu có ai dạy cho lí luận thơ đâu mà biết. Họ cứ nghĩ thơ tức văn vần, thế nên viết những câu có vần thì gọi là thơ! Khái niệm thơ đựơc xây dựng trong trí óc buổi đầu cũng khá đơn giản. Nếu viết hai câu không hiệp vần thì tôi tin người ấy sẽ gạt tay chối từ bai bải rằng “Đó không phải là thơ!”. Trong những con người ấy, từ nhỏ đến khi bắt đầu làm thơ đã quá quen những bài thơ có vần có điệu nên khi nghe những câu “thơ thực sự thơ” thì choáng váng.
Tư duy thuở đầu thật là đơn giản. Điều đó cuốn hút con người ta vào với thơ chứ nếu biết thơ phức tạp chắc chẳng ai dám đụng đến. Ở phương diện này thơ giống một cô gái đỏng đảnh lắm! Nhìn xa trông đẹp, đến gần thấy có duyên, bắt chuyện nàng nói liền, nàng bắt mình theo đuổi mãi nhưng tuyệt nhiên không cho mình cơ hội nói lời tỏ tình.
Khi trót mang em kiếp làm… thơ
Từ khi bắt đầu yêu thơ, bày trò làm thơ, làm được thơ rồi thì muốn thơ phải hay đến mức đọc vào người ta khen ngay. Vậy là những thôi thúc của cái “nghiệp thơ” đã vận vào mình.
Không còn dừng lại ở những bài thơ cổ điển lục bát, người làm thơ tìm đọc tất cả các thể thơ khác, mở rộng đề tài và vượt luôn biên giới quốc gia đọc thơ Tàu thơ Tây hòng kiếm được một vài “bí kíp”. Giai đoạn này chỉ đọc thơ toàn thơ, nhờ vậy nên viết ra thơ cũng khá lên nhiều, nhưng bị ảnh hưởng thì không phải là không có. Đọc được cỡ dăm ba bài của người ta là đã “ngứa nghề” muốn viết như thế. Ta cầm bút lên viết và nhận thấy “Sao giống của người ta vậy?” – Đó chính là bệnh đọc chưa tới nơi tới chốn của người mới tập tành thơ. Thế nhưng cái ý thức mở mang tìm hiểu để đọc là đáng khen và cần thiết cho những ai muốn chọn thơ làm một cuộc chơi trong đời.
Nhưng đọc nhiều thơ chưa thể làm được thơ hay mà chỉ giúp cho ta phong phú thêm về từ ngữ và thể loại. Người ta không thể chỉ đọc thơ nhiều mà viết ra thơ. Thơ là một nghề nghiệp nên cũng phải được đào tạo căn bản, kiến thức nền quan trọng đó là lí luận thơ. Sau đó đến cảm nhận thơ và phê bình thơ, ta đều phải đọc. Người bắt đầu làm thơ thường rất biếng đọc những thứ này, họ cho rằng đó là mớ kiến thức nặng đầu khó hiểu, nói linh tinh. Điều này là do họ “yêu thơ quá” sinh ra mù quáng, do yêu thơ quá mà chỉ thích những câu ngắn gọn có vần chứ cái loại chữ tràn trang giấy thì không thèm đọc. Một lần nào đó họ đọc được bài cảm nhận ngắn, thấy hay, vậy là tìm đọc tiếp. Nhưng thường những bài cảm nhận thơ đều nói về cái chưa được của bài thơ, họ đọc và thấy có lí. Thế là từ việc chỉ đọc mỗi thơ, nay họ còn đọc cả cảm nhận phê bình. Thơ họ hay lên nhiều chính nhờ phê bình.
Dừng lại ở đây một chút để nói về vai trò của các nhà phê bình thơ. Đó là người định hướng cho thơ và làm đẹp thêm cho thơ. Người phê bình là người có khả năng lí luận sắc sảo và cảm nhận tinh tế. Nếu nhà thơ nhạy cảm một thì nhà phê bình phải nhạy cảm gấp đôi. Không ai đi làm phê bình để chê thơ người ta cả, cũng không ai làm phê bình để vỗ tay hoan hô cho những bài thơ dở. Nhà phê bình là người có chính kiến riêng của mình, họ nhìn ra cái hay cái đẹp của bài thơ để khen ngợi. Nhìn ra những mầm mống nhân tố mới để động viên và cũng có khi họ thẳng thừng chê một câu nào đó. Điều này làm mất lòng nhau, vốn ở đời người ta chỉ thích được khen thôi. Ở ta, nhà phê bình không phải là nhiều. Chúng ta cần xây dựng mô hình văn chương giống mô hình chăm sóc sức khoẻ cộng động ở các nước phát triển. Ở các nước đó, mỗi người có một bác sĩ riêng chuyên chăm sóc bệnh tật. Vậy thì ở ta mỗi nhà thơ cũng nên cần có một nhà phê bình bên cạnh để hỗ trợ. Một số nhà thơ của ta ngày nay đã giải quyết được vấn đề này một cách khá tiện lợi, tức là họ vừa sáng tác thơ và vừa phê bình thơ luôn. Điều này đỡ mất thời gian và công sức đợi giới phê bình để mắt tới, lại biết đâu trong tương lai mình cũng thành một nhà phê bình. Một công đôi việc, quả là lợi hại.
Trở lại với vấn đề mạn đàm về chuyện đọc. Khi nhà thơ đã cố công đọc lí luận phê bình thì thơ của họ lớn lên trông thấy, cách cấu tứ bài thơ lẫn lập ngôn đều chín chắn. Họ bắt đầu biết trăn trở để làm sao thơ hay hơn, hàm súc hơn, kiệm lời nhiều ý và nhất quyết trong thơ phải nói lên được nhiều điều. Thơ lúc này thấm đẫm chất triết lí hơn và họ thấy “thơ thật khó hiểu”. Việc đọc sách của các lĩnh vực khác cũng không phải là thừa, đọc thêm sách khác nhằm nâng cao hiểu biết kiến thức bổ trợ cho thơ. Nếu biết kết hợp thì trong một chừng mực nào đó giữa thơ văn và khoa học tự nhiên có những mối tương hợp hoà điệu. Vốn kiến thức thiên văn học của vật lí hay kiến thức hình học không gian của toán học đều hỗ trợ cho trí tưởng tượng của người làm thơ rất nhiều. Những kiến thức đó chúng ta bảo là khô khan, nhưng thiếu nó thơ sẽ mất đi cái sự vĩ mô tổng quát.
Quan niệm sáng tác thơ
Đây quả là một vấn đề rất nhạy cảm của người trong giới. Khen chê la ối, tâng bốc hay trù phạt nhau cũng chính từ đây mà ra. Người làm thơ cổ điển thì bảo mình trung thành với vốn văn hoá dân tộc, rồi mặc sức chê những người đi lai căng thơ Tây thơ Tàu. Những người viết theo hơi hướng mới tự nhận mình là người đi tiên phong trong việc hướng thơ Việt ra với thế giới, rồi cũng không tiếc lời nhiếc mắng những người còn lại là bảo thủ, lạc hậu. Vấn đề chọn đề tài hay thể loại sáng tác thuộc về thực đơn riêng của mỗi người, không nên tranh luận. Mỗi người có một cái lưỡi, vị giác khác nhau nên dĩ tất có khoái khẩu khác nhau. Người miền Nam thích ăn đồ ngọt, ta không thể cấm chỉ vì bảo ăn nhiều đồ ngọt dễ bị bệnh béo phì!
Thiển nghĩ thì dù thế nào, có hai quan niệm này là bất di bất dịch.
Thứ nhất là thơ nào thì phải gắn liền với hồn dân tộc nấy. Đây chính là vấn đề sứ mệnh của nhà thơ. Ta biết rằng với các lĩnh vực khác như khoa học tự nhiên thì nó không đặc trưng cho đất nước nào cả, nhưng văn học nó là đặc trưng cho cả dân tộc bởi nó gắn liền với ngôn ngữ. Tiếng Việt khác xa nhiều tiếng các nước khác, văn hoá người Việt cũng khác người ta, nên chi văn học Việt nói chung và thơ Việt nói riêng sẽ mang dấu ấn Việt. Điều này có thể dùng để giải thích tại sao hình ảnh hạt gạo, bến nước con đò lại xuất hiện nhiều trong thơ ta đến vậy! Tính dân tộc trong con người giúp ta sống đẹp hơn, sống đúng với văn hoá của mình, còn khi nó được đưa vào thơ thì làm cho thơ có hồn có vía, dễ đi vào lòng người hơn.
Thứ hai là thơ phải nói được vấn đề lớn lao của xã hội. Đây là yêu cầu cho những ai muốn trở thành một nhà thơ lớn. Một bài thơ nhỏ, có thể vỏn vẹn hai câu nhưng nó phải bao quát một thực trạng của xã hội. Làm được điều đó thì thơ mới trở về đúng nghĩa của nó là “kiệm lời nhiều ý”, hay người xưa còn gọi là “thi tại ngôn ngoại”. Thơ là sự rung động rất mong manh, người viết đôi lúc chỉ lách tay một cái là bài thơ có thần. Thơ nếu nói được một vấn đề lớn cho cả xã hội loài người thì nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Xu hướng này ngày nay đang phát triển rất mạnh mẽ, những người làm thơ trẻ lấy đời sống nội tâm riêng của mình để nói về thực trạng của một thế giới, lấy cái bản năng tính dục của mình để khơi gợi những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các hoạt động xã hội, đó chính là sự mô phỏng lại phân tâm học của Freud.
Nói chuyện về thơ có lẽ sẽ khôn cùng, khi mỗi ngày trên đất nước tôi sinh ra biết bao nhiêu trẻ em là chừng đó nhà thơ ra đời. Đất nước của những nhà thơ, quả thực đó là một niềm tự hào nhưng cũng là một vấn đề cần được chăm chút. Nhà thơ thường lập ngôn, mà ngôn từ họ nói ra ảnh hưởng rất lớn đến quần chúng. Vậy nên cần làm sao cho những nhà thơ mới sinh ngày hôm nay một cách tốt nhất để sau này họ có thể trở thành những “nhà thơ thực sự thơ”.
Những tiếng khóc oa oa chào đời
Đất nước tôi có thêm những nhà thơ.
Minsk, Bạch Nga - 2/2008
Hoàng Công Danh

No comments: