Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 15, 2010

HỌA SĨ LÊ BÁ ĐẢNG







































































































Lê Bá Đảng sinh ngày 26 tháng 7 năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sang Pháp năm 1939, đã tham gia vào những đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Triển lãm đầu tiên ra mắt tại Paris năm 1950. Năm 1989 nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Việt Quốc tế Saint-Louis của Mỹ; Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới; năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây.

Năm 2005, Hoạ sĩ được nhận huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử Vietnam Net phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng.

Năm 2006, hoạ sĩ cùng với UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15 Lê Lợi, Thành phố Huế.

Nguồn: vi.wikipedia.org
Sóng từ trường
Không gian Lê Bá Ðảng

Tác giả: Thụy Khuê

Ý niệm về không gian không mới. Ý muốn biểu dương không gian, cũng không lạ. Nhưng ý thức được tính cách tương đối của sự vật trong vũ trụ, trong không gian, thì hình như chỉ Trang Chu mới thật sự đặt vấn đề. Nào chim bằng, cá côn, nào ao trời, gió lốc... Trang Chu "tạo hình" cho ta thấy cái vô cùng của tạo vật và cái lẽ tương đối ở đời.
Hội họa Tây phương, giàu kỹ thuật, nhiều tiến bộ. Nhưng thiên về biểu dương hiện thực, vẽ những gì thấy được, nắm bắt được, những "hiện thực cụ thể" (kể cả khi phá thể như lập thể, trừu tượng), dường như hội họa Tây phương chưa thật tình thám hiểm thế giới siêu hình, tâm linh, vần vũ về lẽ sống, chết, lý tương đối ở đời.

Hội họa phương Ðông nghiêng về Ðạo, về triết lý sống, nhưng lại chưa tìm ra những phương pháp tân kỳ để diễn tả một cách đa nguyên, đa dạng.
Hiếm hoi là những nghệ sĩ nhuần nhuyễn kỹ thuật phương Tây và triết lý phương Ðông, để có thể tạo một con đường nghệ thuật phức âm, đa nghĩa, rọi ánh sáng và chiếu nhiều góc độ vào những trăn trở của con người về cõi sống, cõi chết, cõi biết, cõi không, về hư vô và cực lạc, về cái Ðạo của con người, ở chỗ Tâm và Vật không còn giới hạn phân chia.
Một vài họa sĩ gốc Á Ðông, thấm nhuần cái học phương Tây, dường như đã tìm được con đường tiến đến sự hòa đồng Tâm-Vật, Âm-Dương, Hữu Hạn-Vô Hạn. Lê Bá Ðảng là một.


*

Trong hành trình sáng tác, ông đã đi từ con mèo, con ngựa, con trâu đến... con người, và ở mỗi "con", ông đều cố gắng đào sâu đến nguồn ngọn, cỗi rễ của chúng. Ông biết rõ tâm can của chúng đến độ có thể chế tạo những "đầu-trâu-tâm-phật", "hình người-dạ thú", "khẩu phật-tâm xà"... Qua hơn nửa thế kỷ sống với nghệ thuật tạo hình, ông đã thuộc lòng cái thế giới "nhân vật cầm thú" mà ông tạo ra, ông cũng lại quá quen với khoảng không gian tầm thường của cái học hàn lâm, với lối nhìn "viễn cận" chưa hề thay đổi từ hơn 20 thế kỷ. Lê Bá Ðảng muốn tìm kiếm, muốn thám hiểm cõi sống chết của con người, ngoài hội họa.
Không gian Lê Bá Ðảng là sự phản kháng những không gian ba chiều đã bước vào tuổi hoàng hôn, là sự chống lại quan niệm lỗi thời của hội họa trường ốc, biểu dương lối nhìn một chiều: Vẽ những gì thấy trước mắt. Nghệ nhân có thể hồi khứ, ngoái lại dĩ vãng, nhưng vẫn phải moi ký ức ra khỏi óc, để nó lên bàn, trước mặt, mà vẽ.
Hội họa lập thể mở rộng hơn: Ðối tượng vẽ, không im lìm, không "chết", nó có quyền chuyển động. Hội họa lập thể mở thêm chiều thứ tư: Chiều chuyển động cho tác phẩm.
Hội họa trừu tượng phá thể để ngòi bút tự do phân tích đối tượng, xé nát đối tượng, tiêu tùng hình thái. Mỗi nghệ sĩ tạo một lối vẽ, lối nhìn riêng về đối tượng; và người xem cũng có quyền có cái nhìn riêng về họa phẩm, theo ý mình, độc lập với nghệ sĩ.
Hội họa trừu tượng phá bung những định kiến, những hàng rào ngăn cách, để con người tự do thưởng ngoạn, tự do tưởng tượng và nghệ sĩ tự do sáng tác. Mối tương quan cố định về "đối tượng bức tranh" và sự cảm nhận của người xem không còn nữa. Hội họa trừu tượng lấy tự do làm đối tượng, và chính ở chỗ "tự do" ấy, con người mới thấy cái "giới hạn" của chính mình.
Lê Bá Ðảng muốn thoát ra khỏi tất cả những ràng buộc về quy luật của nghệ thuật cổ điển, và cả cái "tự do giới hạn" của hội họa trừu tượng, để mở ra một cõi ta của riêng ông. Ông sáng tạo Không Gian Lê Bá Ðảng.


*

Không Gian Lê Bá Ðảng là gì?
- Về mặt kỹ thuật, đó là sự gặp gỡ giữa nhiều ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa... Lê Bá Ðảng không chỉ vẽ, ông tạo hình.

- Về mặt nội dung, đó là mối tương quan giữa người, vật và vũ trụ. Nhân sinh quan của Lê Bá Ðảng có gì trùng hợp, gặp gỡ cái lẽ tương đối của Trang Chu: Cái nhỏ có lý của cái nhỏ, cái lớn có lý của cái lớn, phải cũng là lẽ vô cùng và trái cũng là lẽ vô cùng: Cứ lấy ánh sáng soi thì sẽ thấy cái tương đối ấy bật nẩy ra, và ông thể hiện cái lẽ tương đối ấy trong Không Gian Lê Bá Ðảng. Cái nhìn của ông không còn là cái nhìn một chiều, hướng về trước mặt, mà nó biến đổi không ngừng.

Ở những mô hình Không gian thực tiễn, ông nhìn từ không trung, bằng con mắt loài chim, hay nhìn từ mặt trăng xuống đất. Tôi gọi đó là viễn cận "vạn lý". Với cái nhìn này, Không Gian Lê Bá Ðảng thể hiện những nứt nẻ trên trái đất, những đỉnh cao, vực sâu, trong lòng đất, lòng biển; những đại dương mênh mông, những hỏa diệm sơn bừng cháy, đến cả những con kiến li ti là sinh mệnh và định mệnh của con người. Trong không gian thực tiễn, với viễn cận "vạn lý", Lê Bá Ðảng có thể gồm thâu vũ trụ địa chất và thế giới nhân sinh trong một chiều kích không quá một thước dài, hai thước rộng.

Ở Không gian ảo tưởng, ông tạo không khí siêu hình, giữa cõi sống và cõi chết. Ông "vẽ" cái hoang vu của hư vô, ông "vẽ" cái không và cái có. Từ kỹ thuật, chất liệu, cách sắp xếp đến mỗi hình thức trong không gian Lê Bá Ðảng dường như muốn cấu tạo nên một thế giới, một vũ trụ ngoài màu sắc. Màu sắc chỉ là cái cớ để lưu lại với hội họa. Ông hay dùng sắc nâu, sắc xám, toàn trắng, toàn đen, màu đất nung, chấm phá những điểm son như những mốc, để tư tưởng, trí nhớ và tâm linh có thể trụ lại giữa khoảng vô thỉ, vô chung.
Ðứng trước những tác phẩm này, người xem cảm thấy hoang mang, lạc loài, như mình là chứng nhân cái hữu hạn của cuộc đời đang giao lưu cùng cái vô hạn của vòng tử sinh, luân hồi, truyền kiếp.

Trong loại không gian thứ ba, Không gian lịch sử-địa tầng, người xem mường tượng thấy ý niệm thời gian liên kết với không gian: Con đường xuyên suốt quá khứ-tương lai, giao thoa với viễn cận xuyên địa, từ cung trăng xuống địa cầu, xuyên xuống những lớp địa từng, địa đạo. Tác giả cho ta cảm tưởng ông muốn hình ảnh hóa cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc, xuyên qua những thửa ruộng khô, những cánh đồng cháy, những bãi cát dài, những ngôi cổ mộ, những lớp địa tầng, vào trung tâm trái đất. Ở một cái khung lơ lửng, mơ hồ, rêu phong kia, dường như thấp thoáng có hồn Trọng Thủy đang tìm dấu Mỵ Nương qua vết lông ngỗng xác xơ, tan tác... Ở một khoảng tối này, có phải Diêm Vương đang hành hình lũ tội đồ? Ở một không gian u ám trên kia, Hằng Nga đang cô đơn, giá buốt trên cung Quảng?...

Mỗi lần xem Không Gian Lê Bá Ðảng là một lần khám phá. Tác phẩm của ông có nét hãnh tiến về tương lai, kèm nỗi khổ đau, trầm luân trong hiện tại và nỗi u hoài, nhớ về quá vãng.

Nghệ thuật của ông thoát hài, đập vỡ cổ kính để tạo ra không gian phi thời gian, gồm thâu quá khứ, vị lai, địa tầng, địa chất, cõi này, cõi khác trong khoảnh khắc một cái nhìn. Nó độc đáo, nhưng cô đơn. Ông cô đơn trên con đường sáng tạo của mình; nhưng chính sự cô đơn đó là đốm lửa soi đường cho Không Gian Lê Bá Ðảng.

Yên Cơ, 1-1-1997

Nguồn: thuvien.maivo.com

Mời các bạn bấm vào đường link để

ĐỌC THÊM
Trang web của Hs Lê Bá Đảng

No comments: