GẶP TRƯƠNG QUÂN
Bút ký của Linh Đàn
Năm ngoái tôi không nhớ ngày tháng nào, dường như cuối mùa mưa, vào một buổi chiều Lê Ngọc Phái gọi tôi xuống nhà chơi, người bạn lâu năm của tôi ngồi ngoài ghế đá, thấy tôi đến Phái vào lấy bình nước trà ra rót. Chúng tôi nói chuyện một hồi rồi Phái đưa cho tôi bài thơ đã vi tính sẵn, nói thơ của Trương Quân mời họa; Phái lật đật đi chở cháu còn tôi ngồi một mình đọc thơ, bài thơ có cái đề duy nhất một chữ “SỐNG”, tôi sực nhớ! Thôi chết rồi! Bài thơ này Trà Kim Long đưa mình cả tháng nay, hôm ở Chân Quê thi hội, nhét vào túi áo rồi quên lững đâu mất, tôi tự thấy mình có lỗi với Trà Kim Long nhưng may thay hôm nay Phái lại đưa tiếp. Tôi ngồi đọc đi đọc lại một hồi, bài thơ có cái gì đó mà làm tôi quá dễ thuộc, lát sau Phái chở cháu về rồi ngồi nói chuyện tiếp: Sao! bài thơ này anh thấy có dễ họa không? Tôi chưa kịp trả lời, Phái nói thêm: Chắc bài họa khó có thể theo kịp bài xướng, tôi thấy Phái nói đúng ý tôi, hay dở thì chưa dám nói đến, nhưng trong bài thơ này có cái “hào khí” riêng của tác giả, nên bài họa cũng là điều thử thách. Câu chuyện đang dở dang thì Phái lại có điện thoại, rồi tiếp theo mấy người khách tới chơi thành ra nói chuyện khác. Trong bữa cơm tối hôm ấy Phái rót cho mấy ly rượu khá ngon nốc sạch nên lúc về thấy lừng khừng, nhưng cũng đạp xe về, đường lúc này hết giờ cao điểm không kẹt xe nữa, thong thả cho mình vừa đạp xe vừa họa thơ, về đến nhà lấy giấy viết ghi vội thế là được sáu câu, còn hai câu kết mai sẽ hoàn thành…rồi đi ngủ. Thế mà mai lại viết được câu bảy mất câu tám, rồi cứ thế, không những một hôm mà đến hôm sau mới tạm ổn. Phái lại gọi đem bài họa của Linh Đàn đến để gửi cho Trương Quân, chờ anh sáng mai đến tám giờ, tôi không nhớ gọi điện thoại cho Phái ghi hay đem bài hoạ xuống nhà, miễn đưa cho Phái rồi thế là xong. Đến gần tết Phái gọi tôi xuống nhà Phái nhận tập thơ của Trương Quân gởi tặng, tôi lật ra trong đó có bài họa của tôi thế là đem về bỏ vào hộc tủ.
Cuối tháng 9 năm nay, trời Sài Gòn mưa hoài, lụt bão miền Trung đưa tin tới tấp, bà xã hoảng quá về quê thăm ngoại, ở nhà buồn thật, đường sá lầy lội nên cũng nhác đi chơi cờ tướng, chẳng có chi vui, vào kéo hộc tủ lựa quyển thơ nào mỏng đem ra đọc, còn đọc quyển dày sợ ngán.
Thế là tập thơ “SỐNG” của nhiều tác giả họa thơ Trương Quân đến nay mới được giở ra, đầu tiên đọc lời tựa thấy Trà Kim Long viết xưng với Trương Quân là anh, mình tự hỏi không biết tác giả có bà con gì mà xưng dễ dàng như thế, nhưng rồi thôi việc đó không quan trọng, chỉ cần đọc thơ. Linh Đàn bấy lâu nay đọc thì đọc phớt phớt thôi, nhưng hôm nay mới chịu đọc kỹ hơn một tý, tìm thơ người quen đọc trước rồi thơ người lạ đọc sau, hôm ấy đọc thơ chữ quốc ngữ mà đọc như chữ Hán, đọc sau đọc tới, chẵng mấy chốc gặp một cái tên thật hay: Mộng Thùy Trang, mà cái đề bài họa cũng khá linh động “Sống Đẹp” suy ngẫm mấy lần thấy hơi thơ quá lạ nên không biết Mộng Thùy Trang là phái nào, tuổi tác ra sao, cái tên nghe thật nữ sĩ mà dạn miệng đến mức, trước đây bắt gặp bài “Tháo rào” của Thuỷ Hương cũng đã không kém, thì tác giả bài họa này chắc là…(?). Do vậy tôi viết một bức thư gởi Mộng Thùy Trang ngay, đem đến cho chị Trần Lệ Khánh đọc trước rồi gởi sau, chị cũng thấy quá lạ lùng, nên điện thoại hỏi Kim Hoa, rồi trao điện thoại cho tôi nghe, Kim Hoa trả lời rất thoải mái: “Anh muốn biết đực hay cái anh đến gõ cửa là biết ngay thôi” Kim Hoa cười một cái thật dài rồi tắt máy. Trước khi gửi thư, Linh Đàn không quên photo một tờ để làm kỷ niệm và một tờ gửi cho cụ Trương Quân còn bản viết tay gửi cho Mộng Thùy Trang ở mãi An Khê xa thẳm.
Lâu quá thư gửi đi chẳng thấy hồi âm, sáng nay quyết định đi thăm cụ Trương Quân,xem cụ trả lời như thế nào. Trên đường đạp xe đi trong đầu đặt ra biết bao câu hỏi: Không biết cụ Trương Quân có vui tính không? nhất là người Huế nếu thuộc dòng vọng tộc đa phần khó thưa trình lắm, vì mình ở Huế lâu năm mà bồ nhiều lần dẫn vào các nhà quan lại ngày xưa: cách ngồi, cách nói, cách đi cái nào cũng có cái khuôn của nó, nhưng thôi cứ đi, gặp trường hợp nào cũng được; có ai làm chết chi mình đâu mà sợ, cứ hỏi đường Đặng Văn Ngữ mà đến, đi một khoảng ngó bên dãy số lẻ đã thấy số nhà 47B, dừng lại dẫn xe đạp vào dựng phía trong rồi bước lên thềm, thấy một cụ bà ngồi ở phòng khách, tôi cung kính chào mà chẳng thấy cụ trả lời chi hết, trong bụng mình nghĩ: Mình đoán đúng rồi nhà quan!, nhưng thôi cứ nán chờ, một lát sau thấy phía trong nhà có ông cụ đẩy xe ra (chiếc xe thay gậy) tôi cũng cung kính một lần nữa: Con là Linh Đàn xin được yết kiến cụ, ông cụ ngạc nhiên mà khuôn mặt thật vui nói: - Ồ, Linh Đàn đây à! Thôi mời ngồi xuống đây, cụ nói tiếp có chi đâu mà lễ phép dữ vậy. - Ngồi nói chuyện một lát người nhà mang ra một tách cà phê thật nóng chị vừa đặt xuống bàn thì có một người đàn ông mũi cao, cỡ tuổi bằng tuổi tôi bước vào, cụ mời ngồi vào ghế ngoài rồi giới thiệu ngay: Đây là nhà thơ Nhất Chi và giới thiệu tôi với người khách. Nhất Chi bắt tay tôi, lần đầu tiên tôi biết Nhất Chi, rồi cụ cũng giới thiệu tiếp, cụ chỉ vào cụ bà: Đây là nhà tôi, yếu lắm đi đứng không được và nói cũng không được nữa. Tôi một lần nữa cúi chào và tự hối trong lòng rồi tiếp tục đam đạo thơ, tôi vẫn giữ lễ, cụ bảo rằng: Linh Đàn đến đây là quý lắm rồi, cụ bắt xưng anh em cho gần gũi, có lớn hơn nhau bao nhiêu tuổi đâu mà phải xưng cụ cụ con con cho nó mất cái ấm cúng của tình thơ. Tôi mới vỡ lẽ Trà Kim Long xưng anh là như thế. Thôi bây giờ là anh em rồi, chẳng ngờ anh Trương Quân tế nhị đến thế.
Ngồi thêm không quá nửa giờ, tôi uống xong ly cà phê, rồi hỏi về Mộng Thùy Trang nhưng anh cũng không biết gì về người nữ sĩ ấy, lát sau anh Trương Quân mời qua quán nước đối diện bên kia đường, Nhất Chi dẫn Trương Quân còn tôi dẫn xe đạp đi theo, qua đến đó đã thấy có mấy người ngồi chờ, tôi chỉ có biết Điền Đăng, rồi Hoàng Duyên cũng họp mặt, anh Trương Quân ngồi gần tôi nói chuyện hết sức thân mật, tất cả dự đoán trên đuờng đi đều được giải toả mà còn lại một cái tình thật ấm áp trong lòng, lát sau có Trà Kim Long và Kim Hoa cùng tới, bầu không khí trở nên vui vẻ lạ thường.
Người thơ dường như xoá bỏ cái ranh giới tuổi tác, hè năm 1959 tôi cũng bắt gặp tại nhà nữ sĩ Tương Phố ở Nha Trang một lần, hồi ấy các cụ các bà gọi bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và bà Hồ Xuân Hương bằng chị, có một lần khác tại sàn thơ Lan Đình-Bà Rịa, Phong Hồ rót ba chén rượu để giữa khay: Mời anh Lý Bạch, anh Cao Bá Quát và anh Tản Đà về dự đêm thơ với chúng em, đêm đó chẳng ai gọi Phong Hồ là ngông quá chén.
Tại quán nước ấy sáng nay để lại một dấu ấn khó phai, rồi khi chào ra về dường như có sợi dây thân tình nào đó muốn níu lại.
Viết dưới đêm mưa 12/10/2006
Linh Đàn
Bài xướng
SỐNG
Lối xưa vời vợi bước thăng trầmVẫn nhích dần lên đỉnh một trăm
Hồn cảm hoa cười trong sắc dịu
Dòng say trăng dậy giữa hương thầmQua mùa bạc thếch sầu sương khói
Đến lúc xanh dờn mộng tháng nămCát bụi nên hình vui cuộc sống
Ngại chi cây thọ chẳng cao tầm.1/10/2005
TRƯƠNG QUÂN
BÓNG CẢ
Sương gió dễ đâu nhạt khói trầm
Phúc phần ngoái lại đã kề trăm
Men đời vị đắng càng am hiểu
Tuổi ngọc tình xanh mãi nhớ thầm
Trong cuộc trần hoàn ngang vạn nẻo
Giữa dòng nhân thế dọc ngàn năm
Nào ai nhấc nổi hương và sắc
Chỉ có thanh cao vượt quá tầm
Linh Đàn
SỐNG ĐẸP
Bản nhạc bài thơ câu bổng trầm
Anh thì tài đức vẹn bằng trăm
Giữ màu vọng tưởng ôm thương trộm
Tự nhủ ấp yêu khéo sớt thầm
Bởi trót si tình trai tám chín
Em đành chuốc nợ khoảng mười năm
Duyên tằm vấn vít chờ cây tổ
Phú Nhuận An Khê xa khuất tầm
Mộng Thùy Trang
LINH ĐÀN
No comments:
Post a Comment