- Hồi trẻ ông học nghề sư phạm tại Nam Ninh, Trung Quốc.
- Năm 1968, ông sang Nga học ngành Tâm lý học và năm 1976 hoàn thành luận văn Tiến sĩ về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1.
- Năm 1978, ông thành lập và là giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGĐ) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).
- Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại là một nhà khoa học giáo dục, một nhà tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục, một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, trước hết là giáo dục tuổi thơ và một nền công nghệ hóa giáo dục; một người "chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục". Tấm lòng của người thầy và trí tuệ của nhà khoa học được thể hiện trong từng bài viết. (NXB Lao Động).
Quan điểm sáng tác
- Những bài viết của Hồ Ngọc Đại cho ta thấy cả chiều sâu và bề rộng của trí tuệ và tâm hồn một người cầm bút.
- Chiều sâu: Cả đời Hồ Ngọc Đại nhất quán một nỗi băn khoăn Giáo Dục. Cần có một nền Giáo dục mới. Một nền Giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Một nền Giáo dục tất yếu phải trở thành sự Cứu Nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những Anh hùng Thời đại. Và một nền Giáo Dục không bị thần bí hóa bằng lời hô hào "sáng tạo" suông. Mà là một nền Giáo dục công ghệ hóa, có thể triển khai theo cái mẫu được các nhà khoa học tạo ra bằng thực nghiệm, như một Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự đã làm ra, kể từ năm học 1978-1979.
- Bề rộng: Bạn đọc sẽ thấy cả một gam rộng lớn những điều Hồ Ngọc Đại quan tâm. Không phải sự quan tâm tiện đâu nói đấy, cái gì cũng can dự. Mà đây là một con mắt sắc sảo dõi theo những băn khoăn của người đời để rồi chủ động dùng trí tuệ và tấm lòng của mình cùng giọng văn dễ đọc mà tìm cách thuyết phục sao cho mọi người cùng sáng lòng và đều có thể sống hạnh phúc. Vì thế mà, chẳng hạn như trước nỗi buồn Liên Xô tan rã, Hồ Ngọc Đại có bài viết về vấn đề đó. Rồi anh cũng có những kiến giải về "Tự do", về "Dân chủ", về "Hôn nhân", về "Gia đình", về... nhiều mặt chộn rộn chuyện đương thời.
Các sách chuyên đề đã xuất bản
- Những vấn đề tâm lý học trong việc giảng dạy Toán học hiện đại ở các lớp cấp I (Luận án tiến sĩ tâm lý học, tiếng Nga, Matxcơva, 1976)
- Bài học là gì? (1985)
- Giải pháp giáo dục, NXB Giáo dục, 1991
- Đổi mới giáo dục, Trung tâm Công nghệ Giáo dục, 1995
- Tâm lý học dạy học, NXB Đại học Quốc gia, 2000
- Hồ Ngọc Đại Bài báo, NXB Lao Động, 2000
- Cái và cách, NXB Đại học sư phạm, 2003
- Chuyện ấy, NXB Lao Động, 2009
Nguồn: chungta.com
Nhân loại hạnh phúc vì có nhà vănAn ninh thế giới cuối tháng
Thứ bảy, 04/07/2009
"Về bản chất nhà văn thời nào cũng thế thôi. Thời nào cũng thế, lúc nào cũng thế, chế độ nào cũng thế, bản chất của họ là cao cả. Không có nhà văn của tầng lớp này, tầng lớp khác đâu. Đã là nhà văn thì đó là hình tượng đẹp của nhân loại. Nhà văn là một thành tựu, một kết tinh, một biểu tượng của nhân loại", Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
- Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhân cách con người và nhân cách của một nhà văn có gì khác biệt?
- Về bản chất thì không khác nhau. Nhà văn là một con người trên khía cạnh nào đó họ rất nhạy cảm. Nhà văn là con người nhạy cảm nhất trong những người nhạy cảm. Họ nhạy cảm tức là những cái biểu cảm nhận được về bản chất là có thực nhưng mà theo cách nhìn nhận của họ thì có thể chỗ này phóng lên, chỗ kia thu lại nhưng rồi cuối cùng tất cả những sự thật ấy đều qua nhà văn và trở thành tác phẩm, chứ nó không từ hiện thực thực tế mà nó đến tác phẩm.
- Sự nhạy cảm của nhà văn là cảm nhận được những cái không bình thường. Từ những cái mà theo con mắt nhà văn không bình thường thì sẽ thành tác phẩm. Độc đáo của nhà văn là ở chỗ đó. Tức là về bản chất nhà văn rất thành thật. Bản chất của nhà văn dù có như thế nào đi chăng nữa, nếu là nhà văn thì là lương thiện.
-Văn là người. Đọc văn sẽ nhận ra người, tác phẩm biểu hiện nhân cách lớn? Xã hội đang đặt ra vấn đề nhân cách của nhà văn hiện nay?
- Nhà văn phải có tác phẩm. Nhà văn mà không có tác phẩm thì không là gì cả, không thành nhà văn được. Tác phẩm là gì, là những gì tinh túy nhất của nhà văn. Nhà văn là một con người thuần túy, thuần túy nhất về tinh thần, quan tâm nhất tới những vấn đề thuộc về tinh thần. Ví dụ như đạo đức là tinh thần, tất cả những đau khổ, vui sướng của con người đều là tinh thần, và tuyệt đối trung thành với tinh thần ấy.
- Bản chất của nhà văn là vậy. Cũng như cái anh nói dối biết rất rõ sự thật và lời nói là thống nhất nên anh ta mới nói dối. Cũng như cái anh đạo đức giả là anh ta biết rõ nhất về đạo đức. Nhà văn cũng biết đích thực điều mà anh ta hướng tới, sự cao đẹp mà anh ta thể hiện.
- Vậy bản chất nhân cách của nhà văn là gì?
- Đã là nhà văn là cao cả. Có thể có những nhà văn hèn hạ, viết ra những tác phẩm yếu kém. Những kẻ như vậy không thể đáng gọi là nhà văn. Đó là buôn chữ thôi. Tôi xin nhấn mạnh lại đã là nhà văn là cao cả. Những kẻ làm hàng giả mượn chữ để mua chữ và bán chữ để đổi chác, những kẻ đó không phải là nhà văn. Nhưng những kẻ đó là ngoại lệ, là ít ỏi, cá biệt và không đáng gọi là nhà văn.
- Nhưng không thể đánh lừa được đôi mắt tinh tế và nhạy cảm của độc giả?
- Trong cuộc đời tôi thấy rằng, anh có thể đánh lừa được một người, một trăm người, một triệu người nhưng anh không thể đánh lừa được cuộc đời.
- Vậy nhân cách của nhà văn chính là trung thành với sự thật?
- Trung thành với cuộc sống thực ấy. Cuộc sống thực này nó như thế nào thì anh phải trung thành với nó. Tức là anh trung thực với cuộc sống thực ấy, chứ không phải trung thành với một ai cụ thể cả. Bất cứ một ai thì cũng phải lấy cuộc sống thực ấy làm căn cứ.
Nếu anh trung thành với một người nào đó mà không phải cuộc sống thực thì có khi anh sẽ gián tiếp xuyên tạc sự thực. Cho nên nhà văn phải vượt qua tất cả mọi quản ngại để anh đến với cuộc sống thực. Cuộc sống thực ấy là cuộc sống của toàn dân, của cả một thời đại, một dân tộc, một lớp người.
Cuộc sống bao giờ cũng thật, nếu không thật không tồn tại được. Muốn giả thì cũng phải có cái thật trước đã mới giả được. Nhân cách của nhà văn đầu tiên và cuối cùng phải gắn với cuộc sống thực.
- Tài năng và nhân cách có mâu thuẫn nhau không? Hay nó là hai phạm trù có thể tách bạch?
- Cũng không đáng kể, cũng có thể tách bạch ra được, tương đối được. Có những người họ không biết một chữ nào cả, nhưng nhân cách rất đáng kính trọng; họ không nói được một câu nên lời nào cả, nhưng cuộc sống của họ rất tốt đẹp, cao quý.
Và ngược lại có những người biết rất nhiều chữ nhưng nhân cách lại rất đáng khinh. Tôi nhắc lại đó là những người giả, đội lốt, vì bản chất của nhà văn là cao cả. Tất nhiên muốn có tác phẩm lớn là phải có tài năng, nhưng có một tài năng chưa chắc đã có một nhân cách lớn.
- Nhân cách nhà văn xưa và nay có gì khác nhau không?
- Về bản chất nhà văn thời nào cũng thế thôi. Thời nào cũng thế, lúc nào cũng thế, chế độ nào cũng thế, bản chất của họ là cao cả. Không có nhà văn của tầng lớp này, tầng lớp khác đâu. Đã là nhà văn thì đó là hình tượng đẹp của nhân loại. Nhà văn là một thành tựu, một kết tinh, một biểu tượng của nhân loại.
Còn những cái hèn hạ thì không chấp, ở đâu cũng có, ngành nào cũng có, lĩnh vực nào cũng có. Riêng về nhà văn thì phải giữ được cái thiêng liêng của nhà văn, đó là niềm hạnh phúc của nhân loại, nhân loại hạnh phúc vì có nhà văn.
- Xin cảm ơn giáo sư!