Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 7, 2008

Nguyễn Đặng Mừng



BUỒN VUI MẤY LẦN

Nguyễn Đặng Mừng


Xay lúa Đồng Nai
Cơm gạo về ngài
Tấm cám về tui

(Đồng dao)



Giã lúa đang đạp, ba con trâu bị khớp miệng bằng những cái mơ đan bằng tre. Chú Rìu cầm mũi. Con trâu Ve bao giờ cũng đi đầu. Bình không biết dắt trâu nên được phân công cầm sẵn cái gàu tát nước được lót rơm, mỗi lần chú Rìu kêu lên “Trâu ẻ..trâu ẻ”(1), tay chú bụm chặt đuôi trâu là Bình nhanh chân chạy tới hứng. Không hứng kịp, phân trâu ị xuống trên trên lúa, rất khó dọn. Trâu đi vòng xoắn ốc từ trái sang phải, xong một lượt chú Rìu dắt trâu ra nghỉ. Thằng Thỉ và chú Gàn dùng mỏ xảy trở rơm. Chú Gàn nói nhỏ với Bình là đạp hai lượt thôi, để lúa sót trong rơm nhiều, về nhà bà con đạp chân lại kiếm chút cháo, hợp tác xã không biết.

Bình phụ thằng Thỉ làm thư ký đội. Thỉ trình độ lớp năm, cộng trừ nhân chia lộn tùng phèo nên Bình phải làm giúp. Thỉ là con cán bộ tập kết nên được làm thư ký. Hắn bực bội mỗi lần đối diện sổ sách chữ nghĩa. Tháng trước hợp tác xã cho hắn đi học trắc đạc, về làm bản đồ dãy thửa, học nửa chừng hắn không hiểu chi hết bỏ về. Thỉ nói với Bình “có cái dấu chi như cái giàn xay, tui có biết chi mô mà cũng bắt học”. Bình mắc cười nghĩ chắc đó là dấu căn số. Thỉ tình nguyện lao động trực tiếp, để việc sổ sách lại cho Bình. Bình là sĩ quan chế độ cũ, mới cải tạo về.

Mọi sản phẩm được chia theo công điểm. Rơm chia ngay trong đêm sau khi đạp lúa. Lúa hột được cào lại giữa sân, chờ phơi khén mới cân nghĩa vụ hoặc chia theo tỷ lệ công điểm, thường là tạm ứng, đến những giã lúa cuối cùng mới điều phối lại.

Bà con thiếu đói, mỗi lần trên đường gánh lúa về sân đội, vừa chạy vừa tuốt lúa cho vô túi áo, ngang nhà để gánh lúa xuống, vô nhà giả đò uống nước, trút lúa từ trong túi ra. Mỗi ngày sáu chuyến cũng kiếm được năm sáu lon, hơn cả ngày công tính theo điểm. Có đêm bà con ngồi họp bên đống lúa, sáng ra thấy đống lúa nhỏ lại. Bà con bốc lúa bỏ vô túi áo, giả đò về nhà có việc, trút lúa rồi lên họp tiếp. Ai cũng biết mà ai cũng lờ đi. Chú Gàn bảo “mần ăn kiểu ni cả làng thành đạo chích hết”




Chị Mịn đang triển khai một vấn đề quan trọng với phụ nữ trên sân đội. Giọng đồng của chị chậm rãi nghiêm trọng: “Kính thưa chị em, thực hiện đời sống mới, chị em phụ nữ chúng ta phải cương quyết chống lại tàn dư chế độ cũ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề quan hệ nam nữ. Hôm qua các anh trong ban chấp hành chi hội thanh niên đã bắt quả tang anh Tám bên đội ba và chị Bê ở đội ta hun chắc bằng mui(2) . Theo biên bản được lập là anh chị hẹn nhau đi họp sớm, nói chuyện sau chùa, dưới lùm cây. Lúc hai anh chị đang dở trò đồi trụy thì ban chấp hành ập tới bắt quả tang”.

Con Bê gục đầu trên gối, tóc rủ xuống khóc hưng hức. Bà con im lặng. Chị Mịn tiếp: “Nam nữ trong xã hội ta có quyền yêu thương nhau nhưng phải trong sáng, thể hiện quan hệ phải minh bạch, không được lén lút, nhất là kiểu hun mui đồi trụy đó”.

Có những buổi họp cười ra nước mắt. Số là chị Lơi bên đội ba chửa hoang, bà con đồn là với chú Lùn. Làng họp trước sân chùa. Chú Lùn vừa lùn vừa nhỏ thó cùng với chị Lơi phốp pháp ngồi hàng đầu như hai bị can. Chị Mịn làm chủ tọa hỏi: “Anh Lùn làm cách chi mà chị Lơi có mang”. Chú Lùn đằng hắng mấy lần rồi trả lời: “ Tui không nhớ chi cả, chỉ nhớ là tui ho một cái bơ xong chuyện, ai ngờ có mang”. Bà con cười quá chừng, bảo chị Mịn có biết chuyện nam nữ chi mô mà cũng đứng ra phân xử. Chị Mịn nghiêm giọng: “Bà con ổn định, ổn định…”. Bà con lại cười lớn hơn. Chú Gàn nói to “ Anh Lùn ho, chị Lơi lại chàng hảng chân. Trai không vợ, gái không chồng, mai ra xã đăng ký là xong, có chi mô mà họp mà hành”.

Trong những hội đoàn, hội phụ nữ là nhiều chuyện nhất. Phụ nữ cũng mệt nhất. Vừa là hội viên hội phụ nữ, dưới ba mươi tuổi là hội viên của hội thanh niên, trên ba mươi tuổi là hội viên hội nông dân tập thể. Chị Mịn làm hội trưởng hội phụ nữ thôn, kiêm phụ trách địa bàn đội Sáu, tất bật suốt ngày.

Ngày giải phóng chị Mịn ba mươi bảy tuổi, dáng cao, chắc nịch. Da ngăm, tóc mượt. Mắt chị to, lông mi dài, hay chớp và nhìn lên. Chú Gàn bảo “Nước da bần quân cổi quần không kịp”. Hoặc “Mắt hay nhìn lên là người đa tình”, mà đời chị Mịn có đa tình chi mô, chung tình thì có. Chị thường mang súng đi tuần một mình ban đêm, nhất là ở sân đội vào ngày mùa. Bình cũng thường ở lại giữ lúa và làm sổ sách trong nhà đội.



*


Mùa xuân năm 1952,chị Mịn mười lăm tuổi đã đã có nơi dạm hỏi. Hôn phu của chị là du kích, anh Tha, con một gia đình địa chủ kháng chiến. Chị không yêu anh Tha, lại yêu anh Là, một Vệ Quốc quân người đâu ngoài Triệu Phong, hay đóng quân ở nhà chị.

Đêm về sinh hoạt văn nghệ, nhảy “đây gió”(3). Chị Mịn nhảy điệu nghệ, mắt lúng liếng, miệng cười duyên chúm chím theo làn điệu sôi nổi: “ Đây gió đây trong rừng….Gió mát nhắc rằng cô em muôn vàn thân yêu có sầu nhớ chi trong lòng”. Đến tiết mục hò, giọng chị dịu xuống tha thiết , nhắn gửi : “ Ơ…Ơ…Mưa sa ướt bụi ướt ngàn, ướt áo em thì em chịu , ướt áo Vệ Quốc Đoàn em thương ơ….ơ….”. Giọng hò dài theo hơi chị, bâng khuâng, đi vào vô tận, đi vào những ngõ ngách tâm hồn sáng như gương của các anh bộ đội. Bộ bà ba đen bó sát, gợn lên bao điều mơ ước trong mắt các anh Vệ Quốc Đoàn. Anh Là học xong trung học, bỏ trường theo kháng chiến. Anh hay làm thơ, viết câu hò địch vận và dựng kịch cho thanh niên thanh nữ trong làng. Mỗi lần bắt được Tây là anh thẩm vấn bằng tiếng Pháp. Anh chơi đàn măng đô lin hay lắm. Những buổi văn nghệ bên đàn bên hát thiệt xứng đôi. Giọng chị Mịn khàn, hát hành khúc hùng tráng quyện trong tiếng đàn réo rắt của anh Là: “Đèo là đèo Ba Rền, băng qua rừng sương, Ai bước đi trên đường dừng chân nơi chiến trường. Đèo vẫn đèo , xa mờ xa, cho tôi nhắn đôi lời gửi về chiến khu. Ai đi vô trong Nam , Ai đi ra Việt Bắc. Đường trường xa lắc, buồn vui mấy lần.”(4)

Chuyện yêu thương giữa anh Là chị Mịn rồi cũng đến tai tổ chức. Anh Là bị kiểm điểm, đổi vào trung đoàn 101 trong Thừa Thiên. Chị Mịn buồn, đau một trận thương hàn gần chết. Từ đó chị không hát hò nữa.

Đường trường xa lắc đưa anh Tha và cả anh Là tập kết ra Bắc. Chị Mịn ở lại làng. Thời đó đã đám hỏi rồi xem như vợ chồng, chị Mịn ở vậy chờ. Ngày tháng qua đi, chị mòn mỏi chờ ngày đình chiến, rồi chờ ngày tổng tuyển cử. Đến tuổi hâm đi hâm lại, qua thì khi nào không biết. Chú Gàn bảo “dáng cao mà giọng đồng thường ế chồng, sát phu”.




Hồi chín năm chú Gàn làm tổ trưởng du kích. Chú giỏi chiến đấu nhưng học chữ quên trước quên sau. Cùng lớp bình dân học vụ, Chị Mịn trình độ lớp nhất, chú Gàn học lui học tới cũng chỉ biết đọc, biết viết báo cáo. Sai chính tả thì chị Mịn sửa. Chú Gàn thuộc lớp bần cố nông, đi giữ trâu cho ông lý trưởng, cha chị Mịn. Chú kể hồi nhỏ, chiều về đưa trâu vô chuồng xong là dắt chị Mịn ra giếng tắm . Da chị ngăm nhưng láng o. Chị hay cười ré lên một lần chú Gàn kỳ cọ chỗ kín. Chú còn kể chỗ kín của chị Mịn có nốt ruồi son, biểu hiện sức lực phụ nữ.
Có đêm chị theo tổ du kích của chú Gàn qua gần đồn Tây bên Thi Ông hò địch vận . Giọng hò chị loang trong đêm tha thiết nhắn nhủ:

Thiếu chi rau mà ăn rau Bát bát,
Thiếu chi bạc mà tiêu bạc Đông Dương
Thiếu chi người thương mà thương bảo vệ
Thiếu chi người tử tế mà lại lấy Tây…

Những tràng súng liên thanh từ đồn bắn ra như mưa, sau loạt súng chị lại từ hầm trồi lên hò:

Nước cạn thiếp xuống sông mò đam , bắt cá,
Nước nậy thiếp lên rừng hái rau má rau mưng,
Khuyên chàng quay súng lại để thiếp vui mừng,
Dù chàng ăn thiếp nhịn , chứ một hai hai một xin đừng theo Tây !

Chàng ra đi Bảo vệ , thiếp ở nhà châu lệ năm canh,
Chàng nghe ai nay dỗ mai dành,
Bỏ giang sơn tổ quốc dạ sao đành chàng ơi!

Đạn lại bắn ra đùng đùng cheo chéo. Chú Gàn ôm chị Mịn vào lòng động viên “đừng sợ, đừng sợ”, lại hò thầm thì vào tai chị Mịn: “Hò cho Tây về nước Tây, hai ta đi cấy đi cày nuôi con”. Chị Mịn sợ, khóc ướt vai chú Gàn. Chú Gàn học chữ không vô nhưng nói lối là ra thơ liền liền.




Chị Mịn ở cùng xóm, thường cõng Bình đi chơi. Chị cõng Bình vừa chạy vừa hô “xung phong…xung phong”. Ôm cổ chị, nghe hương bồ kết thoảng ra từ tóc, Bình thích lắm, cười sằng sặc. Đêm về mơ thấy chị ôm Bình ngồi lên lưng trâu, trâu chạy qua đồng , bơi qua sông. Rồi chị ôm Bình khóc nức lên “ Bình ơi đời chị khổ lắm, chị thương Bình lắm” . Sáng ra, trước khi đi học Bình chạy lên rú, về ghé nhà chị Mịn kể cho chị nghe chuyện chiêm bao khi hôm. Chị Mịn ôm đầu Bình. Bình giúi đầu vào ngực chị, hít hít mùi thơm hơn sữa mạ, rưng rưng.

Mạ kể hồi Bình một tuổi, đi cấy lúa mùa đông gửi Bình cho chị Mịn , mỗi lần Bình khát sữa chị Mịn hay cho bú. Bình đòi bú dù chị không có sữa. Bình mê chị cái gì đó không phải sữa.

Chị Mịn hay tập hát cho Bình. Thường là những bài đồng dao vừa hát vừa làm bộ điệu. Như bài xay lúa Đồng Nai. Chị đối diện bắt tay Bình xô tới kéo lui như xay lúa, rồi hát:

Xay lúa Đồng Nai
Cơm gạo về ngài
Tấm cám về tui.

Hoặc buổi chiều hai chị em đi ra đồng cùng hát bài:

Nghé ơi nghé ọ
Nghé đi theo chị
Được ăn được bú
Nghé đi theo chú
Được nhai rau khoai
Nghé đi theo ai
Cắt tai chắm mắm.

Chú Gàn cũng hay cõng chạy ngược gió Nam, cái chong chóng bằng lá dứa trên tay Bình xoay tít, nhưng không thích bằng chị Mịn. Bình là đệ tử chú Gàn trong chuyện tát cá bẫy chim. Ngóc ngách nào trong làng chú cũng biết.

Chú Gàn hát cho Bình nghe những bài nhạc được cải biên lời. Như bài Đèo Ba Rền, chú hát như sau:

Đèo là đèo Ba Rền, băng qua cái rương. Khi dắt chắc vô buồng mụ cười ôn la.
I xì cái đồ đàn bà, dắt chắc vô buồng cổi quần vắt lên phên.

Chú cười ha ha, vỗ nhịp vào đùi, nhún lên nhún xuống.

Hay là bài “ lời người ra đi”, chú hát:

Ngày nào anh chết đi, em cứ mua cho anh cái hòm. Chôn đàng hoàng. Rằng hết khó cũng đừng lấy chồng, rằng lúa khoai cũng còn vài sào, đừng lo chi cả em ơi.

Con của anh , đứa lên năm, đứa lên ba, đứa đang còn nằm ngả trong nôi, khoan lấy chồng tội lắm em ơi…

Chú nằm vật vã trên cát, hát đi hát lại mấy câu trên, mặt đỏ lên, nước mắt nhiểu ra hai khóe. Bình chẳng hiểu chú khóc cười chuyện chi.

Có lần Bình hát Đèo Ba Rền theo lời của chú Gàn, chị Mịn nghiêm mặt dặn “Bựa ni sắp lên không được đi chơi với chú Gàn, nhất là hát bậy theo chú là chị nghỉ chơi liền”. Bình sợ chị nghỉ chơi, nhưng vẫn trốn chạy dọi chú Gàn mỗi lần chú dắt chó đi săn, hoặc vác ú đi tát cá.




Hết bậc tiểu học, Bình theo gia đình lên tỉnh học trung học. Thành thị không làm Bình quên làng quên xóm được . Nhớ chị Mịn, nhớ chú Gàn quay quắt, cuối tuần Bình đạp xe mười lăm cây số về làng. Ban ngày đi tát cá bẫy chim với chú Gàn, tối về ngủ nhà chị Mịn. Miếng chi ngon chị Mịn cũng để dành cho Bình. Chị Mịn cho Bình ngủ trên tấm phản, mùa hè gió mát rượi. Nhà rộng thênh thang chỉ mình chị ở.

Mùa Đông năm Bình học đệ lục, về làng ngủ nhà chị Mịn. Đang đêm rét mướt bỗng nghe tiếng súng liên thanh từng nhịp ba phát;: “Đùng đùng đùng, hỡi các bạn anh em nghĩa quân, hãy bỏ súng đầu hàng, nếu kẻ nào ngoan cố chống lại thì sẽ bị tiêu diệt, đùng đùng đùng”. Bình sợ run bắn người, ôm mền chạy qua giường chị. Hai chị em ôm lấy nhau mà run. Tiếng súng và lời kêu gọi xa dần rồi im bặt. Chị Mịn nói thì thào: “Việt cộng đó, mai em lên sớm đi”. Chị ôm chặt Bình, cuốn mền lại. Chị kể cho Bình nghe chuyện lính Tây, hồi Bình chưa đẻ. Lính Tây ác lắm, đốt nhà hiếp dâm đủ hết… có người bị cả trung đội hiếp đến chết luôn...

Hơi ấm và mùi bồ kết làm Bình ngất ngây. Bình ngủ thiếp khi nào không biết. Chiêm bao Bình thấy mình đang bú chị, bầu vú sữa căng mọng, chảy tràn ra miệng. Bình nuốt ừng ực từng ngụm sữa, nghe da thịt râm ran kiến bò. Rồi Bình thấy toán lính Tây thằng đen thằng trắng dằn Bình khỏi tay chị, Bình khóc thét lên, cắn chặt núm vú, núm vú đứt vào trong miệng, Bình nhai sừn sựt, đắng ngắt. Mấy thằng Tây đè chị xuống, hết thằng này đến thằng khác hiếp chị. Chị nằm ngửa lõa lồ, hai chân dài màu cua đồng đạp đạp liên tục vào bụng thằng Tây, tay chới với vẫy về phía Bình... Bình la lên ú ớ… Chị Mịn đập vào tay Bình kêu “chi rứa, chi rứa”, Bình choàng tỉnh. Trời sáng tỏ. Hai chị em nhìn nhau thẹn thò. Chị bảo “lên sớm đi kẻo mạ trông”, rồi chị xoa đầu, nhìn Bình buồn buồn: “Lo học cho giỏi, bựa ni đừng về nữa, nguy hiểm lắm. Khi mô rảnh chị lên thăm”.




Năm 1966, một trận chiến xảy ra giữa bộ đội chính quy và lính nhảy dù. Bà con đứng nhìn về làng qua cánh đồng. Hai chiếc phản lực ném bom napan, lửa cuộn lên từng cụm. Từng mái nhà lần lượt bốc khói. Chú Gàn la lên: “Nhà con Mịn cháy rồi”, đến “ nhà thằng Thỉ cháy rồi”. Cả xóm chìm trong ngút ngàn khói lửa. Tiếng súng lớn súng nhỏ nổ rền, chỉ còn nghe tiếng ào ào, đến chiều tối mới dứt. Bà con tản cư bàn tán về số thương vong hai bên, nhà cửa xem như chẳng còn cái nào. Ai cũng lo cho chị Mịn, chị không chịu tản cư.

Bình trốn nhà đạp xe như bay về làng. Quân đội hai bên không còn ai. Mùi tử khí quằn quoại trong từng đợt gió Nam Lào, nhen lại những tàn lửa cháy. Bình và chú Gàn chui xuống căn hầm núp đạn nhà chị Mịn, không thấy ai. Chú gàn buồn buồn, giọng khàn đục: “Rứa là con Mịn đi theo bên tê rồi”. Bình đưa tay áo quệt nước mắt, thầm kêu “chị ơi, chị ơi… Chị đừng chết nghe, em thương chị lắm’.

Từ đó, cả vùng chữ nhất được chính quyền cũ gọi là mất an ninh. Bình không về làng nữa. Mỗi lần nghe đâu đó có xác nữ du kích là Bình hỏi thăm tên tuổi xem có phải chị Mịn không.

Năm 1972, cả thị xã Quảng Trị tan hoang. Bình đậu tú tài rồi bị tổng động viên đi sĩ quan Thủ Đức. Ra trường chọn vùng miền Đông Nam Bộ cho xa làng xóm. Mỗi lần chạm súng, hình ảnh chị Mịn lại hiện về, tay Bình run lên. Hành quân ngang cánh đồng Bình lại nghe cơ hồ giọng đồng chị Mịn đâu đó, khi xa khi gần, não nề da diết:

Nghé ơi nghé ọ
Nghé đi theo chị
Được ăn được bú
Nghé đi theo chú
Được nhai rau khoai
Nghé đi theo ai
Cắt tai chắm mắm

Những buổi chiều, gối đầu lên ba lô nhìn trời làm thơ, Bình cũng không quên hình ảnh chị Mịn:

Bìm bịp kêu mùa xuân trở lại
Tuổi thơ xoay chong chóng đường làng
Vệt trăng non rủ mây trời ở lại
Bóng chị lung linh, luống cải hoa vàng.



*


Sau ngày giải phóng Anh Tha về làng mang theo vợ con từ ngoài Bắc. Chị Mịn vẫn còn con gái, chưa một lần biết mùi đàn ông.

Chị Mịn thường thân thiện với Bình khi chỉ còn hai người. Trước mặt bà con chị khắt khe với Bình lắm. Bà con chia lúa rơm gánh về hết, chị đến gần bên Bình nghiêm giọng:

– Cậu coi chơ lúa mất nhiều lắm. Hôm qua đi họp chị bị phê bình là quản lý địa bàn không chặt.

– Bà con họ đói lắm rồi. Tui cũng biết chuyện xã viên ăn cắp nhưng tui có quyền chi mô.

– Là chị nói rứa. Mình kín đáo bảo ban nhau để trong ấm ngoài êm. Chia lúa rơm còn sống(5} thì tạm được. Nhưng ăn cắp bỏ vô túi là không công bằng, người nhiều kẻ ít, những người tự trọng lại thiệt thòi. Mai chị phải nói rõ điều này với bà con, cậu tuyên truyền trước với bà con đi nghe. Chị biết bà con quý mến cậu mà.

Trời cuối tháng tối đen, gió nồm thổi mạnh. Chiếc đèn dầu tắt ngấm. Hai chị em nói chuyện thủ thỉ. Chị Mịn thở dài:

– Cậu năm ni hai lăm tuổi rồi, lo mà đi hỏi vợ hỏi con đi là vừa.

– Ai ưng mà hỏi. Nông dân ít học thì ba mạ không chịu. Cán bộ giáo viên thì ai dám ưng mình. Chắc tui ở ri cho khỏe.

Gió nồm vi vút. Hai chị em ngồi bên nhau. Im lặng. Tóc chị Mịn bay vướng vào mặt vào cổ Bình nhồn nhột. Chị khoác vai, nói nhỏ vào tai Bình.

– Cậu có oán chị không. Cái ngày dẫn cậu đi cải tạo, chị phải làm mặt nghiêm với mọi người, chắc cậu hiểu chị. Đêm đó về thương cậu quá, khóc thầm cả đêm. Đời chị em mình da diết khúc nôi quá cậu hỷ. Chị hay lén gửi quà lên trại cho cậu, mạ có nói với cậu không.

– …

– Răng cậu im lặng rứa. Cậu khóc à. Con trai không được khóc. Sông có khúc, người có lúc cậu à… hức… hức…

Hai chị em ôm nhau. Nước mắt nhòe trên má nhau. Chị hôn lên má, lên cằm, lên trán Bình. Cuối cùng họ cũng hun mui nhau. Môi họ giựt giựt cảm xúc. Người họ nóng ran lên. Họ quằn quại. Họ rên xiết lăn lộn trên đống rơm. Con trai còn tân, con gái trinh nguyên. Họ say đắm vụng về. Bản năng dẫn họ đi xa. Tình yêu dẫn họ chạy về với ngày xưa: Có giấc mơ bú sữa, có cánh đồng hoang mang tiếng kêu nghé ơi nghé ọ…




Tin chị Mịn có mang lan nhanh cả làng cả xã. Người ta đoán non đoán già về tác giả cái bầu chửa hoang. Người bảo của chú Gàn, người nói anh Tha tiếc của đời bòn cho giòn(6), không ai nghĩ đến Bình. Những bà sồn sồn có dịp để châm biếm, bàn ra tán vào: “Hành hạ người ta nhiều rồi, đến lúc phải trả giá. Gieo chi gặt nấy. Để coi mai mốt họp làng con Mịn trả lời ra răng . Con mụ mần bộ mần tịch chơ còn chi nơi nữa,. Người nớ mà chung thủy với ai…”. Cả tháng nay chị Mịn không ra khỏi nhà.

Một tối Bình lội nước lụt lẻn qua nhà chị Mịn, chị đang ngồi vá áo dưới ngọn đèn dầu. Không ngước lên , chị nói:

– Cậu không nên qua đay mần chi, phiền cho tôi và cả cậu nữa.

Bình ngồi xuống bên, giọng run run:

– Em nghĩ kỹ rồi, hay chị em mình trốn vô Nam đi chị. Ở đó không ai biết mình. Đời sống trong Nam phóng khoáng hơn ở đây, chị nghĩ răng.

Chị Mịn ngước lên , mắt rưng rưng:

– Cậu dám không, khi mô đi.

– Khi mô cũng được, mạ cho em mấy chỉ vàng bảo vô trong Đồng Nai mà lập nghiệp, trong đó lúa gạo nhiều lắm, ở đây đi rà mìn hoài có ngày cũng chết. Em chuẩn bị hết rồi.

– Đồng Nai nhiều lúa gạo. Chị em mình đi xay lúa Đồng Nai. Có tấm có cám cùng ăn cùng sống…hức… hức…

– Dạ, mấy đứa bạn em gửi thư về nói trong đó heo cũng ăn cơm. Ăn chi cũng được, miễn chị em mình thương nhau.

– Nếu đi thì đêm ni đi liền. Tối mai làng họp để kiểm điểm chị. Chị sợ phải trả lời trước bà con lắm, có khi chị nghĩ chết quách cho xong đời.

– Dạ, ba giờ sáng có chuyến tàu. Nên đi sớm hơn, cứ đi như là không hẹn, lên tàu rồi tìm nhau.

Hai bóng đen cách nhau mấy cây số, họ đi lặng lẽ trong đêm, lội bì bõm trong nước lụt những đoạn bị ngập. Trời mưa lắc rắc, tối thui, xa xa le lói ánh đèn những người đi soi cá. Làng xóm chìm đi sau lưng, nhập nhòe sấm chớp.

Chị Mịn mang bầu đi từng bước dò dẫm. Trong bụng chị thằng Bình con đang lớn. Bốn tháng nữa nó sẽ ra đời. Nó sẽ bụ bẫm, sẽ bú chị mạnh bạo như thằng Bình ngày xưa. Nó sẽ năm sáu tuổi, sẽ cầm tay chị cười sằng sặc, chị sẽ đẩy lui đẩy tới hai búp tay có ngấn, hát bài đồng dao thuở ấy. Lần này chị sẽ tập cho con hát bài xay lúa Đồng Nai công bằng hơn, không như đời chị. Chị sẽ dạy con là: “Cơm gạo ăn cùng, tấm cám chia chung”… Nó sẽ bảy tám tuổi, nó sẽ chạy theo chị như con nghé, hát bài nghé ơi nghé ọ... Cha con nó sẽ theo chị suốt đời.



Nguyễn Đặng Mừng



(1) Trâu ỉa.

(2) Hôn nhau bằng môi.

(3) Một điệu nhảy của các anh vệ quốc đoàn với thôn nữ thời kháng chiên chống Pháp.

(4) Một bài hát chưa rõ xuất xứ, thường được hát ở vùng quê tôi trong thời kháng chiến chống Pháp. Có lần tôi hỏi, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không biết. Trước đây tôi cứ tưởng của Phạm Duy hay Trần Hoàn mà không phải. Vị nào biết xin chỉ bày.

(5) rơm còn dính nhiều lúa.

(6) Kiếm thêm , tìm thêm kẻo uổng.

No comments: