Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 14, 2008

HÀ THẠCH HÃN - LẠC EM





Lạc em
Hà Thạch Hãn



Ta lạc em mười năm đằng đẵng

Mải đua chen nên lạc dấu tìm về

Câu thề xưa bị áo cơm đè nặng

Mười năm dài tỉnh ít nhiều mê



Ta lạc em như chim lẻ bạn

Mười năm xa côi cút một mình

Mười năm vẫn lạc loài cánh nhạn

Bầu bạn cùng chiếc bóng lặng thinh



Bao năm rồi biết em còn đợi

Trên đường đời xuôi ngược lướt qua nhau

Nghe tiếng guốc gõ vào lòng đau nhói

Nhịp thời gian bào nỗi nhớ nhạt màu



Mười năm, mười năm ái ngại

Bao đổi thay ai đó có thay lòng

Người còn đây sắc xuân giờ ở lại

Trái tim gầy còn rung động được không



Gặp lại nhau một ngày se lạnh

Hàng cây xanh còn cần bạn bên đường

Bao xa cách chỉ e lòng ráo hoảnh

Hội ngộ rồi lại lạc lối yêu thương



Th tặng LTHY










BIỂN, GIÓ VÀ CÁNH BUỒM



Tự bao đời

Biển sinh ra để khát gió

Khát cánh buồm tri kỷ bên nhau



Không có gió, sóng về đâu hỡi sóng

Không có cánh buồm, biển sao có tri âm



Đừng cậy mênh mông

Nếu một mai cánh buồm vỡ tan trên sóng

Cơn gió lạc chân nơi cuối dòng

Nước thôi mặn nồng



Có gào thét bạc đầu

Biển vẫn cứ cô đơn !






BÀN TAY



Lúc rảnh rỗi hoặc cuối ngày, tôi thường dành thời gian nhìn ngắm lại bàn tay mình như một cách tự kiểm điểm: hôm nay mình đã thực hiện được việc gì và chưa thực hiện được việc gì.

Thường những lúc như thế lại hay lan man nghĩ về những hành vi và sắc độ biểu cảm của bàn tay con người.

Lúc yêu thương nhau, bàn tay thường tìm kiếm bàn tay, nâng niu, xiết chặt, quấn quít…

Thuở nhỏ, tôi thường có một thói quen rất kỳ lạ là hay ngắt hoặc cắn vào ngón tay út của những đứa bé. Bàn tay càng dễ thương,mũm mĩm càng dễ là nạn nhân của tôi. Chụp được ngón tay của đứa bé vô phước nào đó, tôi phải cắn cho đến khi nó khóc thét lên mới thôi. Người lớn cũng có thể trở thành “mồi ngon” của tôi, nhưng tất nhiên phải là người mà tôi vô cùng thương yêu.

Khi hờn dỗi, phân ly, bàn tay lại trở nên lạnh lẽo, hờ hững… Xa cách, bàn tay chợt lạc lõng, trơ trọi để rồi cứ phải nặng lòng day dứt khôn nguôi. Lúc cô quạnh, trống vắng lại thèm có một bàn tay ấm nồng trong tay hoặc một vòng ôm xiết chặt, vỗ về… Trong những khi mất phương hướng, bế tắc lại quay quắt cần một bàn tay chia sẻ, đồng cảm.

Lúc phấn khích, hứng khởi, bàn tay lại nồng nhiệt, dữ dội. Cá biệt, cũng có những bàn tay tráo trở, úp ngửa khó lường...

Ở một góc độ khác, bàn tay còn biểu trưng cho quyền thế của con người. Song, quyền năng lại như vốc cát- càng nắm chặt, cát càng vuột ra ngoài. Đấy cũng là một bài học, một triết thuyết nữa về bàn tay vốn nhiều sắc thái và đa cảm của con người, rất người.






THƠM THẢO QUÀ QUÊ



Hôm thứ hai, Thái Lộc ở văn phòng đại diện Huế gởi cho mình một hộp nấm tràm, một loại thực phẩm khá phổ biến ở miền Trung.

Hàng năm cứ vào mùa thu, sau những cơn mưa và đất trời trở nên dịu mát, nấm tràm lại nở rộ. Tôi vẫn nhớ những ngày khó nghèo ở quê, đến mùa nấm mọc mẹ vẫn hay mua về xào hoặc nấu canh với rau tập tàng hái sau vườn, dân dã mà ngon lạ. Gắp tai nấm đưa vào miệng , sau cái vị nhân nhẩn thoạt đầu, lại nghe vừa giòn vừa béo và thơm nồng ngào ngạt. Dường như cuộc đời cũng thế, "khổ tận" sẽ "cam lai", hết nắng là mưa và "hết khổ là vui vốn lẽ đời". Vả chăng, nếu không có niềm tin như thế làm sao người ta có thể sống hay đơn giản hơn, đủ can đảm để ăn món nấm tràm này ?

Qùa quê thỉnh thoảng mới có nên bèn mang xuống căn tin cơ quan cho mọi người cùng thưởng thức. Nhưng, Gia Tiến lanh chanh gắp một miếng đưa vào miệng bỗng…im bặt suốt cả bữa ăn. Xuân Trung cũng tò mò gắp một miếng rồi mặt cũng nhăn như khỉ ăn ớt (!)… Chỉ có một em gái quê ở miền Trung là khen ngon và ăn lấy ăn để.

Tất nhiên, lần đầu ăn nấm tràm quả không dễ. Nhưng đối với những người quen ăn, chính cái vị đăng đắng ấy mới có sức quyến rũ ghê gớm và không thể phai nhoà trong tâm thức, dù có tao tác xa quê tận chân trời góc bể.

Vâng, khẩu vị mỗi người thường được định hình qua nhu cầu của thể trạng và quan trọng hơn, đó là thói quen. Chính vì thế mà có những người dù không thiếu cao lương mỹ vị, dù biền biệt tha hương cầu thực nơi xa ngái vẫn quay quắt nhớ mắm kho, canh thập cẩm, dưa cà…Cô bạn tôi kể rằng, có ông anh rể tuy đã định cư ở nước ngoài hàng chục năm nhưng hễ có người trong nước sang là đều nhờ gửi cho anh một ít mắm ruốc, mặc dù để đưa cái thứ quà quê “khó chịu” ấy qua được cổng an ninh sân bay quả trần ai khoai củ !

Rõ ràng, đã là thói quen thì không dễ đổi. Sau những thay mới, bao giờ người ta cũng cần có thời gian để thích ứng, lâu dần thân thuộc và hình thành nên thói quen. Thế nhưng cũng có những thói quen kỳ diệu đến độ, bất chấp cả không gian, thời gian mà trường tồn bất tận: thói quen yêu đương như một thứ men gây nghiện. Chả thế mà không phải không có lý, người đời vẫn nhìn nhận rằng “tình cũ không rủ cũng đến” đó sao ?







NỢ EM



Ta nợ em một lời thề hẹn

Không trăm năm vàng đá đủ đầy

Không có cả một đêm trọn vẹn

Muối nhạt rồi gừng cũng thôi cay



Ta nợ em những ngày sống nhọc

Đi bên ai lòng vẫn bên này

Một đêm nằm mấy lần thầm khóc

Giấu phận buồn trong chiếc khăn tay



Ta nợ em món quà sự sống

Không oa oa không cả hình hài

Em hi vọng để rồi thất vọng

Không sinh thành ai đó với ai



Ta nợ em cả đời mắc nợ

Cả đời ngu ngơ cho ít nhận nhiều

Nhân thế rộng mà trái tim bé nhỏ

Đến bạc đầu vẫn con nợ tình yêu



HÀ THẠCH HÃN
Nguồn: 360.yahoo.blog/hathachhan

2 comments:

Kripstine Tyn said...

Hay qua nhabaoteen oii ^^!

Kripstine Tyn said...

Oh my god ...hay qua' chu' oi ^^!