Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 21, 2024

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (Kỳ 10) - Trương Ngọc Bỉnh

 

Giáo sư Lê Quang Thái


NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

Trương Ngọc Bỉnh

Cựu học sinh, Trường Trung học Hải Lăng,

Khóa 5, 1964 - 1968

 

PHẦN 10:

 

Xin được mến mộ gửi gắm mấy dòng cảm nhận về cố giáo sư Lê Quang Thái, một trong những vị giáo sư đã đồng hành cùng trường Trung học Công Lập Hải Lăng từ những năm đầu trường mới hình thành.

    Tôi phải khẳng định chắc nịch rằng “Thầy là một giáo sư đa hệ!”. Ngoài việc giảng dạy bộ môn chính là Việt Văn (gồm 2 phân môn: Cổ văn và Kim văn), Thầy còn “bao lô” các môn khoa học, xã hội và tự nhiên (Lịch sử, Địa lý, Công dân, Toán) ở các lớp đầu cấp. Ở lớp tôi, Thầy cũng đã được phân công dạy mấy giờ “Hán tự nhập môn” đầu năm Đệ thất, nhưng sau đó đã bị loại khỏi chương trình vì không phù hợp với xu thế. Dù học được mấy giờ, nhưng tôi vẫn còn nhớ kỹ phương pháp Thầy hướng dẫn tự viết các nét của Hán tự: nét ngang, nét sổ, nét phải trái, nét chấm, nét mũi mác…

    Thầy sống rất giản dị - phải nói là rất bình dị nhưng không vì thế mà làm giảm đi tác phong, tư cách của một Thầy giáo cả khi lên lớp cũng như lúc sinh hoạt ở nhà trọ. Hiếm khi chúng tôi thấy Thầy mang một đôi giày da tươm tất để lên lớp qua bao mùa mưa nắng như các Thầy trong trường! Sở trường của Thầy là những đôi dép nhựa (sandal) có quai sau, trong suốt như dép Tiền phong (Hải Phòng) sau 1975.

     Rồi mỗi sáng sớm, mỗi giờ học của Thầy, tổ trực nhật phải chuẩn bị một “món quà” trước lớp, đó là bó cành roi dương liễu để hành xử, răn đe các cô cậu nhác, lười soạn bài, không thuộc bài hoặc nghịch ngợm dù khi Thầy ở vị trí giáo sư bộ môn cũng như giáo sư hướng dẫn.

    Những tháng ngày tập tểnh “tân binh” đầu cấp ấy rồi cũng thoáng qua mau… Đến năm lớp Đệ lục, nhân cách dần phát triển, việc tự giác và ý thức học tập được nâng cao, các mối quan hệ Thầy - Trò, bạn bè bắt đầu dè chừng, đi vào chuẩn mực hơn.

    Vốn sinh ra ở vùng quê, lớn lên bước ra trường tỉnh, nên Thầy Lê Quang Thái rất thấu hiểu một cách chân tình cho đám học trò nghèo mà hiếu học của vùng trũng lúa nước của quận Hải Lăng, được đỗ đạt để bước chân vào trường công lập. Với cơm đùm gạo bới, ăn nhờ ở đậu, sáng sớm cuốc bộ hoặc họa hoằn may mắn con nhà hơi khá có xe đạp, đạp từ các làng xã cách xa >15<cây số để mong kiếm con chữ cho cái thân mai sau. Mặc cho mưa rét, nắng gió, bão lũ …, thách thức cũng như cuộc chiến xảy ra ngày càng ác liệt trên quê hương.

    Thầy Lê Quang Thái không chỉ là một tấm gương sáng về phong cách sống: giản dị, thực tế, thẳng thắn, tôn trọng sự thật mà còn là một tấm gương tự học, tự nghiên cứu cho các thế hệ học sinh chúng tôi noi theo.

    Thầy có trí nhớ phải nói là vượt trội như một quyển từ điển sống để nghe lại và “tra cứu” về nhiều nhân vật, biến cố lịch sử; xâu chuỗi có hệ thống lô gích về ngày tháng, niên đại, địa điểm… mà Thầy đã chứng kiến. Những sự kiện này đã cuốn hút tôi vào chuyện kể của Thầy! Tôi nghĩ không còn ai ngoài tầm kiến thức uyên bác như Thầy để mà tranh thủ “tham khảo”!.

    “Thầy như con tằm mãi miết nhả tơ, dệt nên những tấm lụa đẹp và hữu ích cho đời. Thầy luôn tôn trọng sự thật, mang tính nhân văn, không hề có thiên kiến, ác ý với cá nhân nào!” (Điếu văn Ban liên lạc Nguyễn Hoàng - Quảng Trị tại Sài Gòn ngày 28-10-2020, trước lúc gia đình di quan Thầy về với đất Huế.)

    Sau khi lần lượt tốt nghiệp, rời các cấp trường học: Trung học Hải Lăng, Trung học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), tôi lại có duyên gặp lại Thầy cũ: Thầy Lê Quang Thái- là giáo sư được Bộ giáo dục bổ nhiệm giảng dạy bộ môn giáo dục cộng đồng của khóa 2, cuối cấp năm học 1971-1972 của chúng tôi tại trường Sư phạm Huế.

    Chúng tối đã tìm tòi và đọc được lời tựa của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, người đã được phép dầy công tập hợp những bài biên khảo, nghiên cứu Thầy Lê Quang Thái để ấn bản tập sách: “Khảo luận về miền Thuận – Hóa”, trong đó có những lời giới thiệu về Thầy: “Từng giảng dạy tại trường Trung học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Trường PTTH Hai Bà Trưng (Huế)” thì bản thân tôi làm gì có được những cảm xúc và kỷ niệm sâu lắng về Thầy! Sau ngày 30/04/1975 và đất nước đã hòa bình thống nhất, nhưng Thầy trò chúng tôi tan tác lạc đàn như sau cơn bão giông, chồng chất những lo toan và khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là điều hiển nhiên của một đất nước vừa trải qua cuộc chiến ý thức hệ: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước!

    Bẵng đi một thời gian sau 1975, Thầy không tiếp tục sự nghiệp dạy học phổ thông nữa mà chuyển sang một ngã rẽ mới: viết báo, nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Phật giáo. Thầy đã từng cộng tác với các tạp chí Cửa việt, Giác ngộ, Sông Hương, Trung tâm Văn hóa Liễu Quán tại Huế. Ngoài những công việc nêu trên, Thầy được mời thỉnh giảng tại Trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế và được Giáo hội Phật giáoThừa Thiên Huế ủy nhiệm việc nghiên cứu về lịch sử và sự phát triển của Phật giáo miền Trung.

    Có ai hiểu thấu tâm trạng những ngày giao thời giữa 2 chế độ mà những vị giáo sư, tiến sĩ, cao học … của chế độ cũ đã ra “đầu phố, cuối chợ” để kiếm sống qua ngày: sửa, vá, bơm xe đạp, đạp xe ôm hoặc bươn chải với chiếc xe đạp cà tàng, thầm lặng đi giao hàng tận hang cùng ngõ hẽm của thành phố. Trong lúc thấp thỏm chờ thanh lọc, học tập đường lối chính sách để ước mong được xét lưu dung, lưu dụng, được hội nhập vào luồng gió mới, góp phần còn lại của năng lực trí tuệ đối với đất nước.

    Hồi còn học với Thầy Lê Quang Thái ở Trung học Hải Lăng, có năm Thầy phụ trách giáo sư hướng dẫn, khi biết Thầy không có giờ dạy, chúng tôi “Top 5 của lớp” thường đến nhà trọ của Thầy - đối diện hơi chếch với UBHC xã Hải Thọ (trước 1968). Khoảng cách giữa Thầy và chúng tôi được rút ngắn, Thầy trò lại thấm hiểu nhau hơn, gắn bó sâu đậu. Những câu nói mộc mạc chơn chất động viên của Thầy từ ngày ấy đã gieo niềm tin vào lứa tuổi học trò của chúng tôi: “Khi đứng trước đám đông thuyết trình thì xem họ ở dưới như đất cày!"

    Tôi còn nhớ vào hồi hình như lớp Đệ lục với Thầy. Thầy đã giao cho tổ 2 của tôi thuyết trình đề tài cổ văn, bài “Tú Uyên và Giáng kiều”. Tôi là thuyết trình viên, bạn Phan Khắc Vỵ - tổ trưởng chủ trì. Cả 2 lên ngồi ở vị trí bàn giáo viên. Thầy Thái ngồi ở dưới lớp làm cố vấn. Cả lớp theo dõi và đặt vấn đề, thuyết trình viên cùng chủ trì giải đáp. Thầy bổ sung, mở rộng và đúc kết bài học. Ngày ấy mà Thầy đã có những sáng tạo về phương pháp, phá rào lối dạy từ chương “Thầy giảng, trò chép”.

    Qua các giờ thuyết trình, lớp học chuẩn bị trước bài học chu đáo, lớp hoạt động sôi nổi, kiến thức được khắc sâu, học sinh mạnh dạn xây đựng bài học.

    Hằng năm, mùa Vu Lan hiếu hạnh lại trở về. Tôi chạnh lòng nhớ đến một bài thơ ca ngợi tình mẹ, tình mẫu tử hơn cả trăm ngàn lần bài học đạo đức, luân lý. Xin được trích đăng mấy khổ trong bài Khói Trắng của nhà thơ Kiên Giang mà Thầy Thái đã gieo vào tâm hồn chúng tôi ngày ấy:

 

    “Hương cau thơm phức ngôi sao mẹ
    Thơm ngát mái nhà, thơm áo cơm
    Con thở trong mùi thơm bát ngát
    Thịt da mái tóc quyện mùi thơm

    Nước mắt chảy xuôi ... tình mẫu tử
    Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi
    Mẹ đem cái chết làm nên sống
    Nước mắt một dòng ... vẫn chảy xuôi

    Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại
    Con đau rên siết mẹ sầu lo
    Bán đôi bông cưới mua thang thuốc
    Mua bánh tai heo, giấy học trò

    Đêm nào con khóc đòi ru ngủ
    Mẹ thức mỏi mòn: nhịp võng đưa
    Thân lạnh nằm khoanh lòng mẹ ấm
    Mẹ ơi ! Con lớn giữa niềm ru

    Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó
    Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy
    Đau đớn ... không hề rên siết khẽ
    Sợ con nghe tiếng mà buồn lây

    Nói làm sao hết mẹ hiền ơi !
    Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
    Mẹ lấy bụi đời làm phấn sáp
    Che dù trời nắng, đội mưa rơi

    Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ
    Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
    Khói trắng lên trời như tóc bạc
    Con ngỡ khói tóc quyện mây Tần.”

    …………………………………

    Sau 20 năm thuyên chuyển công tác và định cư cuối dãi đất miền Trung, Trung bộ, tôi mới trở về thăm quê (1981 – 2001). Thời gian cũng khá dài, cuộc sống nơi xứ người rất khó khăn. Nỗi nhớ quê, nhớ người thân ... có thể ví bằng nỗi nhớ của các cụ ra đi tập kết sau Hiệp định Genève 1954 và mãi mùa xuân 1975 mới hồi kết vào thăm quê hương. Những cuộc gặp gỡ rồi chia tay giữa người xa quê với bạn bè đã để lại nhiều kỷ niệm khó phai. Đặc biệt là đêm hội ngộ bè bạn Hải Lăng tại nhà bạn Dương Thí (Thi) ở phe Nhất, Diên Sanh. Đêm đó có cả Phước (Đà Nẵng), Thị Mỹ, Ngọc, Thanh, Gái …

    Do xa quê quá lâu, từ lúc chuyển công tác vào Nam (1981), bạn bè chẳng có tin tức về tôi, qua 20 năm mới về quê. Bích Ngọc lại tâm sự: “Tụi tau tưởng mi đã chết nên lập bàn thờ mỗi lần họp mặt!” (để nói về tôi)... Đêm dài nhưng tâm sự tình cảm vẫn không vơi để rồi sáng hôm sau, các bạn thổ địa bố trí xe máy vòng vèo lên thị trấn Hải Lăng ăn cháo vạc giường, rồi trở về Trung Đơn (Hải Thành) để thăm giáo sư Hoàng Thị Chanh. Cô giáo cũ Anh văn, Vạn vật của trường Trung học Hải Lăng.

    Trên đường về Phú Lộc (quê ngoại của các con tôi), ngang qua Huế, tôi đã nhớ như in số nhà 11/9 phố Nguyễn Trường Tộ, Tp.Huế để ghé thăm thầy Lê Quang Thái và cô Lê Thị Tránh. Qua vấn an sức khỏe thầy cô, Thầy bỗng dưng đi lên gác và đem xuống một quyển tạp chí Sông Hương để tặng tôi với mấy dòng chữ ngay đầu bài viết của Thầy: “Bể dâu mà không bể đâu anh!” Bút tích của Thầy và tạp chí vẫn còn đây mà Thầy đã đi xa 4 năm thật rồi” (27/10/2020 – 27/10/2024)

    Thầy ghi: Thân tặng

    Anh chị Trương Ngọc Bỉnh

    Và các cháu – để nhớ mãi chất Quảng Trị

    17/07/01

    (Ký tên)

    (Tạp chí Sông Hương số 149-7-2001), trang 9.)

    Qua bài này, tôi (người viết) đề nghị Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đính chính lại đề bài như ý của Thầy chứ không phải “Bể dâu mà không dâu bể đâu anh” mà Tiến sĩ đã giới thiệu ở cuối chủ đề 2 “Di tích – Danh nhân”.

    Ngoài ra, đã có một số ngày tháng, niên đại … chưa chính xác do in ấn hoặc những lý do nào khác.

    Công trình nghiên cứu, biên khảo của Thầy Lê Quang Thái được Tiến sĩ Anh Sơn sưu tập đã thắp lên một ngọn đuốc, góp một bông hoa thơm ngát trong dòng chảy văn học - văn học sử của nền văn học Việt Nam thế kỷ 21 và cho lớp lớp hậu thế học hỏi, tham khảo.

 

    Kính cẩn thắp một nén hương lòng dâng lên Thầy Lê Quang Thái đã yên nghĩ nghìn thu trên đất thần kinh.

 

    Ngày tri ân: 20-11-2024.

    Trương Ngọc Bỉnh

No comments: