Quang cảnh chợ Thuận ngày nay - Ảnh: P.X.D |
AI VỀ CHỢ THUẬN...
Ở Quảng Trị có một ngôi chợ quê nổi tiếng với tuổi đời khoảng hơn 4 trăm năm, bền bỉ băng qua thời gian với rất nhiều biến cố nhưng vẫn trường tồn cùng năm tháng, trở thành một trong những biểu tượng của quê hương dấu yêu và gắn bó.
Thạch Hãn là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, trước khi xuôi về Cửa Việt đã ghé qua Đại Lộc từ xa xưa, trổ một nhánh chảy về ngay trước ngôi chợ có tên rất hay là chợ Thuận thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Cố tác giả Phương Văn đã từng có bài viết ấn tượng về chợ Thuận, đó là bài “Chợ Thuận, xưa và nay”.
Theo ông thì sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An cũng nói rõ về ngôi chợ độc đáo này: “Ở ranh giới huyện Hải Lăng và Vũ Xương”. “Từ sông cái ở Tây Nam, một nhánh sông con chảy về, trên nhánh này là một nhịp cầu dài bắc ngang. Phía Nam cầu là lều quán bày la liệt. Nào huyện lỵ, nào thành trì hai phía Đông Tây đối mặt nhau. Cả thuỷ lẫn bộ, hai đường đều tiện lợi”.
Sau nhiều thế kỷ bể dâu, chúng tôi lần tìm về dấu xưa tích cũ của chợ Thuận ngày trước. Vẫn còn đó hói Thuận là một chi lưu của linh giang Thạch Hãn, từng là con đường thủy tấp nập thành huyết mạch giao thương của một thời vang bóng, ngày nay đã bị chia cắt nhiều đoạn, không còn có tác dụng giao thông, vận chuyển hàng hóa như thuở trước. Đã từng có lúc chợ Thuận thuộc xã Triệu Thuận, còn về sau nằm trên đất làng Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong.
Chợ Thuận bây giờ cách không xa chợ cũ, mới được 10 năm. Một chợ quê đặc trưng với hàng hóa phong phú là những sản vật gần xa của địa phương; Nông sản thì có rau quả, lúa gạo, lợn gà. Cá thì ở nam Cửa Việt đưa lên, người Đại Lộc, cả thành phố Đông Hà cũng về đây mua bán từ khi trời chưa tỏ mặt người. Rồi thì chăn màn, áo quần, các vật dụng cần thiết của đời sống và sinh hoạt hằng ngày đều có cả. Nghĩa là những nhu cầu thiết yếu nhất của con người, đặc biệt là là dân quê đều được đáp ứng kịp thời và thuận tiện. Anh Nguyễn Minh Vương, người làng Đại Hào, nơi có chợ Thuận tọa lạc, cũng là cán bộ địa phương, cho biết: “Dân địa phương rất gắn bó với ngôi chợ này, coi như một địa chỉ thân thiết của bà con”.
Chợ quê không sang trọng, hào nhoáng như nhiều ngôi chợ phố hiện đại khác mà bình dị, gần gũi, lam lũ đời thường, có cả sự chân quê, nhọc nhằn trong bàn tay, ánh mắt, nụ cười, tiếng nói nhưng hồn cốt hương thôn thì đậm đà, da diết, không lẫn vào đâu được. Những hàng hóa, gánh gồng, thúng mủng, quầy hàng cứ bày ra mộc mạc như tấm lòng người dân quê vốn quen ăn nói thật thà, một nắng hai sương, dẫu có ra chợ làm tiểu thương thì thường cũng lấy công làm lãi, mua chín bán mười, trông mua may bán đắt mà kiếm đồng lời nặng trĩu mồ hôi. Bà Nguyễn Thị Hường, tiểu thương chợ Thuận tâm tình: “Bà con, nhất là phụ nữ mua bán rất thích đến chợ ni, không đi vài ngày là nhớ”.
Chợ quê đã hơn 4 thế kỷ và tên chợ cũng không hề thay đổi qua vô vàn những đổi thay không kể xiết. Biết bao thế hệ người gần, người xa đã gắn bó với ngôi chợ thân quen, biết bao lớp người đã buồn vui với ngôi chợ quê kiểng mà nức tiếng gần xa. Nhiều đời người đã trôi qua, đến và đi, bán và mua ở ngôi chợ Thuận.
Đến chợ không chỉ là nhu cầu bán mua mà còn là mối giao lưu tình cảm, là những trao gởi của tấm lòng chân quê đối với bà con quen biết, với làng xóm, họ hàng. Đến chợ để người già ôn lại chuyện xưa, nao lòng với những kỷ niệm thời son trẻ, còn những người tóc xanh phơi phới thì đang dự cảm với tương lai. Vì vậy chợ cũng là một phần đời sống máu thịt của bà con, là ngôi nhà thứ hai của rất nhiều người khi mỗi ngày đi qua và trải dài theo năm tháng cuộc đời. Và ngôi chợ vẫn hiện hữu, trường tồn như sức sống mãnh liệt và bền chặt của quê nhà thương nhớ.
Làng Đại Hào và ngôi chợ Thuận như là chứng chỉ thời gian còn lưu lại qua nhiều biến cải. Tất cả rồi sẽ trôi qua theo năm tháng, những gì còn đọng lại là ký ức quê nhà, là những sớm mai của xóm làng, là những buổi chợ thức khuya dậy sớm. Mỗi ngày mới đang đến và qua đi cũng là một ngày mà chợ đắp bồi thêm tình cảm và ký ức của những cuộc đời.
Rồi những gì ý nghĩa nhất sẽ trở thành gia tài tinh thần quý giá, thành sự nâng đỡ tâm hồn vào những phút lòng nghe xao động, sẽ trở thành hành trang quý giá cho mỗi đời người cần lao, đã lặng lẽ sống, vui buồn và cống hiến trong cuộc đời này. Đó là hết thảy những gì còn rung động trong huyết quản những người nặng nghĩa với quê hương.
Phạm Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment