Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 12, 2024

SỰ TÍCH VỀ MỐC GIỚI VÀ CHUYỆN NHƯỢNG ĐẤT Ở MỘT SỐ LÀNG XÃ NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ - Nguyễn Cường

SỰ TÍCH VỀ MỐC GIỚI VÀ CHUYỆN NHƯỢNG ĐẤT 

Ở MỘT SỐ LÀNG XÃ NGƯỜI VIỆT QUẢNG TRỊ

Nguyễn Cường


Trong diễn trình lịch sử xã hội thì mỗi địa dư, mỗi vùng đất đều có một quá trình hình thành, tồn tại, phát triển và dải đất miền Trung trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng không nằm ngoài quy luật của sự vận động đó. Từ buổi sơ khai đi mở cỏi, đấu tranh, giành giật cương vực lãnh thổ cho đến khi định hình xóm làng phường hiệu là cả một chặng đường dài dẵng. Song hành với sự ra đời của làng xã người Việt ở vùng đất này là việc phân định ranh giới hay cắt/nhượng đất (vì một lý do nào đó) giữa các làng/xã. Để lý giải về việc phân định, chuyển nhượng đất, trong dân gian đã hình thành nên những chuyện tích mang tính giai thoại (huyền tích) và có tính thiêng - đó là nét đặc trưng tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa dân gian của người Việt nơi đây.

Những câu chuyện mang dấu ấn về truyền thuyết khai canh lập làng và qua đó cũng cho chúng ta biết được rằng: việc tổ chức đời sống trong buổi đầu phải va chạm với bao nhiều quan hệ phức tạp như tranh giành đất đai, xác lập mốc giới... Thể hiện những vấn đề này, một số mô típ câu chuyện đã xuất hiện như Sự tích Cồn Giới làng An Hưng (Triệu Tài, Triệu Phong), Sự tích Bà Càng làng Hưng Nhơn (Hải Hòa, Hải Lăng), Sự tích Miếu Quán làng Đồng Bào (Triệu Sơn, Triệu Phong),...  Khởi thủy, dân cư còn ít, trong khi ruộng đất nhiều và tốt, dần dần dân số ngày một đông, đòi hỏi việc phân bố đất đai cho hợp lý hơn. Vì thế, việc nhượng đất, đổi ruộng giữa các làng, các vị thủy tổ khai canh được xây bằng những câu chuyện thực hư là điều dễ hiểu. Càng về sau, tính chất của việc phân định ranh giới, chuyển nhượng, chia cắt đất thực tế không còn đơn giản, lắm khi đã xảy ra xung đột, dẫn đến những bi kịch như Sự tích về chợ Thuận. Tuy vậy, mọi cách phân chia hay nhượng đất, dù dưới hình thức nào vẫn mang trong đó dấu ấn tinh thần dân chủ, hòa hiếu, bình đẳng với ước muốn tạo nên nột sự thống nhất, ổn định về cương vực của từng cộng đồng làng và giữa làng này với làng khác. Đó là tinh thần trọng chân lý, lẽ phải biết giữ lời hứa mà một thời xa vắng, trong mong manh của cuộc sống, cha ông ta đã dùng nó như một thứ quy ước pháp chế về công lý để giữ kỳ cương cho xã hội.

  Trong giới hạn của một bài viết mang tính lược khảo, chúng tôi xin nêu ra một số mẫu chuyện mang tính điển hình để những ai quan tâm đến vấn đề này cùng chia sẽ và ngẫm suy.

  1. Sự tích chợ Thuận

Chợ Thuận xưa vốn là ngôi chợ sầm uất có tiếng trong vùng thuộc hai huyện Vũ/Đăng Xương (nay là Triệu Phong) và Hải Lăng. Chợ nằm bên hói Thuận - một chi lưu của sông Thạch Hãn. Hai bên quán xá chi chít, người đi chợ từ các ngã trong vùng đổ về chợ Thuận để buôn bán rất tấp nập. Trải qua năm tháng, vật đổi sao dời, chợ Thuận ngày nay không để lại vết tích gì về một thời xa vắng.

Tương truyền, nguyên thủy chợ Thuận nhóm họp trên địa phận của hai làng Đại Hào và Võ Thuận. Thời ấy sự tranh giành giữa hai làng thường xuyên xảy ra. Chợ thuộc làng nào thì làng ấy nhờ được phúc lộc. Vì thế sự tranh giành lắm lúc đã dẫn đến đổ máu. Rồi lại đưa nhau đi kiện, đã nhiều lần quan huyện, tỉnh đứng ra dàn hòa, yên ổn, vì xem ra làng nào cũng có lý cả. Nhưng chỉ yên ổn được một vài hôm thì cuộc tranh chấp lại xảy ra. Lần ấy, quan đứng đầu tỉnh đã nghĩ ra một kế nhằm dẹp yên sự việc, kẻo tai tiếng lại đồn khắp nơi. Hai làng được mời đến, trước sự chứng kiến của nhiều quan chức, hai làng buộc phải chấp nhận cuộc thi: trong một ngày nếu làng nào dựng xong đình trước thì chợ thuộc về làng đó. Thế là ngay hôm ấy, cả hai làng hối hả bắt tay vào cuộc thi. Đâu đâu cũng nghe tiếng đẽo, tiếng đục chan chát. Bấy giờ, ở làng Đại Hào có một nhà giàu đa mưu túc trí, biết là không thể địch nỗi với một làng hùng hậu về nhân tài và vật lực như Võ Thuận, bèn mời các chức sắc đến mà bàn tính. Đêm ấy, ngôi nhà rường 5 gian của phú ông được dân làng Đại Hào cấp tốc tháo ra, đưa đến dựng ngay giữa chợ. Đến canh tư, canh năm thì mọi việc hoàn tất. Sáng ra, cả làng Võ Thuận ngao ngán đứng nhìn ngôi đình của làng Đại Hào đã sừng sững giữa chợ. Theo giao kèo, chợ Thuận thuộc làng Đại Hào, kể từ đó, chợ ngày một yên ổn và sầm uất hơn 1.

 

Làng Hưng Nhơn

 
2. Sự tích Bà Càng làng Hưng Nhơn (Hải Hòa, Hải Lăng)

Chuyện kể rằng: ngày xưa, đất đai là nguyên nhân chính của hiện tượng tranh chấp, kiện tụng giữa các làng, trong quá trình khai hoang lập làng và trong các triều đại phong kiến thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp đất đai giữa hai làng An Thơ và Hưng Nhơn đến mức độ căng thẳng không thể giải quyết nội bộ và phải trình lên quan huyện. Quan huyện đã phân giải bằng cách chỉ vào trống đá và lệnh rằng; viên đá kia nặng là vậy, nhưng nếu ai bưng nổi và di dời đến vị trí nào thì mốc giới xác định tại vị trí đó. Bà lão/con dân trong làng xin bưng trước, mọi người lo thấp thỏm, liệu bà có khả năng bưng nổi không. Nhưng rồi mọi người thở phào nhẹ nhỏm, viên đá đã bưng đi được 10 bước thì bà dừng lại, do viên đá vừa to vừa nặng cọ xát vào lưng làm váy bật tung ra. Hoảng quá, bà đành thả đá để chỉnh váy lại, và nơi đó thành mốc giới địa phận làng An Nhơn.

Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn bà, cộng đồng làng Hưng Nhơn đã lập miếu để phụng thờ tại khu đất đó và trống đá do bà bưng được thờ tại đây; bên cạnh đó, cứ 3 năm một lần làng tổ chức hội thi bưng Trống Đá để chứng tỏ sức khỏe của con dân trong làng 1.

3. Sự tích Miếu Quán làng Đồng Bào (Triệu Sơn, Triệu Phong)

Trong cộng đồng làng Đồng Bào truyền nhau một chuyện tích rằng: ngày ấy, bà cụ bán quán là một người sống phúc hậu, góa chồng từ trẻ. Mua bán, hễ ai thiếu tiền, bà vẫn vui lòng cho chịu nợ. Dẫu vậy, cũng chưa có ai quỵt nợ bà bao giờ. Hôm ấy, có ông quan ở làng bên sang chơi. Quan là người giàu có trong vùng, ruộng đất bát ngát, không sao nhớ hết. Thấy cảnh vui vui, quan ghé vào quán nghỉ ngơi. Ban đầu gọi một ít qùa để ăn, sau thấy ngon miệng nên quan cứ gọi mãi đến no căng mới đứng dậy. Rủi thay tiền mang theo không đủ, quan ông xin khất nợ. Bẵng đi một thời gian khá lâu, món nợ bị lãng quên. Lãi mẹ đẻ ra lãi con, chồng chất ngày một lớn, đến khi nhớ ra thì quan ông không lấy đâu ra tiền mà trả. Cực chặng đã, quan đành tính chuyện cắt đất để trả nợ. Nhưng tính lại, tiếc của, quan mới nghĩ ra một kế bèn bảo: Chẳng qua nợ mà phải trả. Nay không đủ tiền, vậy xin cắt đất để trả nợ. Nói rồi lại chỉ vào tảng đá, ước chừng một người trai trẻ vác nặng mà tiếp - Mụ vác tảng đá này, đi về phía đất tôi. Lúc nào mệt thả xuống thì lấy đó làm mốc mà cắt. Lệnh quan nên không có ai dám cãi. Giao kèo xong, sáng hôm sau, trước sự chứng kiến của các chức sắc trong làng, bà lão khệ nệ ôm hòn đá trước bụng, lần đi từng bước. Chẳng may, hòn đá vừa to vừa nặng cọ xát vào lưng bà làm váy bật tung ra. Hoảng quá, bà lão thả đá để giơ tay giữ lấy váy. Dù rằng quãng đường đi chưa được bao nhiêu, nhưng theo giao kèo, quan thượng vẫn cắt đất ngang đấy để giao cho bà. Sau khi qua đời, nhớ ơn bà lão đã có công nới thêm đất, làng Đồng Bào lập miếu thờ. Lâu dần chẳng ai nhớ tên bà lão mà chỉ gọi là Mụ Quán. Vì thế mà gọi luôn cả miếu ấy là miếu Quán 1.

4. Sự tích Cồn Giới làng An Hưng (Triệu Tài, Triệu Phong)

Làng An Hưng (xã Triệu Tài) và làng Phương Sơn (xã Triệu Sơn) là hai làng nằm liền kề nhau, ruộng của làng Phương Sơn kéo dài đến giáp An Hưng. Ngày trước, giữa hai làng có xảy ra việc chia cắt đất khá kỳ lạ. Không rõ thực hư thế nào, chỉ biết trong dân gian truyền nhau câu chuyện rằng: ngày ấy, ở làng An Hưng có một bà lão nghèo, góa chồng, phúc hậu, sống bằng nghề bán hàng bánh, cháo. Quán lại nằm gần ruộng của làng Phương Sơn, vì thế mà khách hàng chủ yếu là người Phương Sơn. Ngày mùa hay lúc rỗi rãi, trai cày làng ấy thường rủ nhau la cà vào quán ăn uống và thường là chịu nợ. Cứ đến mùa thu hoạch, thiếu bao nhiêu được trả sòng phẳng.

            Vào một năm, trời hạn hán, bị mất mùa nặng, dân phải đi đào củ, hái rau để ăn. Lúc này, trai làng Phương Sơn bí nước, không biết lấy gì để trả nợ, nhưng quỵt thì không được, vì sợ bà cụ sẽ la toáng lên thì còn mặt mũi đâu nữa. Nợ năm nay không trả thì sang năm lại khó lòng gỡ. Bỗng có người hiến kế: Tốt nhất là cắt ruộng để trả nợ. Không còn cách nào khác, bà lão đành chấp thuận. Thế nhưng khách nợ ra điều kiện khá kỳ cục rằng: bà cụ phải ném chiếc đũa bếp từ quán về phía đất của làng Phương Sơn, đũa rơi ở vị trí nào thì cắt đất đến chổ đó. Nghĩ rằng sức bà lão chẵng ném được bao xa nên nhóm trai làng Phương Sơn hý hửng ra mặt, bà lão lấy hết sức ném chiếc đũa về phía trước. Ai ngờ chiếc đũa bay vút lên không, quay mấy vòng rồi lao vút về tận cuối làng Phương Sơn, cả bọn há hốc miệng nhìn theo, hoảng hốt, không khéo phen này lại mất sạch ruộng như chơi. May thay, chiếc đũa rơi trúng vào lưới của ông lão đang đánh cá. Tiện tay nhặt lên, ông lão vô tình ném chiếc đũa về phía làng An Hưng. Thế là chiếc đũa rơi đúng vào khoảng đất giữa hai làng, theo giao kèo, chổ đất đó được cắt cho bà lão. Vì già yếu, không có con cái, là lão đã cúng lại cho làng để về sau còn nhờ lo việc hương khói. Lâu dần, phần đất ấy được đùn lên thành gò, người ta gọi đó là Cồn Giới 2.

 

5. Sự tích về mốc giới làng Cẩm Phổ (Gio Mỹ, Gio Linh)

            Trong cộng đồng làng Cẩm Phổ ngày này vẫn còn truyền nhau một huyền tích răng: ngày xưa Cẩm Phổ và An Mỹ thường xuyên xảy ra tranh chấp về ranh giới giữa 2 làng, cuộc tranh chấp kèo dài từ năm này sang năm khác, nhưng không bên nào chịu nhường bên nào. Vào thời ấy, có bà Lê Thị Lụa (dân gian gọi là bà Ngò) - một người con của làng Cẩm Phổ sang lấy chồng ở làng An Mỹ. Trong một lần bà đi chợ về, thấy người dân làng An Mỹ đang dời mốc giới lấn về phía đất của làng Cẩm Phổ, bà liền cầm/ nhấc tảng đá nằm bên đường đi về phía làng An Mỹ, đi được chừng 500m thì bà đặt tảng đá xuống nghỉ, nhưng khi nhấc lên để đi tiếp thì không thể nhấc nổi. Từ đó về sau nhân dân Cẩm Phổ và An Mỹ lấy tảng đó làm mốc giới giữa hai làng và không còn xảy ra tranh chấp về đất đai nữa. Trên tảng đá có những dấu vết giống hình năm ngón tay khi nắm vào tảng đá và người dân xem đó là dấu tích năm ngón tay của bà Lụa. Để tưởng nhớ công đức của bà, người dân làng Cẩm Phổ đã lập đàn thờ ở gần vị trí mốc giới giữa làng Cẩm Phổ và An Mỹ 1.

            Vài lời tạm kết

            Trên đây là một số chuyện tích xoay quanh vấn đề chia cắt đất đai và phân định mốc/ranh giới giữa các làng xã. Các cốt chuyện thể hiện theo hai mô típ: Một mô típ được phản ánh dưới dạng là các cuộc thi thố tài năng, như sự tích về chợ Thuận (Đại Hào, Triệu Đại, Triệu Phong), Sự tích Bà Càng làng Hưng Nhơn (Hải Hòa, Hải Lăng) và mô típ phản ánh hình thức mở rộng đất đai thông qua việc thu nợ của những người ký nợ vì ăn uống mà không có tiền để trả buộc phải gán đất để trừ, như Sự tích Cồn Giới làng An Hưng (Triệu Tài, Triệu Phong), Sự tích Miếu Quán làng Đồng Bào (Triệu Sơn, Triệu Phong)...

            Do đặc thù về mặt lịch sử xã hội của vùng đất Thuận Hóa nói chung và Quảng Trị nói riêng, nên các cách phân chia, chuyển nhượng quyền sở hữa đất đai đều mang tinh thần hòa hiếu, bình đẳng, dân chủ và đó là văn hóa ứng xử của các cộng đồng làng/xã trên vùng đất này. Chính vì thế, các chuyện tích phản ánh về chuyển quyền, phận định ranh giới đất đai ở các làng/xã là những chuyện mang tính truyền thuyết vừa hư, vừa thực. Nhân vật chính trong chuyện tích được huyền thoại và thiêng hóa, và trở thành đối tượng thờ phụng vì ít nhiều đã có công lao trong quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng làng/xã.

Những câu chuyện thường kể về các thế hệ đầu tiên khai canh ra các làng xã người Việt, trong đó, ít hoặc tránh không nói rõ thành phần người Chăm hay Việt trong các cuộc chuyển nhượng, nhưng đằng sau các sự việc, tình tiết của câu chuyện đều gián tiếp đề cập đến mối quan hệ giữa hai dân tộc Chăm - Việt 2.

Chúng tôi thiết nghĩ, cần phải tiến hành nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện về các sự/chuyện tích liên quan đến tính thiêng trong văn hóa dân gian của các cộng đồng làng xã, để từ đó đề ra những biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa một cách phù hợp trong đời sống hiện nay; mặt khác, trong quá trình phục hồi những lễ hội, hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống, cũng như cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, cần bổ sung tính thiêng để tạo nên sức sống bền chặt từ sự hưởng ứng của cộng đồng làng xã. Để làm được điều này, cần khơi gợi những sự tích đã tồn tại, gắn chặt với tên đất, tên làng là rất cần thiết, bởi đó là những huyền tích thiêng liêng vốn là cội rễ của vấn đề./.

Nguyễn Cường                                                                                               

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Thị Ái Hoa. Trống đá - Miếu Bà Giàng và lệ Thành Đinh ở làng Hưng Nhơn (Hải Hòa, Hải Lăng). Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá - Thông tin tại Huế, số tháng 3/2005, trang 94-104.

2. Hồ Quốc Hùng. Văn học dân gian Triệu Hải. Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản năm 1988.

3. Lê Đức Thọ. Văn hóa Chămpa Di tích và huyền thoại (tỉnh Quảng Trị). Nxb Thuận Hóa Huế. 2012.

 


1 Hồ Quốc Hùng. Văn học dân gian Triệu Hải. Sở Văn hóa - Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản năm 1988, trang 33-34.

1 - Theo người dân địa phương, sự ra đời của hội thi bưng Trống Đá làng Hưng Nhơn liên quan đến sự tích của Bà Càng, một vị thần được thờ tại miếu bà Giàng. Miếu được tọa lạc trên một cánh đồng, gần đường ranh giới ruộng đất giữa làng An Thơ và Hưng Nhơn, thuộc địa phận xóm Càng. Bên trong miếu, chính ngay gian giữa có thờ hòn đá, tức “Trống Đá”. Nguyên trước đây “Trống đá” được thờ giữa bức bình phong và miếu thờ của Bà. Nhìn tổng thể, “Trống đá” có dạng trống cơm, thuộc loại đá sa thạch, nặng trên 100kg, đường kính 40cm, cao 26cm. Hiện nay trống được dân làng cất giữ tại đình làng.

     Hội thi bưng trống đá làng Hưng Nhơn là một trò chơi dân gian, qua hội thi thể hiện sức khỏe, sự dẻo dai và khéo léo của thanh niên trong làng Hưng Nhơn. Hình tượng trống đá là biểu trưng của hội thi và thông qua hội thi, người dân làng Hưng Nhơn muốn gửi gắm và cầu mong về một sự sung túc no đủ trong cuộc sống, ở đây chúng ta cũng nhận thấy dấu ấn của tính phồn thực được người dân biểu đạt qua hội thi với ước vọng có một sức khỏe tốt để lao động, và đây là hình thức của tục thờ đá một tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân nông nghiệp.

  - Xem thêm: Hoàng Thị Ái Hoa. Trống đá - Miếu Bà Giàng và lệ Thành Đinh ở làng Hưng Nhơn (Hải Hòa, Hải Lăng). Thông tin Khoa học, Phân viện Nghiên cứu Văn hoá - Thông tin tại Huế, số tháng 3/2005, trang 94-104.

1+ 2 Hồ Quốc Hùng. Văn học dân gian Triệu Hải. Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản năm 1988, trang 53-54.

1 Tư liệu điền dã, tháng 6/2013.

2 Xem thêm: Lê Đức Thọ. Văn hóa Chămpa Di tích và huyền thoại (tỉnh Quảng Trị). Nxb Thuận Hóa Huế. 2012. Trang 132.

 

 Nguồn: 

Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng Tỉnh Quảng Trị

https://trungtamquanlyditichvabaotangquangtri.vn/tintuc/baiviet/su-tich-ve-moc-gioi-va-chuyen-nhuong-dat-o-mot-so-lang-xa-nguoi-viet-quang-tri/257

 

 

No comments: