Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 28, 2024

Nguyễn Xuân Sang - NHƯ TÌM THẤY BÓNG HÌNH MÌNH - Nhân đọc tập thơ: “Thôi Đành Rong Rêu” của nhà thơ Nguyễn Văn Trình

 



Trước khi chuyển công tác vào Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi làm việc tại Quảng Trị ngót nghét mười lăm năm. Ở mảnh đất nổi tiếng ấy, tôi thân quen hầu hết giới văn nghệ sĩ và cánh báo chí. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Văn Trình, tôi chưa một lần gặp mặt, chỉ thỉnh thoảng đọc anh trên tạp chí Cửa Việt và báo Quảng Trị.

Nhân Đoàn văn nghệ sĩ Quảng Trị gồm 15 người vào dự Trại viết tại Nhà Sáng tác Vũng Tàu giữa tháng 9 năm 2023, tôi mới có dịp gặp nhà thơ Nguyễn Văn Trình. Giới văn nghệ sĩ sống cởi mở, hướng ngoại cho tâm hồn thoải mái. Đã không biết thì thôi, biết rồi kết thân nhau ngay, nói cười hỉ hả, phơi hết ruột gan mình ra. Vì vậy, tôi và nhà thơ gặp nhau bởi một chữ duyên, khi tôi viết về tập thơ: “Thôi đành rong rêu” của anh cũng bởi một chữ nợ. Duyên nợ ấy có gắn kết suốt đời và mãi mãi hay không đều do duyên phận.

Đọc tập thơ: “Thôi đành rong rêu” của nhà thơ Nguyễn Văn Trình, gồm 69 bài, mang nhiều chủ đề phong phú, cấu tứ rõ ràng, xúc cảm dâng tràn: Thơ viết về cha, về mẹ, về tình yêu, về các anh hùng liệt sĩ, về cảnh sát biển, về bộ đội biên phòng, về người lính thời bình, về dòng sông quê, về biển, về bốn mùa, về nhiều loài hoa, về thế thái nhân tình, về mái trường và học sinh thân yêu… Thơ anh đầy tâm trạng, ngân rung theo từng cung bậc tình cảm.

Trước đó nhà thơ Nguyễn Văn Trình đã xuất bản 3 tập thơ riêng: “Mây trắng bên trời ” Nxb.Thuận Hóa, năm 2011; “Nắng chiêm bao” Nxb. Hội Nhà văn, năm 2019; “Bóng chiều rơi” Nxb. Hội Nhà văn, năm 2022; Và “Thôi đành rong rêu” Nxb. Thuận Hóa, năm 2024 - Đây là tập thơ thứ tư của anh. Nhà thơ Nguyễn Văn Trình vinh dự được nhận các danh hiệu: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm 2004; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục, năm 2016; Kỷ niệm chương Mặt trận Tây Nguyên B3, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, năm 2015; Giải C, giải thưởng sáng tạo Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, năm 2019 với tập thơ “ Nắng chiêm bao”.

Nghề giáo được xã hội kính trọng, tôn vinh, được ví: Như người làm vườn, như người đưa đò, như con tằm rút ruột nhả ra tơ, như ngọn nến thắp sáng tri thức, như người kỷ sư tâm hồn. Là thầy giáo dạy môn Ngữ Văn sống có thủy có chung, nên thầy giáo Nguyễn Văn Trình không quên viết thơ tặng những ngôi trường Phổ thông trung học trên quê hương mình mà anh từng đứng lớp, thể hiện sự tri ân. Tôi như tìm thấy bóng hình mình trong đó, bởi vì tôi và anh có những điểm tương đồng. Anh và tôi thời còn học cấp Ba dưới mái nhà chung rộng lớn của tỉnh Bình Trị Thiên, đều có thơ in báo. Nếu như tôi là thầy giáo dạy môn Ngữ Văn trước khi đi bộ đội: “Tổ quốc dục, tôi bồng súng ra đi/ Tháng năm biên cương ngút trời lửa đạn/ Đành xa em thơ, xa trang giáo án/ Và vầng trăng thiếu nữ giữa sân trường” (Thăm mái trường xưa) thì anh đi bộ đội thuộc đơn vị C21 trực thuộc sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân ở tỉnh Bắc Thái cũ, án ngữ một miền biên giới quan trọng của vùng Đông bắc Tổ quốc, sau đó đơn vị chuyển vào Tây Nguyên, trước khi anh làm thầy giáo dạy môn Ngữ Văn. Cả hai chúng tôi cùng cầm súng đánh đuổi bọn quân bành trướng xâm lược, bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Và một điều rất ngẫu nhiên là cả hai đều ở cùng con đường mang tên của một danh sĩ thời Nguyễn, tôi ở số chẵn 66 đường Chu Mạnh Trinh, TP Vũng Tàu, còn nhà thơ Nguyễn Văn Trình ở số lẻ 65B đường Chu Mạnh Trinh, TP Đông Hà.

Các cấp học phổ thông đều học môn Tiếng Việt, học sinh được khám phá cái hay của nhiều bài thơ, những áng văn chương có giá trị về nội dung và nghệ thuật, để nuôi dưỡng tâm hồn lành mạnh. Theo nhà phê bình văn học Nga Belinxky: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Vì vậy, trong tập thơ: “Thôi đành rong rêu”, nhà thơ Nguyễn Văn Trình với vai trò là người thầy giáo giảng dạy môn Ngữ Văn, ngoài việc truyền thụ kiến thức, tạo cảm hứng học Văn, khơi dậy niềm đam mê văn chương, mở rộng tầm hiểu biết thế giới bao la, rung cảm trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống muôn màu. Từ đó học sinh yêu môn Văn, yêu người dạy Văn, và yêu cả nghề dạy Văn. Bên cạnh đó, thầy giáo dạy Văn còn trang bị cho học sinh những kiến thức ứng xử, dạy làm người có ích, chọn con đường đi đúng đắn, vì văn học là nhân học. Nên thế mạnh trong thơ Nguyễn Văn Trình viết về nghề dạy học, với những câu thơ nồng nàn, da diết: “Tôi đã say và cháy hết mình/ Trên bục giảng với từng con chữ/ …Tôi vẫn nhớ từng trang văn trò viết/ Bài văn nào cần mực đỏ thầy phê” (Triệu Phong ngày cũ còn đây). Thầy giáo dạy Văn dạt dào cảm xúc truyền đạt kiến thức văn chương cho học sinh. Còn nhà thơ tâm hồn bay bổng thăng hoa, sáng tác nên những câu thơ có cánh. Nhưng một lúc nào đó cũng rất chi li kiểm đếm các sự kiện nổi bật của ngành giáo dục Quảng Trị diễn ra trong năm mươi năm, vượt qua bao khó khăn để gặt hái thành công về mọi mặt: “Hôm nay quả ngọt, bông sai/ Giáo dục Quảng Trị, hương nhài thơm danh” (Trồng người trên đất lửa). Với tâm hồn đa cảm của người thầy giáo làm thơ, trong một chiều trở gió, anh thơ thẩn tìm về ngôi trường cũ THPT Chế Lan Viên nhặt tìm kỷ niệm, bùi ngùi nhớ các em học sinh thuở nào, nhớ bóng phượng, gốc bàng, ghế đá, những giờ say sưa giảng bài, tưởng như còn mới nguyên hôm qua: “Ngôi trường một thuở yêu thương/ Nhớ bao kỷ niệm còn vương tháng ngày” (Nơi chốn neo hồn). Bao năm chia xa trường THPT Đông Hà, một ngày trở lại thăm, lòng ngổn ngang “giữa trăm chiều thương mến”: “Đây bục giảng nơi buồn vui tiết học/ Giọng giảng bài vẫn thao thiết say mê” (Cổ tích tâm hồn). Cả cuộc đời cần mẫn đưa “khách” sang sông, người “lái đò” khả kính gặp lại người “khách” đặc biệt ở mảnh đất phương Nam nắng ấm trời trong Nguyễn Xuân Hùng, cựu học sinh THPT Đông Hà, nay làm phó giám đốc một công ty trong khu công nghiệp Phú Mỹ, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thầy trò gặp nhau sau 27 năm trò ra trường, mừng vui khôn xiết: “Mùa hạ về, thầy nhớ ngày em đi/ Rời Quảng Trị em vào nơi Phú Mỹ”. Viết về cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu, khổ cực kể sao cho hết, hy sinh quyền lợi riêng để mở mang tri thức cho các em: “Rưng rưng con đường đến lớp/ Mến người gieo chữ vùng sâu” (Cô giáo vùng sâu). Cũng đề tài này, ngày ấy tôi có bài thơ đăng báo Quảng Trị: “…Em đi về phía thương, hướng nhớ/ Bao đôi mắt đen đàn trẻ mong chờ/ Lớp học nhỏ gối đầu con suối nhỏ/ Đêm một mình sóng sánh ánh trăng mơ/ Đám học trò ghồ ghề tuổi tác/ Thích đi săn hơn đến lớp học bài/ Bao cánh chữ như bầy chim bay lạc/ Em gọi về gây giống tương lai” (Nơi xa mặt trời mọc).

Nay tuổi ngoài “lục tuần” nhà thơ Nguyễn Văn Trình vẫn nhớ như in hình ảnh người cha với công việc đồng áng nặng nhọc, không kể nắng mưa làm ra hạt lúa, củ khoai mong con ăn học nên người: “Bóng cha cày cấy ngoài đồng/ Mình cha cặm cụi hết lòng vì con” (Bóng cha). Hình ảnh người mẹ trong thơ anh thật cảm động, vóc dáng mảnh mai nhưng gánh bao nỗi nhọc nhằn, chăm sóc dạy dỗ con cái chu toàn: “Mẹ như thân liễu mảnh mai/ Gánh bao khổ cực miệt mài nuôi con” (Mẹ).

Không có tỉnh thành nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như Quảng Trị. Mộ phần các anh mênh mang được xếp ngay hàng thẳng lối, như ngày ấy tuổi trẻ các anh háo hức hành quân ra trận. Các anh yên nghỉ dưới bóng mát đồi thông, có hoa sim tím biếc, có bông trang đỏ hồng, có khói nhang thơm bảng lảng. Cúi đầu trước anh linh liệt sĩ, nhà thơ ngậm ngùi tưởng nhớ bao đồng đội nằm lại dọc dài biên giới Việt - Trung, anh chưa có dịp ra thắp hương: “Nhớ anh, viếng mộ thắp hương/ Để rơi dòng lệ, giọt sương đầm đìa” (Chiều nghĩa trang). Người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hy sinh đành một nhẽ, nhưng giữa thời bình không tiếng súng, người lính cũng anh dũng hy sinh khi cứu dân trong cơn lũ quét điên cuồng, đất đá sạt lở từ trên đồi cao ào ào vùi lấp nhà cửa: “Lính thời bình giữa muôn vàn gian khó/ Nhiệm vụ nào rồi cũng có hy sinh” (Người lính giữa thời bình). Viết về đề tài người lính, anh ngợi ca bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các chiến sĩ Hải quân nơi tiền tiêu hải đảo xa xôi ngày đêm canh giữ từng tấc đất biên cương, từng mét vuông biển đảo cho đất nước vẹn toàn, như những bài thơ: “Sóng ngầm phía Trường sa”, “Sắc tím vùng biên”, “Những tượng đài giữ biển”, “Khát vọng người lính biển”…

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, có bốn mùa trong năm. Nhà thơ Nguyễn Văn Trình đều yêu bốn mùa, bằng những câu thơ lột tả nét đẹp đặc trưng của từng mùa: Mùa xuân ngàn hoa khoe sắc, chim hót líu lo, cánh én chao liệng giữa trời quê yên ả: “Cuối chiều cánh én bay mau/ Trời xuân chao liệng rũ nhau theo đàn” (Xuân về nắng ấm). Mùa hạ nắng nóng oi bức, hoa phượng đỏ cành, hoa cải vàng tươi, làm cho thi nhân chợt buồn vì tạm xa bục giảng: “Hạ vàng giữa chốn hương quê/ Cho thêm nhung nhớ, cho đê mê lòng” (Hạ vàng). Mùa thu khí hậu mát mẻ, từng chùm quả lúc lỉu chín vàng trên cây như mời gọi, trăng thu tròn vành vạnh treo giữa trời quê, gieo vào tâm hồn nhà thơ một chút buồn man mác: “Heo may lành lạnh thu về/ Sương giăng bàng bạc chiều quê rầu rầu” (Thu sang). Mùa đông mưa gió não nề, rét buốt tái tê, làm cho người thơ thổn thức: “Cuối đông, gió lạnh bên song/ Mưa rơi rả rích cho lòng lạnh hơn/ Chuông chùa vọng tiếng chập chờn” (Những ngày cuối đông). Tôi đồ rằng, nhà thơ ở mảnh đất “gió Lào, cát trắng” không ai viết thơ về các loài hoa nhiều như nhà thơ Nguyễn Văn Trình, vì các loài hoa ấy mang ý nghĩa rất lớn trong công việc, tình yêu và cuộc sống của anh: Hoa hướng dương, hoa cúc, hoa mười giờ, hoa trinh nữ, hoa bằng lăng, hoa hoàng lan, hoa hồ điệp, hoa hồng, hoa sim, hoa mua …Mỗi loài hoa có mỗi vẻ đẹp riêng, tôi chỉ điểm qua cái đẹp của hoa cỏ lau trong bài thơ “Lau trắng ngày đông”. Màu sắc trắng tinh khôi của bông cỏ lau mềm mại lay lay trong gió, khiến người ta khó cưỡng lại được trước vẻ đẹp của loài hoa mộc mạc này. Nhà thơ mượn hoa lau nhắc nhớ về mối tình trong trắng: “Chuyện tình ngày cũ dễ chi/ Cái thời thơ dại những gì nhớ quên” “Nhớ xưa ánh mắt, nụ cười/ Nhớ bờ lau trắng, thuở người thơ ngây”.

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình không chỉ “ngắm hoa, thưởng trà, mơ mộng”, đôi lúc thơ anh triết lý với đời, rạch ròi thật giả, ngẫm nghĩ điều được mất, để tự răn mình: “Kiếp nhân sinh”, “Có chi mô”, “Lẽ đời nông sâu”, “Đời ngắn lắm”, “Sống đâu phải”, “Chuyện thật giả”, “Rồi một ngày”, “Thế nhân”, “Tuổi xế chiều”…mong cho “Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Và những bài thơ anh viết: Về cô gái Lào, về biển, về tình yêu, về sông quê, về làng xóm…với thi pháp nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi, đi vào lòng người yêu thơ.

Trọn một đời cống hiến cho ngành giáo dục, cho học sinh thân yêu. Ngày anh rời bục gỉảng về với tổ ấm gia đình chuyên tâm làm thơ, tham gia những đợt đi thực tế sáng tác. Mấy chục năm gắn bó trường lớp, đồng nghiệp, học sinh nay trở thành dĩ vãng, anh đành chấp nhận quy luật cuộc sống để tìm niềm vui mới cho mình: “Tiếng ve nghe vọng bần thần/ Từ cây phượng đỏ, từ cành liễu thanh/ Thư sinh áo trắng ngày xanh/ Bao nhiêu kỷ niệm thôi đành rong rêu…”

(Thôi đành rong rêu).

Với khuôn khổ bài viết có hạn, tôi chỉ điểm qua những bài thơ nổi trội trong tập, gửi đến qúy đọc giả chia sẻ cùng nhà thơ Nguyễn Văn Trình. Hy vọng tập thơ: “Thôi đành rong rêu”, người yêu thơ tìm thấy những điều thú vị và sự hấp dẫn trong đó.


Vũng Tàu, ngày 25 tháng 3 năm 2024

Nhà thơ NGUYỄN XUÂN SANG

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam

Trưởng Ban Văn học, Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu

No comments: